13 tháng 11, 2013

Mạng xã hội đang “nói” với xã hội điều gì?

 Từ ngày có mạng xã hội, người ta có một công cụ giao tiếp tuyệt vời. Giờ đây, ai cũng có thể xuất bản một tờ báo, (từ xuất bản không hề có ngoặc kép, đó là xuất bản thực sự). Và như vậy, ai cũng có thể là nhà báo, cũng có thể trình bày ý kiến, lôi kéo người cùng tư tưởng, lập nhóm, lập hội thực sự trên mạng ảo.
Hãy lấy các blog và mạng xã hội phổ biến ở Việt Nam là Facebook (FB) làm ví dụ. Người ta có thể viết, sáng tác, đưa ra bình luận, quảng cáo, thậm chí chửi bới nhau trên đó. Kết cấu lan truyền của mạng xã hội kiểu FB chỉ có thể liên tưởng với phản ứng hạt nhân. Có rất nhiều đánh giá khác nhau về mạng xã hội. Có cái nhìn tiêu cực (cấm đoán, cái chợ rác rưởi), có cái nhìn tích cực (công cụ vận động, quảng bá, xuất bản…).

1.    1  Cái gì đang diễn ra trên mạng xã hội như FB?
(chia sẻ một chiều và chửi tục)
Tôi qua một thời gian tham gia blog và FB, nhìn thấy tấm gương xã hội Việt Nam đã phản ánh chân thực trên đó, đó là đời sống phi dân chủ, văn hóa tranh luận rất thấp kém của đại đa số thành viên tham gia.
Khi một vấn đề nêu ra, thông thường người ta chạy theo số lượng “thích”. Bài viết càng nhiều người nhấn “thích” dường như càng được đánh giá cao. Điều đó cũng tự nhiên thôi. Ai cũng có nhu cầu được chia sẻ, được thông cảm, thấu hiểu. FB là nơi tuyệt vời cho nguyện vọng chia sẻ của cá nhân với cộng đồng
Song điều đáng nói là cách mà người ta “tranh luận”. FB Việt Nam là nơi mà ít thấy nhất sự tranh luận nghiêm túc. Nhan nhản hiện tượng, một ý kiến đưa ra, lập tức có ý kiến phản bác theo cách “không theo ta tức là kẻ thù của ta”. Ví dụ như khi tôi đăng một ý kiến về bão lũ, hơi có cái nhìn khác về phương pháp chống bão, một bạn trên FB nói với tôi: “Không biết thì im đi, quan điểm của ông chỉ dành cho chó nghe”
Nhan nhản trên FB những kiểu phê phán chụp mũ. Ví dụ khi có một bạn nêu ra ý kiến cần cấm xe máy, lập tức có rất nhiều người ủng hộ, song cũng có nhiều người phản đối. Đó là bình thường, song điều đáng nói là những người phản đối dùng từ ngữ rất nặng nề, như thể tác giả ý kiến đó là kẻ phản dân hại nước.
Tại sao lại có hiện tượng đó? Đó là vì từ lâu, người Việt quen thấy và quen sống trong bầu không khí “thống nhất cao” hoặc “tập trung dân chủ”. Khi có ý kiến chỉ đạo rồi, thì nói khác không được, ai nói ra thì bị đánh giá hoặc là chống lại, hoặc là tha hóa rồi. Do đó, cái gọi là “văn hóa tranh luận” còn xa xôi lắm. Trong một phạm vi hẹp về học thuật bên ngoài mạng xã hội, trên mặt báo chính thống, người ta cũng không khó gì gặp sự phê bình đao búa. Nếu khác ý tôi thì giết cho chết, đó còn là nhẹ, còn lăng nhục, đánh vào cá nhân tác giả cũng không phải là hiếm. FB là cái tập hợp lớn hơn, hổ lốn và tạp nham hơn, tất nhiên mức độ hỗn tạp và độ chửi bới cũng cao hơn.
Tại sao lại có hiện tượng đó? Bởi vì từ lâu, người Việt không còn thói quen lắng nghe và thừa nhận sự khác biệt. Cứ ai khác mình là khó chịu rồi. Biết nó nịnh đểu, nghe còn thích hơn thằng chửi đúng. Thế là lập tức cá nhân nổi nóng lên, chửi lại. Thế là (nếu là) tập thể thì dùng mọi hình thức quy chụp, dùng công cụ quyền thế để đàn áp. Ôi, FB Việt Nam ảo mà thật như chính xã hội vậy.

2.      Vậy thì có nên duy trì mạng xã hội nữa không?
(một xã hội dân chủ tất yếu, không cản được)
Dĩ nhiên là nên duy trì, và không thể giết chết nó được, bởi vì nếu không nuôi nó, nó vẫn sống, nó vẫn là một biểu hiện tự nhiên, con đẻ của công nghệ hiện đại. Ai nói phải chặn hoặc giết nó, khác nào nhân vật của Don Kihote đánh nhau với cối xay gió.
FB chẳng hạn, nó đang có tác dụng, mà chúng ta ít khi nhận ra. Ngoại trừ tác dụng chia sẻ thấy rõ nhất, thì nó còn có những bài học sau đây:
Một, đó là nhờ FB, mọi người quen dần với sự tồn tại của cái khác biệt. Nếu anh tham gia FB, mà anh chỉ lăm lăm mong người ta khen mình thì ảo tưởng. Nếu anh tham gia mạng xã hội, tất nhiên phải học cách uống chén đắng sẽ bị chửi một cách hèn hạ. Và thông qua đó, bạn chọn cho mình một cách ứng xử thích hợp nhất. Mọi lời nói, con chữ trên FB không bị gió bay đi, nó còn lưu lại hết. Và sự phán xử cũng sẽ có cả, không có gì phải ngại. Rồi đây, xã hội sẽ không phải như mạng ảo, cứ thấy ai chửi mình thì “del” người ta, đâu có được.
Hai, nhờ FB, mọi người quen với đời sống một xã hội dân chủ, mặc dù xã hội ấy chỉ là ảo. Trên mạng, bạn có thể tự do lập nhóm, lập hội. Ai thích nhóm nào thì vào nhóm đó. Và các nhóm tồn tại không ảnh hưởng lẫn nhau. Dù cho bây giờ còn có những câu chửi bới bậy bạ, quy chụp lăng nhăng, nhưng rồi người ta nhận ra rằng, xã hội không bao giờ có thể tuyệt đối thống nhất. Nếu công nhận sự khác biệt, thì sự phê phán cũng sẽ khác. Và như vậy, xã hội ảo cũng là nơi mà xã hội thật trải qua sai lầm phê phán, dần dần quen với tư tưởng dân chủ. Dân chủ, đó là mục tiêu mà mọi nhà nước văn minh hướng đến.

3.      Làm quen với luật lệ trên mạng
(Cảnh giác với mạng xã hội)
Một xã hội văn minh bao giờ cũng phải có một hệ thống luật, một cộng đồng văn hóa cũng có hệ thống lệ được đúc kết qua nhiều đời. Mạng xã hội cũng có luật lệ riêng của nó. Nếu anh không am hiểu luật của nó, nó sẽ “bắt” anh vào “tù”.
Có những người ra sức chống lại luật FB, đó là muốn khuôn mình vào một cộng đồng kín. Mọi bảo mật đều như cái khóa có thể bung ra được. Cho nên, có một số bạn tự do hành xử trên FB như thể đó là nơi muốn làm gì thì làm, tự do nói năng thô tục, chửi người này, lăng nhục người khác. Mọi hành vi của bạn đều được xã hội mạng ảo soi vào. Đó là cách đơn giản nhất mà người tham gia FB không hiểu nó.
Xã hội FB cũng có quy luật riêng, nếu phạm phải sai lầm thì cũng ăn đủ. Chính tôi cũng đã không ít lần phạm sai lầm. Nhu cầu được chia sẻ là có thực, nhưng đôi khi có cả nhu cầu được cá nhân hóa, mà chúng ta quên đi.
Một ví dụ nhỏ và đơn giản. Mạng xã hội dù sao nó cũng là một bộ máy khổng lồ, đúng nghĩa là máy. Nên, chỉ một từ phạm phải bộ máy tìm kiếm của một công ty quảng cáo cá mập, là thư rác ào ạt chảy vào hộp thư hay comment của bạn. Trên website của tôi, máy chủ tại Mỹ, tôi đã phải bỏ từ “dâm” trong một tít đặt bài, chì vì khi tìm thấy từ này, hàng loạt thư quảng cáo bao cao su, thuốc tăng lực cứ đều đặn rót vào hộp thư comment.
Đó là ví dụ thô nhất về sự phải am hiểu quy luật xã hội mà mình tham dự. Còn ngoài ra, sáng tác, bình phẩm cũng nên cân nhắc và suy xét xem có nên không. Điều này cũng lại là điều “nhạy cảm” theo cách gọi của các nhà quản lý “lề phải”. FB cũng có quy tắc “nhạy cảm” của riêng nó.

Trên đây chỉ là chia sẻ nhỏ nhoi của tôi. Đây cũng là đề tài nhạy cảm mà chắc ít bạn nói ra…

1 nhận xét:

  1. Nặc danh21:31 15/11/13

    Các anh lớp e thích làm thơ tình trên bloge hơn a NXH ạ. Facebook mệt lắm.

    Trả lờiXóa

Bạn có thể nhận xét không cần là thành viên, và nên góp ý lành mạnh, trung thực. Chọn nhập vai trong danh sách phía dưới khung nhận xét.