30 tháng 5, 2013

Một chủ đề mới cần sự hưởng ứng của mọi người

Trong cuộc đời, con người chúng ta khó mà thoát khỏi sự tham, sân, si. Chính chúng là nguyên nhân  dẫn đến sự ganh ghét, đố kị, tàn sát lẫn nhau. Trong khi dạy cho con người biết tham sân si là nguyên nhân của cuộc sống đau khổ, cần phải tiêu trừ, Phật cũng nói cho chúng ta biết, có ba pháp vô tham, vô sân, vô si là những yếu tố tâm lý cần nên phát triển để xây dựng cuộc sống an lành. Tôi có quen một người bạn đã học cách tu tập để thoát khổ. Đây là câu chuyện người đó kể lại về buổi đầu tiên tiếp cận với người nhà Phật, xin giới thiệu với các  bạn để chúng ta cùng suy ngẫm. Theo tôi, đây cũng là chủ để nên mở  ra  trong định hướng phát triển Blog E thời gian tới  (LPT)

TU TẬP ĐỂ THOÁT KHỔ
Thưa Thầy, tôi không phải là người theo đạo Phật.
 Xin Thầy chỉ dẫn cho phương pháp tu tập.
-  Quí vị muốn phương pháp tu tập với mục đích gì và tại sao lại chọn chúng tôi để đặt câu hỏi?
 - Tôi thấy cuộc đời này sao mà khổ quá, như tôi đây cũng có trình độ học thức, có công ăn việc làm tốt, gia cảnh đầm ấm, nhưng vẫn thấy khổ tâm nhiều chuyện, nhiều lúc cảm thấy bất an đến độ ăn không ngon ngủ không yên, nhiều điều lo lắng, bực mình lắm!
Tôi muốn được an tâm nên đì tìm phương pháp tu tập để thoát khổ
Tôi chọn qúi Thầy để đặt câu hỏi, bởi tôi thường nhận các emails do các bạn bè chuyển tới, với các bài viết tuy mang hình thức Phật giáo, nhưng nội dung hay quá, các bạn của tôi thấy có ích lợi nên chuyển cho tôi, mặc dù tôi không phải theo đạo Phật.
- Trên đời này, người nào không có tâm cố chấp, không có tâm phân biệt, không mang nặng hình thức thế gian thì người đó sống đời an lạc với hạnh phúc xuất thế gian.
 -  Kính xin Thầy giảng rõ hơn.
-  Người đời thường mang hai cái đãy (cái bị).
*Một cái trước ngực chứa đầy lỗi lầm của người khác.
*Một cái sau lưng chứa đầy lỗi lầm của chính bản thân.
Do đó, người đời thường bực bội, bất an trước các lỗi lầm quá dễ thấy của người khác. Trái lại, với các lỗi lầm của chính bản thân, người đời thường che giấu, không muốn ai thấy, chính mình cũng không thừa nhận, không nhận ra, cho nên khó khá được, cho nên khổ dài dài. Muốn hết khổ, muốn bớt khổ, người đời - dù theo tôn giáo nào - nên đổi vị trí của hai cái bị nói trên.
Khi nhận thấy chính bản thân cũng có quá nhiều khuyết điểm, nhược điểm, người đời chắc chắn không còn dám cất cao giọng chỉ trích nhục mạ người khác, cũng như không còn chỉ trích tôn giáo, tín ngưỡng của người khác đang theo.
-  Kính cảm tạ lời chỉ giáo của Thầy. Thực hay quá. Nhưng riêng tôi, tôi không muốn đổi vị trí của hai cái bị đó thì sao, thưa Thầy ?
-  À, quí vị không muốn đổi vị trí của hai cái bị, thì quí vị đổi nội dung của chúng cũng được mà.
- Tôi chưa hiểu rõ ý của Thầy ?
Nếu quí vị vẫn giữ vị trí của hai cái bị :
Cái bị trước ngực qúi vị chứa đựng toàn là ưu điểm của người khác.
Cái bị sau lưng quí vị chứa đựng toàn là ưu điểm của bản thân.
- Tôi vẫn chưa tỏ tường ?
-  À, khi đó quí vị sẽ thấy ưu điểm của người khác quá nhiều, lắm khi vượt trội hơn mình, mình thực ra chẳng bằng nhiều người lắm. Từ đó, mình bớt đi tánh phê phán, phỉ báng người khác - hãy thu mình lại, quan sát chính bản thân, quan sát chính bản tâm, mình sẽ được bình an ngay.
 - Thực là quí hoá, tôi hiểu rồi. Kính chúc Thầy tâm luôn bình an.  
(LPT sưu tầm)

5 nhận xét:

  1. Nặc danh10:26 30/5/13

    Nếu bỏ đi vẻ ngoài là cuộc đối đáp với người nhà Phật, thì nội dung bài viết thể hiện cách đánh giá và tự đánh giá của mỗi người. Đó chính là chuyện cuộc đời. Đề tài này không hẳn là mới ở blog E, nhưng vẫn rất hay.
    Đúng là cần học cách nhìn thấy những ưu điểm của người khác và khuyết điểm của bản thân. Nó sẽ cho ta cách nhìn đời dịu dàng hơn, sống thoải mái hơn. Chẳng ai được sống hai lần cả, việc gì phải hằn học với cuộc đời này?
    Nhưng em sẽ quyết không đi tu đâu ạ. Sẽ vẫn sống hết mình với cuộc đời, cố gắng nhìn ra ưu điểm của người khác và khuyết điểm của chính mình.
    (Hoài Thu)

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Đúng là đề tài này chưa hẳn là mới, nhưng tôi muốn đề nghị các bạn hãy cùng nhau nghiên cứu, viết bài, nhận xét, trao đổi nhiều hơn và tập trung hơn về những lời răn dạy của đức phật, cũng như triết lý phật giáo đã tồn tại hàng ngàn năm nay mà sức sống thật dai dẳng, thật mãnh liệt, chẳng cần hệ thống truyền thông nào. Trong khi đó, có biết bao học thuyết, chủ nghĩa chỉ bùng lên một thời gian rồi tắt lịm, vì không chứng tỏ được sự đúng đắn trong thực tế. Cách giáo dục của phạt giáo cũng thật nhẹ nhàng mà dần dần thấm sau vào lòng người, khơi dậy lòng trắc ẩn, tính hướng thiện và những điều tốt đẹp (LPT)

      Xóa
  2. Tôi đã có 4 năm làm Tạp chí Nghiên cứu Phật học cho Giáo hội Phật giáo Việt Nam ở Quán Sứ. Tôi phải tự nghiên cứu Giáo lý Phật giáo. Phật giáo mênh mông, rất nhiều chi phái, nhiều vấn đề. Các bạn cần quan tâm vấn đề gì, tôi có thể trao đổi, hướng dẫn tìm tài liệu, nên đọc cái gì trước. Ví dụ, hiện tại, có đến 10 tông phái trong Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Cho nên, có thể bạn được tiếp xúc với nhóm tông phái này, mà không hiểu tông phái kia. Hoặc: Phật giáo ở đồng bằng Bắc Bộ khác với Nam Bộ, Trung Bộ... Vấn đề phổ thông nhất: Tìm hiểu hệ thống tượng Phật ở chùa Bắc Bộ thế nào... vân vân.
    Ngay từ năm 2004, tôi đã cố gắng tìm hiểu vấn đề này, viết một số bài ở dạng phổ thông và nâng cao. Ví dụ một vài đường dẫn, các bạn có thể xem trên mạng
    -Bài viết từ năm 2005, web Văn Chinh đăng lại: Vì sao tôi cúng Phật- http://vanchinh.net/index.php?option=com_content&view=article&id=228:vi-sao-toi-cung-pht&catid=44:nht-trong-blog&Itemid=63;
    -Một số bài chọn lọc đăng trên trang Bút ký và Bút ký Tôn giáo của website riêng của tôi (nguyenxuanhung.com). Nhiều bài khác đăng trên Tạp chí Phật học thì tôi không có thời gian đưa lên mạng... (NXH)

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. (Nói thêm) Các bạn có thể đọc bài "Di sản Trúc Lâm" của tôi đăng trên website. Vấn đề có tính thời sự, mang tính chất liên ngành. Liệu bạn có hiểu Trúc Lâm là gì không? Vì sao nó không thể tiếp nối đến nay, mặc dù nó được ông vua anh hùng Trần Nhân tông sáng lập? Và bạn có hiểu rằng, chúng ta đang sống trong di sản tư tưởng của Trúc Lâm không? Vấn đề này theo tôi thiết thực nhất trong một lĩnh vực hẹp, có thể quan sát thấy Phật giáo đã đi vào đời sống cha ông ta và sống đến nay như thế nào (NXH)

      Xóa
  3. Nặc danh18:04 30/5/13

    Theo em, phần nghiên cứu các tông phái hay nghiên cứu sâu về phật giáo nên để dành cho tạp chí chuyên ngành. Blog E cần có những bài (sưu tầm hoặc do các anh có am hiểu lĩnh vực này viết) ở dạng phổ thông, dễ hiểu, giải thích những lời răn dạy, những sự kiện có liên quan đến chùa chiền, đạo phật. Nên tập trung vào những lý giải của phật giáo về các hiện tượng trong tự nhiên và xã hội, cách nhìn nhận và xử lý vấn đề phát sinh trong cuộc sống theo quan điểm phật giáo để bạn đọc ngộ dần ra được cái hay, cái tốt của đạo phật trong cuộc sống con người. Như thế sẽ thu hút được sự tham gia của đông đảo độc giả.

    Trả lờiXóa

Bạn có thể nhận xét không cần là thành viên, và nên góp ý lành mạnh, trung thực. Chọn nhập vai trong danh sách phía dưới khung nhận xét.