Mấy tháng của năm học mới thật bận rộn. Mai Hương ít có điều kiện đọc và viết ở
blog E của các anh Chuyên Toán. Hôm nay vào đọc, thấy bài MƠ ĐẾN THIÊN THAI của
anh NCT và comments của mọi người về một Cõi Thiên Thai, MH nhớ đến bài văn
mình viết đã lâu, cũng có một Cõi Thiên Thai của riêng mình. Ai cũng có quyền
MƠ về một Cõi Tiên như thế. Xin được trải lòng cùng các anh chị và độc giả.
AO LÀNG
Làng tôi không có nhiều ao tù con con đầy bèo tấm rải rác khắp nơi như mấy làng lân cận. Có bốn năm cái ao lớn gần như bao quanh làng. Bờ phía trong ao là nhà. Bờ phía ngoài ao là luỹ tre. Bởi vậy, làng tôi xưa không khác một hòn đảo là mấy. Nhưng người đi ngoài đường lớn nhìn vào thì không có cảm giác đó. Chỉ thấy xanh om tre trúc và đường ngõ quanh co dẫn vào làng.
Cái ao cạnh nhà tôi lớn nhất trong các ao làng. Nó ở phía đông của làng, chạy
dọc từ xóm trên xuống xóm dưới. Nhà tôi thuộc xóm dưới, ở bờ tây và gần giáp bờ
nam của ao. Cái bờ nam là đường trục chính của làng đi ra đồng. Cha tôi nói,
ngày xưa khi chưa bị bom bỏ, chỗ này có một cái cổng làng. Thế nên, nó được gọi
là Cổng Đồng. Ngồi ở bờ ao nhà tôi là có thể thấy được tất cả những người từ
làng ra đồng và ở đồng về.
Từ nhỏ, tôi đã thấy giữa ao có một bãi đất to, cây cối tốt tươi, trông như một
hòn đảo nhỏ giữa xanh mướt đảo làng. Không biết có phải tại cái “hòn đảo” ấy
giống hình một con rùa nằm hay không mà ao có tên Ao Rùa. Hai anh tôi thường
bơi ra “đảo” rồi lại bơi về. Còn tôi, cũng đã vài lần đến đó. Đấy là những lần
cùng cha chèo thuyền ra “đảo Rùa” tìm ngan. Nhà tôi nuôi ngan đẻ để bán giống
cho các nhà trong làng. Một bầy chừng bốn năm chị ngan cái và một anh ngan đực.
Những con ngan cái thật ngốc. Tôi nghĩ vậy. Hoặc ít ra thì chúng cũng hiền hơn.
Lão ngan đực hung dữ lắm, biết đuổi người lạ. Có hôm, người trong làng đến xin
rau ngót, bị nó đuổi cho chạy bán sống bán chết vào tận trong nhà. Thế mà lão
ngan đực già ấy còn mở được cả mành. Mấy mụ ngan cái ngốc vì rất hay đi đẻ
lang. Thấy hai con ngan cái khoang đen trắng cứ thoắt ẩn, thoắt hiện, cha dặn
tôi để ý xem chúng đi đâu. Tôi thấy hai mụ ngan về ăn xong, vẫy đuôi đến bờ ao
thì xoè cánh bay. Cái giống ngan thật “đa năng”, cái gì cũng biết kha khá.
Nghĩa là, không xuất sắc, nhưng cũng không tồi. Nó bơi thua vịt nhưng bay thì
hơn hẳn. Nó không hay đậu cao, trên những cành nhãn trong vườn như gà, nhưng lũ
gà sợ nước ấy thì nhìn nó bơi hẳn phải chào thua. Đi bộ thì cả ngày cũng được.
Hai con ngan khoang nhà tôi bay diệu nghệ như chim. Đến “đảo Rùa”, chúng hạ
cánh rồi tụt xuống ao bơi lội chán chê. Rất lâu sau, hai cái đốm đen trắng ấy
chui tọt vào bụi rậm trên bờ bãi … Tôi bảo cha: Chúng ở ngoài lùm cây giữa ao.
Và thế là tôi cùng cha chèo thuyền ra “đảo Rùa”.
Một tay tôi ôm bọc trứng ngan, tay kia giữ lồng, bên trên để cả bó cành hoa
dành dành khoe sắc trắng. Cha vừa chèo thuyền vừa tát nước. Tôi ngắm mặt nước
ao trong leo lẻo. Mấy khóm lục bình hoa tím trôi lững thững. Loài cây thủy sinh
này hình như cả đời không bao giờ biết đến những tham vọng lớn lao để mà vươn
với lên cao. Cứ thong dong trôi theo dòng đời dâu bể để làm cho nước ngày càng
trong vắt. Kể cả khi nước đã cạn khô, nó cũng không chết. Chỉ sau một trận mưa
thôi, nó lại thong thả trôi vô nghĩ, vô lo. Chẳng bão tố nào có thể dập vùi.
Tan tác đấy, rồi hợp lại rất nhanh … Bờ ao phía đông, hàng tre xõa mái tóc dài
và đu đưa thân hình dẻo dai theo gió sớm. Bờ phía tây, ngả ra mặt ao là biết
bao những cây vối, sung , ổi, bưởi, khế … của mọi nhà. Cây sung nhà tôi có lẽ
lớn nhất. Mọi hôm ngồi trên cành sung ngắm cảnh ao và hóng gió cùng cô bạn, tôi
không thể hình dung nó lại đẹp một vẻ đường bệ và nên thơ đến thế. Cái thân to
xù xì mốc trắng nhưng lá cành vẫn mơn mởn xanh non. Đặc biệt là những chùm quả.
Chi chít, thành dây dài rủ xuống. Ở những cành thấp thì những dây quả gần như
chạm mặt nước. Thỉnh thoảng lại nghe tiếng cá quẫy. Cha bảo đó là cá trắm nhảy
lên đớp sung. Giống cá trắm thích nhất quả sung chín.
Những chiếc cầu ao lấp ló dưới tán cây. Có những cầu ghép gạch. Có những cầu ghép bằng ba bốn đoạn tre, hai đầu kê lên bậc của hai cái thang cũng bằng tre đóng chặt xuống lòng ao. Cầu ao, từ sáng đến khuya, luôn là nơi nhộn nhịp. Sáng sớm, đó là nơi rửa mặt, giặt quần áo. Nửa buổi, đó là chỗ vo gạo, rửa rau. Buổi trưa, tôi thường múc một thau nước ao, bỏ vào đó mấy quả bồ kết đã nướng và một nắm lá bưởi rồi bê ra giữa sân phơi nắng. Thế là chiều tối đã có một thau nước bồ kết để gội đầu. Chỉ có nước ăn uống là gánh ở giếng làng, còn mọi thứ dùng đến nước đều ở ao. Gội đầu xong, ngồi hong tóc trên chõng tre cạnh cầu ao nhà mình, tôi thèm thuồng nhìn bọn con trai con gái lớn bé bơi bì bõm dưới ao. Có thằng bơi mấy lượt ra “đảo Rùa”, đứng trên đó vẫy gọi í ới bọn dưới ao rồi lại bơi về. Có đứa ôm cây chuối đập nước tung tóe. Vài đứa con gái trạc tuổi tôi, để nguyên áo quần dài nhảy ùm xuống ao, bơi thoăn thoắt chẳng kém gì bọn con trai. Còn tôi, không hiểu sao tập mãi vẫn không thể bơi được. Tập bằng thau, bằng cây chuối … đều vô hiệu. Bắt hẳn chuồn chuồn Ngô cho cắn rốn đến chảy máu cũng chẳng ăn thua. Sau mấy lần uống no nước ao khi bị ụp thau hay khi buông tay khỏi thân cây chuối, tôi đã thôi ý định tập bơi. Vậy là, tôi chỉ có thể chờ khi trời tối, trăng lên, mới xuống cầu ao dội nước tắm ào ào. Những dòng trăng óng ánh tràn trề qua kẽ lá, chảy trên vai tôi cùng dòng nước cũng vàng óng những trăng. Dưới vòm cây tối sẫm, hình như trăng đã làm cả nước và tôi sáng lấp lóa. Xa xa, chỗ cái cống cong cong nối đoạn đường đồng làng tôi sang làng bên, có tiếng sáo vi vút và một cánh diều chao liệng dưới trời trăng. Tôi ước mình bơi được. Tôi sẽ nhảy ùm xuống nước bơi một mạch ra “đảo Rùa”. Tôi tin rằng dưới trăng thanh gió mát, giữa rừng hoa dành dành trắng ngát hương đêm, tôi sẽ biến thành một Ngọc Nữ chốn Bồng Lai.
Những chiếc cầu ao lấp ló dưới tán cây. Có những cầu ghép gạch. Có những cầu ghép bằng ba bốn đoạn tre, hai đầu kê lên bậc của hai cái thang cũng bằng tre đóng chặt xuống lòng ao. Cầu ao, từ sáng đến khuya, luôn là nơi nhộn nhịp. Sáng sớm, đó là nơi rửa mặt, giặt quần áo. Nửa buổi, đó là chỗ vo gạo, rửa rau. Buổi trưa, tôi thường múc một thau nước ao, bỏ vào đó mấy quả bồ kết đã nướng và một nắm lá bưởi rồi bê ra giữa sân phơi nắng. Thế là chiều tối đã có một thau nước bồ kết để gội đầu. Chỉ có nước ăn uống là gánh ở giếng làng, còn mọi thứ dùng đến nước đều ở ao. Gội đầu xong, ngồi hong tóc trên chõng tre cạnh cầu ao nhà mình, tôi thèm thuồng nhìn bọn con trai con gái lớn bé bơi bì bõm dưới ao. Có thằng bơi mấy lượt ra “đảo Rùa”, đứng trên đó vẫy gọi í ới bọn dưới ao rồi lại bơi về. Có đứa ôm cây chuối đập nước tung tóe. Vài đứa con gái trạc tuổi tôi, để nguyên áo quần dài nhảy ùm xuống ao, bơi thoăn thoắt chẳng kém gì bọn con trai. Còn tôi, không hiểu sao tập mãi vẫn không thể bơi được. Tập bằng thau, bằng cây chuối … đều vô hiệu. Bắt hẳn chuồn chuồn Ngô cho cắn rốn đến chảy máu cũng chẳng ăn thua. Sau mấy lần uống no nước ao khi bị ụp thau hay khi buông tay khỏi thân cây chuối, tôi đã thôi ý định tập bơi. Vậy là, tôi chỉ có thể chờ khi trời tối, trăng lên, mới xuống cầu ao dội nước tắm ào ào. Những dòng trăng óng ánh tràn trề qua kẽ lá, chảy trên vai tôi cùng dòng nước cũng vàng óng những trăng. Dưới vòm cây tối sẫm, hình như trăng đã làm cả nước và tôi sáng lấp lóa. Xa xa, chỗ cái cống cong cong nối đoạn đường đồng làng tôi sang làng bên, có tiếng sáo vi vút và một cánh diều chao liệng dưới trời trăng. Tôi ước mình bơi được. Tôi sẽ nhảy ùm xuống nước bơi một mạch ra “đảo Rùa”. Tôi tin rằng dưới trăng thanh gió mát, giữa rừng hoa dành dành trắng ngát hương đêm, tôi sẽ biến thành một Ngọc Nữ chốn Bồng Lai.
Năm tôi học Cấp Ba, người ta cải
tạo Ao Rùa. Họ đào hết đất ở “đảo Rùa” đắp lên ba phía bờ ao rồi dựng ở
đó một tấm biển đề “Ao cá Bác Hồ”. Nghe nói, cá này lấy từ ao cá của Bác
Hồ về thả. Thì trước sau vẫn thả cá thôi mà! Mặt ao trở nên rộng mênh
mông, nhưng “đảo Rùa” không còn. Tôi không cùng cha đi tìm ngan đẻ lang ở
“đảo Rùa” nữa. Chiều về, bọn trẻ tắm ao không còn có cái đích để bơi
đến bơi đi. Tôi tiếc nhất những bụi hoa dành dành trắng ngát. Ôi, xứ
Bồng Lai của tôi! Chắc nó đã trở về nơi cõi Tiên xa lắc ở đâu đó rồi
…
Tất cả đã xa. Buồn ơi, ao làng!(MH)
Những đêm trăng, gợn vàng trên mặt ao như to hơn, sóng sánh. Trong
những bài văn của tôi thường có nhiều hình ảnh của làng quê. Ở đó, tràn
ngập ánh trăng mơ màng, trắng ngát sắc hương hoa dành dành, bồng bềnh
lục bình hoa tím, rì rào tiếng bờ tre và lăn tăn những gợn sóng vàng lấp
loá mặt Ao Rùa … Năm lớp 12, tôi đạt giải quốc gia môn Văn và được
tuyển thẳng vào Đại học. Hôm nhận được tin, tôi đã khắc lên thân cây
sung già dòng lưu niệm. Những buổi trưa hè năm ấy, ngồi trên cành sung
học bài để ôn thi Tốt nghiệp, trong cái oi nồng của mùa hạ, lòng tôi vui
sướng đến lâng lâng. Niềm vui trải rộng theo những làn gió mát lành đưa
lên từ mặt nước ao và lan đi xa mãi. Tôi lại mơ màng. Không phải để
tưởng tượng mình thành Tiên Nữ giữa rừng hoa dành dành trắng ngát. Hoặc
vẫn là Tiên Nữ, thì giờ đây, tôi đã có người thổi sáo của mình dưới cánh
diều trăng. Đêm trăng, chúng tôi đi bên nhau trên đường quê. Bóng chúng
tôi ngả dài xuống mặt nước ao trong leo lẻo và lung linh gợn vàng ...
Nhưng tất cả đã đi vào miền cổ tích! Bởi đó là hình ảnh của ao làng từ
mấy mươi năm trước. Giờ đây, có tới hai cái ao làng đã biến thành những
ngôi nhà tầng thấp, tầng cao. Ao Rùa rộng nhất cũng đã có một trang
trại vịt hùng cứ mấy phần. Vịt trắng kín mặt ao. Các phía bờ ao đều được
kè gạch đá. Không còn luỹ tre rì rào ca hát. Đêm trăng vẫn rất sáng
trên làng quê nhưng không còn lung linh gợn vàng trên mặt ao lóng lánh.
Ao có nhiều cá không mà chẳng nghe tiếng cá quẫy đớp sung? Trai gái
chẳng còn thích nắm tay nhau dạo chơi trên đường làng để hai bóng ngả xuống mặt ao lấp loá. Cả anh nữa! Chàng Tiên Đồng áo xanh của
tôi. Sau những đêm bước đi cùng nhau trên bờ ao, để cho tóc lúc thì
nhuộm vàng những trăng, khi lại tối sẫm dưới vòm nhãn cành cong trĩu
quả, chúng tôi còn đi cùng nhau vài đoạn đường nữa. Rồi tôi nhận ra
rằng, những đoạn đường tôi muốn đi đều vô cùng nhỏ hẹp. Còn anh, anh
thích những đường lớn thênh thang. Từ đêm trăng ấy, anh đi, đi mãi những
đâu? Những con đường anh đi, không có tôi. Và anh chưa một lần nào nữa
sóng bước cùng tôi soi bóng xuống mặt ao làng. Không bao giờ nữa …Tất cả đã xa. Buồn ơi, ao làng!(MH)
Ngày bé, nhờ có ao làng mà bọn trẻ con chúng mình đứa nào cũng biết bơi. Chẳng kể nước trong hay đục hơi một tý lại rủ nhau ra ao bơi thi, lặn thi thật vui. Đứa nào cũng đen cháy lại thế mà bây giờ cũng ông nọ bà kia cả.
Trả lờiXóaMình cứ tưởng ở biển mới có sóng thần. Ai ngờ, sóng ao làng cũng ...
Trả lờiXóa(Minh Thu)
Minh Thu biết thừa còn cứ "giả nai"! Lắm khi vũng nước, lọ nước còn có sóng thần, nói gì đến ao làng.
XóaBạn biết chuyện Chí phèo gặp Thị Nở chứ? "Hắn nhìn giữa hai lọ nước ...". Và thế là trào lên sóng thần đấy.
(Mưa Ngâu)
Vậy là, "anh" và "tôi" trong tản văn của MH cũng là CP và TN trên bờ ao làng?
XóaSao một số bạn có vẻ thích đưa ra những nhận xét có tính châm chọc và săm soi chuyện riêng tư thế nhỉ? Thực ra tôi không để ý lắm đến những nhận xét đó, nhưng đôi khi cũng thấy khó chịu. Có lẽ trước khi ghi nhận xét lên blog chúng ta nên suy nghĩ xem nếu mình ghi như thế liệu những người khác có đánh giá thấp phông văn hóa của mình không? (LPT)
XóaCó sao đâu, mọi người đang "tán" rất vui mà, anh LPT ạ!
XóaTheo HY, chuyện tình mà được như Thị Nở và Chí Phèo thì đã có Thiên Tình Sử sống mãi với muôn đời. Đã có cháo hành cho nhau. Và có cả khát khao "Giá cứ thế này mãi thì thích nhỉ ..." rất đời thường.
Đằng này, "anh" và "tôi" trong tản văn của MH - bạn mình, toàn là Tiên Đồng Ngọc Nữ, nên bay về trời hết cả. Tiếc quá!
(Hải Yến)
Rất nhiều mảng cuộc sống xưa và nay được tái hiện gắn với ao làng: Cuộc sống sinh hoạt bình dị một góc quê xưa, thấp thoáng hình ảnh nông thôn ngày nay khi kinh tế thị trường tràn đến. Những ước mơ bay bổng, lãng mạn tuổi thơ, những nỗi buồn sâu lắng và tiếc nhớ vu vơ tuổi trung niên ... Tất cả đan xen trong những lời văn ngập tràn xúc cảm rất Mai Hương.
Trả lờiXóaTôi gặp lại một Mai Hương của làng quê. Ít nhất, cũng tại blog E này!
Không chỉ có vậy, Trong Ao làng người viết còn kín đáo bộc lộ tình cảm của mình với người bạn làng bên - "người đã thổi sáo dưới cánh diều trăng" cho mình nghe, người đã cùng dạo bước với mình trên đường quê trong những đêm trăng, ... Tình cảm ấy người viết chẳng thể nào quên. Nhưng cũng vì chẳng thể nào quên nên những lúc nghĩ đến thì chỉ thấy buồn, bởi tất cả đã xa, rất xa rồi....Không bao giờ còn trở lại được nữa.
XóaĐúng là cảnh ao làng với những đứa trẻ con bơi tắm mỗi chiều hè, giờ vắng bóng quá. Còn ao, cũng chẳng ai dám tắm. Và rồi đây, nó cũng sẽ vắng cả trong thơ văn?
Trả lờiXóaÔi, quê tôi ...
Chị Mai Hương ơi, cõi Thiên Thai của chị tuyệt thật đấy. Đọc Ao làng, em ước được một lần tắm lại ao làng trong đêm trăng, thấy nhớ vô cùng ao Tây làng em thấp thoáng trong ao Rùa làng chị. Chị đã khiến ao Rùa neo đậu trong kí ức, tình cảm của bạn đọc blogE rồi.
Trả lờiXóa"Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ ..."
Trả lờiXóaBao giờ cho đến ... ngày xưa?
Từ Ao làng của Mai Hương mà thấy nhiều chuyện thật thú vị. Nào chuyện lão ngan đực hùng dũng, dữ tợn biết đuổi người lạ,biết mở cả mành treo trước nhà, mấy mụ ngàn cái giỏi bay, giỏi bơi lại giỏi đẻ lang; Nào chuyện lũ trẻ làng í ới thì bơi vào mỗi buổi chiều hè, cảnh sinh hoạt tấp nập chỗ cầu ao làng; Rồi chuyện chàng trai, cô gái quê hẹn hò trong đêm trăng vàng lấp lánh cùng sánh bước giữa đường làng mờ ảo bóng tre bóng nhãn dưới trăng. Có cả chuyện cô nữ sinh cấp ba giỏi văn hay mơ mộng, chuyện người làng xây dựng ao cá Bác Hồ và chăn thả vịt...Người đọc cứ theo mạch văn mà đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác, theo dòng cảm xúc tuôn trào từ người viết. Có lúc thú vị bật cười với sự dí dỏm, tự nhiên của giọng văn kể chuyện nhà, chuyện trẻ; có lúc trầm ngâm, ngẫm ngợi khi người viết triết lí về loài cây lục bình trên ao, về sự thay đổi của người, của cảnh theo thời gian...Và cũng không chỉ một lần người đọc tưởng tượng, mơ ước và cảm động theo người viết. Có lẽ mỗi người từng có tuổi thơ ở làng quê đều tìm thấy mình và làng mình trong Ao làng của Mai Hương. Cảm ơn chị và cũng tò mò muốn được chị chia sẻ bí mật về nhân vật Tiên Đồng, Ngọc Nữ trong bài viết hiện giờ ra sao?
Trả lờiXóaCảm ơn bạn ND 14:22 về những lời đồng cảm, sẻ chia. Tuổi thơ của bạn chắc cũng gắn bó vô cùng với ao làng giống như MH. Và chắc bạn cũng có một tâm hồn rất mộng mơ và yêu thích văn chương!
XóaCó những khi người ta cứ hay quên những điều lẽ ra cấn phải nhớ. Và cứ nhớ hoài những điều lẽ ra phải quên đi ... Khi viết AO LÀNG hay viết nhiều bài văn khác nữa, MH như vậy đấy.
Còn Tiên Đồng Ngọc Nữ ngày xưa? Mãi mãi là Tiên như những dòng hoài niệm. Tôi tin là thế. Có điều, bây giờ, có lẽ họ là những ông Tiên, bà Tiên rồi. Họ vẫn có CÕI THIÊN THAI của riêng mình - Một cõi Tiên giữa đời thường - bạn ạ!
(Mai Hương)
Đọc bài của MH và bài "Mơ đến Thiên Thai" của NCT mà được nghe Ánh Tuyết hát SUỐI MƠ thì tuyệt.
Trả lờiXóaĐúng vậy. Hơn nữa, hôm nay lại kỉ niệm 90 năm ngày sinh của cố nhạc sĩ, họa sĩ, thi sĩ Văn Cao. Có đủ lí do để độc giả blog E được nghe SUỐI MƠ hay LÀNG TÔI của ông.
Xóa(Mưa Ngâu)
"Tuổi thanh xuân giống như cơn mưa rào. Dù biết có thể cảm lạnh khi tắm mưa, người ta vẫn muốn đằm mình trong con mưa ấy lần nữa ..."
Trả lờiXóaAi đó đã nói như vậy nhỉ?
Hoa Chanh có may mắn được chị Mai Hương gửi cho một số tản văn đã đăng báo do chính chị viết để thưởng thức cùng các bạn yêu văn chương. Những tản văn của chị đọc một lần là nhớ mãi bởi những cảm xúc chân thực ngồn ngộn trong đó. Hoa Chanh đã từng khóc rất lâu khi đọc "Dáng mẹ" vì liên hệ đến mẹ của mình, đã từng xót xa thổn thức khi đọc "Thương lắm, tóc dài" bởi cái chết bất ngờ của người thanh nữ đẹp người đẹp nết được chị kể trong đó, cũng có lúc thấy lòng phơi phới và yêu quê hương vô cùng, cái làng quê xứ nhãn mà chị tả trong "Mùa thu làng quê". Và bây giờ cảm giác gần gũi, thân thương với làng quê lại trở về khi đọc "Ao làng" của chị. Những chuyện ở Ao làng chân thực và thân thiết lắm. Dù thế, cũng giống ND14:22, Hoa Chanh cũng tò mò muốn biết Tiên Đồng và Ngọc Nữ trong tản văn này là ai vậy, chắc phải có thật rồi vì Mai Hương từng có lần khẳng định với Hoa Chanh rằng việc và người trong mọi tản văn của chị đều là thật.Vì chưa rõ nên Hoa Chanh muốn hỏi và muốn được chị giải đáp. Xin được hỏi và cảm ơn chị đã cho thưởng thức văn hay qua mấy câu văn vần chị nhé:
Trả lờiXóaHỎI AI
Ai thương một mái tóc dài
Ai thương một dáng hao gầy mẹ xưa
Ai yêu lất phất bụi mưa
Gạo treo chuông lửa bừng trưa chớm hè
Mướt xanh sóng lúa đồng quê
Vườn ai hương nhãn gọi về cánh ong
Ao làng ai ngẩn ngơ trông
Trăng vàng sóng sánh xen lồng bóng tre
Đường làng ai dẫn ai đi
Để giờ ai khắc khoải vì nhớ ai?!
Hoa Chanh thân mến!
Trả lờiXóaCảm ơn vô cùng những lời đồng cảm của bạn. Viết tản văn bằng thể tùy bút, cũng giống như thơ vậy, không có cảm xúc trào dâng thì không thể cất thành lời. Mà cảm xúc trào dâng, thì không thể đi vay mượn được.
Tất cả những cảm xúc của MH trong tản văn là thực, bởi nó xuất phát từ cảnh thực, người thực quanh MH. MH còn sợ những gì mình nói chưa hết những gì mình muốn nói.
MH không thể viết được những lời thơ hay như Hoa Chanh. Sao bạn lại gọi đó là văn vần? Nó thực sự là thơ, rất thơ. MH từng gửi bài cho blog E từ lâu và được mọi người chia sẻ rất chân tình. Hoa Chanh hãy thường viết ở blog này của các anh E nhé. Niềm vui sẽ nhân đôi, nỗi buồn sẽ vơi nửa khi mình trải lòng chân thành, bạn ạ.
Còn chuyện Tiên Đồng Ngọc Nữ, mình đã nói hôm qua rồi mà.
Hãy cứ MƠ mỗi khi mình muốn!
(Mai Hương)
Vậy là ông bà Tiên giờ đã có Cõi Thiên Thai giữa đời thực nhưng vẫn luôn mơ về cõi Thiên Thai ngày xưa của Tiên Đồng Ngọc Nữ phải không Mai Hương? Tiên thì có thể biến mơ thành thực kia mà?
Trả lờiXóaNếu Tiên có thể biến mơ thành thực, thì có những giấc mơ cũng vẫn nên mãi mãi là ... mơ!
Trả lờiXóa