6 tháng 2, 2014

Đầu xuân Giáp Ngọ đọc bài thơ của Hồ Chủ tịch nói đến ngựa

Trần Đông Phong
         
Sinh thời Hồ Chủ tịch làm khoảng 200 bài thơ, trong đó ba phần tư là thơ bằng chữ Hán theo thể Đường luật. Các bài thơ này không chỉ tác dụng đối với công việc mà còn có giá trị văn học, nghệ thuật cao. Tìm hiểu về Bác, ta thấy những thước phim cảnh Bác đang cưỡi ngựa ở chiến khu Việt Bắc. Về thơ ta chỉ thấy một bài Bác đề cập đến ngựa, đó là bài Tặng Bùi Công làm năm 1948. Bài thơ viết bằng chữ Hán theo thể thất ngôn tứ tuyệt, gieo vần “i”.

Nguyên tác:

贈裴公

看書山鳥棲窗
批札春花照硯池
捷報頻來勞驛馬
思公即景贈新詩


Phiên âm:

Tặng Bùi công

Khán thư sơn điểu thê song hãn
Phê trát xuân hoa chiếu nghiễn trì
Tiệp báo tần lai lao dịch mã
Tư công tức cảnh tặng tân thi.

Dịch nghĩa:

Tặng ông Bùi

Khi xem sách, chim núi đậu bên cửa sổ như bảo vệ.
Lúc phê công văn, hoa xuân chiếu vào nghiên mực.
Tin thắng trận báo về dồn dập làm mệt ngựa trạm giao liên đưa thư.
Nhớ ông nhân cảnh này tặng một bài thơ mới làm.

          Bài thơ này Bác làm đầu năm 1948 sau Chiến dịch Thu-Đông 1947, ta đã đánh bại các cuộc tấn công của địch lên chiến khu. Tin thắng trận liên tiếp báo về “tiệp báo tần lai lao dịch mã”, sau đó kháng chiến đã chuyển từ phòng ngự sang cầm cự, một bước chuyển biến chiến lược. Bài thơ cho thấy hình ảnh ngựa đưa thư báo tin thắng trận phải hết sức vất vả để đưa tin tình hình chiến sự “lao dịch mã”. Có thể nói sự vất vả, mệt mỏi của ngựa bao nhiêu thì thắng lợi của kháng chiến ròn rã bấy nhiêu. Đây là ngựa của chiến thắng.
         
Ông Bùi (Bùi công) trong bài thơ này là ông Bùi Bằng Đoàn (1989 – 1955) lúc đó đang làm Trưởng ban thường vụ Quốc hội, chức danh nay là Chủ tịch Quốc hội. Để đáp lại, ông Bùi Bằng Đoàn đã làm một bài thơ họa lại nguyên vận bài thơ này của Hồ Chủ tịch.

Nguyên tác:

鐵石一心扶種族
江山萬里守城池
知公國事無餘暇
操筆仍成退虜詩

Phiên âm:

Thiết thạch nhất tâm phù chủng tộc
Giang sơn vạn lý thủ thành trì
Tri công quốc sự vô dư hạ
Thao bút nhưng thành thoái lỗ thi


Dịch nghĩa:

Một lòng sắt đá ủng hộ dân tộc trong cuộc kháng chiến này.
Sông núi dài, rộng muôn vạn dặm, cần giữ vững thành trì của cách mạng.
Biết Người (Hồ Chủ tịch) bận nhiều việc nước không rảnh rỗi.
Thế mà vẫn cầm bút viết nên những dòng thơ đuổi giặc.

Bài thơ họa của ông Bùi Bằng Đoàn đã thể hiện sự mẫu mực trong làm thơ họa vần, bảo đảm giữ chữ “trì” cuối câu 2 và chữ “thi” cuối câu 4, không chữ nào ở các câu liên quan bị lặp lại. Đồng thời nội dung thể hiện sự liên kết và hỗ trợ cho bài gốc. Chữ “thủ thành trì” ở câu 2, ngoài nghĩa là giữ vững đất nước, còn có ý cho thấy kháng chiến đang thời kỳ phòng ngự. Chữ “thoái lỗ”, ngoài nghĩa là đuổi giặc, còn có ý là quân ta ở thế phòng thủ đẩy lui cuộc tiến công của địch. Điều này phản ánh cục diện quân sự lúc đó.
Nhiều trang báo thơ xuân và tài liệu thường nhắc đến hai bài thơ xướng họa này như là một tuyệt phẩm văn học, tuy nhiên có một lưu ý nhỏ cần chú ý là chữ thứ 7 trong câu đầu tiên bài xướng, chữ “hãn” kết cấu chữ Hán là “”, gồm bộ thủ và chữ can , nghĩa là bảo vệ, che. Một số tài liệu viết thành chữ “thiên” gồm bộ thủ và chữ thiên có tự dạng hơi giống chữ can. Chữ thiên có nghĩa là cái que, cài cắm, trong trường hợp này không phù hợp, đồng thời sai về vận.
Hai bài thơ hay về về thi ca, lại chứa đựng các thông tin có giá trị về lịch sử, quân sự. Độc giả, người nghiên cứu đều tìm thấy những giá trị ý nghĩa cho mình.
(TĐP)

3 nhận xét:

  1. Nặc danh17:17 6/2/14

    Bài này trước đây đã biết rồi, nay đọc lại hiểu hơn nhờ phần phân tích.

    Trả lờiXóa
  2. Nặc danh17:58 6/2/14

    Làm thơ kiểu này đẳng cấp thật

    Trả lờiXóa
  3. Nặc danh19:37 6/2/14

    Mình rất khoái kiểu các cụ ngày xưa vừa làm quan vừa làm thơ, đời sau truyền tụng.

    Trả lờiXóa

Bạn có thể nhận xét không cần là thành viên, và nên góp ý lành mạnh, trung thực. Chọn nhập vai trong danh sách phía dưới khung nhận xét.