4 tháng 5, 2013

Điện Biên Phủ - Những điều đặc biệt nhất

Muôn đời sau các thế hệ người Việt Nam sẽ còn nhắc đến chiến thắng vĩ đại Điện Biên Phủ một thời “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”. Tại đây đã xuất hiện những điều đặc biệt chưa từng có trong lịch sử chiến tranh của nhân loại. Những điều đặc biệt ấy là tiêu biểu cho nghệ thuật quân sự Việt Nam và chiến tranh nhân dân Việt Nam. Nhân kỉ niệm lần thứ 60 chiến thắng lịch sử này (7/5/1954 – 7/5/2013) Blog E xin giới thiệu với các bạn những điều đặc biệt này để làm rõ thêm sức mạnh thần kỳ của dân tộc ta một khi “ý Đảng” hợp với “lòng Dân” ghê gớm như thế nào? (BBT).

Người dân tham gia đông gấp nhiều lần quân đội
Trong lịch sử chiến tranh của thế giới chưa có một trận đánh nào mà số lượng người dân ra mặt trận đông đến như thế. Vùng núi rừng Tây Bắc rộng lớn trên 20.000 km2 dân cư thưa thớt, chỉ có 85 người trên 1 km2. Nhưng cũng đã có hàng chục vạn dân công phục vụ cho Điện Biên Phủ.
Đội quân đông nhất gồm thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến, được huy động từ hậu phương tới hàng chục vạn người và được tổ chức biên chế như quân đội. Tiểu đội, trung đội, đại đội, có phiên hiệu riêng và tên gọi riêng. Như đội quân xe đạp, đội quân sửa đường…, đặc biệt hơn cả là có “đội quân đóng cối xay”, là một đội quân rất kỳ lạ và cũng rất hy hữu.
Chỉ tính riêng đội quân xe đạp đã trên 20.000 người, chưa tính một lực lượng hùng hậu làm nhiệm vụ mở đường, vận tải vũ khí, lương thực theo 3 hướng từ biên giới phía Bắc về, từ Trung du, từ Khu 4 ngược lên, bằng đường bộ, đường sông.

Đội quân xe đạp hùng hậu trở thành vua vận tải của chiến trường
Xe đạp thời điểm 1954 là một tài sản quý, nhưng người dân sẵn sàng mang phục vụ chiến dịch, gia cố thành chiếc xe thồ hàng, làm nhiệm vụ vận tải lương thực, vũ khí, đạn dược lên chiến trường Điện Biên Phủ.
Mỗi chiếc xe đạp thồ lúc đầu chở được 100kg lương thực. Sau đó cải tiến nâng dần lên chở 200-300kg, có một dân công người tỉnh Phú Thọ chở được 352kg.
Chiếc xe đạp thồ chở được số lượng gạo gấp 10 lần so với người gánh,  trong khi đó suất ăn dọc đường chỉ tốn cho 1 người. Như vậy 1 người và 1 chiếc xe đạp bằng 100 dân công gánh gạo. Tính ra đội quân xe đạp thồ 20.000 người bằng 2 triệu dân công gánh, gùi, chưa nói khi quay vòng trở lại người ta còn có tốc độ nhanh hơn.

Máy bay Pháp tiếp tế cho quân đội Việt Nam
Ở Điện Biên Phủ, Bộ chỉ huy quân Pháp tập trung thả dù tiếp tế cho tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Họ biết rất rõ việc làm bất đắc dĩ này đã cung cấp cho quân đội Việt Nam từng ngày, số lượng bao nhiêu, những chủng loại gì: vũ khí, đạn dược, lương thực…
Biết rất rõ mà không có cách nào hạn chế, khắc phục được. Biết mà vẫn cứ phải tiếp tục làm với số lượng ngày một nhiều hơn, với thời gian không phải là 1 - 2 ngày, 1 - 2 tuần mà kéo dài suốt 34 ngày.
Pháp đã huy động 100% lực lượng không quân để tiếp tế cả ngày, cả đêm vẫn không đáp ứng cho cái dạ dày Điện Biên Phủ. Phải nhờ cả máy bay vận tải loại mới của Mỹ để thả dù tiếp tế cho Điện Biên Phủ.
Đại tướng Hoàng Văn Thái (khi đó là Tham mưu trưởng mặt trận Điện Biên Phủ) kể lại rằng: Có đến trên một phần ba đồ tiếp tế của Pháp rơi vào trận địa của quân ta, có những thứ ta đang rất cần, mà đã hết hoặc không có như: huyết thanh khô, đạn súng cối, đạn đại bác…
Giữa tháng 4, để chuẩn bị cho đánh lớn, đạn đại bác 105 ly của ta đã gần cạn, nếu không có đạn pháo thì không thể tiếp tục tấn công.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp kể: “Phải điện khẩn nhờ bạn Trung Quốc chi viện, nhưng Trung Quốc cũng rất hiếm đại bác 105 ly, vét các kho được 7.400 viên, chuyển sang gấp cho ta. Nhưng số này mãi đến cuối tháng 5/1954 mới tới Việt Nam, khi đó trận đánh Điện Biên Phủ đã kết thúc”.
Vậy đạn đâu để đánh? Đó là không quân Pháp đã thả dù sang trận địa ta, tổng cộng 5.000 viên đại bác 105 ly. Nếu không có sự tiếp tế của địch có lẽ trận đánh không thể thắng lợi vào ngày 7/5

Cuộc lui quân chưa từng có
Trước khi nổ súng mở màn trận Điện Biên Phủ gần 2 tháng, bộ đội ta đã một lần lui quân khỏi các vị trí bàn đạp dù đã bố trí xong xuôi sẵn sàng xuất kích. Cuộc lui quân ở Điện Biên Phủ diễn ra trong bối cảnh quân ta đông hơn, lực lượng mạnh hơn, thế ta lớn hơn, ta bao vây ở phía trên các triền núi và đã bố trí xong binh lực, hỏa lực.
Trung tuần tháng 1/1954, ta đã chuẩn bị xong để tiến công Điện Biên Phủ. Về lực lượng: Ta có 27 tiểu đoàn bộ binh, địch có 12 tiểu đoàn (27/12); trọng pháo yểm trợ cho bộ binh ta có 64 khẩu, địch có 48 (64/48); pháo của ta đặt trên núi hướng xuống các vị trí tập đoàn địch ở lòng chảo; địch có 5 chiếc xe tăng loại nhẹ và có máy bay yểm trợ từ xa. Nhưng ta có 4 đại đội súng cối 120 ly 16 khẩu; 1 trung đoàn cao xạ pháo 37 ly 24 khẩu và rất nhiều súng DKZ (loại súng chống xe tăng) trang bị đến từng đại đội.
Phương án ban đầu là đánh nhanh thắng nhanh.
Ngày 14/1/1954 tại hang Thẩm Púa, Đại tướng Tổng tư lệnh và Ban chỉ huy mặt trận triệu tập tất cả cán bộ từ cấp tiểu đoàn trở lên để phổ biến lệnh tác chiến bí mật dự định ngày nổ súng 20/1/1954. Do một đơn vị đại bác vào trận địa chậm nên quyết định lùi lại thêm 5 ngày (tức là 25/1/1954), giờ nổ súng là 17 giờ.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp kể: “Ngày 25/1/1954 có một sự cố không may xảy ra, một chiến sĩ của Đại đoàn 312 bị địch bắt. Sau đó ta đã bắt được điện đài của địch gọi báo cho nhau: Việt Minh sẽ tấn công chiều 25/1 (thực tế sau này mới biết ra do cơ quan hậu cần của ta điện báo cho nhau nên địch biết tin, không phải do chiến sĩ bị bắt). Vì thế Bộ chỉ huy quyết định hoãn lại 24 giờ, chuyển sang 26/1.
Để có ngày chiến thắng vĩ đại Điện Biên Phủ ngày 7/5/1954; một mốc son trong lịch sử của dân tộc Việt Nam, cần ghi nhận một ngày rất quan trọng đó là ngày 25/1/1954, một bước ngoặt cho trận đánh Điện Biên Phủ, một quyết định vô cùng quan trọng không chỉ đối với quân đội ta ở Điện Biên Phủ mà còn với cả vận mệnh của dân tộc và Tổ quốc Việt Nam, không có quyết định trong ngày đó thì không biết có chiến thắng ngày 7/5/1954 hay không. Cả đêm 25/1, Đại tướng Võ Nguyên Giáp suy nghĩ và thấy ba khó khăn hiện lên rất rõ:
Một là, bộ đội chủ lực của ta cho đến nay chỉ mới đánh tiêu diệt 1 tiểu đoàn địch có công sự vững chắc, nếu các công sự nằm liên hoàn trong một cứ điểm quân số 1 tiểu đoàn như ở Nà Sản, ta đánh đã không thành công, và bị thương vong nhiều.
Hai là, trận này là một trận đánh hợp đồng lớn, pháo binh và bộ binh chưa qua tập luyện, chưa qua diễn tập, vừa qua có trung đoàn trưởng xin trả lại pháo vì không biết phối hợp như thế nào.
Ba là, bộ đội ta từ trước tới nay chỉ quen tác chiến ban đêm ở những địa hình dễ ẩn náu, chưa có kinh nghiệm tấn công đồn ban ngày trên địa hình bằng phẳng, nhất là với một kẻ địch có ưu thế tập trung máy bay, pháo binh, xe tăng chi viện.
Lắng nghe, suy nghĩ ý kiến báo cáo của các tướng lĩnh từng sát cánh trong Bộ chỉ huy với ông, gần gũi nhất là đồng chí Hoàng Văn Thái, trăn trở về ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Trận này rất quan trọng, phải đánh cho thắng, chắc thắng mới đánh, không chắc thắng là không đánh, thất bại là hết vốn”, suy nghĩ suốt đêm 25/1, Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp quyết định phải cho lui quân. Phải họp ngay Bộ tư lệnh vào sáng hôm sau.
Trong cuộc họp Đảng ủy, Bộ chỉ huy mặt trận, Đại tướng trình bày các suy nghĩ của mình. Mọi người tuy trong lòng có những điều phân vân trước trận đánh. Nhưng nói chung ai cũng muốn cho đánh ngay. Với hy vọng vẫn có khả năng giành thắng lợi. Ý kiến chưa thống nhất nên cuộc họp phải tạm dừng. Tuy nhiên, sau đó mọi người phát biểu không ai tin rằng trận này sẽ chắc thắng, mà chỉ cho rằng có thể thắng. Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp quyết định hoãn cuộc tấn công chiều hôm đó.
Lệnh lui quân được ban hành đến toàn mặt trận vào buổi chiều. Tất cả các đơn vị lập tức lui về vị trí tập kết. Pháo lại phải kéo ra. Việc kéo pháo ra còn gian khổ nguy hiểm hơn nhiều so với kéo pháo vào. Máy bay địch liên tục trinh sát, ném bom quanh Điện Biên Phủ.
Trong vòng gần 2 tháng trời sau đó, quân ta đã nghi binh đánh lạc hướng địch, và mở đường rộng hơn, dài hơn chung quanh núi rừng Điện Biên Phủ, lại kéo pháo vào, xây dựng công sự kiên cố hơn. Quân ta lại đào hào sâu hơn, tiếp cận gần hơn căn cứ của địch, lương thảo, vũ khí từ hậu phương dồn lên cho mặt trận nhiều hơn. Quân sĩ chuẩn bị đầy đủ cho trận đánh dài ngày, có thể sang đến cả mùa mưa.
Chiều 13/3/1954. Mặt trận dần dần lặn sau dãy núi phía Tây Điện Biên Phủ. Chiếc máy bay khu trục cuối cùng của quân Pháp vòng trở đầu về phía Đông theo hướng Hà Nội. Sương buông nhẹ trên lòng chảo Điện Biên. Toàn mặt trận yên ắng lạ thường. Đại tướng Võ Nguyên Giáp gọi điện cho chỉ huy sở pháo binh: “Pháo binh đã sẵn sàng chưa?” Quyền tư lệnh Đào Văn Thường trả lời: “Báo cáo tất cả đã sẵn sàng, chờ lệnh Bộ chỉ huy”.
Vì có sương mù nên các đơn vị bộ binh đề nghị cho tấn công sớm. Đại tướng đồng ý và dõng dạc ra lệnh: “Chiến dịch lịch sử bắt đầu, pháo binh bắn, bắn thật mạnh, bắn cấp tập”. Cùng lúc, toàn bộ lực lượng pháo binh ta 40 khẩu đồng loạt nhả đạn. Lúc đó là 17 giờ 05 ngày 13/3/1954.
Sau đó, 56 ngày đêm quân ta liên tục tấn công, tiêu diệt dần từng bộ phận, từng cứ điểm cho đến khi hàng vạn quân địch đầu hàng, quân ta chiếm được chỉ huy sở của chúng, bắt tướng giặc và toàn bộ chỉ huy của chúng. Đó là chiều mùng 7/5/1954 chiến thắng vĩ đại Điện Biên Phủ đi vào lịch sử.
Sau này, một số tướng lĩnh nổi tiếng của Quân đội ta khi nhớ về quyết định lui quân lịch sử ngày 26/1/1954 đã nói rằng nếu không có nó có thể cuộc kháng chiến chống Pháp của dân tộc ta đã phải kéo dài thêm nhiều năm và nhiều người trong số họ đã không thể có mặt ở ngày chiến thắng.

18 nhận xét:

  1. Nặc danh09:33 5/5/13

    Nói 1 xe thồ bằng 10 người gánh gạo nhưng chỉ mất một suất ăn, rồi suy ra một xe thồ bằng 100 người gánh và 20.000 xe thồ bằng 2 triệu người gánh, gùi duy ý chí và thiếu chính xác về mặt toán học quá anh NCT ơi.

    Trả lờiXóa
  2. Nặc danh10:12 5/5/13

    Gửi BTV Blog E. Các anh dường như lập thành tích chào mừng ngày lễ lớn, nên mới đưa lên loại bài như thế này. Điều mà anh đưa ra, ai cũng biết cả. Những thông tin này cũ rích rồi. Nếu bảo là điều chưa ai biết về Điện Biên Phủ thì nên nói về Tù binh ở DDBP, về chuyên gia Trung Quốc ở Điện Biên, về vũ khí mà Việt Minh dùng là bao nhiêu. Những điều này qua 60 năm cũng là hết bí mật rồi. Hiện nay, báo chí Trung Quốc bôi nhọ Điện Biên và tướng Giáp rất nhiều, họ nói họ mới là người chỉ huy Điện biên phủ. Hoặc chuyện bi hài về tù binh Pháp ở Điện Biên, khi ta công bố 16.000 tù binh, do cachs tuyên truyền khếch đại, nhưng chỉ có hơn 3000 tù binh trao trả, các nhà báo Pháp đã lu loa ầm lên... Các anh nên cung cấp những thông tin đó...

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Blog E chỉ cung cấp những thông tin có nguồn gốc rõ ràng và tin cậy.Có những thông tin cũ nhưng là mới với nhiều người trong chúng ta và chúng ta vẫn muốn nhắc lại mỗi khi có dịp để ôn lại kỉ niệm về dân tộc mình, nhân dân mình, như tôi chẳng hạn, hôm nay đọc bài này mới thấy hết vai trò nhân dân trong cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc. BlogE không phải là chỗ để đưa ra thông tin bôi nhọ người này, người khác dù thông tin đó là sự thực và cũng không phải là chỗ để đính chính những thông tin mà người khác đã đưa sai. Bạn N10:12 nếu có thông tin mới và chính xác thì đăng lên blog, chúng tôi hoan nghênh. Nếu bạn chỉ muốn xem thông tin giật gân thì xin mời vào các blog khác, vì blog E chắc chắn không đăng những thông tin như vậy. (LPT)

      Xóa
    2. Nặc danh10:45 5/5/13

      Theo tôi, thông tin cũ rích hay tươi mới không phụ thuộc vào ý kiến cuả một người mà thể hiện ở số lượng độc giả truy cập xem thông tin đó nhiều hay ít. Thông tin hấp dẫn sẽ có nhiều người xem, còn thông tin mà người ta không thích hay đe dọa sự tồn tại của blog thì tươi mới phỏng có ý nghĩa gì? Tôi ví dụ câu chuyện "Những cái cần gạt nước" đã đăng từ lâu trên nhiều blog và một số tờ báo, nhưng vẫn có nhiều người chưa đọc và blog E đã giúp độc giả của mình tìm được những thông tin có ý nghĩa đối với cuộc sống.

      Xóa
    3. Chắc bạn ND10:12 nghĩ rằng, thông tin trên blog luôn trái ngược với thông tin báo chí "lề phải" nên bạn phản ứng với cách đưa tin trên blogE chăng? Bạn có phải là nhân viên an ninh văn hóa không đấy?

      Xóa
    4. Tôi cho rằng, chúng ta nên nghe độc giả. Bạn LPT chắc chưa làm báo, nên bị độc giả chê là "bật" lại. Chúng ta làm blog, cũng là một diễn đàn, điều gì thấy phải thì đưa lên, đều là sắp già, cũng không nên sợ điều gì cả. Cái gì "mới" thì đưa lên, chẳng qua cái mới cũng khó chứ không phải bao giờ cũng tìm ra cái mới. Nói như LPT cũng không phải, tôi quan niệm rằng có gì cần bàn luận mà chưa có phân xử chính thống cũng được, có gì phải sợ. Điều quan trọng là cái tâm ta mà thôi (NXH)

      Xóa
    5. Mà ông E 10.57 nói bạn N10.12 là an ninh văn hóa nghĩa là sao? Tôi thấy các bạn đã đi ra ngoài nội dung thông tin rồi. Tôi, cá nhân tôi, NXH, đồng ý rằng các thông tin NCT đưa ra không có gì mới, và đang đi tìm các thông tin mới hơn về Điện Biên Phủ, nhưng nghe các bạn cãi nhau tôi cũng nản

      Xóa
    6. Nặc danh14:40 5/5/13

      Thông tin anh NCT đưa có thể cũ với các nhà báo,nhà văn, các nhà nghiên cứu nhưng vẫn mới tinh với người nhà quê chúng em. Có lẽ cũ quá nên chẳng thấy báo nào đưa tin như thế này, mà chúng em ngày xưa ít được đọc báo, bây giờ có internet mới được biết những thông tin chi tiết thế. Các anh E có thông tin mới thì tốt, không có thì cứ thông tin như thế này cho chúng em cũng là quý lắm rồi, chẳng cần phải mò mẫm rồi công an nó túm thì khổ. Em nghe nói hàng chục bloger bị bắt giam rồi, như anh Điếu cày, chị Tần gì đó.

      Xóa
    7. Nặc danh17:27 5/5/13

      Ông Nặc danh 14.40 nói khó nghe lắm, đừng giả vờ là nhà quê mà nói giọng công an văn hóa. Nhà quê mà biết chuyện Điếu cày với thị Tần, nói nghe không ngửi được đâu. Internet là kho trí tuệ nhân loại, cũng như thế giới, có cái hay cũng có cái cặn bã, chỗ nào nên xem chỗ nào không, thì không cần phải ông/bà cao giọng dạy đời như vậy. Nghe ông thở ra giọng cao đạo dạy đời như vậy thì ông ra chỗ khác mà làm "dư luận viên", chắc ông ăn lương của ban Đảng hay sao?

      Xóa
    8. Nặc danh10:12 6/5/13

      Tôi thấy ông BBT đã gợi ý bạn đọc hãy nhìn vấn đề tưởng như đã cũ này dưới góc nhìn mới là "ý Đảng" hợp "lòng Dân". Theo tôi thông tin cũ hay mới là do nhận thức và góc nhìn của mỗi người thôi. Nếu nhìn nhận trên phương diện "ý Đảng" hợp với "lòng Dân" thì còn bao nhiêu chuyện để bàn. Sao không thấy anh nào có ý kiến mà cứ bàn chuyện đâu đâu thế?

      Xóa
    9. Tôi nghi ông BBT với ông ND10:12 là một, vừa tung vừa hứng để đánh bóng thông tin đã cũ mèm, tạo scandal làm mọi người chú ý vào xem tin cũ. Độc giả đã bị mắc bẫy chiêu câu khách của BBT (hay NCT?) rồi. Nhưng dù sao thì chúng ta cũng đã làm rõ thêm vấn đề quan niệm về thông tin cũ mới và sự hấp dẫn của thông tin trên blog.

      Xóa
    10. Nặc danh08:01 8/5/13

      Thế còn ông BTV là ai? dạo này các anh lớp E sử dụng nhiều "mật danh" quá. Em cứ tưởng BBT là Bùi Bình Thi.

      Xóa
  3. Có một câu hỏi này: Một người sức gánh là bao nhiêu kg gạo? Đi từ quê lúa gạo lên Điện Biên hết bao nhiêu ngày? Trong thời gian ấy người đó ăn hết bao nhiêu gạo, rau, thịt, mắm muối? Cứ tính đơn giản cũng thấy: Người gánh gạo đó, ăn hết số gạo mình gánh đi là may, không nói người ở xa thì ăn hết số gạo còn chưa đến nơi. Thế mà Viêt Minh vẫn phát động dân công gánh gạo? Đó là một bí mật quân sự, bí quyết giúp Việt Nam thắng Pháp. Bây giờ điều đó chả còn gì là bí mật nữa

    Trả lờiXóa
  4. Nặc danh07:56 6/5/13

    Bác BBT sao lại dán ảnh có cở đỏ sao vàng trên nóc hầm Đờ Cát thế? Em nghe Thiếu tướng Lê Mã Lương (nguyên Viện trưởng Viện Bảo tàng lịch sử quân đội) bảo: khi bắt sống tướng Đờ cát chả có lá cờ nào để mà vẫy trên nóc hầm cả. Ở Viện Bảo tàng người ta cũng đã cất cái hiện vật "lá cờ chiến thắng trên nóc hầm Đờ cát" đi rồi.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Bạn không nhận ra đây là bức tranh vẽ à? Vì là tác phẩm nghệ thuật nên họa sĩ có quyền hư cấu, vẽ thêm lá cờ để thể hiện chiến thắng thôi. (BBT)

      Xóa
    2. Khi trận Điện Biên mới kết thúc, đoàn làm phim Điện Biên Phủ làm phim, dựng lại toàn bộ quá trình đánh chiếm hầm Đờ Cát, đó là phim tư liệu mầu, do các đạo diễn Liên Xô thực hiện.

      Xóa
  5. Nặc danh10:53 10/5/13

    Nếu những bài học lịch sử cũng được viết theo kiểu như thế này, thì chúng cháu cũng thích học môn sử chứ không ghê sợ nó như bây giờ. Cám ơn bác NCT đã đăng lại câu chuyện này cho chúng cháu hiểu thêm về chiến thắng Điện Biên Phủ vô cùng vĩ đại của dân tộc mình.

    Trả lờiXóa
  6. các bác nói rất đúng, lỡ một nhịp là hết vốn liền, rất nguy hiểm, mời các bạn tham khảo các thông tin >>> Cạo vôi răng định kỳ có tác dụng gì??

    Trả lờiXóa

Bạn có thể nhận xét không cần là thành viên, và nên góp ý lành mạnh, trung thực. Chọn nhập vai trong danh sách phía dưới khung nhận xét.