25 tháng 6, 2013

Chuyên mục kinh tế: bài đầu tiên

Cựu học sinh lớp E chuyên toán, từ lâu đã không bàn về toán nữa mà chuyển sang nói chuyện văn chương. Qua trao đổi trên blogE chúng ta tự tin hơn khi nói chuyện với các nhà văn, nhà thơ, nhà phê bình văn học và nhất là với... các cô giáo dạy văn. Chúng ta hầu hết làm trong các ngành kỹ thuật (kĩ sư, bác sĩ, nghiên cứu khoa học), cũng nên biết chút ít về kinh tế vĩ mô, kinh tế vi mô, để không bị "ngọng" khi đứng trước các nhà kinh tế, các quan Trung ương, quan tỉnh, quan huyện. Thể theo nguyện vọng của một số bạn đọc, kể từ hôm nay, BBT blogE mở thêm Chuyên mục kinh tế, phản ánh đều đặn những vấn đề liên quan đến đầu tư, kinh doanh hàng ngày mà mọi người đều quan tâm. Những bài viết trong chuyên mục này sẽ được sưu tầm, lựa chọn phù hợp với nhu cầu, thị hiếu bạn đọc blogE. Đây cũng là một diễn đàn để mọi người giúp nhau mở mang thêm hiểu biết của mình về một lĩnh vực vô cùng quan trọng của cuộc sống, đó là lĩnh vực  Kinh tế.
Bài đầu tiên chúng tôi muốn giới thiệu là bài viết của nhà báo Nguyễn Vạn Phú, trước là nhà báo hàng đầu của Báo Đầu tư, đã chuyển sang làm cho Thời báo Kinh tế Sài Gòn. Chúng ta hãy xem Nguyễn Vạn Phú nói về vấn đề tăng trưởng tín dụng ở Việt Nam hiện nay như thế nào? (BBT)

CHUYỆN TĂNG TRƯỞNG TÍN DỤNG
Nguyễn Vạn Phú

Ngân hàng Nhà nước đang cố gắng tìm mọi cách để các ngân hàng cho vay nhiều thêm, mức thêm cố gắng chừng 12% so với năm ngoái, bởi phải tăng dự nợ tín dụng tối thiểu ở mức này thì GDP mới tăng như dự tính. Nhưng thay vì thúc giục các ngân hàng thương mại, tại sao không thử hỏi các doanh nghiệp, là nơi đi vay tiền, vì sao họ không thèm vay thêm nữa.
Khác với suy nghĩ bình thường, lãi suất cao nhưng đi kèm lạm phát cao thì không làm doanh nghiệp lo ngại. Đầu năm họ vay một khoản tiền mua nguyên vật liệu về để sản xuất, giá chừng đó; giữa năm bán hàng (giá đã lên) thu tiền về. Vì tình hình lạm phát, hàng bán ra sẽ có giá cao hơn dự tính, dư sức chịu lãi suất cao mà vẫn còn có lãi.
Cái thời điểm khó khăn nhất của doanh nghiệp là giai đoạn chuyển đổi, từ lạm phát cao sang chững lại và giảm xuống. Lúc đó lãi suất cao mới là gánh nặng vì đội giá thành trong khi giá bán không tăng được nữa. Đó chính là giai đoạn hiện nay nên doanh nghiệp không vay, không mở rộng sản xuất kinh doanh.
Ngoài ra những doanh nghiệp còn làm ăn được, cũng đang tìm những nguồn vốn khác chứ không chịu vay ngân hàng nữa. Làm ăn được hiện nay chỉ có những ngành liên quan đến xuất khẩu và nông nghiệp. Cả hai đều đang tận dụng khả năng chiếm dụng vốn (hoặc của nông dân, hoặc của khách hàng bằng nguyên vật liệu) nên cũng không đụng tới tín dụng ngân hàng.
Nhiều doanh nghiệp chọn con đường bán bớt cổ phần cho nước ngoài, tiền cũng rót vào kinh doanh, không qua tín dụng ngân hàng. Kiều hối những năm trước chảy vào địa ốc, nay địa ốc đóng băng, tiền sẽ chảy vào sản xuất, kinh doanh – chảy trực tiếp, không qua tín dụng ngân hàng.

Chính vì vậy trong năm 2012, tổng phương tiện thanh toán tăng 22,38% mà tín dụng chỉ tăng 8,91%; Đến cuối tháng 5/2013, tổng phương tiện thanh toán tăng 5,46% mà tín dụng chỉ tăng 2,98%. Nói tóm lại, vẫn có tiền để duy trì mức tăng GDP như dự kiến, chỉ có điều một phần tiền này nó không chảy qua kênh tín dụng của ngân hàng (nền kinh tế phi chính thức của Việt Nam chiếm đến 30%).
Về phía ngân hàng, tín dụng không tăng nhiều khi là điều hay. Mấy năm trước có lúc huy động được 100 đồng, họ lại cho vay lên đến 116 đồng! Nay tỷ lệ này giảm còn 95% nhưng phải xuống nữa, chừng 80% mới phù hợp và 70% mới an toàn. Chứ cứ như mấy ngân hàng làm liều, vay tiền ngân hàng khác để cho vay thì sẽ sớm sụp tiệm.
Trước đó, các báo chạy tít “Mỗi tháng bơm thêm 40.000 tỷ đồng”; hay “Bơm 40.000 tỷ đồng tín dụng vào nền kinh tế mỗi tháng”… là sai rồi. Viết như thế nhiều người sẽ hiểu nhầm Chính phủ sẽ bơm một lượng tiền khổng lồ, 40.000 tỷ đồng/tháng, vào nền kinh tế. Tiền ở đâu mà “bơm” như thế?
Thật ra, tại Quốc hội, ông Nguyễn Xuân Phúc (Phó Thủ tướng) nói “…tất cả các tháng còn lại mỗi tháng chúng ta phải giải ngân được 40 nghìn tỷ/ tháng” để tín dụng cả năm tăng 12%. Chữ chúng ta ở đây phải hiểu là hệ thống ngân hàng.
Tín dụng tăng hay không là do ngân hàng (người cho vay), doanh nghiệp (người đi vay); còn chính phủ chỉ đóng vai trò thúc đẩy. Những năm trước tín dụng tăng kỷ lục, có năm tăng trên 50%, chủ yếu đổ vào bất động sản và những ngành nghề liên quan. Nay bất động sản không hút tiền vì đang đóng băng thì tín dụng làm sao tăng được.
Giả thử năm ngoái bạn cho vay 100 đồng, muốn tăng 12% tức năm nay phải cho vay 112 đồng. Nhưng nay người vay cũ trả nợ và không vay nữa, tức duy trì 100 đồng đã khó, làm sao nghĩ đến chuyện cho vay 112 đồng. Ngân hàng cũng vậy, nợ cũ tăng nhanh, nay xẹp cũng nhanh, có cái thành nợ xấu, có cái người nào giỏi trả được nợ thì đâu dám vay nữa nên duy trì tín dụng ở mức bằng năm ngoái là đã giỏi lắm (chỉ sợ nó co hẹp lại, tăng trưởng âm nữa kìa) nói gì đến tăng trưởng. Cho nên trông chờ ngân hàng giải ngân mỗi tháng 40.000 tỷ đồng là chuyện khó, hầu như không thể thực hiện được.
Các nước cũng rơi vào tình trạng như thế nên cũng có chuyện bơm tiền ra. Và bơm hiểu theo nghĩa ngân hàng trung ương mua trái phiếu chính phủ (hay các tài sản tài chính) mà ngân hàng thương mại đang nắm giữ, đưa tiền cho ngân hàng để tiền chảy vào nền kinh tế. Thế mà ở Việt Nam đang làm ngược lại, ngân hàng thương mại bỏ tiền ra mua trái phiếu chính phủ! Và để cho khỏe Ngân hàng Nhà nước bèn tính khoản mua trái phiếu chính phủ đó cũng là tăng trưởng tín dụng!

5 nhận xét:

  1. Thực ra, bài về kinh tế đã có một số ông đăng lên rồi. TQH giới thiệu Alan, ông NXH giới thiệu bài của Cụ Bùi... Các vấn đề kinh tế được nhiều diễn đàn bàn rất sôi nổi. Có lẽ nhiều bạn đọc còn e dè, đề nghị BBT chọn những bài cụ thể, dễ hơn...

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Đúng là có nhiều bài về kinh tế đã đăng trên blogE rồi. Thâm chí TS kinh tế NCT còn viết "Áp dụng nguyên lý Pareto vào cuộc sống", nhưng BBT chưa tập hợp và hình thành lên một chuyên mục cụ thể để tạo ra một diễn đàn cho mọi người trao đổi học hỏi lẫn nhau. Tôi thấy mỗi tuần chuyên mục này nên giới thiệu một bài, có thể về kinh tế vĩ mô, có thể về kinh tế vi mô hay câu chuyện kinh doanh. Đối với đa số độc giả, bàn về kinh tế là câu chuyện khó, vì thế có thể nêu ra câu hỏi để thảo luận. Người hiểu rồi thì giải thích cho người chưa hiểu. Người đã được học và nghiên cứu về kinh tế giải thích cho người chưa được học. Như vậy chúng ta sẽ giúp nhau nâng cao trình độ nhận thức về kinh tế và có thể vận đụng được vào cuộc sống hàng ngày. Tôi thấy bài về tín dụng này hay đấy chứ và cũng dễ hiểu (có lẽ tôi đã học qua kinh tế rồi). LPT

      Xóa
  2. Bây giờ, nền kinh tế nước ta có một hiện tượng đặc biệt: Ngân hàng có tiền không cho vay được, giới doanh nghiệp chán đầu tư. Tôi cho rằng đây là nguy cơ rất lớn của nền kinh tế. Khi mà các yếu tố làm ra của cải chững lại, thì chỉ có tiêu đi, nguy hiểm quá. Chắc giới làm chính sách cũng biết và đang gỡ, nhưng bảo thủ quá thì càng gỡ càng rối. Cứ xem bạn bè ông TQH, đại gia giờ chỉ tính đi du lịch, niêm phong kho và két lại, tính chuyện xả street, vậy ai là người làm lụng cho quốc gia này? Cứ hỏi ông TQH mà xem?

    Trả lờiXóa
  3. Nặc danh10:25 25/6/13

    Tiền không cho vay được sẽ dẫn đến thừa tiền, nên lãi suất gửi tiết kiệm bây giờ giảm thấp quá. Xin anh TQH mách dùm em có nên rút tiết kiệm ra mua vàng bây giờ không anh hay làm việc gì khác được ạ? Em làm nghề gõ đầu trẻ nên từ trước đến giờ có đồng nào chỉ biết gửi tiết kiệm.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Nặc danh09:02 29/6/13

      Anh TQH đi đâu mà không thấy trả lời em nhỉ? Có anh nào nòi giùm cho em đi. Giá vàng lại tăng rồi (ND10:25)

      Xóa

Bạn có thể nhận xét không cần là thành viên, và nên góp ý lành mạnh, trung thực. Chọn nhập vai trong danh sách phía dưới khung nhận xét.