Chợ đêm Đà Lạt có lẽ là một chợ đêm còn giữ được tính chất của “chợ ngày”. Ban ngày thế nào, ban đêm gần giống như thế. Vào thứ bảy, chủ nhật cuối tuần, thêm toán cảnh vệ đeo băng đỏ, dựng cái chắn lỏng lẻo để ngăn xe cộ, cho dân tình đi bộ một đoạn đường đi đến khu nhà chợ. Và, bổ sung đặc sản của màn đêm. Thế là thành cái gọi là “chợ đêm Đà Lạt”.
Tôi đến chợ đêm Đà Lạt, nghĩ tiếc cho Đà Lạt, thành phố du lịch. Tiếc và thương cho lãnh đạo của địa phương đã được quá khứ để lại cho di sản vô giá là một thành phố cao nguyên, mà không biết tận dụng di sản để "câu" dân du lịch..
Nếu có dịp đi Trung Quốc, mới thấy càng thương càng nhớ đất nước mình. Sao họ lại làm ra những thứ chợ đêm hấp dẫn du khách đến thế? Sao những anh “Tàu ngố” lại chợt khôn đến thế, khi bày đặt ra chợ đêm?
Trong số chợ đêm ở đất nước đáng thương và đáng giận đó, chợ đêm ở Quảng Châu là hay nhất. Phố Bắc Kinh ban ngày đã là phố đi bộ. Ban đêm thì thoắt lung linh với đèn lồng, với ngàn vạn sao sa. Ở đó, nếu anh là người Việt, anh có thể cúi nhìn xuống lòng đường, qua lớp kính, thấy một đoạn đường phố Phiên Ngung thời Triệu Vũ đế Đà. Có một lần, một anh Tàu bảo tôi: Ngày xưa, thủ đô ở đây, nước mày là quận huyện. Tôi đã kiêu hãnh bảo: Phải. Ngày xưa nước tao đến tận đây, bây giờ ở đây là Hán hóa, chỉ còn nước tao còn tên Việt mà thôi. Bạn Tàu đấy cười xòa, biết là bị hố.
Người đi chợ đêm Quảng Châu có thể mua hàng đống rẻ bèo, có thể mua hàng hiệu như dân Việt Nam đi vào “Pác-sờn” hay đi Tràng Tiền… Và cũng có rất nhiều người đi để chẳng mua bán gì, họ đi chơi, đi ăn cái không khí tấp nập ở đó. Người ta thiết kế ra chợ đêm, là vì lợi dụng cái mà ngày không có, đó là ánh sáng của đèn đuốc, biển hiệu. Chợ đêm Quảng Châu là bữa tiệc của ánh sáng và màu sắc. Cái mà Quảng Châu không có, thì Đà Lạt có một cách tự nhiên, đó là đường phố trong thung lũng, nằm bên một phố lưng đồi, đêm xuống, cả một không gian ánh sáng không cần tạo dựng đã có rồi. Thế mà… đáng tiếc.
Tôi đã đi chợ đêm ở Thượng Hải, phố Vương Phủ Tỉnh nổi danh. Đó lại là một loại chợ đêm mà dân Thượng Hải lộ rõ ý đồ con buôn lọc lõi. Biết rằng đến đó sẽ bị móc túi, mà vẫn muốn đến. Đi bộ rạc cả cẳng. Đó là một thành phố trong thành phố. Bàn tay chính quyền rõ ràng và cả quyết. “Nó” xây hẳn một vương quốc nhà cửa, lầu son gác tía, chưng diễn xã hội cổ đại Trung Hoa từ ăn hút đến mua sắm.
Tôi thích nhất chợ đêm ở Quế Lâm. Chiều đứng trên hành lang khách sạn, thấy một phố rộng như đường Hùng vương ở Hà Nội. Tối ngó đầu ra, đã thấy cơ man nào là lều trại, rồi người và đèn chen nhau tấp nập. Dĩ nhiên sáng hôm sau mọi thứ lại biến mất. Chợ đêm Quế Lâm khéo léo đến nỗi, không nhìn thấy đâu bàn tay sắp đặt, nó dân dã và quê quê, nhưng mà trật tự. Du khách được nhìn thấy chiều sâu của dân tộc Trung Hoa. Có thể thấy ở đây sản phẩm làng nghề, đồ ăn dân tộc… mà chỉ chợ đêm người ta mang ra, mục tiêu là móc túi khách du lịch. Người ta có thể làm ngay, bán ngay. Tôi đã đợi mươi phút để một anh Tàu khắc cái dấu tên trên đá, giá chỉ vài chục tệ. Thật là một kỷ niệm thú vị khi đến đó. Đó cũng lại là cái khôn của người Tàu, người mà chúng ta thường gọi là “Tàu ngố”. Sao người Việt không học cái ngố ấy đi.
Tôi không thất vọng khi đi đến chợ đêm Đà Lạt. Bởi vì tôi hình dung ra cái chợ đêm chắc là nó sẽ thế. Rất nhiều hoa quả, đặc trưng của đất này. Nhưng người ta đi chợ đêm mua thứ hoa quả, rau dưa mắm muối đó để làm gì? Để mang đến một chỗ khác nhóm lửa nấu nướng ư? Du khách đến đây đâu phải chỉ để mua những thứ Sài Gòn có, Nha Trang cũng có… Tôi ngờ rằng, những người làm du lịch ở nước ta đi nước ngoài chắc chỉ để “trả thù dân tộc” chứ không quan sát và học hỏi xem người ta đã làm như thế nào…
Hà Nội thực ra không có chợ đêm. Mấy phố cổ ngăn xe cộ để đi bộ thì chỉ là chợ tối. Còn loại chợ đêm thực sự thì lại là chợ của người lam lũ. Chợ đầu mối họp từ 2 giờ đêm ở các cửa ô. Chợ hoa đêm họp từ 1 giờ đêm khu vực Quảng Bá… Tôi đã có lần dẫn một anh chàng Mỹ đi chợ đêm của dân lao động. Dưới chân ngọn đèn đường, hàng trăm xe đạp, xe máy thồ tấp nập trao đổi. Xe tải đỗ gần đó, để các ông bà chủ nhỏ đến mặc cả mua buôn. Hoa và rau làm cuộc sang tên đổi chủ như vậy. Sáng ra, người Hà Nội thức dậy, thì những ông bà chủ thật sự của hoa và rau đã trở về nhà ở ngoại ô… Anh Mỹ kia thốt lên: Hay lắm. Tôi đã rất vui, và ân hận khi hỏi tiếp rằng anh vui thế nào. Hắn bảo: Nước Mỹ có loại chợ này cách đây những 100 năm.
Đi chợ đêm ở thành phố cao nguyên, tẩn mẩn nghĩ vớ va vớ vẩn. Có lẽ chỉ có những người vô công rỗi việc mới nghĩ ra như thế.
(NXH 07/4/2013)
em nhớ anh lắm anh ơi, về đi thôi
Trả lờiXóahay nhỉ?
Xóaanh hư, về ngay!
Xóa