NHÀ VĂN CỦA NHÂN DÂN
Mình hay vào blog của nhà thơ Văn Công Hùng để đọc, vì nghe
đâu hắn là một trong những nhà thơ nổi tiếng đương đại. Tạp chí Sông Hương còn
đăng bài nghiên cứu của một cô thạc sỹ có tên TTVD “Thơ Văn Công Hùng, nhìn từ
hình tượng cái tôi trữ tình chiêm nghiệm - triết lý”. Nhưng mình chẳng thấy xúc
cảm gì từ thơ của hắn (trừ vài bài thơ nói về mẹ), chẳng có vần điệu, chẳng
theo kiểu cách nào mà cũng chẳng hiểu hắn định nói gì (có lẽ triết lý của hắn
cao siêu quá!). Hôm trước, đột nhiên, mình thấy thông tin hay về một thằng bạn
40 năm của mình trong trang blog này.(NCT)
Có bài ký sự KỲ TÍCH SÔNG HÀN viết dưới dạng một lá thư gửi
Văn Công Hùng. Nhà thơ viết thêm mấy lời tựa: “Mình chuẩn bị lên xe để lại...
đi. Lần này là xuống Quy Nhơn trong cuộc Hội Nhà Văn phối hợp với UBND tỉnh
Bình Định tổ chức kỷ niệm 100 năm ngày sinh Hàn Mặc Tử, mình phải xuống trước 1
ngày để lo tổ chức. Lên xe rồi thấy trong iPad có thư của nhà văn Nguyễn Xuân
Hưng giám đốc hãng phim Hội Nhà Văn. Thế thì phải đọc. Đọc xong thì thấy phải
post ngay. Muốn post thì phải... xuống xe bật laptop. Phải làm việc ấy vì thấy
đây là một bài cần post ngay...”
Trong số nhiều còm sĩ đăng lời bình về bài viết của Nguyễn
Xuân Hưng, có người bí danh 123 đánh giá
bài này hay ngang với bài ký của Anh Đức gửi Nguyễn Tuân thời đánh Mỹ rồi kết
luận " Nguyễn Xuân Hưng xứng đáng là nhà văn thật sự của nhân dân”.
Tài, tài thật. Nguyễn Xuân Hưng tài thật!
Đúng bạn mình rồi, “Nguyễn Xuân Hưng - Giám đốc hãng phim
Hội Nhà văn”. Cái thằng mình đã kéo từ Nhà máy Thủy tinh Hải Phòng lên Hà Nội,
thế chân mình làm biên tập viên Báo Đầu Tư để mình được ông Bộ trưởng kiêm Tổng
Biên tập Trần Xuân Giá cho chuyển sang làm chuyên viên Vụ Quản lý dự án Đầu tư
nước ngoài năm 1996. Cái thằng mà năm 1985, mình phải nhường cho nó bộ com lê
cưới của mình đang mặc trên người để nhận bộ com lê ngắn cũn cỡn nó mượn về mặc
không được (dù nó còn thấp hơn mình mấy phân) mà vẫn phải làm phù rể cho nó
trong đám cưới Hưng – Thủy tại Hải Phòng.
Hồi học cùng trong lớp chuyên toán cấp 3 tỉnh ở Thị xã Hưng
Yên, Xuân Hưng cũng gầy gò như mình, kiểm tra sức khỏe vào đại học đều cân được
39,5 kg sau khi đã tống đầy dạ dày mấy bát cơm độn ngô buổi trưa. Nó có một dãy
mụn thịt đỏ nổi từ dưới tai xuống tới cổ giống hình quần đảo Nhật Bản nên mình
cứ gọi nó là Hưng Nhật Bản để phân biệt với Hưng còi (Quang Hưng). Cách đây dăm
năm, khi chuyển sang làm việc bên Hội Nhà văn, nó đã phẫu thuật bỏ quần đảo
Nhật Bản này đi rồi.
Thời cấp 3, cô Tâm dạy văn, điểm văn của nó luôn thấp hơn
mình và Tạ Hữu Gay. Năm lớp 10 nó cũng trong đội tuyển thi toán toàn miền Bắc,
được xếp vào loại thứ 4-5 trong lớp. Hưng Nhật Bản cũng như mình đều vào Đại
học Bách khoa năm 1975 (khóa 20), nó học khoa Hóa, mình học khoa Luyện kim ở
cùng tầng một nhà B7. Ngày học Bách khoa, nó yêu một cô to đùng người Hải
Phòng, tên là Tuyết cao 1m65 nặng trên dưới 60 kg, một bên má bị rám đen, học
K21 khoa công nghiệp thực phẩm. Cô cậu yêu nhau lắm, cứ như đôi cào cào, châu
chấu vậy. Có lần giận nhau Tuyết mò tới chỗ mình kêu mình đi tìm Hưng giúp,
mình đưa Tuyết đến nhà anh trai cả Hưng ở khu tập thể Kim Liên nhưng không
thấy, rồi Tuyết khóc, mình dỗ mãi không được. Yêu nhau thế nhưng không hiểu vì
sao khi Hưng về công tác ở Hải Phòng (kể cả khi vào quân đội cũng như khi đã ra
quân), ngay gần nhà Tuyết mà họ lại không lấy nhau. Có phải tại vết rám trên má
Tuyết hay tại cô già và xấu hơn Thủy (người sau này trở thành vợ Hưng)?
Tháng 10 năm 1980, tốt nghiệp Bách Khoa, trước khi nhập ngũ,
5 thằng (Thành, Kỳ, Bách, Xuân Hưng, Thắng) rủ nhau đi du lịch một chuyến bằng
xe đạp khắp Hải Dương, Đông Triều. Bọn mình rẽ qua nhà Xuân Hưng ở Thị trấn An
Lưu, huyện Kinh Môn, một thị trấn có phong cảnh rất đẹp, giống một làng nhỏ ở
Cộng hòa Sec bên Châu Âu sau này mình đi qua.
Xuân Hưng có cô em gái khá sinh học Đại học Dược, sinh năm
1961, tóc vàng hoe và mắt xanh như tây, tên là Yên (Chắc là ông bố muốn nhắc
nhở về Yên Mỹ, Hưng Yên, quê ông). Thế mà hồi đó chẳng anh nào tấn công. Nó cứ
phàn nàn mãi. Còn nó, thời còn trong quân đội, cũng có ý định tấn công cô em
Mai Anh của mình, nhưng có lần đến đón cô em định đưa em ra trường Sư phạm thì
xe cứ tuột xích suốt, Mai Anh sốt ruột, sợ muộn giờ phải nhảy xe bus đi, để lại
anh Xuân Hưng trong ngậm ngùi với chiếc xe đạp hỏng xích.
Năm 1984, Hưng ra quân từ Viện Kỹ thuật Hải quân với quân
hàm Trung úy, về công tác tại Nhà máy Thủy tinh Hải Phòng, đúng vào thời kỳ
Thành phố, do ông Đoàn Duy Thành làm Bí thư, bung ra phát triển kinh tế nên cậu
cũng làm ăn được. Một buổi tối năm 1988, Hưng phi xe máy cup 80 lên Hà Nội gọi
mấy thằng ra uống cả phê chỗ đầu Hồ Tây,
mình cứ ước ao không biết tới kiếp nào mới có chiếc xe máy như thế mà đi. Rồi
từ Nhà máy Thủy tinh ấy, tài năng văn chương của nó nảy mầm và phát triển. Hình
như cũng có mấy nàng văn đi theo thì phải. Nó bắt đầu viết truyện ngắn, gửi
đăng, gửi dự thi và năm nào cũng trúng giải. Hồi đó người ta quan tâm viết
nhiều về người lính, về mặt trận biên giới, ít người viết truyện về những người
lao động, về kinh tế. Năm 1995 Hưng đoạt giải nhất cuộc thi truyện ngắn viết về
người lao động do Báo Lao động thành phố HCM tổ chức, được mời cả hai vợ chồng
vào thành phố nhận giải. Từ đó, nó vừa làm Phó Quản đốc phân xưởng vừa viết văn. Nó
có gửi một bài cho báo Đầu tư, nhưng Trưởng Ban Biên tập không duyệt đăng vì
không hợp chủ đề của báo (mặc dù mình thấy rất hay, nhưng bọn tây không thích).
Đầu năm 1996, tình hình Hải Phòng khó khăn trở lại, do người
lãnh đạo mới quá bảo thủ và cầu toàn, không dám nghĩ, dám làm. Mình động viên
Hưng dự thi vào Báo Đầu tư (năm đó Báo tổ chức thi tuyển phóng viên, mình làm
giám thị) để có thể đưa cả gia đình lên Hà Nội. Hôm thi mình phải chở Hưng đến
địa điểm thi, vợ mình ở nhà chuẩn bị sẵn cơm nước, trưa về hai thằng ăn, nghỉ
một tí chiều lại đi thi tiếp môn thứ hai. Có kiến thức về kinh tế, lại có sở
trường văn học, Hưng thi đỗ điểm cao và được tuyển về làm Biên Tập viên. Làm
việc cùng nhau được nửa năm thì mình ra khỏi nghề báo, trở thành công chức nhà
nước, chuyên viên Chính phủ. Hưng ở lại tòa soạn báo tiếp tục tìm kiếm cơ hội
phát triển sự nghiệp văn chương của mình.
Thời ở Báo Đầu tư Hưng cho ra đời mấy tuyển tập truyện ngắn
MUỐI ĐẮNG và NHÂN BẢN. Năm 2004, Nhà xuất bản Lao động in và phát hành cuốn
tiểu thuyết đầu tay của Hưng có tên AN LẠC DƯỚI TRỜI gồm hai tập. Năm 2005 bộ
tiểu thuyết này được tái bản lần 2 do Nhà xuất bản Văn hóa Sài Gòn phát hành.
Sau đó Hưng được kết nạp vào Hội nhà văn và là một trong những hội viên trẻ
tuổi (xấp xỉ tuổi với Trần Đăng Khoa) và cũng là một trong số ít hội viên xuất
thân từ người học về tự nhiên, khoa học kỹ thuật. Hưng cũng đã được bổ nhiệm là
Trưởng Ban phụ trách tờ Đầu tư (tiếng Việt). Sau đó, do không thích tham dự vào
cuộc đấu đá trong nội bộ tờ báo, Hưng xin chuyển về Hội nhà văn làm Phó Giám
đốc Hãng phim do Nhà văn Hà Phạm Phú làm giám đốc. Năm 2010 ông Phú về hưu,
Hưng được bổ nhiệm Giám đốc Hãng phim. Hãng phim của Hưng đã hoàn thành nhiều
bộ phim khá nổi tiếng về Hồ Chí Minh như: Nguyễn Ái Quốc ở Hồng Công, Vượt qua
Bến Thượng Hải. Chuyện Giám đốc Hãng phim Nguyễn Xuân Hưng mời ông Nguyễn Tiến
Thỏa Cục trưởng Cục Quản lý giá – Bộ Tài chính sang Trung Quốc đóng vai Nguyễn
Lương Bằng trong phim Vượt qua bến Thượng Hải, đúng vào thời gian bão giá hoành
hành ở Việt Nam đã bị báo chí la lối om xòm nhưng rồi cũng qua đi, bởi Nguyễn
Tiến Thỏa chính là cháu gọi Nguyễn Lương Bằng là ông và rất giống Cụ.
Giờ đây, Nguyễn Xuân Hưng đã là một ngôi sao trên văn đàn
Việt với những tiểu thuyết tên tuổi như: Bản năng nháp, Bí quyết Sài Gòn, Hạ
cánh xuống trần gian, Hoa Lư… Mình chợt nhớ lại kỷ niệm Xuân Hưng đã ghi lưu
bút vào sổ của mình khi tốt nghiệp cấp 3 năm 1975: “ phải phá đi những cánh cửa
chắn cuộc đời”. Câu này mình đã đưa vào trong bài thơ TÌNH BẠN (xemTẠI ĐÂY) . Đúng là không
có cánh cửa nào có thể chắn được bước đi của ta trước sự công phá của ý chí.
Từ một học sinh chuyên toán, một kỹ sư Bách Khoa, một cán bộ quản lý sản xuất trở thành ‘Nhà văn của nhân dân” đâu phải chuyện thường.
Nguyễn Xuân Hưng, bạn của mình đấy!
Bạn 40 năm rồi chứ không phải bạn mới quen đâu./.
(Ngô Công Thành tháng 10/2012)
Haizzz... Thế này thì ông Ngô Công Thành trở thành Nhà văn rồi, chứ tôi không biết ông Nguyễn Xuân Hưng viết có hay hơn ông này không?
Trả lờiXóaTôi chỉ kể lại đúng sự thật không hề hư cấu một chút nào đâu nhé
Xóa