4 tháng 5, 2013

Một bậc thầy về nghề báo

Giới thiệu: Nguyễn Vạn Phú là nhà báo, từng làm Báo VIR (Vietnam Investment Review), lớn hơn tôi 1-2 tuổi gì đó, nhưng tôi vẫn coi là bậc thầy, vì khi mình mới a b c nghề báo, anh Phú đã là người làm báo cự phách, lại cùng tòa soạn một thời gian. Hai lĩnh vực Nguyễn Vạn Phú viết rất hay là kinh tế và dịch thuật. loạt bài "Tiếng Anh trong kinh doanh" của anh rất nổi tiếng một thời, sau đó Nguyễn Ngọc Chính viết tiếp. Xin giới thiệu mấy mẩu suy tư mà Nguyễn Vạn Phú chia sẻ trên Fecebook Xe Nho NVP(NXH) 

1.
Đứng trước vấn đề biến đổi khí hậu, nếu bạn là người đứng đầu một đất nước, bạn sẽ làm gì. Thiết nghĩ, trước hết phải dựa vào các nhà khoa học, nghe họ trình bày để tìm hiểu vấn đề. Sau đó cũng dựa vào các nhà nghiên cứu, nơi sẽ đưa ra những dự báo và đi kèm những dự báo là các khuyến nghị. Cẩn thận hơn nữa sẽ yêu cầu nhóm khác kiểm chứng, đối chiếu kết quả nghiên cứu. Xong tập hợp lại thành các bài toàn với hai ba lời giải. Lời giải này đi kèm hậu quả như thế này; lời giải kia kéo theo chuyện kia (như phát triển vùng này, không xây dựng ở vùng kia; chọn cây trồng này, không chọn phát triển giống kia…).
Lúc đó vai trò của nhà lãnh đạo là đưa ra chọn lựa tối ưu sau khi cân nhắc mọi đánh đổi phải có. Nhà lãnh đạo không đủ chuyên môn để “bàn bạc thấu đáo để có những chủ trương, phương hướng đúng đắn, kịp thời” như bác Nguyễn Phú Trọng nói tại Hội nghị Trung ương 7.
Với lại, “Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu” đã được phê duyệt từ cuối năm 2011; Kịch bản biến đổi khí hậu và nước biển dâng cho Việt Nam, cập nhật năm 2012 cũng đã được xây dựng. Nay đem ra bàn lại là vì sao nhỉ?


2.

Lúc đầu tôi thắc mắc không biết vì sao chỉ trong vòng hai phút sau khi một tin vịt được tung ra từ tài khoản Twitter của hãng tin AP lại làm cho 136 tỷ đô-la chứng khoán bốc hơi. Bởi nếu nghe tin Tổng thống Obama bị thương, Nhà trắng bị nổ thì người ta phải dè chừng để kiểm chứng trước khi mua bán chứ, đâu có hãng tin nào khác bị chuyện tin vịt này, truyền hình cũng đâu có bị?
Hóa ra việc mua bán chứng khoán đã được giao phó cho máy tính, chúng phán đoán tình hình dựa vào một số giả định được lập trình trước và cứ thế tự động giao dịch với tốc độ như ánh sáng, con người không can thiệp.
Nghe như chuyện khoa học viễn tưởng.

3.

Mọi người đi vay tiền đều than, lãi suất ở nước ta cao quá. Chẳng lạ gì, từ đầu năm đến nay hầu như ngân hàng không cho vay được bao nhiêu.
Vậy, muốn tăng cho vay thì phải giảm lãi suất.
Nhưng giảm lãi suất thì người ta sợ tiền không nằm trong ngân hàng mà chảy vào ngoại tệ hay vàng. Lập luận thường thấy là vậy. Nhưng…
Ơ HAY!
Chính Ngân hàng Nhà nước đang ào ạt bán vàng ra, thu tiền về, tức là làm ngược chuyện vừa nói nên chính Ngân hàng Nhà nước là thủ phạm làm cho lãi suất không giảm được.
Ớ các nước, muốn thúc đẩy kinh tế phục hồi, ngân hàng trung ương mua trái phiếu để tung tiền ra; ở nước ta Ngân hàng Nhà nước bán vàng ra thu tiền về thì làm sao trông mong kinh tế phục hồi.

4.
Báo Tuổi Trẻ số thường và số cuối tuần đều có bài về chuyện dịch thuật. Đề tài này coi bộ vẫn nóng.
Theo tôi, có thể phân loại bản dịch thành nhiều cấp độ.
Cấp độ xuất sắc: vừa chính xác vừa giữ được văn phong tác giả.
Cấp độ trên trung bình: dịch sát, không lỗi, hiểu được.
Cấp độ dưới trung bình: không có lỗi nhưng lời văn không ra tiếng Việt, đọc khó hiểu.
Cấp độ kém: dịch sai, phạm nhiều lỗi.
Ở ba cấp độ đầu tiên thì đúng là “người ngoại đạo” không nên nhảy vào bàn làm gì bởi khó lòng thuyết phục được người khác. Ngay cả bản dịch xuất sắc gọi là giữ văn phong của tác giả thì vẫn có người bẻ lại, hiểu thế nào là văn phong của ông đó? Có bàn chăng là ở các tạp chí hay diễn đàn chuyên ngành dịch thuật.
Nhưng gặp bản dịch ở cấp độ cuối cùng thì bất kỳ ai cũng có quyền lên tiếng và phải lên tiếng chứ. Cứ để lỗi sai như thế sẽ ảnh hưởng đến biết bao người đọc. Tôi nghĩ việc chỉ ra những lỗi sai này sẽ buộc các dịch giả phải thận trọng hơn, làm việc nghiêm túc hơn và bỏ đi lối làm theo kiểu giao cho sinh viên dịch rồi mình đứng tên. Lẽ ra người dịch phải cám ơn đã có người chỉ ra chỗ sai cho mình.
Ngày xưa khi tôi làm cho tờ Vietnam Investment Review và The Saigon Times Daily (hai tờ tiếng Anh), khi nào độc giả gởi thư đến chỉ ra lỗi dùng từ sai là mình cám ơn rối rít vì có nhiều từ chuyên môn, không rành là không biết, dịch sai liền. Có nhiều từ phải đi hỏi cả chục người mới ra.
Nhân đây, kể một chuyện không liên quan lắm nhưng để thấy sai một ly là đi một dặm. Cách đây hơn 10 năm (chuyện lâu rồi nên giờ mới được phép kể), tôi trực tờ báo, biên dịch viên dịch câu, Đức là một trong những nhà đầu tư lớn nhất vào Việt Nam. (Cái thông lệ lúc đó là countries phải dùng kèm với territories nếu có liệt kê cả Đài Loan, là lãnh thổ). Không hiểu sao qua nhiều công đoạn biên tập, đọc dò, đọc duyệt, đọc so vẫn không phát hiện câu dịch bị biến thành “terrorists” (tức Đức là một trong những tay khủng bố lớn nhất…) Khỏi phải nói sáng hôm sau, ngay lúc báo ra, là một ngày kinh hoàng, không thể quên!

1 nhận xét:

  1. Nặc danh10:05 5/5/13

    Các blogger của Blog E nên học tập Nhà báo NVP, vì các anh viết Blog cũng là nhà báo, làm báo. Tổ chức Nhà báo không biên giới liệt toàn thể những người tham gia mạng xã hội đều là nhà báo.

    Trả lờiXóa

Bạn có thể nhận xét không cần là thành viên, và nên góp ý lành mạnh, trung thực. Chọn nhập vai trong danh sách phía dưới khung nhận xét.