24 tháng 5, 2013

Sống và chết

Bỏ thói quen ghi nhật ký đã lâu, nhưng bỗng muốn ghi lại cái ngày hôm nay…(NXH)

1. Ngày: 23/5/2013, tức 14/4 âm lịch, ngày Kỷ Sửu, tháng Đinh Tỵ, năm Quý Tị. Ngày và tháng xung nhau theo quan niệm âm dương ngũ hành, đúng là một ngày của những đám tang. Một ngày đi hai đám tang, thế là hết một ngày…
Lễ tang của một nữ nhà văn bắt đầu từ 10 giờ. Đoàn Hội Nhà văn đến viếng đầu tiên. Không hiểu sao, tôi ngại nhất là đến dự tang lễ các vị lãnh đạo, và dễ chịu nhất là đến tang lễ các nhà văn.
Nhiều lần chúng tôi đến viếng các vị lãnh đạo, đều là thuần túy ngoại giao. Sếp bao giờ cũng muốn đoàn phải đông. Mặc dù phong bì thì chỉ có một tên cơ quan, nhưng vẫn muốn đông người cho … hoành tráng. Cho nên không trốn được. Những cuộc tang lễ đó thì xếp hàng chờ đợi từ lúc ghi danh, tranh nhau vào. Đây là chỗ nhất thân nhì quen, ba là chai mặt. Cứ khư khư cái vòng hoa, chen lên hàng đầu, rồi ông đọc danh sách ngứa mắt phải đọc đến tên đơn vị trên vòng hoa. Vào, đi một vòng, và ra nhanh…
Nếu có phải dự lễ truy điệu, thì phải nghe thành tích, mà chủ yếu là liệt kê chức vụ qua các thời kỳ. Rồi thế nào cũng có ông đứng gần đó, nói rằng nói ông bà tha lỗi, ông/bà này thét ra lửa lúc còn sống đây, lộc lá nhiều lắm thời đó đấy, cầu cho hồn thanh thản… vân vân.
Tang lễ các nhà văn thì không có cảm giác xa cách, mà dường như tiễn biệt một người thân cũ đang sống tiếp, có lẽ bắt đầu ngay từ khi vào hội trường, chữ tên người quá cố vẫn còn chữ “Nhà văn”. Còn ngay cả Tổng bí thư chết, cũng không ghi chức danh vào tên ở nơi tang lễ, chỉ là “Đồng chí” hoặc “ông/bà/cụ…”. Ngoại lệ chỉ có “Chủ tịch Hồ Chí Minh”.
Hôm nay, tôi đến, nhìn thấy ngay chữ “Nhà văn Nguyễn Thị Ngọc Tú”, tự nhiên trong mình dâng lên một cảm giác rất kỳ lạ. Không có vẻ gì xa lạ, mặc dù thế hệ tôi cách xa thế hệ bà Nguyễn Thị Ngọc Tú, tôi không có quan hệ xã hội để quen biết bà ấy. Nhưng nằm kia là một Nhà văn đã viết những quyển sách mà tôi đọc khi còn đi học. Dù cho tôi chỉ là một độc giả, nhưng dường như tôi đã quen với tên bà ấy, và quen chính bà ấy khi đọc tác phẩm của bà, những Đất làng, Buổi sáng, Hạt mùa sau… Chả phải riêng nhà văn nào, mọi nhà văn khác đều là người quen với độc giả đã đọc họ. Đến vĩnh biệt một nhà văn, một người “quen” cũ, chứ không phải là vĩnh biệt một người nào đó xa lạ bình thường.
Người ta thường nói, sống thì giàu nghèo sang hèn, nhưng chết thì như nhau, đều xuống ba thước đất. Nhưng tự nhiên, hôm nay tôi ngộ ra một điều rằng, không phải là mọi người chết đều như nhau cả. Có những người chết là hết. Nhưng có những người chết là tiếp tục sống và bắt đầu một hành trình sống mới. Các nhà văn, nhà thơ sinh thời neo đời vào chữ nghĩa, một thứ của cải tinh thần, đôi khi hứng chịu điều tiếng là hâm hấp, là dở người, là ngu ngơ không biết chạy theo lợi lộc, là chọn con đường không khôn ngoan, sung sướng… Nhưng chỉ khi con người nhà văn đã vĩnh viễn mất rồi, thì cái phần tinh thần của họ là các tác phẩm mới trở thành bất tử thật sự. Người bình thường, “tác phẩm” tinh thần của họ là tình yêu con cháu, dòng họ. Đó là một cộng đồng nhỏ bé. Đến lượt thế hệ con cháu mất đi, dường như họ sẽ biến vào hư không, khuôn lại một chữ trong gia phả. Nhưng với các nhà văn, nhất là những người đã sống với mạch nguồn dân tộc, nói cái tâm hồn dân tộc, đau nỗi đau đời nhân dân của mình, thì khi họ thân thể thành cát bụi, tinh thần họ còn sống với cộng đồng lớn những người đọc họ. Có một số người, năng lượng của họ còn ám ảnh người đang sống.
Hồi nhà văn Hòa Vang và Vũ Bão mất, tôi đã đến đám tang của hai nhà văn này, mà không dám vào. Thân thiết thì chắc không phải, vì tôi chả phải thân tình gì với hai ông ấy, nhưng mà tôi có những kỷ niệm mới mẻ với họ. Với Hòa Vang, là vì ông ấy mời tôi qua ông Nhà văn Lê Sơn, chỉ vì đọc thấy mấy chương trích tiểu thuyết trên Tạp chí Nhà văn. Ông Hòa Vang khi đó đã có bệnh, nhưng vẫn nhúc nhắc uống rượu. Râu tóc bắt đầu bạc, như đạo sĩ. Mấy buổi uống rượu thịt chó ở Hòa Mã rồi lại hẹn buổi sau, khi tôi đi công tác một đợt, nghỉ phép về thì ông ấy đã qua đời. Đến đám tang mà cứ sợ ông ấy sống dậy bảo mình uống rượu, tự dưng lòng cứ rưng rưng. Còn ông Vũ Bão, mới đi với ông ấy đến Hưng Yên do Hội Văn nghệ Hưng Yên mời, tình cờ hai bác cháu nằm cùng phòng, thấy ông ấy uống một vốc thuốc Tây đủ các loại, rồi hôm đó ông cho số điện thoại, hẹn về Hà Nội gặp, bất ngờ ông ấy qua đời, chả gặp được. Đi qua đám tang ông mà chả dám vào, bâng khuâng vô cùng…
Như thế, có một nghịch lý trong tâm sự đi dự đám tang. Đám tang lãnh đạo, đi và về lạnh lùng, như đi làm một nghĩa vụ. Nghĩa tử là nghĩa tận. Còn đám tang một nhà văn, xúc cảm dâng đầy như là tiễn biệt một người quen, đôi khi thương cảm rất buồn, nhưng mà biết đó là tình người thật sự.

2. Ngày 23/5. Sau đám tang nhà văn Nguyễn Thị Ngọc Tú, thì mưa như trút ở phía nhà tang lễ. Tôi lại phải đi một mạch về đến Kinh Môn, Hải Dương, viếng hương hồn mẹ một người bạn. Lê Văn Phụng là bạn tôi từ hồi lớp 7, rồi vào học lớp 8; 9; 10 trọ học. Năm tôi học lớp 8, thì mẹ Phụng mới 32-33. Nhà ở cùng huyện nhưng cách nhau xa hơn 10 km, nên không đến nhà nhau mấy khi. Hình ảnh trong tôi bao nhiêu năm bà là một người trẻ đẹp. Đến năm ngoái, chúng tôi mới trở lại thăm nhà Phụng, thì thấy một bà già, tôi cứ nghĩ bụng không biết bà mẹ Phụng đi đâu. Mãi đến khi giới thiệu thì mới nhận ra mẹ bạn. Đôi khi chúng ta không ý thức được dòng thời gian trôi như thế nào. Mẹ ta sống với ta hàng ngày, không nhận ra thời gian của mẹ. Nhưng vào giây phút nhìn thấy mẹ bạn, tôi mới giật mình, một thời đại đã qua, thời gian đã đong đầy một đời người.
Thế mà bây giờ, bà đã là 75 tuổi, và đã trở thành thiên cổ.
Tôi thường nghe chuyện người ta nói rằng, cô Phan Thị Bích Hằng có thể nhìn thấy, nói chuyện được với người âm. Nếu có chuyện ấy thật, thì thế giới này, người âm gấp hàng trăm hàng nghìn lần người đang sống. Nếu có một phương thức nào đó thông tin cho nhau giữa hai thế giới, thì còn đâu nỗi oan khuất, còn đâu bất công trên đời? Nếu có chuyện đó, thì thông tin về nguyên lý Nhân- Quả hiện ra rõ ràng, hỏi còn ai dám sống liều lĩnh, tham tàn trên nhân gian?
Người ta hay nghĩ lẩm cẩm về đám tang to hay bé. Nhiều vòng hoa hay ít, đông người tiễn đưa hay không? Có lẽ đó cũng là tâm lý vụ lợi của người thành phố. Nhất là đám tang người thân của những vị có chức có quyền. Đi dự tang ma, nhưng là đi cho người đang sống. Người ở nhà quê không thế. Ở quê, như nhà quê Lê Văn Phụng và tôi, mỗi khi có đám tang, là tất cả làng đưa người đến nghĩa trang. Đó là một sự mặc nhiên ở làng. Như vậy khái niệm đám tang to hay bé hoàn toàn vô nghĩa với người ở làng quê. Khi mẹ tôi mất, từ Hà Nội về Kinh Môn an táng, thì hầu hết những người ở xã đã biết đều ra đưa tiễn, mặc dù không có chính thức báo tang. Đó là tục lệ làng quê còn sót lại đến bây giờ…
Cho nên, các vị có chức quyền, thì tốt hơn hết là về chết ở quê. Là người con của làng quê, dù anh có là tham quan vô lại, nhưng bà con chòm xóm, quê cha đất tổ cũng không nỡ ghẻ lạnh. Dù cho sinh thời có quên không trả nghĩa được ai đó, thì cũng sẽ được người ở quê tha thứ mà đi tiễn đưa đến nơi trở về cát bụi.
Chiều tối, chúng tôi mới từ Kinh Môn về đến Hà Nội. Một ngày đi hai đám tang, hơn hai trăm cây số, mệt bã người. Nhưng lại thấy như là mình học được một bài học mới…


3 nhận xét:

  1. Nặc danh21:24 24/5/13

    Đọc những dòng nhật kí của nhà văn NXH ghi những dòng cảm xúc khi đi hai đám tang, em rất xúc động vì những dòng viết ấy đã gợi em nhớ đến hai người.
    Thứ nhất, là nhà văn Nguyễn Thị Ngọc Tú. Em chưa từng gặp nữ văn sĩ ấy, nhưng em nhớ bà vì một kỉ niệm lúc nhỏ, lúc em học cấp 2. Em chỉ mượn được "Đất làng" có một đêm. Mấy trăm trang sách, em đọc gần hết đêm cũng chưa hết. Sáng đến trường, say sưa đọc nốt trong giờ học, và bị thầy dạy sinh tóm được ... Nữ nhà văn đáng mến ấy mất rồi ư?
    Người thứ hai em nhớ đến, là u em. Anh XH kể về đám ma mẹ anh Phụng ở làng quê, em lại nhớ đến u em. Tháng tư này, chỉ còn mươi ngày nữa, là đến ngày giỗ u em ...
    (Mai Hương)

    Trả lờiXóa
  2. Nặc danh23:53 24/5/13

    Em thích đọc tất cả những gì anh viết!

    Trả lờiXóa
  3. Nặc danh23:11 26/5/13

    Sống và chết, còn và mất, thật và giả,.... Sự ngộ ra của NXH khiến khối kẻ cũng được ngộ ra khối thứ. Cảm ơn tác giả!

    Trả lờiXóa

Bạn có thể nhận xét không cần là thành viên, và nên góp ý lành mạnh, trung thực. Chọn nhập vai trong danh sách phía dưới khung nhận xét.