11 tháng 11, 2013

Thơ tình trong ...bão



Những chiếc lá trên cành
Mang màu xanh sự sống
Ấp ủ niềm hy vọng
Toả bóng mát cho đời...

Bỗng sầm sịt đất trời
Lá níu cành quằn quại
Gió quật đi quật lại
Mưa xối xả phũ phàng.


Trong giông tố quay cuồng
Lá cành đều tơi tả
Giữa mưa gào gió hú
Lá lìa cành
rơi...
rơi...

Mấy ai hiểu, em ơi
Nỗi đau cành xa lá
Cành - Trái tim anh đó
Lá chính là tình em!

                                (NCT-11/2013)

14 nhận xét:

  1. Nặc danh14:18 11/11/13

    Đọc Thơ tình trong báo lại nhớ đến mấy câu thơ hồi sinh viên hay đọc:
    "Cơn báo nghiên đêm
    Cây gãy cành bay lá
    Anh nắm tay em
    Cùng qua đường khỏi ngã.

    Cơn bão tạnh lâu rồi
    Hàng cây xanh thắm lại
    Nhưng em đã xa xôi
    Và cơn bão lòng tôi thổi mãi"

    Trả lờiXóa
  2. Bài thơ trên là của Tế Hanh công bố năm 1957. Tôi đọc trên Thivien.net thấy có lời bình bài thơ này, xin giới thiệu với các bạn:
    Chỉ hai câu thơ đầu vỏn vẹn 9 từ mà nhà thơ Tế Hanh đã mô tả được hết “bản chất” của cơn bão. Đây là cơn bão lớn. Cơn bão lớn – mạnh đến độ làm nghiêng cả đêm tối, lệch cả không gian. Sự tàn phá của cơn bão thật ghê gớm cây gãy cành bay lá. Sức gió chắc chắn là rất mạnh rồi, phải là gió xoáy và giật trên cấp 12. Lại nữa, phải là tâm bão thì mới đổ gãy cành cây, mới tả tơi của lá. Thiết tưởng mọi cảnh vật, sinh linh khó giữ nguyên hiện trạng và khó có thể “vượt qua “ được trận cuồng phong đó của thiên nhiên
    Hai từ “nghiêng đêm” , nhà thơ sử dụng thật tinh tường, “chân tướng” dữ dằn của cơn bão được phơi bày đến tận cùng. Đất trời như sắp bị đảo lộn – không gian như bị xén vụn bới sự quăng quật của gió giật, bởi âm thanh náo loạn của đổ gãy cây cối. Điều kỳ diệu là trong cơn bão đó, con người lại không bị ngã. Vì sao vậy? Vì con người đã biết “gắn kết” lại với nhau. Hơn thế, đó là sự gắn kết của tình yêu. Tình yêu truyền cho con người thêm sức mạnh Ta nắm tay em / Cùng qua đường cho khỏi ngã . Mới hay, đã là sức mạnh của tình yêu thì không có cơn bão nào, hay một trở lực hung hãn nào ngăn phá được!?
    Đại từ nhân xưng “ta” trong bài thơ chính là chủ thể tình yêu, rất có tâm thế, tự tin, từng trải, giàu kinh nghiệm, rất chủ động ta nắm tay em và cả hai cùng qua đường , cùng đi về một hướng và hẳn nhiên là phải biết cách đi thì mới cho khỏi ngã.
    Câu thơ nói chuyện vượt qua đường của con người trong cơn bão thôi nhưng ngẫm thật thấm thía bởi hàm ý sâu xa. Nói chuyện đời thường, nói chuyện tình yêu mà toát lên được truyện đại sự.
    Trở lại bài thơ. Bão lớn đến cỡ nào rồi cũng phải tan, phải tạnh. Cơn bão tạnh lâu rồi / Hàng cây xanh thắm lại cũng là chuyện bình thường của quy luật thiên nhiên. Sau một thời gian, sự tàn phá của bão đã được xóa đi, thay vào đó là sự trường tồn của cảnh vật. Cái sự cây gãy cành bay lá đã không còn nữa mà là đây hàng cây xanh thắm lại như lúc đầu chưa có bão xảy ra. Nghịch lý thay! Cơn bão do thiên nhiên tạo ra đã tan rồi thì “cơn bão lòng của tình yêu” lại trỗi dậy. Câu thơ Nhưng em đã xa xôi tiếp theo đem đến cho người đọc một cảm thức mới – một tình huống mới xảy ra là em đã xa xôi – em không còn ở bên ta (bên anh)- nữa, em đã xa cách ta rồi. Từ nhưng đặt đầu câu nhằm nhấn mạnh thêm tính nguyên nhân, tính lý do của cái sự em đã xa xôi . Biết vậy mà người đọc vẫn thấy đột ngột (?!) giữa hai người. Chủ thể tình yêu là ta như thốt lên đau xót, từ đây em không còn thuộc về ta nữa. Ta không còn có em nữa. Còn lại ta đơn chiếc lẻ loi với cơn bão lòng thổi mãi mà không. Một mình ta dễ gì vượt qua cơn bão lòng, cơn bão tình yêu.
    Lạ chưa? Cơn bão lòng nghiệm ra còn ghê ghớm hơn cả cơn bão thiên nhiên. Cơn bão thiên nhiên còn có giới hạn thời gian còn cơn bão lòng ta cứ thổi mãi, thổi mãi em có biết không?
    Bài thơ ra đời năm 1957, thế kỷ trước, nay đọc lại, tưởng như nhà thơ vừa viết xong chưa ráo mực . Tế Hanh – nhà thơ trụ cột một thời của dòng thơ đấu tranh thống nhất đất nước nhà với Nhớ con sông quê hương, Bão cùng rất nhiều bài thơ hay khác của ông đã hóa thân vào tâm hồn dân tộc Việt.

    Lời bình của Minh Quang
    Đăng trên Báo Văn Nghệ số 35 + 36 (ra ngày 29/8 và 5/9/2009)

    Trả lờiXóa
  3. Bão tố, gió mưa, mất mát, đớn đau ... Không ai mong muốn.
    Nhưng có khi trong lúc bất khả kháng ấy, người ta lại thấy rõ hơn những cái tình: Tình đời, tình người, tình mình ...
    Và người ta sẽ vươn lên từ những thương đau. Để mà yêu nhau hơn.
    Không phải mọi nỗi đau đều bi lụy. Bởi vậy, khi "bão" qua rồi, hãy mỉm cười, thi sĩ ạ!

    Trả lờiXóa
  4. Nặc danh10:48 12/11/13

    Câu kết hay quá anh Thành ơi,
    Cành - Trái tim anh đó
    Lá chính là tình em!

    Trả lờiXóa
  5. Bài thơ này thoạt đầu tưởng như bình thường nhưng là một trong những bài thơ hay nhất của NCT mà tôi đã đọc đấy. Lời thơ cô đọng mà chặt chẽ, hình tượng cành và lá độc đáo, kết thúc bất ngờ gây ấn tượng làm cho bài thơ có sức nặng xoáy sâu vào lòng người đọc. Cảm ơn NCT với THƠ TÌNH TRONG BÃO (LPT)

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Nặc danh21:57 12/11/13

      Thơ hay thế sao không thấy bác Thichdoctho hay N22, Hải Yến bình để mọi người cùng thưởng thức nhỉ.

      Xóa
    2. Nặc danh22:33 12/11/13

      Thơ này nhiều cảm xúc quá, mà "đau" nhiều. Chắc không đúng sở trường của Mr.thich. Thich Tiên sinh khoái thơ triết lý. Thơ này là món "khoái khẩu" của N22 hoặc Hải Yến. Nhưng hồi này, chẳng thấy mấy cô giáo này đâu. Chắc bị chồng "cấm" đọc blog E rồi.
      Chắc chỉ đợi cô giáo Hiền Mai thôi. Mai vàng sẽ nở bốn mùa trên blog E. Các bác nhà mình "hãy đợi đấy"
      (Người đồng hành cùng thichdoctho)

      Xóa
  6. Nặc danh23:09 12/11/13

    Thơ tình trong bão mà lại đăng trong dịp cơn bão HẢI YẾN quét qua Việt Nam, nên có lẽ bạn Hải Yến bình bài thơ này là phù hợp nhất. Hãy đợi xem Hải Yến cô giáo có tạo cuồng phong trên BlogE như Hải Yến bão ngoài biển không?

    Trả lờiXóa
  7. NỖI ĐAU “TÌNH TRONG BÃO”


    Đọc “Thơ tình trong bão”, tự nhiên tôi không thể đọc hiểu theo cái cách mọi khi vẫn thường đọc những bài thơ khác.
    Tất nhiên, thơ hay thì hút hồn người đọc ngay từ những câu đầu. Rồi vẫn phải đọc lại nhiều lần mới hiểu hết và hiểu sâu những ý tứ của tác giả. Nhưng cái sự “đọc lại” ấy, thường thì chỉ cần nhằm vào một vài “điểm sáng nghệ thuật” mà thôi! Đọc đến đâu, ngẫm đến đó. Có nhiều lớp nghĩa đi nữa, thì thường chúng vẫn song hành cùng nhau.
    Đằng này, bốn khổ bài “Thơ tình trong bão” của anh NCT buộc tôi phải đọc như sau: Đọc ba khổ thơ đầu, tôi hiểu một lớp nghĩa. Đến khổ thơ cuối có sự chuyển nghĩa. Và khi nghĩa chuyển ở khổ cuối đã hiểu rõ rồi, tôi lại phải đọc lại lần nữa ba khổ đầu để hiểu lớp nghĩa hàm ẩn trong những ngôn từ ở đó. Như thế mới có thể cảm nhận một cách đầy đủ và thấu đáo về bài thơ.
    Bởi vậy, khổ thơ cuối của bài thơ này như một chiếc bản lề gắn kết hai phía: Một phía là lớp nghĩa hiển ngôn của ba khổ thơ trước. Một phía là lớp nghĩa hàm ngôn của chính ba khổ thơ ấy.
    Ta hãy cùng đọc lại bài thơ.
    Ba khổ thơ đầu: “Những chiếc lá trên cành … Lá lìa cành /rơi/rơi …” như một cuốn phim thời sự về cảnh mưa bão. Một cuốn phim với nhiều trường đoạn.
    Cảnh quay thứ nhất: Chưa có bão tố. Cảnh yên bình và tràn trề sức sống. Cảnh ấy được thi sĩ tập trung biểu đạt ở hình ảnh “Những chiếc lá trên cành”. “Chiếc lá” với “màu xanh” của “sự sống”, hứa hẹn bao “hi vọng” vào tương lai tươi sáng phía trước. Cành nâng đỡ lá, lá mang lại sự sống cho cành. Lá cành quấn quít để tỏa bóng cho nhau. Và quan trọng hơn, lá cành còn “tỏa bóng mát cho đời”.
    Cảnh quay thứ hai: Bão tố. Tâm điểm của cảnh vẫn là “lá cành”, nhưng là lá cành trước trận cuồng phong. Đau đớn làm sao: “Lá níu cành quằn quại … Lá cành đều tơi tả … Lá lìa cành /rơi/rơi …”. Lá đã dùng hết sức mình chống chọi với gió mưa để bám vào cành, để neo lại với nơi nâng đỡ đời mình. Nhưng sức lá mảnh mai, sao thắng được cơn thịnh nộ của thiên nhiên, khi mà “Gió quật đi quật lại/ Trong giông tố quay cuồng”. “Lá lìa cành” khi vẫn xanh mướt mát. Mới hay sự tàn phá của bão giông thật khúng khiếp làm sao!

    (Còn nữa ...)

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. NỖI ĐAU “TÌNH TRONG BÃO” (Tiếp)

      Nhưng câu chuyện về “những chiếc lá xanh tươi lìa cành” trong gió bão không chỉ là chuyện của thiên nhiên. Nó còn là chuyện của con người. Khổ thơ cuối chuyển nghĩa thật bất ngờ:
      “Mấy ai hiểu, em ơi
      Nỗi đau cành xa lá
      Cành - Trái tim anh đó
      Lá chính là tình em!”
      Hai câu thơ cuối cùng có kết cấu kiểu câu định nghĩa. Những định nghĩa gián đơn mà vô cùng hợp lý, ngắn gọn thôi mà chan chứa biết bao tình: Cành – trái tim anh … Lá – tình em. Như vậy, tình lá cành là tình yêu mình đó.
      Có thể, hình ảnh thơ không quá mới mẻ. Có thể, NCT không là người đầu tiên có ý tưởng dùng những hình ảnh so sánh này. Ta đã đọc được ở Becxônôp những lời thơ:
      “Nếu em hiểu tình yêu là chiếc lá xanh tươi
      Em sẽ hiểu nỗi đau mùa lá rụng”
      Ta cũng từng nghe đâu đó những ca từ của “Tình em”: “Khi chiếc lá xa cành lá không còn màu xanh/ Mà sao em xa anh, đời vẫn xanh vời vợi …”
      Nhưng rõ ràng, hình ảnh về tình yêu mình như lá cành quấn quít, bất ngờ bị chia xa, trong thơ NCT, rất khác. “Chiếc lá” trong thơ Becxônôp và trong bài hát “Tình em” là những chiếc lá đã hết màu xanh, đã không còn sự sống, đã úa tàn, rụng xuống theo mùa. Như vậy cũng không có gì phải níu kéo. Còn trong “Thơ tình trong bão” của NCT, “lá em” bị giật khỏi “cành anh” khi đang căng tràn nhựa sống. Vì thế mà “nỗi đau” để lại là nỗi đau ứa nhựa từ tim. Nhưng vì máu chảy vào trong nên “mấy ai hiểu được”.
      Những thước phim quay, qua lời thơ của thi sĩ đã chuyển từ bức tranh ngoại cảnh sang bức tranh tâm cảnh bất ngờ mà hợp lý như thế.
      Song, như tôi đã nói trong những lời đầu: Bức tranh tâm cảnh đâu chỉ ở khổ thơ cuối cùng. Ta lại phải trở về với ba khổ thơ đầu. Trở lại với sự quấn quít lá cành để thấy rõ sự gắn bó của hai trái tim yêu. Trở lại với bão tố để thấy rõ sự nghiệt ngã của cuộc đời đã chia rẽ tình mình. Trở lại với những “quằn quại, tơi tả, rơi/rơi …” để thấy rõ nỗi đau của tình yêu vỡ vụn …
      Thể thơ năm chữ của bài thơ thật phù với những lời tự sự để biểu đạt nội tâm. Hình ảnh thơ có tính kế thừa đã tạo nên những hình tượng giàu sức gợi trong toàn bài. Đọng lại trong người đọc là nỗi đau âm ỉ của một tình yêu sáng trong nhưng bất ngờ tan vỡ trước bão tố cuộc đời.
      Có một điều, đọc bài thơ, tôi cứ tiếc mãi: Giá mà không chỉ có “Lá níu cành quằn quại”. Giá mà “cành - trái tim anh” cũng níu “lá … tình em” chặt hơn, thì biết đâu, “lá” có thể sẽ không “rơi”!
      Nhưng, cuộc đời này vẫn có biết bao cái “Giá mà” như thế.

      Xóa
  8. Nặc danh11:57 15/11/13

    Không biết Thảo Chi có phải là Hải Yến hay Thichdoctho không nhỉ? Bình thơ có nghề quá!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Nặc danh15:22 15/11/13

      Tôi lại nghĩ: Lời bình thơ này của Thảo Chi rất có thể là lời bình thơ thật sự, lời bình thơ chính thức của cô giáo Hiền Mai.
      (Độc giả hay đọc thơ lớp E)

      Xóa
    2. Thảo Chi không là Én Biển (Hải Yến) bay xa, không phải hoa Mai Hiền dịu (Hiền Mai), cũng chẳng phải hòa thượng họ Thích (thichdochto). Thảo Chi là một nhành cỏ - một nhành cỏ dại. Tình cờ đọc blog E, em tập bình thơ thôi.

      Xóa
  9. Nặc danh05:08 20/11/13

    Thảo Chi, tên ấy rất ấn tượng vì vừa khiêm nhường lại vừa báo hiệu điều nguy hiểm( vì lỡ là cỏ dại sắc nhọn thì sao!)

    Trả lờiXóa

Bạn có thể nhận xét không cần là thành viên, và nên góp ý lành mạnh, trung thực. Chọn nhập vai trong danh sách phía dưới khung nhận xét.