nhà và ruộng của người Malagasy |
Cộng đồng người Malagasy sinh sống trên đất nước Madagascar
được cho là di cư từ khu vực Nam Đảo châu Á, gồm các dân tộc miền đảo như
Indonexia, Malaysia, Australia… Hiện nay, do dòng nhập cư lâu đời và lai đa hệ,
có 16 nhóm cư dân chính sinh sống…
Ngoài người da đen chủ yếu ở thành phố, còn lại đa số da
vàng ở nông thôn, mật độ dân cư không dày (dân số 22 triệu người, diện tích đất
nước gần gấp 2 Việt Nam). Điều đáng suy ngẫm và rất bất ngờ, khiến cho tôi có cảm
tưởng đặc biệt, đó là đời sống người dân Malagasy giống kỳ lạ với người Việt. Đời sống biểu hiện ở tập quán làm lúa nước, làm nhà ở, tín ngưỡng thờ cúng, cách cải táng...
Người nông dân Malagasy làm lúa nước. Ruộng lúa y hệt ở Việt Nam. Cũng bờ vùng bờ thửa như vậy. (Và các con sông cũng có đê chắn như ở miền Bắc Việt Nam). Khi tôi đến đó, nhiều ruộng đã cấy, họ cấy rất dày. Người nông dân cũng bán mặt cho đất, bán lưng cho trời. Chỉ có điều khác, là ở những ruộng mới gặt, họ không dùng cuốc để cuốc đất, mà dùng mai nhẹ để lật. Hai hoặc ba người cùng thúc mai xuống, lật đất lên. Đất rất tơi xốp chứ không nhiều sét như ở Việt Nam. Có trâu bò cày, nhưng ít. Có lẽ dân nghèo nhiều, không có mấy trâu bò riêng.
Lật đất bằng mai, 3 người phối hợp |
Nhà ở của người Malagasy ở nông thôn gần thủ đô cũng không
khác nhiều ở các tỉnh xa xôi của Việt nam, như là đến Cao Bằng, Hà Giang.
Điều đặc biệt khiến tôi rất đỗi ngạc nhiên, là lần đầu tiên
tôi phát hiện có một dân tộc có tục lệ cải táng như người Việt. Người chết chôn
sâu dưới đất 7met, chắc là do đất của họ khô, nên phải chôn sâu. Việc chôn sâu
này tôi hỏi nhưng không ai trả lời rõ ràng cả. Sau 3 năm hoặc 5 năm, hoặc 7 năm
thì đào lên, gói xương trong các tấm vải, rồi cho vào mộ chung của gia đình. Đặc
điểm khác Việt Nam là họ không có mộ riêng, mà mộ gia đình chung. Phần lớn mộ
xây hình trụ tròn, nhưng tôi cũng thấy có nhà mộ to như biệt thự.
Mộ xây |
Người Malagasy cũng là dân đa thần giáo như người Việt, cũng
thờ cúng đủ thứ, phong thần phong thánh cho mọi vật được. Đó cũng là tôn giáo cổ
xưa rất giống Việt Nam. Quan niệm “sống gửi chết về” cũng rất giống. Nhà ở thì
sơ sài, còn mộ thì xây cất rất hoành tráng. Anh hướng dẫn người Malagasy nói với
tôi như thể tôi là người phương Tây: Chúng tôi có quan niệm đặc biệt, sống trên
đất, cấy hái trên đất, chết trong đất và về đất ấy. Tôi bảo: Việt nam cũng thế.
Anh ta đầu tiên không để ý, sau thì hỏi lại rất kỹ. Rồi nói: Lần đầu tiên thấy
có một dân tộc giống chúng tôi.
Mộ xếp đá |
Có lẽ tín ngưỡng và sự chôn cất phiền phức như vậy, sự tưởng
nhớ và lệ thuộc quá khứ quá nặng cũng là lực cản phát triển dẫn tới nghèo đói. Tuy
nhiên, có điều này khiến chúng ta suy nghĩ, chính quyền Madagascar dù làm gì,
cũng không động đến tục lệ cổ truyền, không xâm nhập đến đất đai của dân chúng,
coi chúng là thiêng liêng. Đất nước này kém phát triển, nhưng ở nông thôn thì
dân chúng sống hồn nhiên, nhi nhiên, các em bé đi học nhởn nhơ, thanh niên chiều
đổ ra ruộng đá bóng, người già chống gậy lù dù như chả có chuyện gì xảy ra cả…
Tôi nhìn những em bé đi học, thấy lại quá khứ gần nửa thế kỷ trước ở Việt Nam
cũng như thế này.
Do chưa phát triển công nghiệp, mà sông suối của họ cũng
chưa bị ô nhiễm. Cảnh cả xóm mang quần áo ra sông giặt thật giống Việt nam hồi
những năm 60, 70. Họ cũng mặc quần áo nhếch nhách như nông thôn chúng ta hồi
xưa. Họ chậm phát triển, nên hy vọng rằng, tránh được những vết xe đổ về phát
triển công nghiệp và tàn phá môi trường như chúng ta.
Nhà truyền thống, lợp mái âm dương dáng vảy cá |
Tôi không có điều kiện tìm hiểu sâu hơn nữa, nhưng chỉ tình
cờ mà cũng thấy mấy điều tiêu biểu giống nhau. Nhà ở ngày nay cũng không có gì đặc biệt, nhưng nhà truyền thống của người Malagasy thì
có mái âm dương, cách lợp y hệt Việt Nam. Khi đến thăm Dinh Vua, một nơi như
kinh đô thế kỷ 18 của một vị vua người Malagasy, cách thủ đô 20 km, được công nhận Di sản thế giới năm 2009, bất ngờ tôi
nhìn thấy một loạt nhà truyền thống, theo họ là “nhà cổ” mà mái âm dương rất giống
Việt Nam. Tại sao người Trung Quốc gần chúng ta, nhưng lại lợp mái ngói ống, chứ
không phải loại vảy cá như cha ông ta đã làm, còn ở xa tít châu Phi thì người
ngày xưa lại làm nhà y hệt Việt Nam? Tại sao các dân tộc Đông Nam Á gần Việt Nam không cải táng như người Việt, mà một dân tộc tận Châu Phi lại làm như vậy?
Tôi khi đi trên đất Madagascar, cứ tự hỏi, phải chăng từ hồi
xa xưa, có sắc dân từ miền đất Sông Hồng vượt biển đến đây. Nếu không thế, tại
sao trên thế giới lại có hai cộng đồng người sinh sống và chết, tín ngưỡng và thờ cúng giống nhau kỳ lạ đến
thế.
Anh Xuân Hưng có chuyến đi dài thật thú vị, em cũng thích được đi nhiều nước để biết thêm được nhiều thứ như anh. Nhìn ảnh anh chụp "nhà và ruộng của người Malagasy"đã gợi cho em rất nhớ nhà và quê lúc này, bởi ở quê em là một xã vùng sâu xa vào bậc nhất của tỉnh Tuyên Quang cũng có cảnh đồng ruộng và làng quê như thế.
Trả lờiXóaHQ.
Mình cũng muốn đi đó đây để "học". Bởi "học thì ấm vào thân" như các cụ vẫn nói.
Trả lờiXóaNhưng đi phu hồ xách vữa cả năm chả đủ tiền mua một cái vé. Tính xách ba lô đi đến đâu kiếm tiền đến đó để không ngừng xem xét, học hỏi như em Huyền Chíp. Rồi về tính chuyện thay đổi cuộc đời chung và riêng, chứ học nửa chừng, nửa đoạn như nhiều nhà quản lý đương nhiệm rồi bắt dân làm theo, mệt bách tính quá.
Nhưng vợ con ai nuôi. Ba đứa con đang đi học!
Thôi lại đành sống với "Giấc mơ con đè nát cuộc đời con" vậy. Hu hu ...
Nói thật là tôi chưa biết em Huyền Chíp là ai và tôi cũng không muốn biết. Nhưng mơ thì tôi vẫn cứ mơ, bởi mơ hoàn toàn miễn phí, tại sao ta lại không mơ những giấc mơ đẹp? bởi ai cũng có quyền được mơ. Đôi khi trong lơ tơ mơ lại làm được nhiều bài thơ hay, hì hì...
Trả lờiXóaLiệu có khả năng 1 trong 50 người con nở trong bọc trăm trứng của Âu cơ xuống biển đi ra thế giới không? Và đi đến Châu Phi?
Trả lờiXóa