27 tháng 5, 2013

Bữa cơm trên nhà sàn ở Mường Lai

Tối hôm trước, VKH đã dặn chúng tôi không được ăn sáng để thưởng thức bữa ăn nhẹ của một gia đình người Tày cách trung tâm huyện Lục Yên 15 km (riêng NXH đãng trí, sáng sớm đã ra chợ làm một nắm xôi rồi). Sau khi đi thăm mấy cửa hàng đá quý, chúng tôi lên xe chạy tới Mường Lai. Hình như ở vùng đồng bào dân tộc Thái – Tày, cứ Mường là biểu thị cánh đồng thì phải, vì Mường Lai cũng là một thung lũng có cánh đồng rộng nhất huyện Lục Yên (tất nhiên là không thể rộng như cánh đồng Mường Lò). Đây từng là một vùng căn cứ địa cách mạng trước có tên là Cổ Văn. 
Đón tiếp chúng tôi là anh Hứa Văn Tơ, chủ nhà, Bí thư chi bộ thôn và vợ là chị Vóc. Anh Tơ năm nay 59 tuổi nhưng vẫn trẻ trung lắm. Anh chị có 5 con, hai trai và ba gái, đều đã có gia đình.
Bước lên cầu thang vào nhà sàn đã thấy khoan khoái vô cùng, không biết do sự tiếp đón thân tình của chủ nhà, do những bức ảnh lớn chụp cô dâu chú rể mặc trang phục dân tộc thật đẹp, hay do cái cảm giác giống như mình được sống trong nhà sàn của bác Hồ vậy: cửa số mở ra 4 phía hoa lá xanh tươi. Những lá cây lớn như những bàn tay màu xanh mềm mại vẫy nhẹ, vươn tới tận cửa sổ. Không khí thật trong lành. Một lần nữa trong đời tôi lại được cảm nhận màu xanh của nắng đầy thi vị.
Vừa ngồi xuống chiếu, chị Vóc đã bưng ra một đĩa bánh chuối. Mọi người đều ăn trừ NXH. Món ăn này tôi đã kể trước rồi (xem TẠI ĐÂY). Ăn xong bánh chuối thì mâm cơm đãi khách được bưng ra, Không có nhiều món lắm nhưng có mấy món lạ, tôi chưa từng được ăn.
Trong ba món thịt, hấp dẫn nhất là món “Răng chắc hầm”. “Răng chắc” là cách bà con ở đây gọi “con Dúi”, một loài gậm nhấm chuyên ăn dễ cây. Nghe tên “răng chắc” tôi lại nhớ tới câu chuyện có ông người Tày ngoài 70 tuổi hay cười, răng chưa rụng chiếc nào, mới lấy con vợ Kinh, bị người ta chế diễu là “răng chắc c... bền” mà phì cười. Chắc người dân tộc muốn phân biệt rõ loại dúi nuôi mà người Kinh mình vẫn ăn ở các nhà hàng thịt thú rừng với dúi rừng  thứ thiệt chăng?
Con rể lớn của anh Tơ - Lê Viễn Khiêm (cũng người Tày) là một tay thợ săn cự phách. Khi nghe tin có khách Hà Nội đến thăm, từ hôm trước anh ta đã vào rừng tóm được hai chú “răng chắc” về để đãi chúng tôi. Khiêm kể rằng, con “răng chắc” rất khôn và lanh. Thường món ăn nó thích nhất là rễ và ruột cây vầu. Hang của nó thường dẫn đến gốc cây vầu, ăn hết rễ cây nó cứ chui theo ống vầu mà chén lên đến ngọn. Người đi rừng cứ thấy cây vầu chết, thế nào cũng có “răng chắc” ở trên ngọn. Dùng dao rừng phạt một nhát đứt ngang gốc cây và chặn con dao vào đó, “răng chắc” thả mình rơi xuống là tóm luôn. Nếu chặt tới nhát thứ hai mới đứt cây là nó đã thoát vào hang rồi. Lúc đó phải dùng chó săn mới đào bắt được. Hang dúi rất dài và ngoằn nghoèo, mặt khác nó cũng rất khéo ngụy trang nên không có chó săn thì khó lòng mà bắt nó. “Răng chắc” sau khi cắt tiết, cạo lông, thui, mổ moi ruột gan, được chặt miếng (cả xương) và tẩm ướp gia vị rồi hầm như món “nhựa mận” của người Kinh. Có điều là “răng chắc” da rất dày nên phải hầm lâu. Da nó dày như da bò vậy. Mỗi mâm chỉ có một bát tô. Tôi thấy hai ông Hưng ăn ít quá nên phải gánh đỡ. Tôi chén khoảng nửa bát, nửa bát kia 5 ông còn lại ăn vẫn thừa! Thịt thú rừng đích thực chắc là bổ. Chúng tôi mỗi người còn làm vài chén rượu tiết dúi.
Mấy đợt lên Yên Bái  công tác, tôi đã nghe kể về món “nõn cọ”, người Kinh hay gọi chệch sang là “mầm cọ”. Ngày xưa người dân Phú Thọ, Yên Bái hay ăn, nhất là những tháng đói hết gạo, ngô, sắn. Nay,  món này gần như không có nữa và trở thành đặc sản. Trước khi lên Lục Yên tôi đã  đặt thực đơn trước với VKH. Có thầy giáo người Tày 50 tuổi còn ngạc nhiên khi tôi đề nghị được thử món này, vì lâu lắm rồi anh cũng không được ăn. May có cháu Hứa Văn Chuông, bảo vệ của trường VKH, con anh Tơ, về nói với Bố mới biết cách chế biến. Nõn cọ là phần ruột cây cọ gần búp non trên ngọn cây. Muốn lấy nõn thì phải hy sinh cây cọ. Vì thú vui ẩm thực của tôi mà một cây cọ đã phải chết và tôi  bỗng thấy mình như mang món nợ với Lục Yên. Người ta bổ thân cây cọ, nhẹ nhàng tách ra lấy riêng phần nõn cọ non mềm trắng như củ cải (khoảng gần 1kg), thái chỉ như thái su hào vậy, rồi ngâm vào nước muối để không bị thâm đen, trước khi sào hay làm nộm. Trong mâm cơm hôm đó có đĩa nộm nõn cọ trộn thị gà xé  và đĩa nõn cọ xào lòng mề gà đều rất ngon và hấp dẫn, nhưng tôi thích nộm nõn cọ hơn. Thưởng thức món nõn cọ, tôi lại nhớ tới hương vị món "củ niễng" sào ngày nhỏ mình đã được ăn, bùi bùi, ngậy ngậy, dòn dòn mà lâu lắm rồi chúng đã biến mất trong thói quen ẩm thực của người Kinh.
 Một đĩa nộm rau lạ trong mâm, anh Tơ giới thiệu là rau dớn. Tôi chợt nhớ hôm trước ở Nghĩa Lộ, các bạn VKH cũng gọi món rau dớn mà nhà hàng không có, chỉ có rau ban thôi. Thoạt nhìn rau này giống như phần ngọn non nhất của rau mướp vậy, nhưng sao bùi, dòn mà ngon quá (hôm nay ngồi nhớ lại vẫn thấy nước miếng ứa ra đây này!). Rau dớn không có ở đồng bằng, chỉ có ở vùng núi - nơi bờ suối, bờ khe, dưới các tán rừng thấp nơi ẩm ướt. Đối với đồng bào dân tộc, rau dớn là “vua” của các loại rau, nó chẳng những giúp cải thiện chất lượng bữa ăn hằng ngày mà còn là món đặc sản để đãi khách. Vì loại rau này nhanh bị dập nát nên người ta hái đến đâu ăn đến đó, bảo đảm rau luôn tươi xanh. Đây là món rau dễ chế biến nhất, có thể xào, luộc, nấu canh, muối chua, làm nộm ...
Món nộm rau dớn luôn làm hài lòng những thực khách khó tính nhất (trong đó có tôi). Làm món nộm không khó, rau dớn được lấy phần ngọn non, các lá bánh tẻ, rửa sạch. Luộc rau bằng cách đun nước cho thật sôi, to lửa rồi bỏ rau vào, lật lên khi nước vừa sôi thì vớt ra, để vào rổ cho róc nước. Lưu ý khi luộc rau cấm đậy vung nồi nhé,như thế rau sẽ mất màu xanh. Các gia vị dùng trong món nộm này cũng gồm lạc rang giã nhỏ, chanh quả, ớt, gừng, tỏi đập nhỏ, một chút đường, bột canh, mì chính. Rau dớn được trộn đều, nhẹ tay với các loại gia vị và để khoảng 5 phút cho ngấm rồi rắc lạc rang lên trên bày ra đĩa.  Khi ăn nộm, bạn sẽ cảm nhận được vị bùi của rau dớn, mùi thơm của các loại gia vị quyện vào nhau ngon đến khó quên.
Anh Tơ kể, loại rau này có sức sống rất kỳ lạ. Mùa mưa lũ, bờ suối bị phủ kín đất cát, chỉ có ngọn rau này vươn được lên trên mặt đất và người ta đi ngắt những ngọn rau như thế. NXH bình luận: có thể tên gọi ban đầu của loài rau này là “rau dướn” rồi bà con gọi lệch ra thành “rau dớn”.
Những nắm xôi đỏ tươi được gói trong lá dong xanh, nhưng không phải đỏ do gấc mà do gạo nếp được ngâm nước một loại lá cây rừng. XH và QH có vẻ lạ vì lần đầu tiên được biết đến một loại xôi như thế, nhưng với tôi thì đã quen. Ba mươi năm trước sống với  người Mán ở Đại Từ Thái Nguyên tôi đã nhiều lần được chén món xôi này. Đồng bào dân tộc biết rất nhiều loại lá cây nhuộm màu gạo: màu đỏ, màu tím, màu xanh, màu đen (màu vàng thì người ta dùng củ nghệ nhé). Lá cây hái về rửa sạch, đun nước, rồi lấy nước đó ngâm gạo nếp, sau đó đem gạo đi đồ là tự nhiên xôi có màu thôi. Thế mới có món xôi ngũ sắc nổi tiếng!
Có nhiều món ăn lạ và câu chuyện với các vị chủ nhà rôm rả quá nên tôi bị chuốc nhiều rượu, có nguy cơ bị say, vì tửu lượng của tôi rất kém và hiếm khi tôi uống rượu nhiều như thế. Lúc đó anh Tơ mới đưa ra một chai rượu nói là rượu ngâm “cao gắm”, mà “gắm” cũng lại là một loại cây trong rừng. Anh giới thiệu loại rượu này đảm bảo “ông uống bà khen hay”, hết say ngay, nên tôi cũng cố làm thêm mấy chén nữa. Mọi lần trước, khi uống rượu như thế này chắc chắn tôi đã bị nôn thốc nôn tháo rồi. Nhưng lần này thì tuyệt nhiên không. Đúng là rượu của anh Tơ thật tuyệt. Về Hà Nội tôi kể lại với mấy ông sâu rượu chuyên đi công tác miền núi, họ đồ rằng, đây có thể là rượu ngâm cây thuốc phiện, không biết có đúng không?
Dự kiến chỉ ở chơi với gia đình anh Tơ, chị Vóc đến khoảng 10 giờ mà mãi đến 11 giờ rưỡi chúng tôi mới bước được xuống chân cầu thang nhà sàn. Anh chị Tơ bắt chúng tôi phải mang theo mỗi người một gói xôi, mấy cái bánh chuối và còn gói kèm một con "gà  trèo đồi" luộc sẵn để chúng tôi ăn đường. Cái sự chu đáo của bà con vùng quê xa, lâu lắm rồi tôi mới lại thấy. (NCT)

13 nhận xét:

  1. Nặc danh13:44 27/5/13

    Đúng là mấy ông phòng máy lạnh. Cây rau các ông gọi là rau Dớn chính là cây dương xỉ mà.
    Ngành Dương xỉ là một nhóm gồm khoảng 12.000 loài thực vật có mạch, không có hạt, sinh sản thông qua các bào tử. Dương xỉ là loài thực vật cổ xưa thuộc họ cây Quyết. Loài Dương xỉ đầu tiên xuất hiện trong các hóa thạch trong thời gian kết thúc kỷ Devon và bắt đầu kỷ Permi (cách đây khoảng 360 triệu năm). Một số bằng chứng cho thấy trong kỷ Triasssic (cách đây khoảng 250-200 triệu năm) là thời điểm phát triễn mạnh mẽ của nhiều loài dương xỉ. Đến kỷ Cretaceous (cách đây 145 triệu năm) nhiều loài dương xỉ bị tuyệt chủng, tuy nhiên vẫn có một số loài vẫn còn xuất hiện ngày nay với những đặc điểm không khác gì tổ tiên của chúng. Một giả thuyết khoa học đã chứng minh rằng khoảng 65 triệu năm trước đây (thời kỳ khủng long bị tuyệt chủng), có nhiều thiên thạch va vào Trái Đất gây nên biến đổi địa chất, nhiều vụ phun trào núi lửa và động đất lớn đã xảy ra chôn vùi một phần các rừng Quyết – Dương xỉ. Với nhiệt độ và áp xuất rất cao trong lòng đất , sau thời gian vài triệu năm lượng gổ này trở thành hóa thạch. Chúng được sử dụng như một dạng năng lượng mà con người thường gọi là than đá.
    Dương xỉ không phải là loại cây quan trọng về kinh tế như thực vật có hạt nhưng có tầm quan trọng đáng kể trong một số tự nhiên và xã hội. Một số cây dương xỉ được sử dụng như một loại thực phẩm của các dân tộc thiểu số vùng nhiệt đới. Có loại là một món ăn truyền thống ở New Zealand và Nam Thái Bình Dương. Củ dương xỉ đã được sử dụng làm thực phẩm từ nhiều nghìn năm trước ở châu Âu. Dương xỉ không gây ngộ độc cho con người .Cây cam thảo cũng là một loài trong họ dương xỉ, thân rễ của chúng được dùng làm hương vị cho các món ăn ở vùng Tây Bắc Thái Bình Dương.
    Có loài dương xỉ được sử dụng như một loại phân bón sinh học ở các ruộng lúa của Đông Nam Á, với khả năng hấp thụ trực tiếp nitơ từ không khí thành các hợp chất mà sau đó có thể được sử dụng bởi các loại cây trồng khác. Nhiều cây dương xỉ được trồng như một loại cây cảnh trồng trong sân vườn, hoặc đặt trong nhà. Nó cũng là một nguyên liệu thường dùng trong cắm hoa. Đặc biệt là cây dương xỉ Boston được trồng với số lượng rất đáng kể, có giá trị kinh tế cao. Có một số loại dương xỉ được biết như cỏ dại, là loài xâm lấn gây hại.
    Dương xỉ đã được nghiên cứu và tìm thấy là hữu ích trong việc loại bỏ các kim loại nặng, asen đặc biệt là từ đất. Nó cũng được chứng minh rằng ó hiệu quả trong việc loại bỏ các chất khí gây ô nhiễm.

    Người ta ước tính có khoảng 9.000 loài dương xỉ túi bào tử nhỏ còn sinh tồn.
    Đây là loại thực vật là thức ăn của một số loài Khủng long (nguồn internet).
    Cẩn thận không thành khủng long.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Tôi chỉ hồ nghi về mặt ngôn ngữ. Từ "dớn" chính là "dướn" đọc chệch đi. Về HN, hỏi mấy ông ngôn ngữ thì hóa ra thật. Thực ra, từ cổ là dớn, sau này mới gọi là dướn. Ăn cái rau mà nó cứ dướn lên, thì ai cũng muốn ăn. Hi hi. Hiện nay chúng ta có nhiều loại từ tương tự như vậy. Có thể có nguyên nhân vùng miền, cũng có thể là nguyên nhân chính thức hóa chính tả. Vì dụ: giồng- trồng; giăng- trăng; nôm-nam; đồi- núi... Có từ vẫn dùng song song, với ngữ nghĩa khác. Khi ở Mường Lai, nhìn cây rau dớn, biết ngay là dương xỉ. Ở Lạng Sơn người ta bán cả bó to ở chợ...(NXH)

      Xóa
    2. ND 13:44 yêu quý, cây dương xỉ thì một em học trò cấp 1 cũng đã biết rồi, nhưng trong số chúng ta ai đã ăn dương xỉ? đồng bào dân tộc Thái - Tày một lần nữa lại dạy chúng ta bài học khi cho ta thử món rau dớn (có thể cũng là rau dướn hay rau dương). Trong số 9000 loài dương xỉ, loài nào sẵn có, có thể ăn được và ăn ngon như rau dớn? đã có ai trả lời và nói với chúng ta đâu. Cũng giống như bọ xít bay đầy nhà mùa hoa nhãn, sao đến tận hôm nay khi chúng tôi nói vừa ăn bọ xít chiên dòn, bạn nào gọi điện cũng nói: khiếp, có hôi không? (NCT)

      Xóa
  2. Nặc danh15:24 27/5/13

    Bác NCT sành ăn thật đấy, nghe bác kể chuyện ăn mà em cứ ứa cả nước miếng. Món nõn cọ bây giờ em mới được nghe, mặc dù em sinh ra và lớn lên ở vùng trung du Phú Thọ nhưng chỉ mới thưởng thức quả cọ muối, quả cọ đồ xôi và cơm nắm gói lá cọ thôi. Cám ơn bác, lần này về quê em sẽ bảo bầm em chặt một cây cọ làm nộm ăn thử.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Đừng dại nghe ông NCT, tôi ăn món nõn cọ thấy dở hơn là củ chuối kho cá. Nõn cọ suy cho cùng cũng là nõn tre, còn xa mới bằng măng tre. Cho nên, không nên thử mà thất vọng. Chiến công ăn nõn cọ chỉ là thỏa mãn biết món lạ thôi. Rồi ông sẽ thấy tôi hay ông NCT nói thật (NXH)

      Xóa
    2. Nặc danh15:46 27/5/13

      Bác NXH và mọi người đừng dùng từ "nói thật" nữa được không. Cứ động đến từ này em lại nghĩ đến bài thơ NÓI THẬT? của NCT mà gai cả người, có lẽ ta nên chuyển thành "nói đúng" hoặc là "nói phải" cũng được, vì "sự thật" bây giờ nó lung tung quá, hôm nay thật mai đã là giả rồi.

      Xóa
    3. Bạn ND15:24 cứ thử làm món nõn cọ ăn thử xem sao. Món ăn ngon hay không còn phụ thuộc vào khẩu vị và tình cảm của mỗi người. Có người rất thích thịt chó, nhưng có người nhìn thấy đã muốn nôn ọe. Ngay cả người thích thịt chó liệu có nuốt nổi những món chế biến từ con chó yêu của mình bị giết thịt? Tôi có một người bạn không bao giờ động tới mắm tôm, nhưng một PGS.TS tôi quen chỉ thích ăn cơm rưới mắm tôm, đi công tác với tôi, PGS.TS bỏ qua mọi món đặc sản, chén liền 5 bát cơm chan mắm tôm. Món nõn cọ không hợp khẩu vị của anh NXH nhưng biết đâu bạn sẽ thấy đây đúng là một đặc sản của quê hương mình. (NCT)

      Xóa
    4. Nặc danh07:40 28/5/13

      Sao bác TQH và bác VKH không lên tiếng xác nhận về chất lượng các món đặc sản này nhỉ, cứ để bác NCT khen còn bác NXH thì chê, bọn em chưa được ăn nên chẳng biết thế nào mà tính cả.

      Xóa
  3. Nặc danh16:14 28/5/13

    Còn món mọc vịt, món trứng kiến nữa anh NCT ơi. Lúc nào rỗi anh kể tiếp để em thử tập nấu cho chồng em thưởng thức, vì chồng em chẳng có điều kiện đi chơi như các anh. Món nõn cọ, quê đồng bằng không có, theo gợi ý của anh NXH em lấy củ chuối thay thế, sào với "tù và ếch" chồng em nhấm rượu khen lắm, mà có hiệu quả rõ rệt nhé.

    Trả lờiXóa
  4. Có lẽ ông NCT chuẩn bị lên hàng ẩm thực gia rồi,món nõn cọ đã gần như thất truyền mà ông ấy vẫn được thưởng thức và đắc biết hơn mà món "cao Gắm" món này chưa phổ biến với người kinh chỉ có ai sống lâu trên vùng, hà giang tuyên quang hay sapa mới biết món này.sở dĩ ông NCT không bị những hiên tượng khi uống rượu là bởi vì cao gắm có tác dung tạo tinh binh, khu phong, trừ thấp, thư cân hoạt huyết, giải độc, tiêu viêm, sát trùng.
    Chúc ông có thêm nhiều bài chia sẻ về kinh nghiệm ẩm thực để nếu có cơ hội mọi người còn thưởng thức.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Trước hết phải cảm ơn VKH, người đã cống hiến cả đời mình cho Yên Bái và các bạn anh đã giới thiệu món ăn này với chúng tôi. Không có VKH thì chúng tôi chẳng bao giờ biết đến những món ăn ấy để mà kể lại cho các bạn (NCT)

      Xóa
    2. Nặc danh08:05 1/6/13

      Anh VKH bị ốm hay bận gì mà 10 ngày nay không thấy lên tiếng trên blog E nhỉ? hay anh nghỉ hè rồi?

      Xóa
    3. Mình vẫn ở cơ quan, vẫn đọc tin và bài của các bạn.Nghĩa Lộ và LụcYên nơi mình đã và đang công tác đúng như những gì mà NCT,NXH đã viết,Mình luôn mong có nhiều bè bạn tới nơi này để hiểu thêm vì sao mình công tác ở Yên Bái được lâu thế. Thứ Năm này mình đang đợi bạn bè của NXH ghé thăm đấy.(VKH)

      Xóa

Bạn có thể nhận xét không cần là thành viên, và nên góp ý lành mạnh, trung thực. Chọn nhập vai trong danh sách phía dưới khung nhận xét.