4 tháng 11, 2013

Thơ tình tháng 11 (bài 1)

Bạn Hiền Mai khi nhận xét bài Thơ tình tháng Mười (bài 3) đăng trên blogE tuần trước đã viết rằng, tôi có nhiều thơ tình mà bài nào cũng thật tâm trạng, không buồn nhớ thì "chơi vơi". Tôi thấy cần giải thích vì sao tôi làm nhiều thơ tình và vì sao thơ tình lại chứa nhiều tâm trạng đến vậy? Thực tế làm thơ tình khó hơn làm thơ thế sự, vì bên cạnh cảm hứng nó đòi hỏi phải có sự rung động thực sự của con tim thi sĩ. Vất vả lắm nhưng đời mình đã vướng nghiệp văn chương thì gỡ ra làm sao? Xin giới thiệu với bạn đọc bài thơ tôi vừa viết xong. (NCT)


LÀM THƠ TÌNH


Bao người say bởi thơ tình

Trái tim muốn trải lòng mình đấy thôi

Khúc ca dao đẫm lệ đời

Khi yêu ai trốn được lời thơ đâu!

Triệu năm rồi triệu năm sau

Yêu bờ sóng mãi bạc đầu suy tư…



Tôi mài chữ dưới trăng thu

Dũa câu giữa những lời ru nắng hè

Gọt từ lúc gió đông về

Đẽo ra hình tượng khi nghe xuân cười

Khổ đau, thương nhớ, chơi vơi...

Tôi đem cô lại dâng đời bài thơ.
                                          (HN-11/2013)

59 nhận xét:

  1. Nặc danh08:24 4/11/13

    Ôi, toàn mài dũa gọt đẽo mà nghe mượt mà quá, cứ muốn đọc mãi. Sao anh không viết dài thêm nữa đi anh NCT? Bài thơ két thúc đột ngột quá. (Hương Thu)

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Thực tế hiện nay, yêu cầu đối với thơ phải ngắn gọn súc tích, phải thật cô đọng. Báo Văn nghệ, báo Người Hà Nội thường đòi hỏi thơ gửi đăng chỉ 8-12 câu thôi, dài quá người ta không muốn đọc. Thơ đăng báo hiện nay rất ít bài dài, còn trường ca thì đã đi vào bảo tàng Khủng long rồi ND8:24 ạ. Trong tập thơ Khoảng Trời yêu tôi có bài Lời trăng trối trên xa mạc dài 100 câu mà nhiều người đã bảo không thể đọc hết được bài thơ đó. Hương Thu thông cảm nhé. (NCT)

      Xóa
    2. Nặc danh22:26 4/11/13

      Cháu chào bác NCT. Cháu rất thích bài thơ này của bác, thật dịu dàng, giàu hình ảnh và nhạc điệu rất du dương, mang nhiều âm hưởng ca dao. Cháu có một thắc mắc nhỏ như sau:
      Bác viết:"Khúc ca dao đẫm lệ đời
      Khi yêu ai trốn được lời thơ đâu!"
      Như thế, bác coi ca dao cũng là thơ phải không ạ và ca dao ra đời từ lâu lắm rồi, là thơ của tầng lớp bình dân. Vì thế mạch thơ trong bài thơ của bác được nối tiếp bằng câu "triệu năm rồi triệu năm sau". Ngày cháu đi học, cô giáo có phân biệt thơ và ca dao khác nhau bác ạ. Mong được bác hay cô chú nào am hiểu vấn đề này làm rõ thêm giúp cháu được không ạ? (Cháu Bùi Thủy - Ban Văn hóa Website Đảng CSVN))

      Xóa
    3. Ca dao cũng là thơ thôi, do tầng lớp bình dân sáng tác và lưu lại trong nhân dân từ đời này qua đời khác qua hình thức truyền miệng. Trước đây người ta coi thường ca dao, cho đó không phải là thơ (thơ phải do tầng lớp trí giả, quý tộc sáng tác lưu giữ bằng văn bản). Nay giới văn chương đã thừa nhận ca dao là những áng thơ tuyệt vời gắn liền với đời sống con người, nảy sinh từ cuộc sống, tồn tại và được chau chuốt lại trong cuộc sống nên nó rất có giá trị. Bác NCT dùng "Khúc ca dao" là rất đắt đấy cháu ạ. Ý bác ấy muốn nói từ ngàn đời xưa, khi yêu nhau người ta đã phải dùng thơ để bày tỏ nỗi lòng rồi. Dù thửa ấy, chưa được tự do yêu đương, nhưng các cụ ta đã có bao câu thơ (ca dao) tỏ tình, giãi bày tâm sự nam nữ thật hay, thật sâu sắc. (LPT)

      Xóa
  2. Nặc danh08:50 4/11/13

    "Thực tế làm thơ tình khó hơn làm thơ thế sự, vì bên cạnh cảm hứng nó đòi hỏi phải có sự rung động thực sự của con tim thi sĩ. Vất vả lắm nhưng đời mình đã vướng nghiệp văn chương thì gỡ ra làm sao?"
    Có mấy dòng dẫn bài thơ thôi mà thi sĩ nói mâu thuẫn hết cả! Đúng là những lời bao biện:
    - Này nhé, chẳng ai chấp nhận rằng Tiến sĩ kinh tế mà lại bảo "đời mình đã vướng vào nghiệp văn chương". Có "vướng" đến văn chương, chẳng qua cũng là để mua vui, có "nghiệp" gì đâu!
    - Này nữa nhé: "Làm thơ tình khó ... vì ... đòi hỏi có sự rung động thực sự của con tim thi sĩ ...". Nghĩa là, viết ra cái "tình" gì, đều phải qua trái nghiệm thực, không thể suy luận lô gic như thơ thế sự. Tức là, thi sĩ phải yêu rất nhiều để có buồn nhớ, khổ đau, chơ vơi ... rồi viết ra thành thơ. Giống như Đại thi hào nước Nga Puskin chứ gì?
    Thế thì cứ nói rằng, tôi viết nhiều thơ tình, vì tôi đa tình, yêu nhiều và tình nào cũng là yêu thật sự, mới có thơ . Thế thôi, có gì mà phải bao biện dài dòng. Ai chấp tình yêu của thi sĩ thì thật là khờ. Tôi chỉ muốn thi sĩ yêu thật nhiều, để có nhiều thơ cho tôi và mọi người đọc.
    (Độc giả hay đọc thơ lớp E)

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Chưa chắc đã phải thế đâu, tôi thấy có những nhà thơ tình rất nổi tiếng (Xuân Diệu chẳng hạn) đâu có nhiều người yêu !

      Xóa
  3. Nặc danh09:16 4/11/13

    Bạn độc giả hay đọc thơ lớp E nói có nhiều ý đúng, nhưng hơi phiến diện. Không phải cứ yêu nhiều thì có nhiều thơ tình đâu!
    Trong LÀM THƠ TÌNH, thi sĩ đệ nhất thơ tình blog E NCT cũng đã nói rất rõ:
    Thứ nhất là phải có tình yêu "Khi yêu ai trốn được lời thơ đâu!". Và TÌNH YÊU, thì có rất nhiều cung bậc: Đắm say, thương nhớ, buồn khổ, chơi vơi, hờn dỗi ...
    Thứ hai là nhà thơ muốn mang những cái tình ấy của mình chia sẻ cùng mọi người "Trái tim muốn trải lòng mình đấy thôi". Chia sẻ để tìm sự đồng cảm. Đồng cảm rồi, sẽ lại tìm được TÌNH YÊU mới ... Tình yêu cứ thế tăng theo cấp số nhân?
    Thứ ba, điều này rất quan trọng, đó là lao động nghệ thuạt miệt mài của nhà thơ. Đây là yếu tố quyết định để có một bài thơ tình:Mài chứ, dũa câu, gọt từ, đẽo ra hình tượng ... Mà việc làm này dày công lắm. Miệt mài từ "hè" sang "thu", từ "đông" sang "xuân", biết bao thời gian và tâm sức ...
    Nhưng đúng là, điều kiện tiên quyết là thi sĩ phải YÊU thật nhiều! Đúng chứ ạ, thưa thi sĩ?
    (Mưa Ngâu)

    Trả lờiXóa
  4. Chuyện làm thơ tình là khó nhất tôi đã nghe nhà thơ Ngô Thế Oanh (Tổng biên tập tạp chí thơ) nói rồi. Chuyện NCT vướng vào nghiệp văn chương (thực tế đã chứng tỏ rồi) cũng là bình thường cho dù anh ấy có là tiến sĩ hay gì chăng nữa. Nguyễn Du, Nguyễn Trãi ngày xưa cũng làm quan to rồi trở thành thi sĩ vĩ đại đó thôi. Chuyện đa tình hay đơn tình phụ thuộc vào năng lực và số phận của từng người. Có phải ai muốn đa tình cũng được đâu. Tố Hữu, Hữu Loan, Hoàng cầm, Chế Lan Viên, Lưu Trọng Lư... có đa tình đâu mà vẫn lưu lại nhiều thơ tình thế. Đặc biệt là Xuân Diệu, ông vua thơ tình Việt Nam thậm chí đơn tình cũng không xong. Như thế không nhất thiết cứ phải đa tình mới có nhiều thơ tình. Làm được thơ là do thiên bẩm chứ không phải cứ yêu nhiều mà viết ra thơ được đâu ND8:50 ạ. Bạn nói thế có thể làm cho NCT cụt hứng làm thơ mất thì thiệt thòi cho blogE và cho thi đàn Việt Nam quá. Tôi đã từng chứng kiến NCT thất bại khi đùng thơ tán một cố bạn cùng học thời sinh viên, nhưng tôi vẫn đánh giá rất cao thơ tình NCT bởi nó có hồn vía, có tình cảm và mang cả tình triết lý của một nhà khoa học nữa (LPT)

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Nặc danh15:21 5/11/13

      Anh LPT nói mấy ý em đều "không thông":
      - Một là: Nguyễn Trãi, Nguyễn Du xưa làm quan to rồi thành thi sĩ vĩ đại, đúng là "nghiệp", bởi những quan văn như các cụ ấy, bắt đầu đều từ văn chương cả. "Nghiệp quan" của họ cũng vẫn là văn chương.
      - Hai là, ai bảo Xuân Diệu không đa tình, ông ấy chỉ "lực bất tòng tâm" nên một vợ không xong mà thôi. Yêu nhiều, và chỉ yêu "suông" nên lúc nào cũng "khát".
      - Ba là, em đang nói chuyện viết được thơ tình là do trải nghiệm thực (Tất nhiên còn kèm nhiều yếu tố nữa), chứ có nói việc mang thơ tình viết được rồi đi tán gái sẽ thành công đâu! Ngược lại thì có. Mang thơ tình đi tán gái như anh NCT thì thất bại là lẽ đương nhiên. Bởi thơ tình chỉ tán được mấy em hâm hâm thôi. Cái "cô bạn cùng học thời sinh viên" của anh NCT ấy chắc "khôn ngoan" lắm, làm sao anh ấy tán được bằng thơ cơ chứ? Cứ hỏi NCT khắc biết: Chắc anh ấy lấy được vợ là do anh ấy tán bằng cách khác, chứ không phải bằng tặng thơ tình!
      (ND 08:50)

      Xóa
  5. Nặc danh10:02 4/11/13

    Mài - Rũa - Gọt - Đẽo thật là hay anh NCT ạ

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Nặc danh16:38 4/11/13

      Người xưa dùng động từ mài, gọt trong thơ nhiều rồi:
      - Chiết kích trầm sa thiết vị tiêu
      Tự tương ma tẩy nhận tiền triều
      Đông phong bất dữ Chu Lang tiện
      Đồng tước xuân thâm tỏ nhị Kiều.
      (Đỗ Mục, Xích Bích hoài cổ)
      Chiếc kích gẫy, chìm trong cát, kho mò lên thấy sắt vẫn chưa tiêu hết.
      Đem ra mài, tẩy hiện ra dấu vết của triều đại trước
      Đó là chuyện năm xưa nếu gió đông do Khổng minh cầu được) không giúp Chu Du trong trận chiến Xích Bích giữa quân Ngụy, Tào Tháo với quân Ngô Tôn Quyền.
      Thì ở lâu đài Đồng Tước tuổi xuân của 2 nàng Kiều (đại Kiều vợ Tôn Quyên, tiểu Kiều vợ Chu Du) đã bị giam cầm làm vợ tào Tháo.
      - Sương như búa bổ mòn gốc liễu
      Tuyết nhường cưa xẻ héo cành ngô.
      (Chinh phụ ngâm, Đoàn Thị Điểm)
      TĐP

      Xóa
    2. Nặc danh17:01 4/11/13

      Cũng là mài, nhưng người xưa mài chiếc kích gãy, tức là mài kim loại. Mài ấy không gì xa lạ với mài dao mài kiếm. NCT cũng mài nhưng là mài chữ, cũng dũa nhưng là dũa câu thì thật là lãng mạn quá. Xưa Đoàn Thị Điểm ví sương như búa bổ/ tuyết như cưa xẻ thì nay NCT dùng gì để gọt từ , để đẽo ra hình tượng? Hình ảnh ở đây cũng thật đắt, chỉ thi sĩ thực thụ mới tưởng tượng ra như thế!

      Xóa
    3. Nặc danh18:27 4/11/13

      Có thể thấy NCT và HM tung hứng như là một cặp đôi hoàn hảo. Chợt nhớ tới đôi câu đối cổ liên quan đến hoa mai và mài, kiếm:
      Bảo kiếm phong tòng ma lệ xuất
      Mai hoa hương tự khổ hàn lai
      Ý là
      Bảo kiếm kia do mài nên sắc
      Hoa mai đây trải lạnh mà thơm.



      Xóa
  6. Nặc danh10:30 4/11/13

    Tôi không nhất trí với hai bạn nói rằng: Làm nhiều thơ tình là do thi sĩ đa tình yêu nhiều. Quan điểm của tôi ngược lại (Có lần tôi đã nói rồi thì phải!): Người ta thường nói những gì người ta thiếu. Vì thiếu nên luôn khao khát. NCT làm nhiều thơ tình, và thơ rất hay, vì thi sĩ luôn ... thiếu tình yêu, luôn khao khát tình yêu. Phải yêu thôi, thi sĩ ạ!
    "Phải yêu cho mệt cho mê
    Yêu cho đau đớn ê chề cho coi" (Xin lỗi cụ Nguyễn Du, con nhại cụ đôi câu!)

    Trả lờiXóa
  7. Nặc danh11:35 4/11/13

    Nói thật lòng
    Em cũng muốn yêu và được yêu
    Nhưng chỉ nghĩ đến
    Yêu ai đó thôi, nỗi chia xa đã cận kề.
    Giống như tim thi sỹ muốn yêu
    Nhưng không thể.
    Thu chưa kịp về, đông đã vội sang.
    Mùa đông ơi!
    Xin người đừng đến nhé.
    Để lòng mình ru mãi...
    Khúc ca xuân.
    (Hoa Quỳnh).

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Nặc danh16:21 4/11/13

      Tôi rờn rợn lắm giai nhân ạ
      Đành biệt nhau thôi kẻo có ngày
      Khăn gói gió đưa sang xứ lạ
      Ai cười cho được lúc chia tay.
      Nguyễn Bính

      Xóa
    2. Nặc danh20:16 4/11/13

      Có tình ý gì mà lại rờn rợn hả ND16:21?làm như đang dắt nhau vào thung lũng ma ấy, à mà như vào ngôi nhà ma ở Đà Lạt, trong bóng tối tự nhiên có nhiều cánh tay trắng bệch dài ngoãng thò qua khe cửa túm lấy gáy của ai đó và một cái lưỡi đỏ lừ dài 2 mét nuốt chửng những người xung quanh? thế thì mới thấy rờn rợn chứ. Ở đây mọi
      người đang yêu nhau say đắm và ngọt ngào,cảm xúc đang dâng trào và chảy thành thơ, tâm trạng của bạn lại rờn rợn nghe có vẻ có vấn đề gì đó không ổn cho lắm. Hãy yêu đi, đừng e ngại, chưa yêu mà đã sợ phải chia tay rồi thì còn dám làm gì cao cả hơn nữa? bạn cứ thử yêu một lần nữa xem sao. Tình yêu không bao giờ là tội lỗi, cuộc sông không có tình yêu thì thật là vô vị bạn ạ.

      Xóa
  8. Nặc danh13:13 4/11/13

    Nhiều lúc mình thấy chuyện yêu đương rất phức tạp, tốn rất nhiều thời gian công sức và cả trí tuệ nữa. Thỉnh thoảng mình cũng thích nghe những bản nhạc hoặc bài hát về tình yêu đôi lứa, lúc đầu nghe mình cũng thấy hay, nhưng rồi mình lại thấy họ yêu rồi không đến với nhau được, lại phải chia tay, và họ nhớ nhung, nuỗi tiếc...đau khổ. Thế thì yêu để làm gì nhỉ? thế rồi tôi chuyển sang nghe những bài như Hát về cây lúa hôm nay - Tôi hát bài ca ngợi ca cây lúa, về người trồng lúa cho hôm nay. Quê hương ơi! có gì đẹp hơn thế...và đến tận bây giờ tôi vẫn "bị ế" không có ai yêu.
    HQ.

    Trả lờiXóa
  9. Nặc danh13:31 4/11/13

    Yêu là chết ở trong lòng một ít
    Vì mấy khi yêu mà chắc được yêu
    Cho rất nhiều song nhận chẳng bao nhiêu
    Người ta phụ, hoặc thờ ơ, chẳng biết

    Phút gần gũi cũng như giờ chia biệt
    Tưởng trăng tàn, hoa tạ, với hồn tiêu
    Vì mấy khi yêu mà chắc được yêu
    Yêu, là chết ở trong lòng một ít
    (Xuân Diệu)

    Trả lờiXóa
  10. Nặc danh16:39 4/11/13

    Sao cứ đem thơ Xuân Diệu, Nguyễn Bính ra để nhắc khéo nhau nhỉ? hãy thử nói lên cảm xúc thật của mình như thi sỹ NCT xem sao.

    Trả lờiXóa
  11. Nặc danh18:06 4/11/13

    Trôi dạt dám mong gì vấn vít
    Sòng đời thua nhẵn cả thơ ngây
    Tỉ tê gợi tới niềm tâm sự
    Cúi mặt soi gương chén rượu đầy
    Nguyễn Bính

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Nặc danh21:59 4/11/13

      Anh này hình như không thích yêu quý thì phải, có vẻ chỉ thích soi gương và uống rượu thôi? Nâng chén tiêu sầu càng sầu thêm đấy.
      Nhưng trai vô tửu như cờ vô phong anh nhỉ.
      Thế mới là chuẩn men chứ.
      HQ. Không phải là AQ đâu nhé.

      Xóa
  12. Nặc danh21:07 4/11/13

    Triệu năm rồi triệu năm sau
    Em đan mài một chữ ĐAU cho mình
    Đẽo ra hình tượng chữ TÌNH
    Cô thành nước mắt cho mình chữ YÊU ...

    Thi sĩ không cho là em nhại anh chứ?
    (Người đồng hành cùng thichdoctho)

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Nặc danh21:10 4/11/13

      Đính chính lỗi sai do đánh máy vội:
      Em đan mài một chữ ĐAU cho mình = Em đan mãi một chữ ĐAU cho mình
      (Người đồng hành cùng thichdoctho)

      Xóa
    2. Nặc danh21:38 4/11/13

      Lướt web một hồi, quay lại, thấy mấy câu thơ ứng khẩu (có nhại lời thơ NCT) của mình lặp từ. Xin được sửa lại như sau:

      "Triệu năm rồi triệu năm sau"
      Em đan mãi một chữ ĐAU cho mình
      "Đẽo ra hình tượng" chữ TÌNH
      Cô thành nước mắt mang hình chữ YÊU ...

      (Người đồng hành cùng thichdoctho)


      Xóa
  13. Nặc danh21:58 4/11/13

    Soi noi qua!!!!!!!!!!!!!!!!!!!!!!!!!!!!!!!!!!!!!!!!!!!!!!!!!!!!!!!!!!!!!!!!!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Nặc danh22:30 4/11/13

      Độc giả bây giờ tinh lắm, bài nào hay biết ngay!

      Xóa
  14. Nặc danh22:46 4/11/13

    Tình yêu ơi....những trái tim tả tơi......!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Nặc danh10:59 5/11/13

      Là hạnh phúc...rã rời...người ơi!

      Xóa
  15. Nặc danh08:46 5/11/13

    Anh ngồi :
    Mài, Dũa, Gọt, Đẽo, khổ đau
    Có nhìn thấy Vợ đằng sau rã rời
    Em cần thực tế Anh ơi....!
    (Tặng Bác NCT)

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Bài thơ này của NCT hay quá, bạn sắp trở thành đệ tử của Xuân Diệu rồi. ND 08:46 có vẻ như là phu nhân của thi sĩ ấy. Tôi có linh cảm rằng NCT đã chuyển quá nhiều tình yêu vợ sang yêu thơ chăng mà để "người ta" trách thế? Độc giả blogE chắc chắn phải cảm ơn chị vợ NCT lắm lắm, vì chị đã phải hi sinh rất nhiều để mọi người có những giây phút khoan khoái khi đọc thơ tình NCT. Sự hi sinh đó thật là cao cả, đến mức không ai lên tiếng trách NCT về bài thơ Cảm ơn đời anh đã viết tặng vợ yêu. Nhiều thế hệ sau này sẽ nhớ đến những bài thơ NCT viết hôm nay, mà đằng sau đó có sự góp phần không nhỏ của chị. Hãy thông cảm với anh ấy và đừng bắt anh ấy phải sống thực tế mà làm mất đi phần lãng mạn rất hiếm có của người thi sĩ. Nhân đây tôi xin tặng chị mấy câu thơ của một đọc giả thích thơ NCT thay cho lời cảm ơn chân thành nhất của tôi gửi tới chị:
      Rằng anh đã cảm ơn đời
      Tặng anh người vợ tuyệt vời là em
      Đã từng ăn chả ăn nem
      Vẫn không quên được cơm em để phần!

      Xóa
  16. Nặc danh09:32 5/11/13

    Chị Hiền Mai là cảm hứng quan trọng nhất cho thi sỹ mài ra thơ mà chưa thấy chị lên tiếng gì nhỉ, hôm trước Chị viết bài có câu gì đó "Hãy về với em anh nhé, Về bên em có bốn mùa hoa mai nở..." em nghe cũng thấy hay chị ạ. Chị em mình chỉ đóng vai là "người tình" trong thơ ca thôi, ở ngoài đời thực thì đâu có giám làm gì cho ai "bị tổn thương" đâu đúng không chị?
    Em Gái.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Khi yêu ( yêu cảnh, yêu người ) ta đều có thể gửi tình yêu đó vào thơ để làm nên những bài thơ tình. Chính vì điều này mà " Bao người say bởi thơ tình...
      Khi yêu ai chốn được lời thơ đâu"
      và khi viết thơ tình, người viết có thể nói ra tất cả nỗi lòng của mình, lời thơ trong thơ tình là lời trái tim muốn nói, là lời yêu thương ngọt ngào của đôi lứa yêu nhau. Khi yêu con người ta sẽ không phân biệt tuổi tác, sang hèn mà chỉ biết có nhớ, có thương, có giận có hờn...( chỉ có suy tư). Yêu của hôm qua, yêu của hôm nay, yêu của ngày mai và yêu của muôn đời sau vẫn thế cho nên tác giả của Làm thơ tình mới viết " Triệu năm rồi triệu năm sau
      Yêu bờ sóng mãi bạc đầu suy tư". Câu thơ tưởng như đơn giản nhưng lại mang tính trải nghiệm rất cao.
      Đọc xong bài "Làm thơ tình" người đọc có thể nhận ngay ra rằng nhân vật "tôi" trong bài là người đang yêu. Yêu say đắm, yêu nồng nàn, tha thiết. "Tôi" yêu không kể ngày đêm, yêu từ hè sang thu, từ đông sang xuân nên tâm trạng lúc nào cũng đầy suy tư "khổ đau, thương nhớ, chơi vơi...". Chỉ có điều tôi đã biết gửi những suy tư ấy vào những câu chữ. Bằng cách gọt, mài, dũa, đẽo những câu chữ ấy cho chúng thật mượt mà để tạo nên những lời thơ, hình tượng thơ hay dành tặng mọi người. Như vậy từ một chữ "yêu" người yêu đã lao động miệt mài để có những sản phẩm hay dâng tặng cho đời, thế thì tại sao chúng ta lại không "yêu" cơ chứ.
      Anh hãy yêu nhiều vào anh NCT nhé! Bởi tình yêu này không làm tổn thương ai cả nó chỉ đem lại niềm vui cho mọi người mà thôi.

      Xóa
    2. Nặc danh20:39 7/11/13

      Thân mến nhắc Hiền Mai:
      Thơ của NCT là:"Khi yêu ai trốn được lời thơ đâu!"
      Chứ không phải là: "Khi yêu ai chốn được lời thơ đâu"
      (Mưa Ngâu)

      Xóa
    3. Vâng, cảm ơn chị đã nhắc nhở. Lần sau em sẽ để ý kĩ hơn

      Xóa
    4. Nặc danh10:25 8/11/13

      Tôi vẫn rất tâm đắc với bạn ND 08:46 và Thichdoctho vì Vợ với tôi luôn là số 1.
      Yêu mà không làm tổn thương ai cả thì thật là tốt. Nhưng giả dụ có một tình huống sảy ra (chỉ là ví dụ thôi) Chị Hiền Mai là vợ, chồng chị cứ mải miết đi yêu, nhớ người khác...rồi đến một ngày đẹp trời "tình cũ không rủ cũng đến" thì chị cảm thấy trong lòng mình như thế nào? có cảm thấy bị tổn thương không nhỉ? hay vẫn nên khuyến khích "Anh hãy yêu nhiều vào"???. Ôi! tất cả đổ lỗi lại tình yêu.

      Xóa
    5. Nặc danh10:39 8/11/13

      Có "số 1" (vợ), tức là sẽ có số 2, số 3 ... vân vân. Không phải là tất cả!
      Mà chẳng bao giờ có thể là tất cả, là vĩnh cửu, là tuyệt đối trên đời. Nếu có, làm gì còn thơ ... hơ hơ!

      Xóa
    6. Chắc ND10:25 còn ở độ tuổi U30 mới lo lắng chồng mình yêu, nhớ tình cũ. Những nhà văn, nhà thơ thường lãng mạn và cuộc sống tình cảm của họ cũng phóng khoáng hơn người bình thường. Đã chấp nhận yêu và lấy họ thì cũng phải thông cảm với họ thôi. Tôi là một người bình thường và phản đối chuyện dễ dãi trong tình yêu. Sắp đến tuổi nghỉ hưu tôi mới thấy giá trị của những tình cảm, những kỉ niệm trong quá khứ. Sao ta lại có thể để mất đi những kỉ niệm, những tình cảm đã ghi dấu ấn trong cuộc đời mình được chứ? Không có những mối tình và những kỉ niệm đó, ta có là ta bây giờ hay đã là người khác?Tôi ước tâm hồn mình đủ lãng mạn để nhớ, để thương những người phụ nữ đã đi qua trái tim tôi mà tôi luôn dành cho họ một ngăn nhỏ trong đó (một ngăn nhỏ bằng 1/1000 thôi, còn phần lớn trái tim tôi vợ tôi đã chiếm giữ rồi). Mỗi khi nhớ về họ tôi vẫn tưởng tượng họ còn trẻ như ngày còn ở bên tôi, chứ không nghĩ rằng họ cũng đã 55-60 rồi. Như thế lại hay, nếu gặp lại nhau với mái tóc bạc xơ xác, mắt đã mờ và da đã nhăn nheo liệu có còn lãng mạn được nữa không? Các bạn ở tuổi U50, U60 hãy mở lòng mình ra cho tâm hồn được thanh thản giữa bộn bề lo toan vất vả, đừng nên lo lắng chồng hay vợ mình gặp lại người cũ sẽ nhạt phai tình yêu với mình, bởi chúng ta còn làm được gì nữa đâu ở cái tuổi này ngoài việc ôn kỉ niệm và trở về với kí ức tuổi thanh xuân. Nếu ai còn làm được gì ngoài những chuyện đó thì họ là những người vĩ đại, đáng được ngưỡng mộ trên thế gian này chứ không phải để cho các bạn lên án đâu. Vấn đề là ta phải có niềm tin vào chồng/vợ mình và hãy cho nhau quyền có một khoảng trời riêng bên cạnh khoảng trời chung của gia đình. Như thế chúng ta sẽ luôn cảm thấy vui vẻ và thoải mái. Tôi rất khâm phục các bạn lớp E vẫn làm được thơ tình ở tuổi U60, bởi các bạn lãng mạn và giàu trí tưởng tượng quá. Chúc các bạn luôn cảm thấy hạnh phúc với những gì mình đã và đang có.

      Xóa
    7. Nặc danh12:13 9/11/13

      Mr.Thichdoctho chắc làm nghề liên quan đến truyền thông, hoặc định sau khi nghỉ hưu sẽ làm truyền thông đại chúng?
      Mr.Thich ơi! 50,60 chẳng làm gì được thật. Ai may mắn gặp lại tình xưa, cũng "Chỉ nhìn nhau, nói gì đâu?" (Thơ NCT), đừng nói là "làm gì được nhau. Mà có gặp, cũng chỉ một lần là đủ. Để nuôi những mộng mơ như ngày xưa. Để nhớ. Để thơ ... Gặp mãi, hiện thực trở lại (mà hiện thực thì bao giờ cũng kém chất thơ), thơ lại vỗ cánh bay về phương trời xa.
      Với lại, tôi nghĩ, những cô người xưa nào đó của các nhà thơ, nếu nhiều bất hạnh khổ đau, cô ấy mới định "xin" cái gì đó của nhà thơ, còn nếu cô ấy hạnh phúc đủ đầy, nhà thơ có "cho" chắc gì cô ấy đã thèm lấy mà sợ "mất"? Cô ấy có cuộc sống của mình chứ. Và cuộc sống ấy, chắc chắn quan trọng hơn người xưa rất nhiều!
      Nghĩ như bạn ND 10:25 thì cũng không sai, bởi trong tình yêu bao giờ người ta chẳng ích kỉ như vậy. Nhưng cách nghĩ ấy cũng có phần phiến diện, bởi như thế là quá coi thường người phụ nữ xưa của chồng, và không tin tưởng chính chồng mình.
      (Người đồng hành cùng thichdoctho)

      Xóa
    8. Nặc danh11:19 10/11/13

      "Em Gái" ND 09:32 (5/11/2013) ơi, nghe giọng bạn thì có vẻ như đang "cạnh tranh" với bạn Hiền Mai cái "ngăn" lớn nhỏ trong trái tim thi sĩ. Cái "ngăn" ấy sẽ là 1/1000 hay lớn hơn? (Theo tính toán của Mr.thichdoctho).
      Nhưng tôi nghĩ rằng bạn cứ yên tâm đi. Thứ nhất, là bài LÀM THƠ TÌNH này, NCT có đề tặng Hiền Mai đâu! Thứ hai, "hoa mai bốn mùa vẫn nở" đã gọi nhà thơ rất tha thiết ấy, chỉ là ... mai giả thôi. Mai thật, không nở được bốn mùa như thế đâu!

      Xóa
    9. Nặc danh16:02 10/11/13

      ND 11: 19 mới "có vẻ" là người "cạnh tranh" với Hiền Mai thì đúng hơn.

      Xóa
    10. Nặc danh16:47 10/11/13

      Bạn ND 16:02 tinh thế. Tớ viết nhận xét trên chỉ chờ câu này thôi. Tớ biết bạn sẽ nói thế mà!
      (ND 11:19)

      Xóa
    11. Nặc danh11:05 11/11/13

      Sao lại chỉ có 1/1000? như thế thì quá ít, Thích tiên sinh à. Tiểu muội muội muốn được nhiều hơn thế cơ.
      Nhưng như thế cũng đã rất quý rồi, như Sư huynh TĐP đã dịch một câu "Tình yêu nhóm lửa những "giây" mặn nồng. Tình yêu được Thi sỹ trân trọng đến từng giây. Tiểu Muội muội ngưỡng mộ các bậc tiền bối quá.

      Xóa
    12. Mình có cảm giác Hiền Mai là cô giáo dạy môn tự nhiên hay môn giáo dục thể chất nhưng rất yêu thơ. Nếu không đúng thì xin lỗi HM nhé (LPT)

      Xóa
    13. Sao anh lại có cảm giác như vậy?

      Xóa
    14. Có hai điểm gây cho tôi cảm giác đó: i) Không thấy Hiền Mai phản đối khi NCT và một số người khác gọi HM là cô giáo trong những lời nhận xét trước; ii) Lời nhận xét của HM rất khác với những lời bình của N22, Hải Yến, Mai Hương mà tôi biết chắc là giáo viên dạy văn. Từ đó tôi suy ra như vậy thôi. HM giật mình vì giác quan thứ sáu của tôi phải không? (LPT)

      Xóa
    15. Nặc danh21:30 12/11/13

      Anh LPT ơi, có phải ý anh là: Lời bình thơ của Hiền Mai rất lô gic, chặt chẽ, đậm mùi vị hấp dẫn của các khoáng chất trong thiên nhiên, hay là lời bình ấy rất khỏe khoắn, đầy cơ bắp?
      (Người hay đọc thơ blog E)

      Xóa
    16. Anh ơi! Lời nhận xét thì đương nhiên phải khác lời bình rồi.

      Xóa
    17. Nặc danh22:23 12/11/13

      Hiền Mai nói thế làm tôi chả hiểu gì cả. Tôi thấy Hiền Mai cũng đánh giá cụm từ nọ, câu thơ kia, đọc bài thơ thấy thế nọ, đọc bài thơ thấy thế kia ... như kiểu N22 hay Hải Yến vẫn viết đấy thôi. "Bình" là đánh giá, nhận xét, tỏ ý khen chê ... chứ là cái gì nữa ạ? Chẳng lẽ lại là (cái) bình? Ai khen chê, tức là đều "bình" cả. chỉ có viết nhiều hay viết ít mà thôi!
      Nhận xét không phải là bình phẩm thì là cái gì?
      Có điều anh LPT chắc nói về cách bạn "bình" đấy.
      Nhưng anh ạ, văn phong mỗi người một khác, cũng là chuyện thường.

      Xóa
    18. Đúng là văn phong mỗi người một khác, nhưng mắc lỗi chính tả sơ đẳng thì chắc không có ở cô giáo dạy văn chứ ND 22:23? (LPT)

      Xóa
    19. Nặc danh08:23 13/11/13

      Anh LPT đừng khắt khe quá làm HM buồn (Mà cả các nhà thơ lớp E, nhất là thi sĩ NCT cũng buồn nữa).
      Ai cũng có lúc nhầm lẫn, huống chi chỉ là vài lỗi chính tả. Có thể do đánh máy nhầm thôi. Bạn Mưa Ngâu đã nhắc và HM cũng đã nhận ra rồi. Thơ thời nay khó tìm được người yêu quí lắm. Bởi thơ quá nhiều, quá nhàm.
      Thơ của các anh E tìm được nhiều người đồng cảm sâu sắc như vậy, em nghĩ rằng, người đọc cũng rất đáng được trân trọng như thi sĩ vậy.
      (ND 22:23)

      Xóa
    20. Trước đây khi đọc lời bình bài thơ về quê mùa nhãn (NCT sáng tác hối tháng 9) của HM, tôi đã từng đoán HM là cô giáo dạy văn rồi. từ đó tôi rất chú ý đến những lời nhận xét của HM trên BlogE và phát hiện không chỉ một lần HM mắc lỗi kĩ thuật đâu. Vì thế tôi mới đi đến nhận định HM không phải giáo viên dạy văn. HM có gì phải buồn đâu, không phải là cô giáo dạy văn mà vẫn biết nhận xét thơ mới quý chứ. Dù nhận xét chưa hay, chưa đúng nhưng yêu thơ và thích thơ như HM cũng khiến mọi người phải ngưỡng mộ rồi. Dù sao, tôi vẫn luôn đánh giá cao đóng góp của Hiền Mai cho BlogE. Nếu thiếu HM chắc NCT không thể có thơ Mai nở trên blogE và Làm thơ tình được. (LPT)

      Xóa
    21. Anh LPT thân! Cảm giác của anh là sai rồi. Lỗi chính tả mà anh thấy là do có lúc em không trực tiếp đánh máy nhưng em cũng không đọc lại bài viết mà cứ thế gửi đi, chỉ đến lúc có ai đó nhắc em mới xem lại thì thấy sai. Tiện đây anh cho em hỏi luôn khi nhận xét thơ ( không phải bình thơ) thì nên nhận xét như thế nào để cho hay cho đúng? Và lời nhận xét của em chưa hay, chưa đúng ở những điểm nào?

      Xóa
    22. Nặc danh15:56 13/11/13

      À, thì ra comment của Hiền Mai là của người khác (Bởi HM không đánh máy cũng chẳng đọc lại). Chắc tới đây ta sẽ được thưởng thức lời bình thơ thật sự của HM. Anh NCT chắc sẽ không phải chỉ có hai bài thơ tặng, mà sẽ là ...n bài?
      Nuôi cảm xúc đi anh NCT ơi!
      (ND 22:23)

      Xóa
    23. Tôi xin tham gia một chút nhé:

      Cảm nhận thơ có hai mức độ cơ bản là giảng và bình.
      GIẢNG là làm rõ từng ý tứ của bài thơ bằng hệ thống luận điểm, hệ thống ý kiến của người cảm nhận (người nói), để người nghe (tức là những người khác cùng đọc bài thơ) có thể hiểu được giá trị cơ bản nhất của bài thơ: Bài thơ nói gì?
      Lời giảng được coi là "đúng". là rõ, khi lời giảng đó được nêu thành từng ý kiến. Hợp lại được thành ý kiến cơ bản (Luận điểm chính). Tối kị những lời GIANG đi diễn xuôi từng câu thơ, mà cuối cùng người nghe chẳng biết người nói nói cái gì về của bài thơ.
      Còn BÌNH là lời đi sâu vào một số chỗ được coi là ĐIỂM SÁNG NGHỆ THUẬT của bài thơ - Những chỗ được gọi là "nhãn tự", "thần cú" ... mà linh hồn bài thơ, giá trị bài thơ tập trung ở đó. Người bình phát hiện ra những "điểm sáng nghệ thuật" ấy, rồi chỉ được rằng cái cách nói ấy của nhà thơ hay như thế nào hơn cách nói thông thường.
      Lời bình được coi là "hay" khi người cảm nhận thơ khai thác được sự sáng tạo của thi sĩ.
      Lời giảng bình chính là lời nhận xét thơ ca. Có những nhận xét thiên về giảng, có những lời nhận xét thiên về bình.
      Những lời nhận xét kết hợp giảng rõ, bình sâu, thì người cùng đọc thơ thấy thích thú vì điều mình chưa rõ có người nói cho mình rõ. Những lời giảng miên man không thành ý, lời bình hời hợt thì người cùng đọc thơ thấy chán.
      Cùng có khi người này thấy chán, người khác thấy không chán. Đó cũng là lẽ thường khi thưởng thức văn chương nghệ thuật và mọi thứ nữa trong cuộc đời.

      Mấy lời mạn đàm, xin được cùng trao đổi với các bạn.

      Xóa
  17. Tôi đang học đến môn Triết. Có một bài tập nhỏ là viết về tình yêu.
    May quá, mới tìm gặp được blogE mấy hôm nay, đúng vào lúc mọi người luận bàn sôi nổi về tình yêu trong thơ, trong cuộc đời. Nhân đây, tôi tập viết mấy lời, xin được chép ra để mọi người đọc cho vui.
    Nếu bạn nào có những lời hay (Chưa đăng ở đâu), có thể chép ra đây cho tôi học tập được không ạ?

    TÌNH YÊU

    1/ Bản chất:
    - Bản tính của đàn ông khi yêu là THAM LAM
    - Bản tính của đàn bà khi yêu là ÍCH KỶ
    - Bản chất của tình yêu là luôn BIẾN ĐỔI

    2/ Biểu hiện:
    - Đàn ông ham CHINH PHỤC
    - Đàn bà luôn NGHI NGỜ

    3/ Kết quả:
    * Kết quả gần:
    - Đàn ông NÓI DỐI thành thần
    - Đàn bà CÁU GIẬN vô cớ
    * Kết quả xa:
    Tình yêu CHUYỂN HƯỚNG

    (Ghi chú: Tôi muốn viết mục 4: "Giải pháp", nhưng thấy chưa được nên chưa chép ra đây, mong các bạn tư vấn)

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Nặc danh14:52 10/11/13

      Đúng là Hoa cỏ may đang học môn triết ,bạn viết rất TRIẾT !

      Xóa
    2. Nặc danh21:40 10/11/13

      Hoa Cỏ May ... Thật là hay!

      Xóa
  18. Nặc danh13:16 13/11/13

    "Làm thơ tình" mà không có tí nhạc cho vui thi sĩ NCT ?

    Trả lờiXóa

Bạn có thể nhận xét không cần là thành viên, và nên góp ý lành mạnh, trung thực. Chọn nhập vai trong danh sách phía dưới khung nhận xét.