31 tháng 5, 2013

Vì sao tôi cúng Phật.

Bài của Lê Phúc Thắng khiến tôi nhớ lại một khoảng thời gian lao vào nghiên cứu Phật giáo. Bài này tôi viết khoảng cuối 2007, đã đăng Tạp chí Nghiên cứu Phật học, ở mục trao đổi với Phật tử đại chúng. Hiện nay vẫn còn trên mạng ở Blog cá nhân cũ (Link TẠI ĐÂY) ghi rõ ngày đưa lên blog là 10/8/2008 (hồi mới có blog, tôi thử làm blog đó, rồi bỏ không dùng nữa). Đây cũng có thể là một bài thu hoạch (rất tóm tắt) sau khi học giáo lý Phật pháp, diễn tả bằng văn ngôn. Có thể các bạn đọc cũng có ích nếu muốn tìm hiểu về Phật pháp...

Vì sao tôi cúng Phật
Tôi năm nay đã gần cái tuổi “tri thiên mệnh”, ba chục năm cống hiến cho cách mạng, làm cán bộ nhà nước, đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam, gần đây tôi bắt đầu tiếp xúc với đạo Phật, tôi bắt đầu đi chùa cúng Phật, nghe kinh các nhà sư tụng, tôi “ngộ” ra mấy điều:


1. Giáo lý nhà Phật vừa duy tâm, vừa duy vật: Điều này đã có nhiều nhà nghiên cứu đề cập đến rồi. Tôi chỉ nói về trải nghiệm của bản thân. Tôi xuất thân từ một kỹ sư, thời trẻ được trang bị kiến thức khoa học kỹ thuật, tư duy theo lối duy lý nhưng coi trọng logic. Thoạt nghe giáo lý của nhà Phật, thấy mung lung, nhưng sau lần giở những lớp lang triết lý nhân sinh quan, vũ trụ quan của Phật giáo, lắng nghe các học giả tranh luận, tôi cảm thấy tư duy về vũ trụ của Đức Phật có nhiều điều phù hợp với khoa học hiện đại phương Tây. Điều mà phương Tây trăn trở vài ngàn năm thì Đức Phật đã thấy ngay từ thời của Ngài. Có điều khác là phương pháp tư duy để tìm đến chân lý của Đức Phật là xuất phát từ tâm, từ con người mà hiểu thế giới, còn khoa học phương tây đặt con người ra ngoài hiện tượng.
2. Giáo lý nhà Phật góp phần lành mạnh hoá đời sống nhân sinh: Nếu một người chỉ chăm chăm tin vào sự vô thần, không nghĩ đến báo ứng, không biết đến sức mạnh tâm linh và siêu nhân, thì có thể làm bất cứ điều gì không đếm xỉa đến hậu hoạ. Đất nước Việt Nam là nơi truyền thống đa thần giáo, Phật, Nho, Lão đã từng chung sống hoà bình (thời Lý), Nhà nước ta đã tận dụng những yếu tố lành mạnh của các tôn giáo, nhưng dường như kho tàng Phật giáo còn rất tiềm tàng để khai thác, có thể góp phần vào công cuộc kiến quốc, an dân.
3. Giáo lý nhà Phật có thể đem lại hoà bình cho cộng đồng, cân bằng cuộc sống cá nhân trong đời sống. Tôi có nhiều trải nghiệm trong vấn đề này. Trước kia, nhiều bạn bè tôi có quan niệm thẳng thắn quá đáng. Ví dụ, thường nóng nảy áp đặt ý kiến chủ quan cho người đối thoại, tìm mọi cách thực hiện kế hoạch của mình. Đức Phật dạy “không chấp”. Muốn không chấp người thì phải đặt mình ngang bằng người khác, tức là cũng phải không chấp mình. Không chấp mình tức là mình cũng phải xem xét mình tuỳ hoàn cảnh. Chữ Nhẫn có ý nghĩa tích cực là như vậy, chứ không phải Nhẫn nhục một cách ngu muội.
4. Vào chùa, nhất là chùa Bắc tông miền Bắc Việt Nam, rất nhiều tượng Phật. Mỗi tượng Phật đều là hoá thân của một vị có thân thế, có tiền thân, lại có biểu tướng. Tức là tượng các vị nhưng chưa chắc có các vị thật sự. Có vị có tiểu sử bản thân nhưng khi lên tượng thì mỗi nơi một khác, chỉ là biểu tướng của vị ấy. Thờ cúng các vị ấy thực ra là thờ biểu tướng, tâm niệm cái ý nghĩa mà các vị có sứ mạng mang đến cho chúng sinh lĩnh hội. Tư duy nhà Phật như thế là uyển chuyển và rõ ràng. Không cần câu nệ cứ phải nhất nhất cái gì một con người cụ thể cũng đúng. Dù cho có các vị ấy trong cõi đời thực, thì mỗi vị cũng chỉ có một mặt tốt giúp chúng sinh mà thôi. Thực sự các pho tượng trong chùa là một biểu tượng đầy ý nghĩa về một điều chân thiện mỹ. Tượng chùa kết tinh giá trị thẩm mỹ, giá trị văn hoá sâu sắc là vì thế. Vào chùa ngắm tượng các vị Phật, tâm trí không thể hỗn tạp sự đời ô trọc, tự nhiên bị cuốn theo giáo lý cao khiết của các vị, cũng là một việc có ích nên làm.
5. Duy tâm cũng có mặt tốt: Trước kia, những người cách mạng thường thích được gọi mình là duy vật. Tôi là đảng viên cộng sản, tôi cũng là người duy vật. Bộ môn Triết học tôi cũng được dạy ở trường đại học, rồi được nghiên cứu chủ nghĩa Mác- Lênin. Về mặt nhận thức vũ trụ, duy vật biện chứng góp phần không nhỏ cho tư duy khoa học của một thế hệ nhà cách mạng. Tuy nhiên, trong đời sống hàng ngày, đại đa số quần chúng thì không cần phải bắt buộc cứ phải duy vật biện chứng. Nhà nước ta bảo hộ quyền tự do tín ngưỡng là như vậy. Do phương pháp tư duy xuất phát từ chính con người, duy tâm, “tại tâm”, mà Phật giáo đặc biệt thích hợp với phép dưỡng sinh, rèn luyện cơ thể. Môn Yôga có những thành tựu nhất định mà y khoa Tây phương còn nghiên cứu chưa giải thích được. Do duy tâm, mà con người biết rõ giá trị phép dưỡng sinh, thực ra từ đó có tình yêu cuộc sống rất mãnh liệt, chứ không phải những người tu hành là trốn đời. Cũng do phép dưỡng sinh mà con người biết phải sống hoà nhập với thiên nhiên, giữ gìn môi trường. Quan điểm này phù hợp đáng ngạc nhiên với trào lưu văn hoá hiện đại, điều mà các nước phát triển và Tổ chức Liên hợp quốc đang ra sức cổ vũ nhân loại thực hiện.
6. Phật giáo Việt Nam chính là con đường lớn truyền thống dân tộc. Nếu chỉ đơn giản là một người yêu nước, thì ắt phải soi mình vào lịch sử, văn hoá dân tộc. Hình dung lịch sử dân tộc là một hệ thống đường, thì Phật giáo dĩ nhiên không phải là đường độc đạo, mà là con đường lớn nhất, bền bỉ nhất, xuyên suốt lịch sử văn minh từ thời có nhà nước phong kiến Việt Nam thế kỷ X cho đến nay. Làm sao những triều vua Ngô, Tiền Lê, Đinh, Lý lại đuổi được các Thái thú Trung Hoa lập nên Nhà nước quân chủ trong khi bên cạnh có các Quân sư là các vị sư? Làm sao một dân tộc nhỏ bé có thể đánh thắng quân Nguyên Mông, trong khi từ vua đến dân là Phật tử? Phật giáo có vai trò như thế nào trong cuộc quật khởi chấn hưng dân tộc ấy? Đến khi Nho giáo có vai trò quan trọng như thời nhà Lê, Mạc, Nguyễn, thì Phật giáo cũng vẫn có sức sống, dung hoà kỳ lạ với Nho, với Lão. Đơn vị làng với những ngôi chùa vì sao vẫn trường tồn? Động vào lịch sử văn hoá dân tộc Việt Nam tức là phải xem xét đến sức sống của Phật giáo Việt Nam.
9/2007
N.X.H

2 nhận xét:

  1. (GHi chú) Riêng điều thứ nhất trong bài, giáo lý Phật pháp vừa duy tâm, vừa duy vật, và sự tương đồng giữa Phật học và Vật lý học hiện đại, thì tôi có thể sẽ giới thiệu với các bạn một bài lược thuật tổng hợp để chứng minh luận điểm này. (NXH)

    Trả lờiXóa
  2. Nặc danh08:21 1/6/13

    Em tâm đắc nhất với 10 lời răn của Phật, đặc biệt là câu "kẻ thù lớn nhất của đời người là chính mình". Anh NXH có thể viết bài kể về xuất xứ các lời răn đó và phân tích sâu thêm về ý tứ của các lời răn đó cho đọc giả hiểu thêm được không ạ? Em cám ơn anh trước nhé.

    Trả lờiXóa

Bạn có thể nhận xét không cần là thành viên, và nên góp ý lành mạnh, trung thực. Chọn nhập vai trong danh sách phía dưới khung nhận xét.