12 tháng 4, 2013

HỊCH TIẾN SỸ

Ngày xưa đi học được thầy cô giảng cho nghe HỊCH TƯỚNG SỸ thì thấy hay, thấy phục Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn. Hai năm nay trên mạng lưu truyền HỊCH TIẾN SỸ lại thấy xấu hổ, vì mình cũng mang danh tiến sỹ. Lại thấy thương cho đất nước mình nhiều thứ rởm quá. Người chế bài hịch này không xưng tên (các bài trên mạng đều thấy đề "vô danh"). Có lẽ tác giả sợ bị ném đá vì bài hịch liên quan tới hơn 9000 giáo sư, phó giáo sư và hàng chục ngàn tiến sỹ. Theo báo Dân trí, Việt Nam đứng đầu ASEAN về số lượng giáo sư, tiến sỹ. Nhưng số công trình khoa học công bố ra quốc tế thì đếm trên đầu ngón tay và chúng ta chưa có trường đại học nào đứng trong tốp 500 trường đại học hàng đầu thế giới. Blog E xin giới thiệu tới bạn đọc bài hịch này, hy vọng có bạn nào đó tìm được cao kiến giúp cho ngành giáo dục đào tạo nước ta thoát khỏi tình trạng hiện nay. (NCT)



Hịch tiến sĩ

Ta cùng các ngươi
Sinh ra phải thời bao cấp
Lớn lên gặp buổi thị trường.

Trông thấy:
Mỹ phóng Con thoi lên vũ trụ chín tầng
Nga lặn tàu ngầm xuống đại dương nghìn thước
Nhật đưa rô bốt na nô vào thám hiểm lòng người
Anh dùng công nghệ gen chế ra cừu nhân tạo…

Thật khác nào:
Đem cổ tích biến thành hiện thực
Dùng đầu óc con người mà thay đổi thiên nhiên!
Ta thường tới bữa quên ăn, nửa đêm vỗ gối, ruột đau như cắt, nước mắt đầm đìa
Chỉ giận chưa thể đuổi kịp nước Nga, vượt qua nước Mỹ, mà vẫn chỉ hơn Lào, hao hao Băng la đét.
Dẫu cho trăm thân này phơi trên sao Hỏa, nghìn xác này bọc trong tàu ngầm nguyên tử, ta cũng cam lòng.

Các ngươi ở cùng ta,
Học vị đã cao, học hàm không thấp
Ăn thì chọn cá nước, chim trời
Mặc thì lựa May Mười, Việt Tiến
Chức nhỏ thì ta… quy hoạch
Lương ít thì có lộc nhiều.
Đi bộ A tít, Cam ry
Hàng không Elai, Xi pic.

Vào hội thảo thì cùng nhau tranh luận
Lúc tiệc tùng thì cùng nhau “dô dô”.
Lại còn đãi sỹ chiêu hiền
Giáo sư, tiến sỹ, thạc sỹ, cử nhân, ai cũng có phần, không nhiều thì ít.
Lại còn chính sách khuyến khoa
Doanh nghiệp, giáo viên, trí thức, nông dân nhận cúp, nhận bằng còn thêm tiền thưởng.

Thật là so với:

Thời Tam quốc bên Tàu, Lưu Bị đãi Khổng Minh,
Buổi hiện đại bên Nga, Pu tin dùng Mét vê đép,
Ta nào có kém gì?

Thế mà, nay các ngươi:

Nhìn khoa học chậm tiến mà không biết lo
Thấy công nghệ thụt lùi mà không biết thẹn
Giáo sư ư? Biết “Thần đèn” chuyển nhà mà chẳng chạnh lòng
Tiến sỹ a? Nghe “Hai lúa” chế tạo máy bay sao không tự ái?
Có người lấy nhậu nhẹt làm vui
Có kẻ lấy bạc cờ làm thích
Ham mát xa giống nghiện “u ét đê”
Ghét ngoại ngữ như chán phòng thí nghiệm

Chỉ lo kiếm dự án để mánh mánh mung mung
Không thích chọn đề tài mà nghiên nghiên cứu cứu
Ra nước ngoài toàn muốn đi chơi
Vào hội thảo chỉ lo ngủ gật
Bệnh háo danh lây tựa vi rút com pu tơ
Dịch thành tích nhiễm như cúm gà H5N1
Mua bằng giả để tiến sỹ, tiến sy
Đạo văn người mà giáo sư, giáo sãi.

Thử hỏi học hành như rứa, bằng cấp như rứa, thì mần răng hiểu được chuyện na niếc na nô?
Lại còn nhân cách đến vậy, đạo đức đến vậy, thì có ham gì bút bút nghiên nghiên.

Cho nên:

“Tạp chí hay” mà bán chẳng ai mua
“Công nghệ tốt” mà không người áp dụng.
Đề tài đóng gáy cứng, chữ vàng, mọt kêu trong tủ sắt
Mô hình xây tường gạch, biển xanh, chó ị giữa đồng hoang.
Hội nhập chi, mà ngoại ngữ khi điếc, khi câm?
Toàn cầu chi, mà kiến thức khi mờ, khi tỏ?
Hiện đại hóa ư? vẫn bám đít con trâu
Công nghiệp hóa ư? toàn bán thô khoáng sản
Biển bạc ở đâu, để Vi na shin nổi nổi chìm chìm, lưởi bò liếm liếm
Rừng vàng ở đâu, khi bô xít đen đen đỏ đỏ

Thật là:

“Dân gần trăm triệu ai người lớn
Nước bốn nghìn năm vẫn trẻ con”!

Nay nước ta:

Đổi mới đã lâu, hội nhập đã sâu
Nội lực cũng nhiều, đầu tư cũng mạnh
Khu vực có hòa bình, nước ta càng ổn định
Nhân tâm giàu nhiệt huyết, pháp luật rộng hành lang
Thách thức không ít, nhưng cơ hội là vàng!

Chỉ e:

Bệnh háo danh không mua nổi trí khôn
Dịch thành tích chẳng làm nên thương hiệu.
Giỏi mánh mung không lừa nổi đối tác nước ngoài
Tài cờ bạc không địch nổi hắc cơ quốc tế.
Cặp chân dài mà nghiêng ngả giáo sư
Phong bì mỏng cũng đảo điên tiến sỹ.

Hỡi ôi,

Biển bạc rừng vàng, mà nghìn năm vẫn mang ách đói nghèo
Tài giỏi thông minh, mà vạn kiếp chưa thoát vòng lạc hậu.

Nay ta bảo thật các ngươi:

Nên lấy việc đặt mồi lửa dưới ngòi pháo làm nguy;
Nên lấy điều để nghìn cân treo sợi tóc làm sợ
Phải xem đói nghèo là nỗi nhục quốc gia
Phải lấy lạc hậu là nỗi đau thời đại
Mà lo học tập chuyên môn
Mà lo luyện rèn nhân cách
Xê mi na khách đến như mưa
Vào thư viện người đông như hội
Già mẫu mực phanh thây Gan ruột, Tôn Thất Tùng chẳng phải là to
Trẻ xông pha mổ thịt Bổ đề, Ngô Bảo Châu chỉ là chuyện nhỏ

Được thế thì:

Kiếm giải thưởng “Phiu” cũng chẳng khó gì
Đoạt Nô ben không là chuyện lạ
Không chỉ các ngươi mở mặt mở mày, lên Lơ xút, xuống Rôn roi
Mà dân ta cũng hưng sản, hưng tâm, vào Vi la, ra Rì sọt.
Chẳng những tông miếu ta được hương khói nghìn thu
Mà tổ tiên các ngươi cũng được bốn mùa thờ cúng,
Chẳng những thân ta kiếp này thỏa chí,
Mà đến các ngươi, trăm đời sau còn để tiếng thơm.
Chẳng những tên tuổi ta không hề mai một,
Mà thương hiệu các ngươi cũng sử sách lưu truyền.
Trí tuệ Việt Nam thành danh, thành tiếng
Đất nước Việt Nam hóa hổ, hóa rồng
Lúc bấy giờ các ngươi không muốn nhận huân chương, phỏng có được không?

Nay ta chọn lọc tinh hoa bốn biển năm châu hợp thành một tuyển, gọi là Chiến lược
Nếu các ngươi biết chuyên tập sách này theo lời ta dạy bảo thì suốt đời là nhà khoa học chính danh.
Nhược bằng không tu thân tích trí, trái lời ta khuyên răn thì muôn kiếp là phường phàm phu tục tử.

Vì:

Lạc hậu, đói nghèo với ta là kẻ thù không đội trời chung
Mà các ngươi cứ điềm nhiên không muốn trừ hung, không lo rửa nhục
Giữ một ngọn cỏ, cành cây, giọt nước trong giang sơn ta cũng làm ta quên ăn mất ngũ
Mà các ngươi cứ điềm nhiên lo tranh quyền đoạt lợi
Chẳng khác nào quay mũi giáo mà đầu hàng, giơ tay không mà thua giặc.
Nếu vậy rồi đây không biết dân Việt ta đi về đâu nữa, ta cùng các ngươi há còn mặt mũi nào đứng trong trời đất này nữa?

Trí thức là nguyên khí quốc gia
Cho nên ta mới thảo Hịch này
Xa gần nghiên cứu
Trên dưới đều theo!

<VÔ DANH>

26 nhận xét:

  1. Nặc danh07:37 12/4/13

    Anh NCT ạ, em đọc bài HỊCH này xong, cũng chẳng có cao kiến gì cho ngành GD&ĐT như anh "hi vọng" cả. Bởi em nghĩ, chuyện mà bài HỊCH TIẾN SĨ nói, đâu có phải chuyện riêng của ngành GD. Chuyện mấy ông Thần Đèn chuyền nhà dời chùa, mấy ông nông dân chế tạo máy bay máy gặt, khi mà trình độ học vấn của họ chưa hết cấp 2, chứ không phải là mấy ông giáo sư, tiến sĩ làm ra. Cũng như chuyện nhà nhà có thạc sĩ, cử nhân, người người muốn làm luận văn ông Nghè ông Cống ... vậy. Đó là chuyện của cả một cơ chế, chuyện của mỗi người. Riêng phó thường dân em thiển nghĩ: Trước sau mình cũng chỉ là phó thường dân, khả năng làm việc của mình chỉ thế thôi, thì mình chẳng cần chạy đua bằng cấp làm gì. Cứ giữ nguyên bằng cấp cũ mà làm việc hết khả năng của mình, cho đất nước nhẹ hơn đỡ phải gánh thêm một cái danh ... "Tiến sĩ giấy". Có đứa bạn cũ của em, giờ cũng là Tiến sĩ (Phó thường dân em cũng có bạn là Tiến sĩ đấy!), nó kể: Còn không mệt bằng ôn thi tốt nghiệp Đại học ngày xưa. Làm xong rồi, ngẫm lại, không biết rằng tại mình giỏi quá, hay tại thầy dốt quá!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Nặc danh15:31 11/8/13

      Xóm tôi có ông PGS TS về nghỉ hưu nhưng không biết vi tính, không biết ngoại ngữ hì.

      Xóa
  2. 6:32 blog E đang HỊCH TIẾN SỸ. 8:06 Blog Bùi văn Bồng đang HỊCH TƯỚNG SỸ 2013 (nội dung í sì). Được Blog Bùi văn Bồng tán đồng là vinh dự lớn với Blog E đó nghe! vì Blog anh Bồng là một trong những blog nổi tiếng nhất hiện nay, có tới mấy chục triệu lượt truy cập rồi. Mời đọc giả Blog E vào thăm Blog Bùi Văn Bồng để thể hiện tinh thần đoàn kết dân tộc. (LPT)

    Trả lờiXóa
  3. Nặc danh16:42 12/4/13

    Những cây bút khác của Blog E dạo này đi đâu vắng cả rồi ạ, mà hầu như chỉ có mỗi anh NCT "múa bút" hiến bài cho độc giả? Cả độc giả nữa, ít nhận xét, thảo luận quá, làm em vào đọc blog cứ thấy buồn buồn. Có lẽ anh NCT phải thảo HỊCH BLOG E mất thôi. Bài CÒN CHẦN CHỪ GÌ NỮA của anh, hình như mọi người quên mất rồi!

    Trả lờiXóa
  4. Nặc danh16:49 13/4/13

    Đọc bài HỊCH TIẾN SĨ, lại ngắm ảnh ba anh hợi ngậm ba tấm "các vi rít" Giáo sư, Tiến sĩ, Thạc sĩ, người ít học như em chẳng biết nên cười hay nên ... mếu!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Nặc danh10:09 14/4/13

      Chắc ý tác giả muốn nói: giáo sư, tiến sĩ, thạc sĩ bây giờ như lợn con ấy!!!

      Xóa
    2. Nặc danh17:34 14/4/13

      Họ nhiều như lợn con hay "vô tư" như lợn con nhể?

      Xóa
  5. Nặc danh17:05 13/4/13

    Số lượng giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ ở Việt Nam mình nhiều thế kia ư? Ấy là chưa kể đến thạc sĩ nhỉ. Eo, có lẽ tổng số các ông này chắc phải nhiều hơn các ông ... xe ôm. Một thằng bạn của em bảo rằng, mấy chục năm nay, nó cứ phấn đấu mấy cái "ỹ": "Thạc sỹ" rồi, "văn nghệ sỹ" rồi ... còn cái "ỹ" nữa đang cố để có. Em bảo nó: Có cái "ỹ" quan trọng nhất thì ông chẳng có, mấy cái kia, phỏng để làm gì?

    Trả lờiXóa
  6. Năm 1922 Tản Đà đã thốt lên:"Dân hai nhăm triệu ai người lớn/nước bốn nghìn năm vãn trẻ con". Gần trăm năm rồi vẫn chưa thấy ai người lớn, mặc dù dân đã gần trăm triệu. Vẫn hồn nhiên vô tư phung phí tiền bạc, tài nguyên. Vẫn sính thành tích, thích được khen thưởng. Vẫn chỉ thích mơ làm những công trình lập kỉ lục ghi net v.v. và v.v. Ôi đất nước tôi!!!

    Trả lờiXóa
  7. Nặc danh18:48 14/4/13

    Hình như Mr. NCT là TS ngành xã hội mà lại viết "tiến sỹ" thì có đúng theo chính tả đã được công nhận thời xưa không nhỉ. Có lẽ phải là tiến sĩ ???

    Trả lờiXóa
  8. Thứ nhất, tôi là tiến sỹ lưỡng tính giữa tự nhiên và xã hội, chuyên ngành của tôi là Quản lý kinh tế (còn xuất sứ của tôi là dân khoa học tự nhiên).
    Thứ hai, ngày tôi đi học cấp 1, cấp 2 thầy cô giáo không bao giờ bắt lỗi viết i hay y trừ khi vì chữ đó mà phát âm và nghĩa từ thay đổi.
    Thứ ba, hiện còn nhiều tranh cãi về viết tiến sĩ hay tiến sỹ. Mặc dù một số từ điển tiếng việt viết là "tiến sĩ", nhưng chính các nhà biên soạn từ điển khi viết bài vẫn viết "tiến sỹ" mà không ai phản đối. Chữ viết là quy ước, nên tôi không phân biệt i hay i khi mà mọi người không hiểu sai bạn ND18:48 ạ. (NCT)

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Nặc danh20:10 14/4/13

      Có lẽ vì khó phân biệt khi viết "tiến sỹ" hay "tiến sĩ" mà người ta chỉ dùng TS trước tên người có học vị tiến sĩ. Tôi đồng ý với NCT viết "tiến sĩ" là đúng từ điển, viết "tiến sỹ" cũng không sai.

      Xóa
    2. Viết "xuất xứ" như bạn 20:10 là đúng. xin lỗi đã viết nhầm là "xuất sứ", cũng như nhầm "phân biệt i hay i", phải là "i hay y" (NCT)

      Xóa
    3. Nặc danh20:43 14/4/13

      Ngày xưa, cả 2 miền đều phân biệt rõ ràng giữa các chữ "i" và "y".
      Trước 1975 vào năm (?) có nhà cải cách cổ xúy phong trào thay toàn bộ "y" băng "i". Có 1 ký giả thăc mắc: nếu ông đẻ con gái định đặt tên là Thúy thì ông cũng thay "y" bằng "i" à?
      Vào năm 1980, Bộ Giáo dục có ra chương trình cải cách thay một loạt chữ "y" bằng "i".
      Đến năm 2000 (?) chương trình cải cách giáo dục tạm dừng, xã hội được dịp “trả thù”” thay một loạt chữ “i” bằng chữ “y”.
      Ngày nay xã hội viết lẫn lộn các kiểu khác nhau theo ý thích của riêng mình mà không bị chế tài vì chúng ta chưa có Luật tiếng Việt quy định chính thức phải viết thế nào.
      Theo thói quen, những người học tiểu học trước 1980 thường viết theo kiểu xưa. Những người học tiểu học từ 1980 – 2000 viết theo kiểu cải cách giáo dục, còn các cháu qua tiểu học sau này thì tùy thuộc vào thầy giáo tiểu học (thuộc nhóm nào trong 2 nhóm trên).

      Xóa
    4. Theo tôi dùng " i " hay "y" cũng không phải tùy tiện đâu, mặc dù nó không có quy ước thống nhất.Đứng trước phụ âm ghép phải dùng "i" mới có nghĩa (Khi; Nghi); đứng trước các nguyên âm A;O; E; Ê; Ô; Ơ;Ư hoặc phụ âm G; C; D, Đ...ít hoặc không dùng "y". Riêng B,K,L,N,M,S,T,X mới dùng tùy tiện được. Tất cả là thói quen đừng đổ lỗi cho cải cách! (VKH)

      Xóa
  9. Nặc danh20:07 14/4/13

    hình như là "xuất xứ" chứ không phải "xuất sứ" ?

    Trả lờiXóa
  10. Nặc danh21:35 14/4/13

    Ông VÔ DANH này hẳn cũng là tay có tầm mới thảo được bài hịch vang dậy non sông như thế. Giá kể phân nửa các ngài giáo sư, tiến sĩ, thạc sĩ gì gì đó đọc được những lời gan ruột này mà "người lớn" lên được chút thì trăm triệu dân ta cũng được sung sướng biết bao...

    Trả lờiXóa
  11. Nặc danh21:39 14/4/13

    Em nghe mấy anh chị cãi nhau về chính tả Tiếng Việt mà em thấy thật thú vị. Thú vị vì cái "hình như", cái "ngày xưa" và cái "ngày nay" của các anh chị đều ... mơ hồ. Phó thường dân em xin tham gia một chút nhé:
    - Từ "xuất xứ" là đúng (có nghĩa là: nguồn gốc của một văn bản hoặc tài liệu được trích dẫn ra), nhưng việc anh NCT dùng từ này trong câu viết "còn xuất sứ của tôi là dân khoa học tự nhiên", có sửa cho đúng chính tả, thì cũng không đúng nghĩa, lẽ ra anh phải dùng từ "xuất thân".
    - Còn về nguyên âm "i" và "y" khi tạo chữ viết, không phải có sự phân biệt vùng miền đâu ạ, mà nó được viết thế nào phải căn cứ vào từ mà nó tạo ra. Khi nó đi kèm với các nguyên âm khác làm nên phần vần của tiếng, của từ, không thể tùy tiện thay đổi hai nguyên âm này được (Ví dụ: TAI - Thính giác - Không thể viết thành TAY; Tên ai đó là THÚY, không thể viết thành THÚI ...). Còn khi nó không đi kèm nguyên âm nào, một mình nó trong phần vần của từ, thì chính tả Tiếng Việt qui định cho điều này cũng có nhiều thay đổi: Trước năm 1984, viết "i" hay "y" đều được (Ví dụ: "kĩ sư, tiến sĩ" hay "kỹ sư, tiến sỹ" đều được). Từ 1984 đến nay, chính tả qui định viết những chữ này thành "i" tất cả, chỉ trừ những từ HÁN VIỆT (Ví dụ: "Y tá" chứ không được viết "i tá" ...).
    Tuy nhiên, nếu các anh chị học từ ngày xưa, cứ viết "tiến sĩ" thành "tiến sỹ" cũng chẳng ai phạt tiền, bởi những chữ chỉ có mỗi nguyên âm i hay y làm thành bộ phận vần như thế, cũng không làm người đọc hiểu sai nghĩa đâu ạ.
    - Riêng anh NCT, thì em còn thấy khối chữ khác anh viết sai chính tả còn tệ hơn nhiều. Nhưng anh có muốn học em để viết cho đúng, cũng khó lắm đấy ạ!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Nói như 21:39 thì nhà văn hóa Hồ Chí Minh viết rất nhiều từ sai chính tả, nhưng các nhà ngôn ngữ học lại đánh giá là sáng tạo cách viết mới. cách dùng chữ Z của cụ Hồ là một ví dụ. Vì quy ước chính tả của ta chưa rõ ràng mới có chuyện hàng nghìn văn bản pháp luật bị cho là sai chính tả. Ngày xưa tôi biên tập các bài đăng trên báo, cũng chẳng thấy ai nói sai chính tả, trừ lúc nói ngọng n và l. (NCT)

      Xóa
    2. Tôi thấy ND21:39 phụ thuộc vào từ điển tiếng việt nhiều quá, trong khi ngôn ngữ hiện đại đã thay đổi rất nhiều. NCT nói "xuất xứ là dân khoa học tự nhiên" nghe có vẻ hợp lý và thuận tai hơn là nói "xuất thân là dân khoa học tự nhiên". "xứ khoa học tự nhiên" cũng nghe được đấy chứ, giống như xứ đoài, xứ đông. Tại sao cứ phải nói nguồn gốc văn bản mới là xuất xứ mà con người thì không thể có xuất xứ được? Có lẽ chúng ta không nên tranh cãi về ngôn ngữ, vì tiếng Việt vay mượn rất nhiều. Tiếng việt cũng có xuất xứ từ tiếng hán, tiếng pháp. Trách nhiệm của chúng ta là hãy làm phong phú thêm tiếng Việt chứ đừng nên cứng nhắc vào những quy tắc cổ lỗ (LPT).

      Xóa
    3. Nặc danh09:31 15/4/13

      Em thấy các anh chị tranh luận về chính tả, thì em cũng tham gia thôi, sao 2 anh E LPT và NCT lại “ném đá” em? Đã tranh luận về chính tả thì phải lấy CHÍNH TẢ (cách viết được coi là chuẩn) ra để đối chiếu chứ, không thì cãi nhau đến ... mùa quít à?
      Anh LPT và anh NCT đều đề cập đến sự “sáng tạo”, thì các anh cứ việc “sáng tạo” đi ạ, giống như rất nhiều người đã từng sáng tạo ấy. Việc này, thì em chẳng dám chê, nhưng em cũng chưa thể cổ vũ đâu ạ. Có điều, khi các anh “sáng tạo” chính tả (việc này khác với sáng tạo từ ngữ đấy ạ), em cũng xin được nêu mấy điều để trao đổi thêm cùng các anh:
      Thứ nhất, việc viết không chuẩn chính tả, không phải ai cũng biết hết để nói, thậm chí, có biết, cũng chẳng nói. Ngày xưa, anh NCT làm biên tập, anh vẫn viết thế mà chẳng thấy ai nói anh sai chính tả. Bởi người có thể nói anh là cấp trên, họ chẳng nói thì thôi. Chúng em là độc giả, ngày đó không phản hồi được. Bây giờ, phản hồi được tại blog này, em cũng chẳng muốn phản hồi những chuyện ấy, bởi nó cũng nhỏ nhặt thôi, anh cũng chỉ viết sai một số chữ, mọi người vẫn có thể chấp nhận được. Em đọc ở những báo khác, hay các biển quảng cáo, còn sai ghê gớm, mình cũng chỉ làu bàu một mình thôi, chứ nói đến đâu được? Nói để làm gì cơ chứ, khi mà người Việt Nam mình còn coi việc vi phạm luật giao thông đến chết người là bình thường, thì mấy chữ viết sai ấy có là gì đâu! Nhưng riêng em thì không thể viết sai chính tả. Bởi con em nó cười em ghê lắm. Nó còn học theo chuẩn, sao mình lại tuỳ tiện khi mình biết mình sai? Nên em chỉ có thể phát âm sai chính âm (do đặc điểm vùng miền) chứ không cho mình được viết sai chính tả, khi mình biết điều đó.
      Thứ hai, các anh cứ học theo Hồ Chí Minh, sáng tạo chính tả đi (Nhưng các anh không phải Hồ Chí Minh nên các nhà ngôn ngữ chắc cũng chẳng ca ngợi các anh là sáng tạo đâu!), cũng cần giới hạn thôi ạ. Anh LPT đừng cho là em theo chuẩn chính tả là “cổ lỗ”. Có những chữ không thể “sáng tạo” tuỳ tiện được đâu. Viết “tiến sĩ” hay “tiến sỹ” đều được, nhưng nếu em viết câu thơ “Sương giăng ảo mờ ngõ nhỏ” thành “Xương răng ảo mờ ngõ nhỏ” thì anh có chấp nhận được không? Mình có thể sai vì vội quá, không cố ý. Còn, có những cái sai không nên bao biện đâu ạ. Đâu phải bỗng dưng có cả một môn “chính tả” cho học sinh Tiểu học?
      Vậy nên, lời bàn của em tối qua, em tách ra rất nhiều trường hợp. Nhưng các anh lại gộp cả làm một để “ném đá” em là “cổ lỗ”, thì em cảm thấy hơi buồn. (ND 21:39)

      Xóa
    4. Nặc danh10:10 16/4/13

      @NCT 19:40 14/04
      Theo như viết trong Blog thì Mr. NCT đã là kỹ sư luyện kim tốt nghiệp Bách khoa, như vậy, có lẽ, NCT xuất xứ (hoặc xuất thân theo ND 21:39 14/04) là dân kỹ thuật, bây giờ gọi là dân công nghệ?
      @ND 21:39 14/04
      -Bạn đừng buồn làm gì vì đây là sân nhà của Mr. LPT và Mr. NCT nên họ có quyền đề ra luật lệ theo ý muốn riêng (kiểu như tuổi teen viết yêu thành iu). Nếu ta không chấp nhận thì đi chỗ khác!
      -Mr. NCT vốn học giỏi (mới vào được chuyên toán), lại là người tỉnh chẵn. Từ nhỏ được các thày cô cho quyền viết tự do. Lớn lên làm quan chức Nhà nước, quen theo 2 bổ đề (hay định đề, tiên đề gì đó):
      +Bổ đề 1: Quan luôn luôn đúng
      +Bổ đề 2: Nếu Quan chưa đúng: xem lại bổ đề 1
      -Theo ND 20:43 14/04 thì hiện giờ chưa có bộ Luật tiếng Việt nên tất cả mọi thứ chỉ là quy ước (không bắt buộc) và theo thói quen, ai muốn viết thế nào cũng được.
      -Về bản thân tôi, vốn học dốt lại dân tỉnh lẻ nên chỉ theo được dạng 10+1 (học hết lớp 10, học thêm 1 năm rồi đi dạy cấp 1 – tiểu học bây giờ). Trong quá trình học, nhất nhất theo lời cô (viết “quy định” thành “qui định” là bị trừ điểm sai chính tả). Sau đi dạy, cũng cố theo sách vở. May mà ngày xưa sách vở thống nhất cách viết nên cũng đỡ nhức đầu. Mà tôi là giáo sư thật trước khi Nhà nước phong giáo sư năm 1980 vì:
      Học trò dăm đứa – đó là giáo
      Tối nằm không vợ - ấy là sư (ND18:48)

      Xóa
  12. Nặc danh23:00 14/4/13

    cháu nghĩ quy luật của loài người là không ngừng vươn lên và tiếp tục chiếm lĩnh đỉnh cao. Hôm nay đã có điện thoại để gọi điện,nói chuyện với người ở xa, nhưng ngày hôm sau người ta lại có muốn chiếc điện thoại không chỉ nói chuyện được với nhau mà còn có nhiều chức năng mới hơn,kiểu dáng đẹp hơn,...Và mỗi thời nào cũng vậy, đều có những cái được và cái chưa được. Người ta đều muốn thoát ra khỏi những cái chưa được để có được điểu mình muốn. và nếu cháu không nhầm thì hoàn cảnh của Việt nam hiện giờ cũng giống như nước Anh và Đức ở thế kỉ XVII, khi mới bắt đầu cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ nhất.
    Hì, chắc cháu nói hơi xa chủ đề nhưng thực sự nước Việt Nam phải trải qua nhiều cuộc chiến tranh và mất mát là quá lớn. Và trong thời đại hiện nay, khi nhiều nước đã chạy đi rất xa thì nước ta mới chỉ đang dò dẫm. Đó không phải là nước ta thua nước họ mà bởi vì thời gian của những cuộc chiến đã không cho phép nước ta được bắt đầu sớm hơn như nước họ. Ngành giáo dục cũng không là ngoại lệ.
    Dù sao đi chăng nữa cũng không thể phủ nhận những đóng góp của các giáo sư, tiến sĩ cho nên giáo dục và khoa học nước nhà. CÒn về những công trình nghiên cứu khoa học, những ứng dụng hôm nay chưa làm được thì nhất định thế hệ sau sẽ làm được. Duy chỉ có một điều là nếu như đã trở thành những người có chức danh của ngành giáo dục thì điều cần thiết của họ là làm việc bằng niềm say mê và tâm huyết cho công việc của mình chứ không phải là vì một điều gì khác :)
    Cháu: Thủy Bùi
    Cháu: Thủy Bùi

    Trả lờiXóa
  13. Nặc danh12:09 16/4/13

    Đọc những dòng tranh luận của các bác về ngôn ngữ em học được không ít điều hay. Song hình như chúng ta đang phát huy bản sắc con người Việt Nam- thích đi vào tiểu tiết hơn là quan tâm đến bản chất vấn đề. Bài Hịch mang bao nỗi băn khoăn, trăn trở cho quốc thái dân an vậy mà chỉ được và lời hưởng ứng. Vừa thấy "xờ" với i cái, tất cả đã quên ngay những "ngoại ngữ khi điếc, khi câm", "Vinashin nổi chìm, lưỡi bò liếm liếm" hay "bệnh thành tích, dịch háo danh" rồi "chân dài, phong bì" làm điên đảo, ngả nghiêng giáo sư, tiến sĩ....
    Có lẽ khách ghé thăm Blog sẽ bị cuốn hút hơn khi tìm thấy nhiều những chia sẻ liên quan đến bài hịch này.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Nặc danh14:10 16/4/13

      bản thân bài hich này đã không nghiêm túc khi nhái lại bài Hịch tướng sĩ thì làm sao có thể đối xử với nó một cách nghiêm túc?

      Xóa
  14. Nặc danh14:55 16/4/13

    Nhái theo một áng thiên cổ hùng văn là không tốt, nhưng rõ ràng những vấn đề bài hịch này đưa ra không phải là không hay nếu không muốn nói là rất thời sự. Tác giả không phủ nhận lịch sử, không bác bỏ sự nghiệp xây dựng đất nước mà rất nặng lòng mong mỏi cái tâm của muôn người dành cho dân. Cái đó cũng không đáng để bàn hay sao?

    Trả lờiXóa

Bạn có thể nhận xét không cần là thành viên, và nên góp ý lành mạnh, trung thực. Chọn nhập vai trong danh sách phía dưới khung nhận xét.