25 tháng 12, 2013

Bài viết kỷ niệm 40 năm quan hệ ngoại giao Việt Nam – Nhật Bản (Phần 2)

Trần Đông Phong

Đầu năm nay tôi có dịp may tham gia một đoàn đi Nhật, cũng là lấp chỗ trống cho một thành viên vắng đột xuất. Lần đi này  ghi lại trong tôi một sự kiện ấn tượng, mà qua đó tôi đã làm một bài thơ. Chuyến này chúng tôi bay thẳng Hà Nội – Nagoya. Ngày nay sướng thật, chỉ tính riêng đi Nhật đã có 3 tuyến bay thẳng non-stop từ Việt Nam đến 3 thành phố lớn là Tokyo, Nagoya và Fuluoka. Chả bù cho hơn hai chục năm trước tất cả đi Bangkok bằng máy bay Thái, rồi muốn đi đâu thì đi. Xuống máy bay lấy hành lý, làm thủ tục nhập cảnh, mới qua kiểm tra hành lý đã thấy tấm biển tên đoàn thấp thoáng ngoài cửa. Ngay cửa ra mấy người của đối tác đứng nghiêm chỉnh cúi chào theo kiểu Nhật rất trịnh trọng, bắt tay từng người vui vẻ. Bắt tay hết lượt tôi chợt cảm thấy người đầu tiên rất quen, quay lại nhìn kỹ hóa ra là người quen đã gặp trong lần đi Nhật trước. Đó là Nakanishi Hirota, phiên âm Hán Việt là Trung Tây Hoành Thái. Thế đấy người Nhật đến nay vẫn dùng mấy nghìn chữ Hán trong văn tự viết hàng ngày.

Hơn mười năm trước tôi đến Tokyo và cũng được chính Nakanishi đón và đưa đi làm việc suốt chuyến công tác. Ngoài thời gian làm việc chúng tôi còn đi thăm pháo đài Nagoya (Nagoya Castle), rồi cặp đôi đấu bóng bàn với nhóm sinh viên Mã Lai. Lần này cũng vậy, anh đón và cùng đi nhưng bắt đầu từ Nagoya, qua Nagasaki rồi đến Fukuoka. Trong buổi chiêu đãi tối đầu tiên chúng tôi có dịp trao đổi lại chuyện cũ. Anh vẫn còn nhớ cháu Hoa chơi bóng bàn rất giỏi, vô địch Hà Nội và rất thán phục khi biết cháu đã tốt nghiệp MBA và đang làm ở Mỹ. Kể ra mới biết, từ đó Naganishi đã sang làm việc cho Jetro thành phố Hồ Chí Minh trong 4 năm và vừa mới trở lại Nhật được hơn tháng. Còn tôi từ đó cũng qua Nhật vài lần, thế mà hoàn toàn không có thông tin gì về nhau. Đêm đó tôi không ngủ và đặt vần cho một bài thơ chữ Hán, gọi là Cảm Diêm Thần, theo thể Đường luật, thất ngôn bát cú. Đến 2 giờ sáng thì hoàn thành. Sáng hôm sau trong lúc ngồi ăn sáng buffet tôi viết bài thơ ra giấy ăn bằng chữ Hán và đưa cho Nakanishi. Theo chương trình, ban ngày làm việc, tối đối tác mời cơm, suốt chuyến đi có 5 buổi cơm tối với các đối tác khác nhau. Sau lời chào hỏi xã giao, là phía bạn đánh tiếng, nghe nói ông có bài thơ. Thế là tôi lại viết lên giấy ăn đưa cho các bạn. Họ rất thích vì đọc hiểu chữ Hán là bình thường đối với người Nhật, nhưng ngày nay họ không phân biệt được bằng trắc, cũng như phát âm khác hẳn. Trong chuyến đi này trong lúc đợi xe ra sân bay còn non 1 tiếng đồng hồ, tôi cũng kịp bắt taxi đi thăm pháo đài Kokura ở Kitakyusiu
Bài thơ này in trong cuốn thơ của tôi lấy cùng đầu đề là Cảm Diêm Thần. Dưới đây là bài thơ đó. Cũng như các bài khác, bài thơ này được trình bày gồm các phần: Chữ Hán, Phiên âm Hán-Việt, Dịch nghĩa tiếng Việt, Chú dẫn, Tiếng Anh. Ngoài ra, trong bài viết này còn giới thiệu bài thơ dịch của Nguyễn Đặng Ân, ông anh họ tôi, vốn là giáo sư triết học của Đại học sư phạm Hà Nội, học đại học ở Nam Ninh, Quế Lâm, sang Liên Xô làm Phó tiến sỹ Triết học, về hưu mười mấy năm, nhưng vẫn được mời đi các tỉnh để giảng môn triết học cho các lớp chính trị sau đại học ở các tỉnh, thực chất là dán tem bằng cấp, thời nay còn ít giáo sư triết học lắm.

贈中西宏太 (Nakanishi Hirota) ASEAN Japan Center 

愛知輕雪漸春份 
忽見中西我故人 
名古屋城歡在會 
東京舊日億曾看 
東南亞會金鄰寶
越日邦交好意真 
十载重逢難别语
遥遥海水感鹽脣.
名古屋2013一月

Tặng Trung Tây Hoành Thái (Nakanishi Hirota) ASEAN Japan Center

Ái Tri khinh tuyết tiệm xuân phần
Hốt kiến Trung Tây ngã cố nhân
Danh Cổ Ốc thành hoan tái hội
Đông Kinh cựu nhật ức tằng khan
Đông Nam Á Hội kim lân bảo
Việt Nhật bang giao hảo ý chân
Thập tải trùng phùng nan phân thủ
Hải thủy dao dao cảm diêm thần.
Danh Cổ Ốc, 2013 nhất nguyệt


Chú dẫn:

- ASEAN Japan Center: Trung tâm ASEAN Nhật Bản có trụ sở ở Tokyo, là tổ chức quốc tế xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch do Chính phủ Nhật Bản và ASEAN thành lập.
- Trung Tây: tên đầy đủ là Trung Tây Hoành Thái, phiên âm Hán Việt của Naganishi Hirota, đại diện của Trung tâm ASEAN Nhật Bản.
- Ái Tri: tỉnh Aichi, Nhật Bản.
- Danh Cổ Ốc: thủ phủ của tỉnh Aichi nơi tác giả và Naganishi gặp lại nhau tháng Giêng năm 2013.
- Đông Kinh: Tokyo nơi tác giả và Naganishi gặp nhau lần đầu.
- Đông Nam Á Hội: ASEAN.

Dịch nghĩa:

Tặng Nakanishi Hirota, Trung tâm ASEAN-Nhật Bản
(Đến) Aichi trong cảnh tuyết rơi nhẹ, (trời) đang chuyển sang mùa xuân.
Chợt nhìn thấy Naganishi Hirota người bạn cũ (đợi đón mình ở sân bay Nagoya).
(Chúng ta) vui mừng vì gặp lại ở thành phố Nagoya.
(Cùng nhau) nhớ lại lần gặp gỡ ngày trước ở Tokyo.
(Đối với) các nước ASEAN (anh) là người bạn quý như vàng.
(Về quan hệ) bang giao Việt Nam-Nhật Bản, ý (của anh) thực tốt.
Mười năm gặp lại, khó nói lời từ biệt.
Xa xôi biển, nước, mặn môi tình.
Nagoya, 1-2013

Dịch thơ:

Tình cảm mặn nồng

Xuân sang, tuyết nhẹ đất Ai Chi,
Chợt thấy bạn hiền Nakanishi.
Mừng vui hội ngộ tình bạn cũ,
Tokyo kỷ niệm tháng ngày qua.
Với ASEAN bạn là vàng ngọc,
Mối tình Nhật-Việt thật bao la.
Mười năm gặp lại buồn ly biệt,
Tình cảm mặn nồng đẹp như hoa.

Nguyễn Đặng Ân dịch

 English explanation:

To Nakanishi Hirota, ASEAN Japan Center

Arriving to Aichi prefecture in a day of snow slightly falling; the weather is gradually changing to Spring time,
Suddenly I see Nakanishi who was my old friend,
While In Nagoya city we cheerfully celebrate our meeting again,
Remembering about the previous days in Tokyo where we had used to meet first time,
Concerning ASEAN you like a neighbor being precious as gold.
For the Vietnam-Japan ties, you have sincere and good opinions.
This is the meeting after ten years, so at time of departing it's difficult to say goodbye,
The sea is distant, I feel salty on lips.
Nagoya, January 2013

Remarks:
- ASEAN Japan Center: AJC, the international organization based in Tokyo for promoting investment, trade and tourism between ASEAN and Japan, established by the Government of Japan and ASEAN.
- Nakanishi Hirota: the official from the AJC who is the old friend of the author.
 (TĐP -12/2013)

18 nhận xét:

  1. Nặc danh22:18 25/12/13

    Em đi Nhật mấy lần rồi mà chả biết pháo đài là thế nào, toàn tập trung cho shopping thôi.

    Trả lờiXóa
  2. Nặc danh22:28 25/12/13

    Đính chính 2 câu cuối:
    Thập tải trùng phùng nan biệt ngữ
    Dao dao hải thủy cảm diêm thần.

    Trả lờiXóa
  3. Nặc danh22:44 25/12/13

    Ảnh trên là pháo đài Kokura ở Fukuoka, ảnh dưới là pháo đài Nagoya

    Trả lờiXóa
  4. Nặc danh23:29 26/12/13

    Bài này chững chạc, có tầm, có thể đi vào lịch sử. Niêm, luật, đối, vân đều chuẩn. Câu 1 mở ra cảnh đẹp man mác, câu 2 gây bất ngờ, 2 đôi câu đối 3,4 và 5,6 đối chỉnh, thực luận đan xen, 2 câu 7,8 rất có thần, khiến người đọc rung cảm. Chúc mừng tác giả.
    Bạn của Blog

    Trả lờiXóa
  5. Nặc danh23:33 26/12/13

    Nghiên cứu kỹ bài này sẽ thấy rất tương ứng với nội dung chính của chuyến đi Nhật vừa rồi của Thủ tướng.
    1/ Nhật tăng cường hợp tác với các nước ASEAN
    2/ Quan hệ song phương Việt-Nhật đẩy mạnh.

    Trả lờiXóa
  6. Nặc danh23:39 26/12/13

    Thi sỹ Trần Đông Phong có phong cách ung dung tự tại, vừa công việc vừa thưởng ngoạn phong cảnh, lại đề thơ.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Nặc danh15:36 27/12/13

      Có khi chỉ đi một lần đã sát được văn hóa lịch sử. Thực ra chỉ là tranh thủ nửa tiếng ghé qua di tích, bảo tàng. Tùy thôi

      Xóa
  7. Nặc danh23:48 26/12/13

    Bài thơ dịch của Nguyễn Đặng Ân mộc mạc, không luật nhưng có vần, 2 câu cuối có tình

    Trả lờiXóa
  8. Nặc danh15:23 27/12/13

    Nói là bữa tối cho oai, thực ra ăn cùng nhau, ai ăn gì tự trả, hoặc có món chung thì chia đều. Như vậy vui mà bền.

    Trả lờiXóa
  9. Nặc danh15:41 27/12/13

    Một suất ăn mì lạnh khoảng 1000 Y. Nếu ghé qua được siêu thị mua mấy lon bia hoặc chai sake về khách sạn ăn với mì tôm mang theo thì cũng vui.

    Trả lờiXóa
  10. Nặc danh15:52 27/12/13

    Câu cuối trong bài thơ mở đầu truyện Tam Quốc:

    Nhất hồ trọc tửu hỷ tương phùng
    Cổ kim đa thiểu sự
    Đô tiếu phó đàm trung.

    Một vò rượu nhạt, vui gặp gỡ
    Xưa nay sự đời nhiều hay ít
    Đều tan trong một cuộc nói cười.

    Trả lờiXóa
  11. Nặc danh08:12 31/12/13

    Đầu giờ sáng lướt qua các trang điện tử đến BlogE thấy 3 bài liền của Trần Đông Phong trong top 5 được đọc nhiều, ấn tượng quá, chúc mừng thi sỹ đạt hatrict.

    Trả lờiXóa
  12. Nặc danh11:45 1/1/14

    Những người thuộc nhóm canh tân thời Tự Đức mong muốn đất nước cường thịnh, đả phá thói hủ bại trong nước, tránh họa xâm lăng.

    Trả lờiXóa
  13. Nặc danh12:03 1/1/14

    Có một biểu thức thế này về so sánh Việt Nam Nhật Bản nửa sau thế kỷ 19:
    Canh tân = Duy tân
    Tự Đức >< Minh Trị
    Thuộc địa >< Cường quốc

    Trả lờiXóa
  14. Nặc danh12:21 1/1/14

    Buồn, chán, khiếp trước thực trạng không thể né tránh, nhưng anh vẫn đi, vẫn viết những dòng thơ, như con ong góp mật cho đời, không quản mưa gió.

    Trả lờiXóa
  15. Nặc danh12:32 1/1/14

    Bài thơ này có những nét tương đồng với 2 bài thơ xướng họa của Bùi Viện với người bạn ngoại quốc.

    Trả lờiXóa
  16. Nặc danh18:21 1/1/14

    Về so sánh VN và Hàn quốc, tôi được dự một cuộc họp nghe ông Chủ tịch của cơ quan lập pháp vừa đi HQ về nói, đầu những năm 1960 người Hàn Quốc rất thán phục và ngưỡng mộ khi nhận được thông tin ở Việt Nam, Nhà máy gang thép Thái Nguyên đã cho ra lò mẻ gang đầu tiên. Khi đó HQ chưa có công nghiệp gang thép, mỏ sắt cũng không có. Thế nhưng bây giờ Công ty Posco của HQ thuộc loại con voi trên thế giới về gang thép Còn ta bây giờ về gang thép, vị Chủ tichj hạ giọng nếu so với con voi HQ thi không bằng con chuột, có lẽ chỉ bằng con vi trùng. NCT là kỹ sư luyện kim, 1 thành viên BlogE là lãnh đạo Tổng Công ty thép chắc rõ chuyện này. Gang thép của ta từ ngày có mẻ gang đầu tiến đến giờ, không tiến bộ được bao nhiêu. Than cốc vẫn phải nhập, mấy cái lò cao cũ kỹ của TQ thải loại. Chỉ có làng thép Đa Hội là khá. Chán ôi là chán!

    Trả lờiXóa
  17. Nặc danh18:34 1/1/14

    Ngày đầu năm 2014 đọc được 3 bình luận so sánh thú vị:
    1/ Việt Nam - Nhật Bản 150 năm trước: Canh tân = Duy Tân
    2/ Việt Nam - Hàn Quốc 50 năm trước: Việt Nam gang ra lò, Hàn Quốc chưa biết gang là gì.
    3/ Việt Nam - Malaisia 30 năm trước: cùng phát hiện dầu khí.
    Nay: Nhật thuộc nhóm G7, thép Hàn Quốc hàng voi trên thế giới, dầu khí Malasia sánh vai cường quốc dầu khí trên thế giới. Ta thế thôi

    Trả lờiXóa

Bạn có thể nhận xét không cần là thành viên, và nên góp ý lành mạnh, trung thực. Chọn nhập vai trong danh sách phía dưới khung nhận xét.