Phan Duy Kha
Lịch sử khoa cử Nho học nước ta đã có 46 vị Trạng nguyên, trong đó, có 3 vị được phong là "Lưỡng quốc Trạng nguyên". Thứ nhất là Mạc Đĩnh Chi, thứ hai là Nguyễn Trực, thứ ba là Nguyễn Đăng Đạo.
Trạng nguyênNguyễn
Đăng Đạo (1651 - 1719) quê ở làng Hoài Bão, tổng Nội Duệ, huyện Tiên Du (nay là
xã Liên Bão, Tiên Sơn, Bắc Ninh) là một người tư chất thông minh, sáng láng.
Năm 16 tuổi, ông thi đỗ Tam trường rồi được gia đình cho lên kinh đô Thăng Long
học tập.
Trong thời
gian học ở kinh đô, nhân ngày rằm tháng Giêng, tục gọi là Tết Nguyên tiêu, Đăng
Đạo cùng vài đứa tiểu đồng đến chùa Báo Thiên vãn cảnh. Đến
trước cổng chùa, ông thấy một cỗ xe hoa, xung quanh là đầy tớ theo hầu xúm xít.
Từ trên xe bước xuống là một tiểu thư đài các. Chàng trai Đăng Đạo sững sờ
trước vẻ đẹp của tiểu thư, chỉ biết theo gót chân nàng bước vào chùa.
Tại
đây cô gái thắp hương cầu Phật. Đăng Đạo cũng bước đến bên cạnh, chắp tay khấn
vái. Chàng khấn rằng: "Nam mô a di đà Phật. Con cầu khấn Phật Tổ phù hộ độ
trì cho vợ chồng con bách niên giai lão". Chàng không khấn thầm, mà lại
khấn thành lời, cốt cho tiểu thư nghe được.
Các
thị tỳ theo hầu nghe lời khấn, cho là chàng cớt nhả, bèn thi nhau mắng nhiếc
chàng là vô lễ, cả gan mạo phạm tiểu thư con nhà danh giá. Riêng tiểu thư không
giận gì chàng vì cho rằng đó chỉ là trò đùa của đám học trò tinh nghịch. Nàng
mắng khẽ những người theo hầu, rồi lên xe trở về dinh. Nguyễn Đăng Đạo liền bám
theo xe cho đến cổng dinh thự để biết nơi ở của nàng.
Nguyên
đây là Phủ đệ của viên Đề lĩnh họ Ngô, chỉ huy cấm quân bảo vệ Kinh thành. Ngô
Đề lĩnh chỉ sinh có mỗi mụn con gái, đã tới tuần cập kê, đang có ý định chọn rể
trong đám văn chương khoa bảng hoặc bọn con em nhà công hầu khanh tướng.
Đăng
Đạo bèn lân la, quà cáp cho những người gác cổng để tìm hiểu đường đi lối lại
trong phủ và phòng ở của tiểu thư.
Thế
rồi một đêm kia, chàng trèo tường đột nhập vào dinh thự, đến thẳng phòng cô gái
rồi trèo lên giường ngủ chung. Tiểu thư bỗng nhiên giật mình tỉnh dậy, vô cùng
hoảng hốt. Hai người lời qua tiếng lại, bọn con hầu đầy tớ biết được, chạy tới.
Họ giữ chàng lại rồi đi báo cho Đề lĩnh, cha nàng.
Ngô
Đề lĩnh là một người nghiêm khắc, xét xử mọi chuyện dứt khoát theo lối nhà
binh. Ông cho trói chàng trai lại để mai sớm giải lên Pháp quan. Chuyện ồn ào
trong dinh Đề lĩnh lan sang cả tư dinh bên cạnh của quan Tham tụng Phạm Công
Trứ. Quan Tham tụng, xuất thân văn học, đỗ Tiến sĩ 1628 là người quý trọng nhân
tài.
Thấy
Đăng Đạo xưng là danh sĩ đất Kinh Bắc, bèn bảo chàng làm một bài phú theo đề
tài mới ra cho học viên ở trường Giám hôm ấy. Ông sai cởi trói cho Đăng Đạo,
rồi đưa đầu bài, giấy bút cho chàng. Đăng Đạo đọc đề, mài mực rồi cầm bút, trải
giấy ra, viết một lèo xong bài.
Phạm
Công Trứ đọc bài làm, tấm tắc ngợi khen, bảo: "Văn này xứng đáng Trạng
nguyên, bảng nhãn". Ngô Đề lĩnh rất đẹp lòng, bảo: Ta bằng lòng nhận anh
làm con rể và cho anh vào dinh học hành, nhưng phải đại đăng khoa (thi đỗ) rồi
mới được tiểu đăng khoa (lấy vợ) đấy nhé.
Từ
đó Nguyễn Đăng Đạo dọn đến dinh Đề lĩnh ở, ngày đêm dùi mài kinh sử. Một năm
sau, chàng thi hương đỗ đầu, mấy năm sau nữa chàng đỗ thi hội, rồi vào thi Đình
được đỗ Trạng nguyên.
Lúc
này Nguyễn Đăng Đạo mới báo cho bố mẹ mình đến hỏi tiểu thư con quan Đề lĩnh
làm vợ. Quan Đề lĩnh họ Ngô không ngờ rằng, chàng rể của mình lại xuất thân từ
một danh gia vọng tộc.
Bố
Nguyễn Đăng Đạo là Nguyễn Đăng Minh, đỗ Tiến sĩ và bác ruột ông là Nguyễn Đăng
Cảo, đỗ Thám hoa, đều là những vị quan to của triều đình. Mặc dù vậy, Nguyễn
Đăng Đạo không muốn dựa thế gia đình mà muốn tự tài năng và ý chí của bản thân
mình mà chinh phục được vợ và gia đình vợ. Thật là một người con rể xứng đáng.
Các cụ ông nhà mình cách đây mấy thế kỉ mà yêu cuồng nhiệt đến thế!
Trả lờiXóaThời nay, đàn ông yêu nhàn nhạt, mờ mờ ... Mộng mị mãi chẳng thấy có "tiếng sét" nào đánh vào tim. Để bây giờ, tình vẫn lặng im ...