19 tháng 5, 2013

Chúng tôi ăn bọ xít

Hôm qua, trước khi khởi hành thì NXH thông báo chỉ đi được hai ngày thứ Bảy và Chủ Nhật, vì thứ hai phải họp tại Đồ Sơn từ 8 giờ sáng. Trong khi đó VKH đã chuẩn bị những món đặc sản dân tộc Tày Lục Yên đón tiếp đoàn vào buổi trưa. Thế là chương trình đi Nghĩa Lộ có nguy cơ bị hủy bỏ. Không hiểu trời xui đất khiến thế nào anh Mai lái xe lại rẽ nhầm vào đường 32 (đáng lẽ phải đi đường 32 C). Mấy anh em cứ mải nói chuyện đến khi phát hiện lạc đường thì đã thấy cột cây số chỉ Nghĩa Lộ 68 km, nếu rẽ về Yên Bái và đi Lục yên thì còn 150km nữa. Thế là cả bọn quyết định rẽ vào Nghĩa Lộ ăn trưa. Tại đây bọn mình đã nếm thử món bọ xít.
Ở Hưng Yên quê mình, mùa này bọ xít đúng là một “tai họa”, chúng vừa làm hại nhãn lại vừa hôi hám. Ai cũng sợ bọ xít bám vào quần áo, đầu tóc, nhưng chẳng người nào dám nghĩ đến chuyện ăn bọ xít cả. Mình đọc báo thấy vùng Văn Chấn Nghĩa Lộ có món đặc sản “bọ xít chiên giòn” nên cũng quan tâm.
Theo quan niệm của người dân ở đây, bọ xít nhãn là một loại côn trùng không độc hại và bổ cho sức khỏe bởi bọ xít là loại ký sinh sống dựa vào tinh chất của cây nhãn mà nhãn là loại hoa quả có hàm lượng dinh dưỡng cao.
Mấy đồng nghiệp của VKH ở trường dạy nghề Nghĩa Lộ, thổ dân vùng này đón và dẫn chúng mình vào một nhà hàng khá sang trọng. Món đầu tiên mình đề nghị là “bọ xít chiên giòn”, món thứ hai là “cá sình nướng” (tuy nhiên món này đã hết phải thay bằng cá chép suối nướng);các thổ dân gọi thêm món “rau ban”,  “chim én quay” và “gà đồi”. Tuy nhiên mình chỉ tập trung tìm hiểu món “bọ xít” thôi.
Cô Thắm, Phó Phòng đào tạo giới thiệu: người dân có rất nhiều cách hiệu quả để bắt bọ xít. Khi bọ xít còn non, chỉ cần tẩm nước măng chua hơ lên cây nhãn, chúng sẽ tự rơi xuống đất. Người ta dùng chiếc nẹp tre kẹp từng con bỏ vào túi. Với bọ xít già đã mọc cánh, phải dùng vợt buộc vào đầu cây sào dài, rồi rung nhẹ từng chùm hoa, chùm lá, bọ xít thấy động là bay khỏi chùm hoa, rơi vào vợt. Lúc ngồi uống nước mình thấy mấy chú bé mang bọ xít đến bán cho nhà hàng giá 100.000 đồng  một kg.
đây là món bọ xít, vào lúc cuối bữa (Ảnh: NXH)

 Cũng theo cô Thắm, người dân nơi đây chế biến bọ xít khá đơn giản. Để bọ xít không còn mùi hôi, người ta đem bọ xít ngâm xuống nước măng chua vài giờ cho đến khi bọ xít đã chết, bọt khí từ bọ xít bốc lên phủ kín mặt nước, bấy giờ người ta vớt ra, rửa sạch để ráo nước rồi đem luộc trong nước măng chua, sau đó đem sao vàng. Bọ xít khi đã được sao vàng không còn mùi hăng hắc đặc trưng nữa mà có mùi rất thơm. Lúc này đem vặt bỏ cánh rồi đem chiên với dầu hoặc mỡ. 
Điều đặc biệt là không phải ướp bọ xít với gia vị gì, kể cả mắm, muối, mì chính. Khi ăn, đổ dầu lưng chảo, rồi xúc bọ xít vào rá sắt, nhúng vào dầu sôi một lát, rồi nhấc ra đĩa là xong. Gia vị duy nhất ăn với bọ xít là lá chanh thái chỉ và một chút nước cốt chanh. Bản thân con bọ xít đã mang đủ các vị cay, mặn, ngọt, bùi…(mình thích ăn thêm với  một chút rau thơm).
Món bọ xít chiên thật hấp dẫn với màu vàng sẫm óng, vị ngọt, ngậy nơi đầu lưỡi và giòn tan thơm nức rất độc đáo, nhấp một chút rượu táo mèo thật là lạ miệng, hơn hẳn món châu chấu, dế, nhộng mà mình đã từng ăn. Chú ý là bọ xít cái thường to và ngon hơn bọ xít đực nhé.
Theo Giáo sư Arnorld van Huis – chuyên gia của Tổ chức Nông nghiệp và Lương thực Tế giới (FAO), con người nên ăn các loại côn trùng thay vì ăn thịt gia súc để giải quyết vấn đề lương thực trong tương lai. Thống kê được đưa ra: mỗi năm bình quân một người châu Âu tiêu thụ khoảng 120kg thịt, một người Trung Quốc tiêu thụ khoảng 80kg. Để cung cấp đủ lượng thịt động vật cho hơn 6 tỷ người cần rất nhiều thực vật làm thức ăn. Nếu không đưa ra được những biện pháp thích hợp, năm 2050, khi dân số thế giới đạt đến con số 9 tỉ, chúng ta sẽ phải cần một quả đất khác để giải quyết được vấn đề lương thực. Nếu con người đổi từ các loại thịt động vật thành côn trùng, tình hình sẽ khác. 1kg côn trùng chỉ cần khoảng 1,5 – 2 kg thực vật làm thức ăn. Ngoài ra, lượng khí thải từ nuôi côn trùng ít hơn so với nuôi gia súc, gia cầm. Bên cạnh đó, côn trùng giàu protein, vitamin và khoáng chất với hơn 1000 loài khác nhau, xuất hiện trên 80% các quốc gia trên thế giới.Và thực tế, mùi vị của các món ăn côn trùng cũng rất hấp dẫn.
Hãy thử một lần đến Nghĩa Lộ vào mùa hoa nhãn, thưởng thức một lần món “bọ xít chiên giòn” hẳn các bạn sẽ còn nhớ mãi dư vị đặc biệt, hấp dẫn của món ăn phải nói là rất ngon và bổ này. Một đĩa bọ xít chiên ở đây giá khoảng 30-55.000 đồng tùy theo mức độ sang trọng của nhà hàng (NCT)

6 nhận xét:

  1. Nặc danh00:33 20/5/13

    Thảm họa sắp xảy ra rồi. Quê Hưng yên của NCT sẽ không còn nhãn lồng hiến vua nữa và sẽ chẳng bao giờ được ăn nhãn hay vải nữa, vì người dân sẽ chỉ trồng nhãn, vải để bắt bọ xít thôi, càng nhiều càng tốt. NCT đang chuẩn bị nghề mới khi về hưu đây.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. ND 00:33 chưa hiểu về nhãn rồi. Bọ xít là kẻ thù số 1 của nhãn, làm cho quả nhãn bị khô, còi. Ở Hưng Yên, vào mùa nhãn, càng ngày bọ xít sinh sôi nảy nở càng nhiều. Ở các vườn nhãn người ta phun thuốc sâu trừ bọ xít mà vẫn không xuể. Nếu người dân biết ăn bọ xít thì vừa cải thiện được bữa ăn hàng ngày, vừa diệt được bọ xít lại bảo vệ được môi trường. Thật là "lợi cả ba bốn đường" (NCT)

      Xóa
  2. Sao chưa thấy NXH và NCT post ảnh lên nhỉ?

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. NXH được phân công làm phóng sự ảnh về toàn bộ chuyến đi. Ông ấy đang bận vài việc, các bạn tạm chờ một chút nhé (NCT)

      Xóa
  3. Nặc danh21:46 20/5/13

    Anh NCT quê xứ nhãn lồng ... bọ xít, nhưng chắc ngày xưa mải học quá, nên đến tận bây giờ, ở tuổi U60 rồi mới được thưởng thức món ăn bọ xít ở mãi tận Nghĩa Lộ. Còn kẻ lười học như em đây, một buổi đến trường, một buổi theo anh trai đi chăn trâu, thả diều, bắt châu chấu cào cào bọ xít, thì những món ăn từ côn trùng ấy ... xưa rồi. Tuy nhiên, châu chấu cào cào thì chúng em đem về rang cùng nước cà, lá chanh để cả nhà ăn cơm, còn bọ xít, thì chúng em nướng ăn tại trận. Chúng em chả có nước măng chua ngâm cho khỏi hôi, cũng chẳng có dầu ăn mà chiên giòn. Chúng em cứ xiên và ... nướng. Có thấy hôi đâu. Thơm lừng, chảy cả nước miếng! Leo cây nhẵn bắt bọ xít, có khi còn bị nó đái cho xưng vù cả mắt lên cơ.
    Nhưng nghe anh giới thiệu vè món bọ xít chiên giòn này cũng hấp dẫn lắm. Ở miền xuôi, trong đó có quê em, bọ xít nhiều mà chưa thành món ẩm thực đàng hoàng như châu chấu. Hay anh về Hưng Yên phổ biến đi, rồi nhân ra các vùng lân cận. Có khi thu lãi lớn đấy.
    (Hoài Thu)

    Trả lờiXóa
  4. Lẽ ra món bọ xít phải là đặc sản của vùng Hưng Yên mới đúng, vì đây mới là vùng nhãn lâu đời và rộng nhất ở miền Bắc. Mùa nhãn, bọ xít thật nhiều nhưng người Kinh mình cứ nghĩ nó gớm ghiếc, hôi hám quá nên ngại bắt và không dùng để chế biến món ăn. Chính đồng bào dân tộc, nhiều khi lại có cách suy nghĩ, cách làm đi trước cả người Kinh. Biến bọ xít thành món ăn đặc sản mà người sành ăn như NCT phải khen, người Thái, người Tày không chỉ giới thiệu được tài ẩm thực của mình mà còn bảo vệ được môi trường sinh thái, giữ được chất lượng hoa quả, lại còn thu được tiền nữa. Một trăm ngàn một cân bọ xít, chế biến được khoảng 3 đĩa thu 300 ngàn. Hiệu quả cho cả nông dân và nhà hàng, sao người Hưng Yên không học tập và làm theo nhỉ? Cứ suốt ngày họp "học tập và làm theo" những cài gỉ cái gì thật vô tích sự. (LPT)

    Trả lờiXóa

Bạn có thể nhận xét không cần là thành viên, và nên góp ý lành mạnh, trung thực. Chọn nhập vai trong danh sách phía dưới khung nhận xét.