21 tháng 4, 2013

Văn hóa ứng xử của người Nhật

Lễ hội văn hóa mùa xuân Việt – Nhật 2013 diễn ra trong hai ngày 20-21/4/2013 tại Hà Nội đang được các phương tiện thông tin đại chúng tuyên truyền rùm beng. Nhưng tôi không thấy TV hay tờ báo nào giới thiệu về văn hóa ứng xử của người Nhật. Không ai có thể cúi đầu đúng kiểu hơn người Nhật, cũng không thể cứ mặc ki-mô-nô hoặc uống rượu sa-kê thì sẽ thành người Nhật. Có thể dễ dàng nhận thấy người Nhật luôn giữ cho mình bản sắc riêng, không có hiện tượng bắt chước các nền van hóa khác, kể cả Mĩ hoặc Trung Hoa. Phải chăng điểm cốt lõi của nền văn hóa Nhật Bản chính là lòng chân thành, hay nói cách khác, không bao giờ có chỗ cho sự giả dối trong văn hóa? Tìm hiểu kỹ về văn hóa Nhật Bản, chúng ta mới hiểu và lý giải được nguyên nhân tại sao nước Nhật bị tàn phá tan hoang sau chiến tranh thế giới thứ hai lại có thể bật dậy nhanh chóng, để trở thành một cường quốc mà cả thế giới phải kính trọng. Blog E xin giới thiệu với các bạn độc giả một số nét trong văn hóa ứng xử của người Nhật mà chúng tôi thu lượm được. Hy vọng rằng, người Việt chúng ta sẽ tìm được điều gì đó đáng học tập từ người Nhật nhân sự kiện giao lưu văn hóa giữa hai nước. (NCT )

Cúi nhưng không thấp

Người Nhật có thói quen gập người cúi chào khách. từ ông Chủ tịch, Tổng giám đốc tập đoàn Acecook (Osaka) tới cô bé bán kem ở Lake Hill Farm (Jozankei) đều nhiệt thành ra tận xe vẫy chào tạm biệt khách cho đến khi xe khuất hẳn.

Ở đất nước mặt trời mọc, hình ảnh nghiêng gập người cúi chào thể hiện cả một nền văn hóa Nhật Bản: Cúi nhưng không hạ mình . Sự nhún nhường chỉ làm tăng thêm sự nể trọng của người đối diện. 

Trên các chuyến bay của hãng hàng không Japan Airlines, nụ cười luôn nở trên môi các tiếp viên. Họ sẵn sàng ngồi, chính xác là "quỳ xuống", giúp khách sửa tư thế của đôi chân tê mỏi. Họ niềm nở, vui vẻ tiếp nhận yêu cầu của hành khách khó tính nhất. Không phải phẩm  chất  máy bay khiến hành khách hài lòng mà chính cách phục  vụ của tiếp viên khiến mọi người nghĩ tốt về người Nhật. Chỉ vài phút khởi hành trễ, toàn bộ nhân viên phục vụ mặt đất và tiếp viên, phi công dàn thành hàng ngang, cúi  rạp người xin lỗi khách. Họ thật sự đã thành công khi để lại ấn tượng sâu sắc về một nước Nhật vô cùng hiếu khách và  nghệ thuật giao tiếp tuyệt vời của họ.

Trung thực

Ở Nhật, bạn khó có cơ hội bắt taxi để đi một cuốc đường dài. Vì sao? Các tài xế sẽ tự chở bạn thẳng đến nhà ga tàu điện ngầm, kèm lời hướng dẫn “Hãy đi tàu điện ngầm cho rẻ”.
Sự trung thực của người Nhật, in đậm nét ở những minishop không người bán tại thành phố Osaka. Nhiều vùng ở Nhật không có nông dân. Ban ngày họ vẫn đến công sở, ngoài giờ làm họ trồng trọt thêm. Sau khi thu hoạch, họ đóng gói sản phẩm, dán giá và để thùng tiền bên cạnh. Người mua cứ theo giá niêm yết mà tự bỏ tiền vào thùng. Cuối ngày, trên đường đi làm về, họ ghé đem thùng tiền về nhà. Nhẹ nhàng và đơn giản.

Các con đường mua sắm, các đại siêu thị ở Hokkaido, Sapporo hay Osaka... cũng không nơi nào bạn phải gửi giỏ/túi xách.  Quầy thanh toán cũng không đặt ngay cổng ra vào.  Người Nhật tự hào khẳng định động từ "ăn cắp vặt" gần như đã biến mất trong từ điển.
Nếu bạn đến Nhật, toàn bộ các cửa hàng sẽ tự động trừ thuế, giảm 5 - 10% khi biết bạn là khách nước ngoài.

“No noise” - không gây tiếng ồn

Nguyên tắc không gây tiếng ồn được áp dụng triệt để tại Nhật. Tất cả high ways (đường cao tốc) đều phải xây dựng hàng rào cách âm, để nhà dân không bị ảnh hưởng bởi xe lưu thông trên đường. Osaka bỏ ra 18 tỷ USD xây hẳn 1 hòn đảo nhân tạo để làm phi trường  rộng hơn 500ha ngay trên biển. Lý do đơn giản chỉ vì “người dân không chịu nổi tiếng ồn khi máy bay lên xuống”.

Tại các cửa hàng mua sắm, dù đang vào mùa quảng cáo, cũng không một cửa hàng nào được đặt máy phát ra tiếng. Tuyệt đối không được bật nhạc làm ồn sang cửa hàng bên cạnh. Muốn quảng cáo và thu hút thì cách duy nhất là thuê một nhân viên dùng loa tay, quảng cáo với từng khách.

Nhân bản

Vì sao trên những cánh đồng ở Nhật luôn còn một góc nguyên, không thu hoạch? Không ai bảo ai, những nông dân Nhật không bao giờ gặt hái toàn bộ nông sản mà họ luôn "để phần" 1-2% sản lượng cho các loài chim, thú trong tự nhiên.
 
Bình đẳng

Mọi đứa trẻ ở Nhật đều được dạy về sự bình đẳng.
Để không có tình trạng phân biệt giàu nghèo ngay từ nhỏ, mọi trẻ em đều được khuyến khích đi bộ đến trường. Nếu nhà xa thì xe đưa đón của trường là chọn lựa duy nhất. Các trường không chấp nhận cho phụ huynh đưa con đến lớp bằng  xe hơi.
Việc mặc đồng phục vest đen từ người quét đường đến tất cả nhân viên, công chức cho thấy một nước Nhật không khoảng cách. Những ngày tuyết phủ trắng nước Nhật, từ trên cao nhìn xuống, những công dân Nhật như những chấm đen nhỏ di chuyển nhanh trên đường. Tất cả họ là một nước Nhật chung ý chí, chung tinh thần lao động.
Văn hóa xếp hàng thấm đẫm vào nếp sinh hoạt hàng ngày của người Nhật. Không có bất cứ sự ưu tiên nào . Sẽ không có gì ngạc nhiên nếu một ngày bạn thấy người xếp hàng ngay sau lưng mình chính là ...Thủ tướng.

Nội trợ là một nghề quan trọng

Ở Nhật, người phụ nữ khi có gia đình và có con thì thường ở nhà làm nội trợ và chăm sóc con cái, kể cả những người có học vị khá cao. Hàng tháng Chính phủ tự trích lương của chồng đóng thuế cho vợ. Do đó, người phụ nữ ở nhà làm nội trợ nhưng vẫn được hưởng các chế độ y như một người đi làm. Về già, vẫn hưởng đầy đủ lương hưu.
Độc đáo hơn nữa là nhiều công ty áp dụng chính sách, lương của chồng sẽ được chuyển thẳng vào tài khoản của vợ. Vai trò của người phụ nữ trong gia đình vì thế luôn được đề cao, tôn trọng.

 


10 nhận xét:

  1. Nặc danh11:01 21/4/13

    Cảm ơn anh đã cho chúng tôi được biết đến một nền văn hóa ứng xử mà theo tôi : thật tuyệt vời
    Đáng để chúng ta trân trọng !.Cảm ơn

    Trả lờiXóa
  2. Nhìn tổng thống Mỹ Obama cúi rạp mình khi bắt tay Nhật hoàng, có thể nhận thấy thái độ kính trọng của nước Mỹ (vốn kiêu ngạo)vói nước Nhật như thế nào. (LPT)



    Trả lờiXóa
  3. Nặc danh15:36 21/4/13

    Ôi, giá mà tất cả chúng ta ứng xử thể hiện được rõ bản sắc văn hóa Việt Nam được như người Nhật. Thực ra, văn hóa ứng xử, giao tiếp của chúng ta cũng có nhiều nét đẹp lắm, nhưng sao cứ mai một, cứ hòa tan, cứ mất mình? Có người thể hiện hành vi văn hóa đẹp, nhiều khi bị coi là "dị thường"? Tôi vô cùng ấn tượng với người Nhật, khi xem tivi cái năm học bị thảm họa nổ lò Hạt nhân ở nhà máy điện: Họ không nhà, không phải người thân mà vẫn nhường nhau chỗ nằm, khi vào viện ... Thủ tướng Nhật thì thường xuyên xuất hiện vời bộ áo quần của công nhân và khi lên bục phát biểu thì cúi mình trước quốc kì. Một cháu của tôi là sinh viên khoa Nhật học của Đại học KHXH&NV, đi thực tế một tuần ở Nhật về, kể rằng: Đi đến ngã tư, cháu thấy ô tô thì dừng lại, nhưng người lái ô tô cũng dừng chờ cháu đi, thấy cháu không đi, họ vẫy tay ra hiệu. Thì ra, đó là luật giao thông, nhường đường cho người đi bộ. Rồi chuyện tôi được nghe rằng: Tại ngã tư ở Nhật, giữa trưa nắng gần 40 độ, chỉ có một người Nhật đứng chờ đèn đỏ ... Ôi, nếu ở VN, những lúc đó, thì sao? Đâu có phải chúng ta không được học về tất cả những điều đó!
    Tôi biết thêm nhiều điều trong văn hóa của người Nhật từ bài đăng của NCT. Cảm ơn anh!

    Trả lờiXóa
  4. Nặc danh21:54 21/4/13

    Cám ơn anh NCT đã cung cấp cho độc giả blog E những thông tin hay về phong cách ứng xử của người Nhật. Có một điều em muốn được anh giải thích để em rõ hơn về mức độ cúi mình khi chào thể hiện trên hình anh dán kèm bài.Mong được anh chiếu cố ạ.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Người Nhật sử dụng 3 kiểu cúi chào sau: kiểu saikeirei (chào tôn kính),kiểu keirei (cúi chào bình thường) và kiểu eshaku (khẽ cúi chào).
      Kiểu Saikeirei: Cúi xuống từ từ và rất thấp là hình thức cao nhất, biểu hiện sự kính trọng sâu sắc và thường sử dụng trước bàn thờ trong các đền, chùa, trước Quốc kỳ, trước Thiên Hoàng.
      Kiểu keirei: Thân mình cúi xuống 20-30 độ và giữ nguyên 2-3 giây. Nếu đang ngồi trên sàn nhà mà muốn chào thì đặt hai tay xuống sàn, lòng bàn tay úp sấp cách nhau 10-20 cm, đầu cúi thấp cách sàn nhà 10-15 cm. Kiểu này thường áp dụng hàng ngày khi chào người bề trên, người cao tuổi
      Kiểu eshaku: Thân mình và đầu chỉ hơi cúi khoảng một giây, hai tay để bên hông, áp dụng khi chào bạn bè, đồng nghiệp, cấp dưới.

      Người Nhật chào nhau vài lần trong ngày, nhưng chỉ lần đầu thì phải chào đúng nghi thức, những lần sau chỉ khẽ cúi chào.
      Ngay cả người Nhật cũng thấy những nghi thức cúi chào này hết sức rườm rà nhưng nó vẫn tồn tại trong quá trình giao tiếp từ thế hệ này qua thế hệ khác và cho đến tận ngày nay. (NCT)

      Xóa
    2. Nặc danh08:12 23/4/13

      Em cám ơn anh NCT rất nhiều. Chúc anh dồi dào sức khỏe và có nhiều bài đăng blog E phục vụ độc giả. (ND 21:54)

      Xóa
  5. Nặc danh15:06 22/4/13

    Cam on NCT cho độc giả văn hoá ứng xử văn minh của nước Nhật. Trong 6 cách ứng xử NCT nêu tôi tâm huyết nhất là "nội chợ là một nghề quan trọng". Người VỢ của ta vất vả quá, vừa là công nhân viên chức, vừa là người nội chợ, kiêm bảo mẫu và còn là ... ca... ve nữa mà vẫn không đươc ngồi mâm trên

    Trả lờiXóa
  6. Nặc danh07:58 23/4/13

    Mình thích nhất sự trung thực của người Nhật. Không chỉ vì đây là đức tính mình quý nhất, mà còn vì mình cũng là một người vừa đi làm công sở và vừa trồng trọt ngoài giờ, cũng có nông sản để bán. Giá ở Việt Nam mình, sự trung thực cũng có được ở mỗi người như người Nhật, thì mình cũng có thể đóng gói sản phẩm, đề giá và để thùng tiền bên cạnh. Tan sở, mình sẽ mang thùng tiền bán nông sản về thì tiện biết bao! Ôi, Việt Nam của tôi ... Đọc bài anh NCT sưu tầm về người Nhật, mình cứ ngồi ... mơ nước Nhật!

    Trả lờiXóa
  7. Nặc danh08:10 23/4/13

    Tôi thì rất ghét cảnh cha mẹ đưa con cái đến trường bằng ô tô của một số nhà giàu ở Việt Nam. Đường xã đã chật chội lại còn cảnh ô tô dừng đỗ ở cổng trường học vào đúng giờ cao điểm gây tắc nghẽn giao thông, làm cho con cái mắc bệnh ỷ lại, mất động lực vượt khó. Nếu Chính phủ Việt Nam có quy định như ở Nhật: Cấm đưa đón con đến trường bằng ô tô thì hay biết bao.

    Trả lờiXóa
  8. Nặc danh07:13 26/4/13

    hì, cháu cảm ơn bác NCT về bài viết nhiều ý nghĩa, dù đã biết ý thức của người Nhật rất tốt từ trước nhưng đọc bài này, cháu lại càng ngưỡng mộ họ hơn, cũng là điều đơn giản để lí giải vì sao nước Nhật trở thành một trong những cường quốc trên thế giới :)
    Cháu: Thủy Bùi

    Trả lờiXóa

Bạn có thể nhận xét không cần là thành viên, và nên góp ý lành mạnh, trung thực. Chọn nhập vai trong danh sách phía dưới khung nhận xét.