28 tháng 10, 2012

Kể về những người bạn của mình

NHỚ VŨ VĂN TUYÊN

Có lẽ trong ba năm học cấp 3 Tuyên là bạn gần gũi nhất của mình. Nhà Tuyên cũng ở huyện Ân Thi. Tuy hai đứa ở hai xã khác nhau nhưng nhà chỉ cách nhau có một cánh đồng, lại quen nhau từ cấp 2 do mình hay gặp Tuyên trong các kỳ thi học sinh giỏi toán của huyện, rồi cùng tham dự kỳ thi tuyển học sinh giỏi ở các huyện vào lớp chuyên toán của tỉnh (tên gọi cùng vần T nên hay được xếp ngồi gần nhau). Mình nhớ hôm đi thi Tuyên đứng đợi mình ở ngã 3 đầu làng Đống từ 5h30 sáng, rồi hai thằng túc tắc đi bộ đến trường cấp 3 (cách đó khoảng 4-5 cây số) dự thi. Kết quả là cả hai thằng đều đậu vào lớp chuyên toán của tỉnh nhưng mình có giấy báo trước, còn Tuyên phải nhờ người lên Sở Giáo dục hỏi mới lấy được giấy báo và tập trung sau đó ít hôm.


 Hồi đầu chưa quen sống xa bố mẹ, nhớ nhà ghê gớm chỉ muốn bỏ về. Chủ nhật đầu tiên về trọ ở Chợ Gạo sau khi Mỹ ngừng ném bom miền Bắc, Tuyên lay mình dậy từ 3 giờ sáng đi bộ về nhà, đến Trương Xá mới hơn 7 giờ  thì gặp anh Sinh (anh trai Tuyên đạp xe Phượng Hoàng đi đón, anh ấy cứ nghĩ hai thằng lúc đó mới ngủ dậy, không ngờ đi sớm quá).

 Tuyên là một mẫu điển hình con cái nông dân chân chất, rất hiền. Người bạn nhỏ nhắn nhưng có cặp đùi rất to khỏe, chạy 1.500 m nhất Trường cấp 3 thị xã Hưng Yên, mặc dù hồi đó ở thị xã có nhiều anh tài lắm. Mình nhớ Tuyên ăn nhanh lắm, hầu như không nhai mà nuốt chửng. Mình chưa xong một bát cơm Tuyên đã xới bát thứ 3 rồi.

 Ngày trọ ở Bảo Châu, có một chị nghe đâu trước bị bệnh tâm thần, hay sang chơi với bọn mình, tự nhiên phán rằng, Tuyên học giỏi nhưng sau này khổ lắm và bị chết non nữa. Lời tiên tri này lúc đầu không đúng nhưng càng về sau càng thấy nghiệm vào Tuyên.

 Tốt nghiệp cấp 3, cùng đăng ký nguyện vọng thi vào Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, Tuyên hơn mình 1 điểm vừa đủ tiêu chuẩn xuất ngoại, sang Liên xô học Đại học mỏ ở thành phố Đôn Nhét, còn mình thì ở lại học trong nước. Hôm chia tay, mình và hai bạn cùng huyện được mời đến nhà Tuyên ăn tiệc, Tuyên rất buồn vì phải xa mình. Suốt 5 năm đại học, mình và Tuyên vẫn thường xuyên thư từ cho nhau. Thật vui khi mỗi lần lên văn phòng khoa thấy thư Tuyên từ Liên xô gửi về. Tuyên kể về phong cảnh nước Nga, về đội bóng Sachio Đôn Nhét bạn hâm mộ và cảnh sôi động trong những trận bóng đá giải vô địch liên bang mà bạn được xem trực tiếp trong sân vận động.

Năm 1982 Tuyên tốt nghiệp đại học về nước, mình đã vào quân đội. Từ đơn vị về nghỉ phép gặp Tuyên. Bạn sang nhà mình chơi, béo trắng vì bơ sữa và uống rượu thì không khác gì một chàng Ivan thực thụ, đến mức bố mình là một "sâu rượu" nổi tiếng trong vùng cũng phải ngả mũ bái phục. Rồi hai thằng lên Hà Nội, Tuyên ngủ với mình một đêm trước khi mình trở lại đơn vị.

 Hồi đó sinh viên tốt nghiệp đại học trong và ngoài nước đều chịu sự phân công của Bộ Giáo dục. Người ta đã giới thiệu Tuyên với  một số cơ quan, trong đó có Trường Đại học Mỏ Địa chất đang cần giáo viên và một vài cơ quan ở thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng. Sau khi khảo sát các cơ quan đó, Tuyên quyết định trở lại Liên xô làm phiên dịch cho một đội lao động xuất khẩu Việt Nam. Sáu năm sau Tuyên về nước mua nhà ở Hà Nội và cưới một cô vợ người Phú Thọ tên Tâm, là công nhân xuất khẩu trong đội Tuyên phụ trách. Rồi Tuyên xin vào làm trong ngành đường sắt, vợ Tuyên mở cửa hàng bán nước đối diện với nhà máy mình làm việc. Có dạo bí quá mình cũng chạy hàng nước ngọt nhờ Tâm bán. Một thời gian sau vợ Tuyên được bố xin cho vào làm việc ở Viện Vật liệu xây dựng, được mấy năm , do thu nhập thấp Tâm chuyển sang buôn hàng chuyến đường xa, còn Tuyên vẫn cứ mải mê với những bữa rượu say sưa cùng với những chuyến tàu chở hàng.

 Hồi năm 1994 mình làm biên tập viên Báo Đầu tư, Tuyên đi xe máy qua cơ quan mình chơi và rủ mình đến nhà Tuyên trong khu tập thể ở phố Cát Linh uống rượu. Mình thấy nhà Tuyên cũng khá, hai vợ chồng đều có xe máy, tiện nghi đầy đủ. Khoảng năm 1998 -1999, vợ Tuyên bỏ đi lấy tay lái xe đường dài để Tuyên nuôi con. Cháu Hùng, con Tuyên học rất giỏi và chơi cờ vua rất khá, từng đoạt giải nhì cờ vua học sinh thành phố Hà Nội. Tuyên chán đời, bỏ việc cơ quan, lúc thì đi trông kho sắt vụn, khi thì đi trông công trình cho bạn xây nhà, nhưng vẫn không bỏ được tật uống rượu rồi quên nhiệm vụ. Năm 2002 Tuyên được anh trai đưa sang Angola bán hàng và để cai rượu, hai năm sau lại thấy về nước. Nghe đâu, sang bên đó Tuyên không những không cai được rượu mà lại uống nhiều hơn, anh trai cũng không chịu được bắt phải về. Từ đó Tuyên sống ở quê, ít khi ra Hà Nội. Mình gặp Tuyên lần cuối tại buổi họp lớp năm 2005.

Mùa hè 2007, một thời gian khá dài không gặp Tuyên, một số bạn lớp chuyên toán cũ đến nhà anh Tuyên tìm mới biết Tuyên đã mất. Về nhà Tuyên ở thôn Đặng Xuyên thắp hương thì không có bát hương trên bàn thờ. Nhà bố mẹ Tuyên giờ giao lại cho cháu ruột Tuyên (con ông anh cả) ở, mẹ Tuyên hồi đóvẫn khỏe và đang sống ở đó (bây giờ bà cũng đã đi theo con trai được mấy năm rồi). Họ kiêng vì pháp sư nói Tuyên chết vào giờ xấu không được thắp hương ở nhà, cũng chẳng có di ảnh nào. Mình hỏi thì được biết, con Tuyên nộp đơn dự thi vào trường Công an, Trường cho người về quê tìm hiểu lý lịch. Lo cho con Tuyên phải kiêng, không dám uống rượu rồi từ đó sinh bệnh tâm thần, suốt ngày rúm ró vì tưởng có người đánh đập, dọa giết. Có đêm đông lạnh thấu xương, Tuyên bỏ chạy khỏi nhà rồi nhảy xuống ao vì sợ ma đuổi. Có đêm Tuyên bỏ nhà đi lang thang, sáng sớm có người đi chợ Trương về báo thấy đang ở đó, người nhà phải lên bắt về. Cuối cùng Tuyên mắc bệnh viêm phổi phải lên điều trị tại Bệnh viện Giao thông vận tải là nơi anh và chị dâu Tuyên làm việc. Một buổi tối Tuyên bị tràn dịch màng phổi mà bác sỹ không phát hiện ra, bạn tắt thờ và ra đi về cõi vĩnh hằng khi mới 48 tuổi.

Lời tiên tri của bà chị từng bị tâm thần ở Bảo Châu năm 1972, sau 35 năm đã thành sự thật. Người bạn thân nhất của mình thời cấp 3 đã ra đi như thế. Rượu đã hủy hoại cuộc đời bạn hay chính bạn đã tự huỷ hoại đời mình?

(Ngô Công Thành 8/2012)

4 nhận xét:

  1. Vũ Tuyên trông coi đội làm nhà cho tôi. Khi đó tôi mới lên Hà Nội, xây nhà, nhưng cũng mới đi làm báo. mà Tuyên thì ăn chơi. Nên tôi bảo Tuyên trông coi hộ. Cũng ổn mấy tuần đầu. Sau đó, có hôm tôi thấy Tuyên đi ăn trưa với thợ, uống rượu rồi vừa đi vừa hát với mấy ông thợ say. Có cô hàng xóm cạnh giáp tường nhà tôi lại quý cậu Tuyên, ra sức làm mối gái làng Vòng cho Tuyên, nhưng Tuyên hóa ra cũng kén kén, nên không thành. Cô ấy bảo, kể cả uống rượu "nó" cũng ưng. Nhưng rồi làm nhà xong, Tuyên không quay lại chuyện đó nữa...

    Trả lờiXóa
  2. Quang Hưng11:44 3/11/12

    Vũ Tuyên học ở thành phố Đônnhesk,thành phố thợ mỏ trồng rất nhiều hoa hồng. Khi học bạn đi thực tập nghề dưới mỏ than và cũng học uống rượu với thợ mỏ ở đó.Kỷ niệm ấn tượng nhất khi học ở Liên xô là mùa hè năm 1981, bạn gõ cửa phòng mình trong bộ quần áo lôi thôi,râu tóc xù xì và hôi như một mugic Nga chính cống.Tôi phải tống bạn vào nhà tắm gần 1 giờ và phải huy động tay nghề dao kéo để xử lý mái tóc không ra hình thù gì nữa.Tuyên kể rằng xuống tầu hỏa cách Matxcova hơn 200km và đi bộ qua các làng mạc theo con đường của Gorki.Ăn thì hoặc mua hoặc xin,ngủ thì hoặc ngủ nhờ nhà dân hoặc ngủ ở chuồng ngựa.Tóm lại đi gần 10ngày.
    Tuyên sống tốt và rất nhiệt tình với bạn bè,có điều bạn không biết tự bảo vệ mình nên hay thua thiệt khi gặp các đối tượng xấu.
    Tôi hay đánh cờ, uống rượu với Tuyên và hiểu một phần nỗi bi kịch của bạn...

    Trả lờiXóa
  3. Hôm nay đọc những ký ức của các bạn về Tuyên, làm cho tôi nhớ lại:
    Khoảng năm 1997 Tuyên cũng đã ở nhà tôi ít ngày. Dạo ấy tôi còn làm việc ơ xn khai thác đá, Q.H đưa Tuyên lên nhà tôi và bàn là sẽ sắp xếp Tuyên làm việc ở xn tôi. Tôi nhớ khi đó Tuyên vưa bỏ việc trông kho sắt, mà xn tôi thì đang cần KS mỏ. Tuyên cũng đi làm được khoảng 10 ngày gì đó thì nghỉ, tôi nghĩ một phần do xn tôi xa HN. Tuyên hay uống rượu (và uống rât nhiều) nhưng rất chịu khó và có nhiều tâm sự (vợ tôi bây giơ nói về bác Tuyên vẫn nêu tấm gương chịu khó ấy cho tôi)... Mấy dòng này thay cho nén hương thắp cho Tuyên.! (VĐT)

    Trả lờiXóa
  4. Nặc danh06:23 23/11/12

    Thương Tuyên quá! Một cuộc đời tài hoa bạc mệnh!

    Trả lờiXóa

Bạn có thể nhận xét không cần là thành viên, và nên góp ý lành mạnh, trung thực. Chọn nhập vai trong danh sách phía dưới khung nhận xét.