27 tháng 12, 2013

Bài thơ lạ


Hoàng Bình Trọng 
  
Có tám vị hầu hết đều thuộc loại "tai mắt" trong giới bút nghiên đi vãn cảnh hồ Tây, không hẹn mà gặp nhau ở chỗ có mấy chiếc ghế đá trên đường Cổ Ngư (sau này là đường Thanh Niên). Không bỏ lỡ dịp may, họ kéo nhau vào cái quán cóc bên cạnh, gọi chai rượu, đĩa mực khô ngồi bù khú. Sau vài chén thù tạc, ai nấy nóng bừng mặt, và chuyện trò giữa họ bỗng trở nên rôm rả xoay quanh chủ đề về tha hóa đạo đức, về tác oai tác quái của đồng tiền, về số phận hẩm hiu của người cầm bút.
Về khuya, cuộc rượu đã tàn, ánh trăng đã nhạt.

Trước khi chia tay để mỗi người về một ngả, họ nảy ra sáng kiến là làm chung một bài thơ để kỷ niệm cuộc hội ngộ kỳ thú này. Vì họ có tám anh em, để mỗi vị chỉ làm một câu, nên thể thơ được chọn là đường luật - thất ngôn bát cú. Ngoài ra, họ còn có quy định như sau: Những "phụ âm" đầu của các chữ trong câu thơ của ai, thì phải giống với "phụ âm" đầu của các chữ của tên người ấy.

Người khai bút đầu tiên là Vũ Hoàng Địch: "Đen đỏ đường đời đã đảo điên". Người thứ hai là Vũ Hoàng Chương: "Chợ chiều chật chội chớ chân chen". Người thứ ba là Lê Văn Trương: "Trong trắng trung trinh trèo trầy trật". Người thứ tư là Vũ Đình Liên: "Lá lay lươn lẹo lại leo lên". Người thứ năm là Trần Thanh Mai: "Mơ mộng, mộng mơ mờ mịt mãi". Người thứ sáu là Phạm Huy Thông: "Thiết tha, tha thiết thiệt thòi thêm". Người thứ bảy là Nguyễn Vỹ: "Vội vã về vườn ve vãn vợ". Người cuối cùng là Đoàn Phú Tứ: "Tích tịch tình tang tớ túng tiền".

Tính đến nay bài thơ đã ở tuổi gần "thất tuần thượng thọ", và tám vị đồng tác giả kia đều đã thành người thiên cổ. Kẻ hậu sinh này may mắn được một vị bô lão, vốn là một nhà nhiếp ảnh đất Hà thành ngày xưa, đọc cho nghe. Với trình độ thô thiển bản thân, tôi xem đây là một bài thơ rất lạ, rất tài hoa; hơn nữa, nó còn là một kỷ niệm đẹp của các bậc tiền bối đáng kính nên xin chép ra đây cho mọi người cùng thưởng thức.

Đen đỏ đường đời đã đảo điên
Chợ chiều chật chội chớ chân chen
Trong trắng trung trinh trèo trầy trật
Lá lay lươn lẹo lại leo lên
Mơ mộng, mộng mơ mờ mịt mãi
Thiết tha tha thiết thiệt thòi thêm
Vội vã về vườn ve vãn vợ
Tích tịnh tình trang tớ túng tiền.


(Theo dalat.gov.vn)

5 nhận xét:

  1. Nặc danh15:44 27/12/13

    Kinh, các cụ gẩy chữ nghe kinh thật

    Trả lờiXóa
  2. Một trong Bát Thi sĩ đồng tác giả bài thơ này là Phạm Huy Thông cùng quê với mình đấy. Huyện mình có cả một trường học mang tên ông.(NCT)

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Nặc danh13:31 29/12/13

      Phạm Huy Thông có câu dịch rất hay thơ của Byron, nhà thơ lớn người Anh. Câu dịch này được đánh giá ngang tầm nguyên tác:
      Nguyên tác của Byron:

      "FARE thee well! and if for ever,
      Still for ever, fare thee well."

      Dịch của Phạm Huy Thông:

      "Xin chia tay và nếu là mãi mãi
      Thêm một lần xin mãi mãi chia tay"

      (TĐP)

      Xóa
    2. Nặc danh15:33 29/12/13

      Tôi dã đọc bài thơ Cô giáo trường Phạm Huy Thông đăng trên blog này.
      Thì ra NCT tặng thơ cho cô giáo quê mình. Cô giáo ấy đáng yêu quá!

      Xóa
  3. Càng đọc càng hay.
    Càng ngẫm càng đúng.
    Bởi.
    Đường đời đó đây đang đảo điên.
    Đen đỏ, đỏ đen đúng đủ đường.
    ......

    Trả lờiXóa

Bạn có thể nhận xét không cần là thành viên, và nên góp ý lành mạnh, trung thực. Chọn nhập vai trong danh sách phía dưới khung nhận xét.