11 tháng 4, 2013

Cùng suy ngẫm về...Thơ

Tuổi tác mỗi ngày một cao. Sắp đến lúc chúng ta nghỉ hưu rồi. Đó là lúc tâm hồn thi sĩ trong chúng ta trỗi dậy. Những điều trước đây ta không thể viết, không thể nói sẽ được thốt ra thành lời có vần có điệu. Khi ấy ta trở thành nhà thơ. Hơi hâm một tí nhưng cuộc đời dường như có ý nghĩa hơn. Một số bạn trong chúng ta đã làm thơ đăng trên Blog E. Được bạn bè phong tặng danh hiệu nhà thơ kể cũng khoai khoái.  Ý kiến nhận xét của nhà văn NXH cho rằng các nhà thơ lớp E bị Tố Hữu hóa đã thôi thúc tôi phải  tìm hiểu xem thơ Tố Hữu có vấn đề gì?mức độ Tố Hữu hóa của chúng ta đến đâu? Nó có ảnh hưởng gì tới chất lượng thơ đăng blog E và tới mục tiêu mở Thi đàn lớp E vào năm 2020 không? Tình cờ tôi được ông thầy Internet gửi cho một bài viết của nhà nghiên cứu văn học Nguyễn Thế Duyên, với nhan đề Tố Hữu - Một nửa nhà thơ. Xin giới thiệu với các bạn để chúng ta cùng suy ngẫm xem thơ của chúng ta sẽ đi đến đâu nhé. (NCT)

TỐ HỮU – MỘT NỬA NHÀ THƠ

Tôi không có được cái vinh hạnh được quen biết Tố Hữu để tìm hiểu cuộc đời ông. Tôi chỉ là một người yêu thơ ông, thương sót cho ông, vì vậy, tôi đã tìm hiểu cuộc đời ông qua những chi tiết mà những nhân chứng về ông kể lại sau khi ông mất. Tôi đã đối chiếu nó với thơ của ông và chợt nhận thấy có một sự thống nhất một cách kì lạ giữa cuộc đời và thơ của ông. Những phân khúc trong cuộc đời ông đều thể hiện một cách rất rõ nét trong thơ ông.
Cuộc đời ông có thể chia làm ba đoạn tương ứng với ba thời kì của thơ ông.Thời kì gian khổ–tương ứng với hai tập thơ Từ ấy và Việt bắc.Thời kì quyền lực—Tương ứng với tập thơ gió lộng và một vài tập thơ khác nữa mà tôi cũng không để ý nó là tập thơ gì vì thời kì này là lúc ông đã chết lâu rồi. Thời kì về hưu là thời mà ông vẫn tự nhận “Trăm năm duyên nợ đảng và thơ” nhưng thực ra thì thời kì này ông đã không còn một chút gì duyên nợ với cả đảng lẫn thơ nữa. Tôi xin chỉ đi sâu vào hai thời kì đầu của ông vì thực ra thời kì thứ ba của ông chẳng có gì để nói.
Phải nói cho thật công bằng, Tố hữu là một nhà thơ có tài. Giữa một trời thơ mới đang thịnh hành, các nhà thơ không một ai thoát khỏi cái tôi nhỏ nhoi của chính bản thân mình thì Tố Hữu là nhà thơ đầu tiên và gần như là duy nhất đã vượt qua cái tôi nhỏ nhoi của mình mang cái tôi ấy hòa vào những đau thương của dân tộc. Ông thực sự là người tiên phong , là ngọn đuốc soi đường cho một thời đại thơ ca mới.Thơ ông bình dị và thấm đẫm tình người.
Em ơi nghèo không bánh
Anh chỉ có chút tình.
Ở câu thơ đầu chỉ có năm từ nhưng câu thơ đã bị ngắt làm ba đoạn “Em ơi/ nghèo/ Không bánh” đọc lên, câu thơ như những tiếng nấc mà nhà thơ đang cố gìm nén ở trong lòng. Đến câu thứ hai “Anh chỉ có chút tình”. Câu thơ dàn trải, cứ thấp dần xuống như một nỗi u uất, nghẹn ngào. Tôi chưa đọc được của ai một câu thơ bình dị đến thế mà đẫm tình đến thế.
Đây là thời kì nhà thơ sống trong lòng dân tộc. Con tim ông đau cùng với nỗi đau của dân tộc. Cái tâm ông trong sáng một cách kì lạ và thơ ông cũng trong sáng một cách lạ kì. Chỉ có một cái tâm rất trong sáng mới có thể nhìn cô gái bán hoa trong bài thơ tiếng hát sông hương đẹp đến như vậy.
Răng không cô gái bên sông
Rồi mai cô sẽ từ trong tới ngoài
Thơm như hương nhụy hoa lài
Sạch như nưốc suối ban mai giữa rừng
Tất cả những gì trong sạch nhất, tinh khiết nhất ông đã dành cho một cô gái bán hoa. Lời thơ rất tự nhiên không có một chút gì gượng ép vì chính trong ông ông cũng tin điều đó là có thật. Niềm tin ấy cứ tự nhiên bật ra thành thơ và nó cũng tự nhiên đi vào lòng người mà không cần có bất cứ một thủ pháp nghệ thuật nào. Nhiều nhà phê bình văn học vẫn nói thơ tố hữu dung dị mà vẫn đi vào lòng ngưồi có lẽ là bởi niềm tin của ông vào cái lý tưởng mà ông theo đuổi thời ấy nó cũng dung dị như thế. Và tình cảm ông dành cho lý tưởng ấy nó rất thật và rất trong sáng trong tâm hồn ông và nó cứ tự nhiên tràn ra thơ.
Từ ấy trong tôi bừng nắng hạ
Mặt trời chân lý chói qua tim
Hồn tôi là một vườn hoa lá
Rất đậm hương và rộn tiếng chim
Đấy! Ông diễn tả cái chân lý của cuộc đời ông mộc mạc mà trong sáng như vậy đây. Ai có thể nói những cái ông tin là những cái giả vờ! Không! ông tin thật nên thơ ông cũng rất thật. Tôi luôn tin rằng những nỗi đau của dân tộc mà ông cảm nhận, những đấu tranh để vượt qua những hèn kém trong tâm hồn mình trong bài “Con cá chột nưa” và kể cả cái câu mà ít người dám cho là ông nghĩ thật: “Thanh thản chết như cày xong thửa ruộng” Là những điều rất thật trong tâm hồn ông Và cái thật ấy, cái bình dị ấy ông mang nó vào trong thơ vì ông không bao giờ nghĩ ông sẽ làm thi sỹ. Ông viết vì những điều mà ”Anh Lưu, anhDiểu “ dạy ông nó mãnh liệt quá nó chất chứa trong tâm hồn ông và một tâmhồn non trẻ đầy rung động, đầy khao khát, đầy cảm thông không thể chứa hết đưộc. Nó trào ra đầu ngọn bút và tự nhiên ông trở thành nhà thơ như một định mệnh.
Ở tập từ ấy và việt bắc, đọc bất cứ bài nào, thậm chí bất cứ câu thơ nào ta cũng thấy nó thật, nó rung động và đi vào hồn người. Ta thử xem lại hình ảnh người vệ quốc trong ông.
Anh người vệ quốc quân
Tôi là người cán bộ
Hai đứa mỏi dừ chân
Cùng nhau ngồi một chỗ
Thật là gần gũi, thật là thân thiết. Hai đứa mỏi dừ chân. Không có một khoảng cách nào giữa ông và người lính. Khi đọc thơ ông về người giải phóng quân của những năm 70 về sau này ta không thể tìm được sự gần gũi và thân thiết ấy mặc dù hình ảnh người giải phóng quân về sau này ông vẽ to hơn, lớn hơn, vĩ đại hơn rất nhiều nhưng đọc lên ta biết ngay đấy chỉ là những bức tranh vẽ. Người lính không còn nằm trong tâm hồn ông nữa.
Hoan hô anh Giải phóng quân
Kính chào Anh,
con người đẹp nhất!
Lịch sử hôn Anh, chàng trai chân đất
Sống hiên ngang: bất khuất trên đời
Như Thạch Sanh của thế kỷ hai mươi
Một dây ná, mót cây chông, cùng tiến công giặc Mỹ.
Không tự ngắm mình. Anh chẳng hay đâu.
Hỡi chàng dũng sĩ!
Cả năm châu, chân lý đang nhìn theo
Những hình ảnh này nằm ở đâu trong ông? Trong tâm hồn hay chỉ nằm trong trí óc, trong những suy tư vô hồn?
Ta hãy đọc lại bài “Lượm” của ông.
Thôi rồi! Lượm ơi
Câu thơ ngắt quãng, đau đớn nhưng rồi bài thơ lại quay ngay lại với những hồi ức trong sáng:
Chú bé loắt choắt
Cái xắc xinh xinh
Cái chân thoăn thoắt
Cái đầu nghênh nghênh
Ca lô đội lệch
Mồm huýt áo vang
Như con chim chích
Nhảy trên đường làng
Viết về cái chết mà bài thơ không bi thương nhưng đầy tưởng nhớ. Còn đây là bài thơ cũng viết về một em bé của thời chống mỹ:
Sớm hôm, củ sắn củ khoai
Khi đi trinh sát, khi gài mìn chông
Khi ra xung trận giữa đồng
Khi lăn dưới lửa, thoát vòng giặc vây
Súng này càng đánh càng hay
Một tay em chấp mười tay quân thù
Thằng Mỹ vừa ác vừa ngu
Nó như con cọp mắt mù đó thôi
Thằng Nguỵ vừa dại vừa tồi
Nó như con rắn theo đuôi ăn tàn
Nếu đặt hai bài thơ cạnh nhau các bạn thấy sao? Tôi không thể tin được đây cũng là Tố Hữu và một câu hỏi đã bật ra trong tôi: “Cái gì đã làm thay đổi thơ Tố Hữu?” Tất nhiên tất cả các bạn đều biết câu trả lời “Đó là quyền lực” nhưng chắc các bạn không ai đặt ra một câu hỏi “Cách mà quyền lực tàn phá tâm hồn con người như thế nào?” và đó là cái điều tôi muốn lý giải cùng các bạn thông qua thơ Tố Hữu.
Có một câu nói “Quyền lực làm hư hỏng con người”. Rất hiếm có người vựợt qua được sự cám dỗ của quyền lực và những ai vượt qua được sự cám dỗ ấy đều là những vĩ nhân. Đức phật tổ hay như Hồ Chí Minh của chúng ta chẳng hạn. Rất tiếc, Tố Hữu không phải là vĩ nhân nên ông bị quyền lực tha hóa cũng là một sự tất yếu. Vậy quyền lực tàn phá tâm hồn nhà thơ bằng cách nào?
Trước tiên khi có quyền lực người ta sẽ tách khỏi cái cuộc sống mà ngày trước họ đã sống . Họ sẽ sống trong một xã hội khác. Và khi tách khỏi xã hội nhà thơ đã sống nhà thơ sẽ không thể rung cảm với những gì mà những người đọc cảm nhận và thế là giữa người đọc và nhà thơ tâm hồn sẽ không còn đồng điệu nữa giữa họ và người đọc (Hay khác đi với nhân dân) đã có một khoảng cách.
Chúng ta diểm qua bài thơ “Bài ca lái xe đêm” của ông:
Xe ơi cùng ta bay
Dù mưa bom bão đạn
Ta lấy đêm làm ngày
Ta cùng cây làm bạn
Khi đọc bài thơ này của ông tôi lại nhớ đến bài “Cá nước”
Một thoáng lặng nhìn nhau
Mắt đã tìm hỏi chuyện
Đôi bộ áo quần nâu
Đã âm thầm thương mến
Cả hai bài đều cùng là thơ năm chữ nhưng đọc lên ta biết ngay bài cá nước ông làm trên đèo Nhe còn bài ca lái xe đêm chắc ông làm bên ly cà phê ở một căn phòng Hà nội. Tâm hồn ông đã không còn rung lên như một sợi dây đàn.
Các cụ ta thường nói ”Lòng tham không có đáy”. Tôi không nghĩ là như vậy. Nếu nói về tiền bạc thì chỉ đến một mức nào đó người ta sẽ khôngg tham nữa. Tôi nhớ đến một câu nói của một nhà tư sản giàu nhất nhì Hà nội ngày trước: ”Con người ta không thể một ngày ăn hết hai cân thịt bò và ngồi cùng một lúc trên hai chiếc ô tô”, thế nhưng họ không bao giờ ngừng kinh doanh. Tại sao vậy? Tôi không nghĩ là họ tham mà là họ vẫn muốn khẳng định mình. Bằng chứng là Bill Gate người giàu nhất nhì hành tinh đã gần như mang toàn bộ tài sản của mình để làm từ thiện. Nếu vì tham chắc ông ta không làm như thế. Muốn tự khẳng định mình là một thuộc tính của con người. Mà tự khẳng định mình thì không có gì dễ dàng hơn là quyền lực. Cái tham quyền lực mới là cái tham không có đáy.Nhưng quyền lực bản thân nó chỉ là một vật “ngoại thân” nó có thể chuỷển từ người này sang người khác nên khi có quyền lực trong tay người ta lại phải tìm cách giữ nó và thế là âm mưu hình thành,những khoảng tối trong tâm hồn phát triển. Với thơ đấy chính là lúc con tim của ông đã bị quyền lực đánh cắp. Trong ông không còn con tim nữa ,chỉ thuần túy còn lại là lý trí lạnh lùng. Thơ bắt nguồn từ con tim:
Con tim nơi khởi nguồn
Của mọi bài thơ viết
Nhưng bài thơ kết thúc
Trong cái đầu suy tư
Con tim đã không còn điều tất yếu là thơ ông sẽ chết. Trong bài viết này, tôi không muốn đề cập đến những sai lầm của ông mà hậu quả của nó là vô cùng to lớn. Ông đã giết chết cả một thế hệ những nhà thơ,nhà văn tài năng vào bậc nhất của việt nam thời ông giữ chức trưởng ban văn hóa và tư tửởng trung ương mà tôi chỉ muốn đề cập đến cái cách mà quyền lực tha hóa tâm hồn con người thể hiện qua thơ mà cụ thể là thơ của Tố hữu như thế nào mà thôi.
Ở phần trên tôi đã nói đến con người qua thơ của Tố Hữu ở hai khúc của cuộc đời ông. Ta hãy thử xem với đảng điều đó được thể hiện thế nào trong thơ ông. Trong tập từ ấy ông đã từng viết:
Đường cách mạng từ khi tôi đã hiểu
Dấn thân vô là phải chịu tù đầy
Là gươm kề tậncổ súng kề tai
Là thân sống chỉ coi còn một nửa
Bao điều ấy thôi cần chi nói nữa
Bạn đời ơi ta đã hiểu nhau rồi.
Lời thơ như được thoát ra từ một con tim mơ mộng và mạnh mẽ. Tuy ông viết “Bạn đời ơi ta đã hiểu nhau rồi” nhưng tôi tin rằng ông chưa hiểu đâu. Ông mới hiểu những điều ghê gớm sẽ đến với ông bằng một con tim bay bổng của tuổi trẻ chứ chưa hiểu tất cả những điều đó bằng cái lý trí lạnh lùng và minh mẫn của bộ óc. Không hiểu các bạn có nhận thấy không nhưng tập từ ấy ông hầu như không dùng từ đảng. Ông chỉ dùng hai từ cách mạng và hai từ chủ nghĩa “Dâng tất cả để tôn thờ chủ nghĩa” Ở thời kì đó, thời kì ông còn sống với dân tộc, con tim ông còn đau với nỗi đau dân tộc đảng hữu hình mà lại vô hình trong ông. “Đảng” đã hóa thân và tan vào trong những chị vú em, lão đầy tớ, trông những đứa trẻ “Ghèn nhầy nhụa ruồi bu trên môi tím”. Nó khác hẳn với quãng thời gian sau, thời gian con tim ông bị đánh cắp bởi quyền lực, thời kì ấy tiếng “Đảng” được ông vung vãi khắp nơi và ông chỉ dùng mỗi tiếng “Đảng” Thôi. Từ chủ nghĩa và cách mạng ông lại không dùng đến nữa. Cũng phải thôi vì “Đảng”: Là cái đã cho ông quỳền lực. Ta thử xem ông viết thế nào về “Đảng”:
Đảng ta đó trăm tay nghìn mắt
Đảng ta đây xương sắt da đồng
Đảng ta muôn vạn công nông
Đảng ta muôn vạn tấm lòng niềm tin
Đúng là thời kì này trong thơ ông tiếng “Đảng “Kêu hơn chuông nhưng tôi lại thấy nó vô hình trong ông.Nó không còn là máu thịt của ông nhưng là cái ông phải cố công mà gìn giữ.
Thế còn với lãnh tụ? Cũng vậy thôi. Ngày trước tôi rất thích bài thơ “Sáng tháng năm “Của ông. Hình ảnh Bác Hồ thân thiết và gần gũi. Nó đời thường như một người cha, nngười bác trong nhà:
Con bồ câu trắng ngây thơ
Nó đi tìm thóc quanh bồ công văn
Hay
Bác Hồ đó, ung dung châm lửa hút
Trán mênh mông, thanh thản một vùng trời.
Không gì vui bằng mắt Bác Hồ cười
Quên tuổi già, tươi mãi tuổi đôi mươi!
Cái hình ảnh bình dị đời thường nhưng rất thân thiết này ta sẽ không gặp lại nữa trong thơ ông sau này. Đọc bài thơ Bác ơi sau này của ông lòng tôi cứ gờn gợn. Hình như đây là tiếng khóc của người khóc mướn hơn là tiếng khóc của một người con, người cháu.với một người vừa ra đi.
Ngày xưa khi Anhstanh được dân do thái mời làm tổng thống ông đã nói một câu: “Chính trị là nhất thời, Phương trình là bất tử” và ông đã từ chối. Tiếc cho Tố Hữu đã không đọc câu này. Nếu ông đọc câu này thì ông sẽ hiểu ngay “Quyền lực là nhất thời, thơ mới là bất tử” thì có phải chúng ta đã có một nhà thơ sống mãi với thời gian. Thật tiếc lắm thay. Để kết thúc bài viết này xin tặng tất cả các bạn đọc một bài thơ nhận định về ông của tôi:

MỘT NỬA NHÀ THƠ

Ông nghĩ thủ tướng hơn nhà thơ
Nên cuối cuộc đời ông bỏ thơ để làm thủ tướng
Ông chết có hai năm
Tên ông
Không một ai nhắc đến
Nếu biết trước điều này liệu ông có bỏ thơ?

Hai trăm năm đời vẫn nhắc Nguyễn Du
Vẫn nhắc đến tiếng đàn năm ngón tay nhỏ máu
Vẫn nhắc đến điều thủa sinh thời người vẫn thường đau đáu
“Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như”
Thủa sinh thời ông vẫn được tung hô
Nhà thơ lớn – Nguyễn Du thời đại
Lũ bồi bút đâu rồi sao nay tôi không thấy
Nếu biết trước được điều này liệu ông có bỏ thơ?

Đêm nay ngồi đọc lại thơ ông
Tôi lặng xé tập thơ đi một nửa
Lòng cảm thấy bùi ngùi
Thơ ông chết đã lâu rồi
Tôi phải nói công bằng
Ông – Một nhà thơ có tài
Tập “Từ ấy” bây giờ tôi vẫn thuộc
Khi trái tim ông đau với nỗi đau dân tộc
Thơ ông bay lên qua song sắt nhà tù

Lúc bả hư danh lấy đi trong ông trái tim của nhà thơ
Là lúc thơ ông biến thành khẩu hiệu
Ông đã chết trong thơ
Tôi đến mộ Hoài Thanh
Cầm cuốn “Thi nhân Việt nam” cho ông viết tiếp
Ông buồn rầu nhìn về cuối chân trời
Ông thở dài
Rồi viết
Tố Hữu! một nửa nhà thơ

Ôi!
Cái chết của một nguyên thủ quốc gia
Và cái chết của một nhà thơ
Cái chết nào khiến ta đau đớn?
                                             Nguyễn Thế Duyên

7 nhận xét:

  1. Một bài viết thật sâu sắc. Một cái nhìn thật khách quan và thực tế về Tố Hữu (LPT)

    Trả lờiXóa
  2. Nặc danh11:01 11/4/13

    Như vậy, nếu chúng ta đồng ý với Nguyễn Thế Duyên, thì chúng ta không thể nói chung chung rằng, bài thơ này, hay bài thơ kia "có xu hướng Tố Hữu hoá" được. Mà phải là, bài thơ này giống Tố Hữu - Một nửa nhà thơ, hay giống Tố Hữu - người hô khẩu hiệu ... phải không ạ? Bài viết rất đáng suy ngẫm, ta không nên phủ định sạch trơn nhà thơ của một thời.

    Trả lờiXóa
  3. Tại sao ông Tố Hữu không nói sống là dâng hiến và chết cũng là dâng hiến mà thích dùng từ CHO? "sống là cho và chết cũng là cho". Có lẽ Ông đã nhiễm quá nặng cái tư tưởng cơ chế "xin - cho" và mấy chục năm trời ông ở vị trí "cho" nên đến lúc chết cũng vẫn muốn "cho" mặc dù chẳng có ai "xin" ông nữa!

    Trả lờiXóa
  4. Nặc danh18:09 14/4/13

    Suy ngẫm về Thơ và về thơ Tố Hữu từ bài viết mà anh NCT sưu tầm, thì em cũng ngẫm được ... một chút. Nhưng em ngẫm mãi vẫn chẳng hiểu ý của anh NCT là gì khi dán vào bài này cái ảnh 1 ấy! Chỉ là bức điêu khắc gỗ hình một người đang ngồi "suy ngẫm" thôi, hay còn là gì gì nữa nhỉ? Anh NCT giảng giải cho em với, em vốn chậm hiểu mà.

    Trả lờiXóa
  5. Bức tượng gỗ này do một nữ nghệ nhân người Indonesia tên là Luh Mas Sri Pertamiari sáng tạo ra. Cô sinh ngày 13 tháng 10 năm 1973, được biết đến nhờ những bức tượng gỗ nổi tiếng ẩn chứa nhiều ý tưởng sâu xa. Tại sao tôi chọn bức tượng này để chỉ việc suy ngẫm về ... thơ? Xuất phát từ hai câu thơ của Xuân Diệu “Nỗi đời cay cực đang giơ vuốt/ Cơm áo không đùa với khách thơ ". Tôi muốn gửi tới thông điệp: khi suy ngẫm về thơ, xin các bạn hãy dành toàn bộ tâm huyết cho việc đó và hãy quên đi cái dạ dày cùng với hệ thống tiêu hóa của mình đi. Thật khó lắm thay!!! Nhưng cố gắng thì vẫn vượt qua được những ham muốn tầm thường để vươn tới cái thanh cao của thi ca. (NCT)

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Nặc danh10:41 15/4/13

      Anh NCT am hiểu nhiều lĩnh vực quá, từ kinh tế vĩ mô đến nghệ thuật, từ luyện kim đến làm báo, từ miền quê nhãn lồng tới những miền đất lạ. "Đã thông kinh sử lại dài chân tay". Không biết anh còn nhớ tới những bài toán của ngày xưa?

      Xóa
  6. Nặc danh15:16 15/4/13

    Khi Tố Hữu cho đăng trên báo Văn nghệ và nhiều báo khác bài “Đảng và thơ”, nguyên văn như sau:

    Trên năm mươi tuổi Đảng và thơ
    Từ ấy hồn vui mãi đến giờ
    Mái tóc pha sương chưa cạn ý
    Con tằm rút ruột vẫn còn tơ

    Thuyền con vượt sóng không nghiêng ngả
    Nghiệp lớn muôn đường lộng ước mơ
    Mới nửa đường thôi, còn bước tiếp
    Trăm năm duyên kiếp, Đảng và thơ.

    Ngay sau đó, từ Hà Nội lan truyền khắp cả miền Bắc bài thơ hoạ, ý và lời đối nhau chan chát:

    Năm mươi năm ấy vẫn còn thơ
    Từ ấy đua chen mãi đến giờ
    Mái tóc pha sương chưa hết dại
    Con tằm rút ruột chẳng còn tơ

    Thuyền con quá tải không qua sóng
    Mộng lớn tài hèn chớ ước mơ
    Với giá, lương, tiền dân khốn đốn
    Trăm năm bia miệng, hỡi nhà thơ!

    Người ta kháo nhau rằng tác giả bài thơ họa này là một sĩ phu “thứ thiệt”: nhà trí thức văn hóa, bác sĩ Nguyễn Khắc Viện.

    Trả lờiXóa

Bạn có thể nhận xét không cần là thành viên, và nên góp ý lành mạnh, trung thực. Chọn nhập vai trong danh sách phía dưới khung nhận xét.