7 tháng 4, 2013

Trời buồn gió cao

Giới thiệu: Tôi viết bài tản văn này, tặng nhà văn Chu Lai và các bạn trong trại sáng tác kịch bản đang ở Đà Lạt. (NXH)
Không hiểu sao, tôi cứ tôi cứ tin chắc rằng, Trịnh Công Sơn đã viết “Hạ trắng” cho Đà Lạt, và ngay tại Đà Lạt.
Khi mấy anh em ngồi trong quán vắng ở Nhà sáng tác Văn học nghệ thuật Đà Lạt, cà phê sáng thường là cười xả láng để cân bằng với những giờ viết lách cặm cụi, bỗng có phút yên ắng chuyển chuyện, một giai điệu “Hạ trắng” bỗng vang lên. Tất cả như chìm đi trong không gian Đà Lạt, âm thanh Đà Lạt, quá khứ và hiện tại Đà Lạt. Lúc đó, chỉ có một mầu, đó là màu Đà Lạt. Đà Lạt “nắng lên thắp đầy” và “nhiều hoa trắng bay”…

quán cafe ở Nhà sáng tác Đà Lạt
Đố ai có dịp đến Đà Lạt, mà lại không đi phố, không dạo quanh hồ Xuân Hương, không chu du trên những con đường đồi quanh co lên xuống ở thành phố cao nguyên, không thăm thác và ngắm hoa, không thở than với mây với gió... Thế mà có đấy. Có một nhóm người điên rồ đến Đà Lạt, tự giam mình vào một khu nhà trang nghiêm bên đồi thông vắng. Làm gì? Có lẽ có một toan tính gì ghê gớm lắm. Trong khi cuộc sống đang sôi lên với bao nhiêu sự kiện. Nào là Vụ án Đoàn Văn Vươn, lịch sử không có hai lần. Rồi có đến 44 triệu ý kiến góp vào Dự thảo Hiến pháp. Khiếp chưa? Nào là xa hơn trên trời Đông Bắc, Kim Un cuồng lên, hăm he đe dọa chiến tranh… Thế giới toàn chuyện động trời, kinh khủng. Vậy mà có một nhóm người trẻ và chưa già, do nhà văn Chu Lai và Nhà viết kịch Lê Duy Hạnh cầm đầu, lại đến Đà Lạt chỉ để bàn cách… viết kịch.
 Khi tôi nói chuyện này với ông bạn nhà văn già ở Hà Nội, ông Tô Đức Chiêu buông một câu: Đúng là chuyện… kịch. Nói đi Đà Lạt, nếu không phải là du lịch cũng là vui thú. Nói đi trại viết, nếu chả đàn đúm thì cũng là xả hơi. Thế thì trại của ông Chu Lai thật sự là đặc biệt. Có nói ra, đặc biệt là các nhà văn đã từng đi trại, chẳng thể nào tin.
Nhà văn Chu Lai
Riêng tôi, tôi thấy mình đã may mắn vì đã được sống trong Đà Lạt đúng hai tuần, khác hẳn với những lần gặp Đà Lạt trước. Sống trong Đà Lạt, hay Đà Lạt sống trong tôi, không biết nữa. Xét cho cùng, đến đây để nhìn ngắm và vui thú, chưa chắc đã tìm thấy “nó”. “Nó” phải là không gian yên tĩnh của đồi thông, cái sống chậm từ thời Y-ec-sanh tìm ra cao nguyên này chỉ còn lại mỏng manh với những biệt thự như ngái ngủ trong chiều râm mát. “Nó” chính là giai điệu lạ lùng của bài Hạ trắng hiển hiện về.
Hãy nhốt bọn trẻ U50, U40 trong một không gian Đà Lạt như vậy 2 tuần. Có thể điên lên được đấy, nhất là đối với một đám trời đày vì có tâm hồn nghệ sĩ. May mà có những chuyện tiếu lâm bất tận ở quán sáng cà phê, để xả street. Nhưng chiều thì không thể cà phê được. Chiều bỗng rỗng ra. Mà cái âm hưởng “Tôi đưa em về/ Chân em bước nhẹ / Trời buồn gió cao / Đời xin có nhau…” cứ ám lấy mình. Có lẽ, chỉ có nhà văn Chu Lai, người thày đáng kính của cả trại, là có được cảm giác “tôi đưa em về”, kể từ ngày khai trại… Tôi đã thấy hai cô gái đẹp đến chơi với Chu Lai, nhưng ở đây không có Chu Lai -nhà -văn, mà chỉ có Chu Lai -người -thày -đáng -kính, nên anh đã phải đưa hai cô gái đó về trong khung cảnh “trời buồn gió cao”
Vâng. đây là Đà Lạt, trời buồn gió cao…
(Đà Lạt ngày 06/4/2013

4 nhận xét:

  1. Nặc danh14:24 7/4/13

    Anh NXH hình như đang buồn trong "trời buồn gió cao" ở Đà Lạt, vì không "cô gái đẹp" nào đến chơi với anh? Anh cứ về Bắc đi, về Hà Nội đi, đang RÉT NÀNG BÂN hay lắm, cũng có khối cái để anh viết!

    Trả lờiXóa
  2. Nặc danh10:02 14/4/13

    Thoi ve di, duong tran dau co gi , toc xanh phai mau...

    Trả lờiXóa
  3. Nặc danh17:48 14/4/13

    Em chẳng biết cái cây gì mà cành buông rủ như liễu và có một túm đỏ là hoa hay lá trong ảnh 1 thế? Cây ấy là anh NXH chụp ở Đà Lạt hay ảnh lấy từ trên mạng dán vào?

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cây liễu này chỉ có ở ĐÀ Lạt. Ai cũng bảo đó là "liễu Đà lạt", nhưng lá nó lại là lá thông. Tôi chụp cây này, hậu cảnh là Nhà sáng tác văn nghệ Đà Lạt (NXH)

      Xóa

Bạn có thể nhận xét không cần là thành viên, và nên góp ý lành mạnh, trung thực. Chọn nhập vai trong danh sách phía dưới khung nhận xét.