7 tháng 1, 2013

Đằng sau mặt trăng

Blog này có nhiều bác làm thơ, tôi xin giới thiệu loạt bài "Đằng sau mặt trăng". Đây là bài 1 về Xuân Diệu. Các bác biết về các nhà nổi tiếng như các ngôi sao, nhưng hãy biết họ cũng như mặt trăng, mà phía tối ít ai biết đến. Chúng ta không chế diễu họ, mà chỉ đọc lại như một bài học về cuộc đời, về sự nghiệp của một đời người. (Bài có đăng trên web của tôi- NXH)
*.
Khi đọc những dòng thơ này, tôi đoán nó được viết ra thời kỳ kháng chiến chống Pháp, nhưng tự hỏi tác giả của nó là ai?
“Ta chào Vôn-ga Đông/ Chào Liên Xô vĩ đại/ Đồng chí Stalin/ Mặt trời soi nhân loại/ Ta chào mừng Đại hội Đảng Bôn-sơ-vích thành công./ Đế quốc càng tàn hung/ Ta càng hăng diệt nó/ Nó nuôi dịch hạch thả vi trùng/ Ta thì đào nối Vôn-ga Đông…
… Cửa sổ điện Kem-linh/ Đêm khuya đèn vẫn đợi/ Stalin suy nghĩ/ Cho nhân loại hòa bình/ Cho người vui vật ấm/ Mãi không còn chiến tranh/ Cho chim hòa, trái đậu/ Muôn sông êm đềm trong  nắng lượn mình…”
Chắc bây giờ, các bạn đọc những dòng thơ này, chắc cho rằng một bác già về hưu nào đó một hôm nhớ Liên Xô làm ra, hoặc là bích báo thời chống Pháp? 

Xin thưa, đó là thơ của nhà thơ Xuân Diệu, đăng trên báo Văn Nghệ, cơ quan của Hội Văn nghệ Việt Nam trong kháng chiến chống Pháp, số 27, tháng 11/1952. Bài thơ mang tên “Vôn-ga Đông”, ông Xuân Diệu ghi dưới bài thơ dòng chữ “Tháng 10-1952”. Bài thơ có 60 câu, tôi chỉ trích 18 câu trên đây thôi.
Nhà thơ của “Thơ duyên”, ‘Thơ thơ”… đã “làm được” những câu thơ như thế. Người đã làm những câu thơ thế này:
“Chiều mộng hoà thơ trên nhánh duyên.
Cây me ríu rít cặp chim chuyền
Đổ trời xanh ngọc qua muôn lá,
Thu đến nơi nơi động tiếng huyền”.
Tuy nhiên, cũng còn chút hơi hướng của thi sĩ Xuân Diệu trong câu thơ” Muôn sông êm đềm trong nắng lượn mình”. Không hiểu người biên tập thấm nhuần quan điểm công nông binh có chất vấn “nắng lượn mình” là cái gì không? Tôi ngờ rằng đó là từ địa phương nào đó.
Đó là Xuân Diệu, thi nhân của Thơ Mới, chứ còn nhà lãnh đạo cách mạng Tố Hữu làm bài thơ có những câu sau đây thì không có gì ngạc nhiên:
“Yêu biết mấy, nghe con tập nói
Tiếng đầu lòng con gọi Stalin!”
Có lẽ chính vì những kiểu thơ có tính Đảng như vậy mà dân gian gán cho “Nhà thơ nói láo, nhà báo nói khoác” chăng? Con trẻ tập nói mà phát âm được “Stalin” thì không hiểu nó nói cái gì?
Cũng không khó hiểu khi các thi sĩ chuyển mỹ cảm từ “mơ theo trăng và vơ vẩn cùng mây” sang tụng ca cuộc chiến đấu chống xâm lược. Trong thời kỳ kháng chiến, phục vụ nhân dân tức là hướng về công nông binh. Nhưng, điều mà người đứng đầu đảng Trường Chinh vạch ra trong đề cương văn hóa Việt Nam, phương hướng về một nền văn nghệ “chân, thiện, mỹ” rất đúng, "chân" và "thiện" thì dễ thi hành, còn chữ “mỹ” là khó diễn giải nhất. Tiếc rằng, nghệ thuật mà nhận sai chữ "mỹ" thì e rằng không ra nghệ thuật. Ngay cả Xuân Diệu cũng đi theo cái mỹ cảm thơ thô thiển.
Nếu so với các thi sĩ của “Thi nhân Việt Nam” được Hoài Thanh vinh danh, thì Xuân Diệu thi sĩ nhất, và sau năm 1945, Xuân Diệu cũng lại chuyển biến “vô sản hóa” nhất trong thơ. Năm 1959, ông viết bài thơ “Ngói mới” có thời được đưa vào sách giáo khoa dạy học sinh. Sau khi ca tụng đời sống mới, ngói mới, ông Xuân Diệu hạ một khổ thơ gò gẫm đến lạ lùng:
Quên sao được lúa thì con gái
Xanh thẫm, dày, chen, gợn đến trời,
Bỗng nở như hoa vừng ngói đỏ
Lúa toan vượt ngói, ngói càng tươi.
Em chịu bác rồi. Ví lúa với ngói đến thế là cùng. Khổ thơ tiếp theo cũng lại có một câu rất lười nhác:
Ngói mới trăm nơi cùng cửa sổ
Xây lên không khí những toà gương.
Sau này, ông Xuân Diệu có thời làm tiên chỉ của Làng thơ. Lời ông nói là mệnh lệnh, ông ấy khen ai thì coi như có tấm bằng vào thơ, chê ai thì thôi rồi. Chuyện này có nhiều dẫn chứng tôi đã nghe các nhà văn nhà thơ thời đó. Tôi cho rằng, ông Xuân Diệu khen hầu hết đều có lý, nhưng ông ấy chê thì có lẽ đã chê nhầm. Giá như lúc đó có người hỏi tại sao ông ấy làm những vần thơ như vậy thì chắc gì ông đã trả lời được.
Thành thực mà nói, những bài thơ ca ngợi cuộc sống của Xuân Diệu cũng đọc được, trên mức Câu lạc bộ thơ khắp miền đất nước ngày nay. Ví dụ bài “Lên cao: Cao, lên cao ta xây dựng/ Từng bước ta lên cao…” , hay bài “Gánh”
“Ôi người yêu, yêu hơn cả ái tình,
Người rất mực xa xanh và đỏ thắm,
Người gần gũi và bao la vạn dặm,
Người một người và ức triệu con người,
Ba mươi năm, và sau, trước: muôn đời.
Người gánh gánh của chúng tôi: là Đảng.
Người gánh gánh với chúng ta: là Đảng.
Người gánh ta, ta gánh Người: là Đảng.
Người gánh đất, Người gánh trời: là Đảng”.
Say sưa với hình tượng “gánh”, một hình tượng rất truyền thống Việt Nam. Ca ngợi Đảng như người phụ nữ Việt Nam tảo tần gồng gánh, thế thì yêu Đảng tột bậc rồi còn gì nữa. Nhưng đang say sưa như thế, nhà thơ hạ 2 câu thơ tiếp theo:
“Ôi ngời ngời Đảng Cộng sản Đông Dương,
Đảng Lao động Việt Nam, là một đó;”
Thì cứ tưởng ai đó sửa thơ Xuân Diệu, chơi xỏ ông Xuân Diệu.
Xuân Diệu kết bài thơ bằng hai câu “thơ” nổi tiếng:
“Đảng cùng ta phá
Đảng cùng ta xây”.
Xin thưa, bài thơ này hồi đi học Cấp Ba, chắc ai tuổi tôi cũng phải học qua, thày dạy học trò ca tụng Xuân Diệu viết về Đảng, mà không hề có ý nào phê phán Xuân Diệu, bởi vì nếu chê Xuân Diệu thì ra chê Đảng à, và điều quan trọng là cái bóng “ông hoàng của thi ca”, ai mà dám chê nhỉ?
*
Về quan điểm học thuật, Xuân Diệu là người nhiệt thành “đánh” hai tờ báo Nhân Văn và Giai Phẩm. Đoạn lược tả sau đây của tác giả Đông Hiến, đăng trên tập san mạng Talawas: “Xuân Diệu đóng góp vào đợt đánh Nhân văn –Giai phẩm mới với 4 bài tiểu luận đăng vào cao điểm của đợt tấn công thứ hai đầy uy lực này nhằm vào các thành viên phong trào: “Một số vấn đề đấu tranh tư tưởng trong thơ”, “Những suy nghĩ chung quanh vấn đề chỉnh huấn”, “Những biến hóa của chủ nghĩa cá nhân tư sản qua thơ Lê Đạt” và “Những tư tưởng nghệ thuật của Văn Cao”. Nội dung của bốn bài luận này gợi cho ta thấy vai trò của Xuân Diệu trong đợt tấn công này – dù tự nguyện hay được trên giao – là khẳng định quan điểm cho rằng lĩnh vực văn chương là một chiến trường tư tưởng”.
Và:
“Xuân Diệu gọi Văn Cao là “đại ca” ngụy quân tử, “giả dối như một con mèo, kín nhẹm như một bàn tay âm mưu trong truyện trinh thám”, “lập lờ, ấp úng, bí hiểm, hai mặt,” “hiểm độc,” “một cái giọng cao đạo, ra vẻ bác học, thông thái”. Ông chỉ trích “cái duy tâm chủ quan”, “cái cá nhân chủ nghĩa bế tắc”, “cái tìm tòi lập dị”, “cái khinh thường quần chúng”, và “một mớ cặn bã tư tưởng cũ rích” của Văn Cao. Cuối cùng Xuân Diệu cảnh tỉnh Văn Cao mà như có ý đồng thời tự căn dặn mình: “Nhà văn trước tiên phải ôm lấy tư tưởng đúng, phải ôm lấy quần chúng vạn năng, phải ôm lấy Đảng vĩ đại, chứ nếu chỉ ôm lấy một mớ chữ, theo lối Văn Cao tán thưởng, thì chỉ ôm lấy tro tàn thuốc lá hay cặn rượu mà thôi. Huống chi mớ chữ đó lại phản động, thì nhất định tiêu ma sự nghiệp”.
Cuộc đời sáng tác của Xuân Diệu có nhiều giai đoạn, nhưng bây giờ người ta chỉ nhớ đến ông như nhà thơ của “Thơ Mới”. Ông sinh năm 1916, như vậy chưa đầy 30 tuổi ông ấy đã làm xong toàn bộ sự nghiệp thơ ca của mình rồi. Những năm tháng sau đó, ông ấy làm thơ thì bây giờ ít ai muốn nhắc đến nữa. Đặc biệt là những quan điểm đánh “Nhân văn –Giai phẩm” thì hầu như người ta lại càng không tiện nhắc. Bởi vì gần đây, nhận thức về phong trào Nhân văn –Giai phẩm đã thay đổi hoàn toàn. Đó chỉ là một phong trào đòi tự do sáng tác trong văn nghệ. Những ai vướng vào các vụ án đều được gián tiếp minh oan, tác phẩm của họ được giải thưởng, như 4 nhà thơ chủ soái: Trần Dần, Lê Đạt, Hoàng Cầm, Phùng Quán thì được giải thưởng Nhà nước.
Để kết thúc đoạn nói về Xuân Diệu, xin đọc bài thơ này của ông, mà ông Trần Mạnh Hảo nói rằng, có thể coi ông Xuân Diệu là chủ soái của trường phái thơ “tân con cóc”:
GIÓ THƯƠNG YÊU TRÊN ĐỒNG HỢP TÁC XÃ
Trên đồng hợp tác nắng như thiêu
Mồ hôi nông dân đổ thật nhiều
Đảng ta chợt gửi vài cơn gió
Lau mồ hôi gió quá thương yêu
Ôi gió của tình thương giai cấp
Đường cày xốc tới các vì sao
Nắng hạn đỉa chết dân không chết
Nhờ gió cần lao mang đến mưa rào
Vì sao có gió em biết không
Vì hướng ta đi theo ngọn cờ hồng
Giai cấp nông dân nuôi toàn xã hội
Nhờ gió đảng ta lúa hát đâm bông
(Nam Định mùa hạn 1963)
(còn nữa)

1 nhận xét:

  1. Ngày xưa ta bé ta Nghĩ Xuân Diệu là thần thánh trên thi đàn Việt Nam. Nay thấy ông ta tuy giỏi văn thơ hơn cựu học sinh chuyên toán HH 72-75 một chút, nhưng quá kém toán và các môn tự nhiên khác, nên thơ của ông thường thiếu logic. Tôi lấy ví dụ bài thơ Mũi Cà Mau ông viết năm 1960, có mấy khổ liên tục nhắc lại câu: Tổ quốc ta như một con tàu/ Mũi thuyền ta đó mũi cà mau; rồi "Tổ quốc ta như một con tàu/ mũi thuyền xé sóng mũi Cà Mau". Tôi nhớ bài này vì ngày bé tôi có đọc một tờ văn nghệ thấy co người dọn vườn phê bình:
    Tổ quốc ta như một con tàu
    Mũi thuyền ta đó mũi tàu đâu.
    Mà mũi thuyền thì làm sao mà xé sóng được cơ chứ. Xuân Diệu cũng chẳng thông minh hơn học sinh lớp 5.(NCT)

    Trả lờiXóa

Bạn có thể nhận xét không cần là thành viên, và nên góp ý lành mạnh, trung thực. Chọn nhập vai trong danh sách phía dưới khung nhận xét.