29 tháng 6, 2013

THÁNG BẢY HÃY ĐẾN THĂM FUJISAN

Fuji hay Fujisan ấy chính là núi Phú Sĩ, là ngọn núi lửa đã ngủ yên, là ngọn núi cao nhất của Nhật Bản với chiều cao thực 3.776 mét, mang hình chóp nón cắt ngọn, một biểu tượng nổi tiếng không chỉ ở đất nước Phù Tang mà vang danh cả phần còn lại của thế giới. Phú Sĩ là đề tài trong các bức họa và nhiếp ảnh nghệ thuật cùng văn chương và âm nhạc. Phú Sĩ trải dài thuộc tỉnh Shizuoka và Yamanashi nằm gần như trung tâm đảo Honshu. Đỉnh núi Phú Sĩ quanh năm tuyết phủ trắng chảy dài xuống lưng chừng xa trông như chất kem sữa đặc đầy chảy tràn từ miệng núi lửa. Chân núi có năm hồ nước ngọt lớn là các hồ Kawaguchi, Yamanaka, Sai, Motusu và Shiju. Cùng với hồ Ashi ở gần đó chúng tạo nên một cảnh quan tuyệt đẹp cho ngọn núi làm cho Phú Sĩ càng hùng vĩ.
      Các nhà khoa học xác định Phú Sĩ có bốn thời kỳ hoạt động núi lửa. Lần phun trào gần nhất cách nay hơn 300 năm (1707). Ngọn núi lửa nay đã “chết”. Tuy nhiên người ta vẫn lo nó sắp “thức giấc” trở lại. Nỗi lo lắng ấy có lý khi các áp lực địa chất ngày một mạnh hơn trong thời gian qua như trận động đất mạnh 9 độ Richter hồi năm 2011 xảy ra ngoài thềm đại dương, kết hợp một cơn dư chấn mới đây gần Phú Sĩ đang tạo áp lực cực lớn lên bầu magma của núi lửa. Áp lực ấy cao gấp 16 lần mức bình thường. Con số thật “đáng sợ”. Người ta dự tính một khi Fujishan phun trào trở lại nó có thể ảnh hưởng tới 400.000 người và gây thiệt hại hơn 30 tỷ USD.
      Hàng năm, du khách chỉ có thể leo lên đến đỉnh núi Phú Sĩ vào hai tháng 7 và 8. Người quản lý cho hay, từ mồng 1 tháng 7 hằng năm người ta làm lễ mở cửa ở núi Gogome thuộc cửa Yashida, cho đến ngày 31 tháng 8 thì mọi hoạt động chính thức kết thúc. Đây là thời gian Phú Sĩ có nền khí hậu lý tưởng nhất. Trên đỉnh núi gió nhẹ, nhiệt độ từ 5 đến 6 độ C. Mặc dù thời gian mở cửa không nhiều song hằng năm vẫn lôi cuốn tới 25 triệu người Nhật Bản và ngoài nước tới tham quan du lịch. Công việc trèo lên đỉnh núi Phú Sĩ với người Nhật Bản được coi là công việc thiêng liêng cố gắng làm một lần trong đời. Những người leo núi thường bắt đầu cuộc hành trình từ buổi chiều xuyên qua đêm để rồi sáng sớm hôm sau được ngắm nhìn cảnh mặt trời mọc ở trên núi. Từng  đoàn người nối đuôi nhau trong màn đêm được soi rọi qua ánh đèn pin lung linh rực rỡ xa trông như một con rồng khổng lồ đang cuộn mình trườn ngược.
      Lên đỉnh Phú Sĩ phải mất từ 5 đến 9 giờ, nhưng khi xuống chỉ cần 3 giờ đồng hồ. Thời tiết khắc nghiệt, đường leo khó khăn hiểm trở nếu không có “lửa từ trái tim” thì không đủ nghị lực để…leo. Với người Nhật Bản Phú Sĩ là ngọn núi thần núi thiêng che chở cho đất nước Nhật, đem đến sự tốt lành may mắn. “Thứ nhất Fuji, thứ nhì Naka, thứ ba Nasa”. Có nghĩa là vào đêm mồng 1 Tết, may mắn nhất là người có giấc mơ thấy Phú Sĩ, thứ nhì là Chim ưng, và thứ ba là Cà tím. Những người sùng bái núi Phú Sĩ đã thành lập một tổ chức “tín ngưỡng ngọn núi” này có tên là Fujiko. “Nhật Bản không núi Phú Sĩ – Nước Mỹ không tượng Nữ thần Tự Do” – dân Nhật nói thế.       
     Hồ Ashinoko là một trong “Ngũ hồ” nằm quanh núi Phú Sĩ và là hồ lớn nhất đến nỗi từ bờ bên này nhìn bên kia chỉ thấy tận chân trời ngọn núi Fujisan mờ nhạt. Chúng tôi được leo lên một chiếc thuyền lớn màu xanh rêu có chạm nổi những hình thù cổ quái sơn nhũ vàng và trên boong thuyền dựng nhiều cột buồm dây lèo chằng chịt với một bức tượng “Hải tặc” thời xa xưa dữ dằn to lớn như hải tặc trong phim vậy. Có lẽ những người làm du lịch muốn cho du khách trải nghiệm con thuyền “Cướp biển” bởi con thuyền đi trong gió tuyết phũ phàng trên mặt hồ rộng mênh mông. Khung cảnh thật hấp dẫn khi mà du khách chen nhau lên boong dưới trời mưa tầm tã chụp những bức ảnh với chùm “Hải tặc”.
    Qua ô cửa kính khoang thuyền “Cướp biển” tuy trong mù mưa vẫn nhìn thấy những dãy nhà xa xa ven hồ thật thơ mộng trong bóng chiều tà.
Trong hành trình tham quan núi Phú Sĩ có hồ Kawaguchi nằm ở thung lũng Kowakodani, vết tích của miệng núi lửa phun trào cách đây 3.000 năm. Ta có thể nhìn thấy những giếng nước nóng mà nguồn nước có hàm lượng sulphuric nồng nàn mùi hăng hắc bay trong không khí. Nguồn nước ấy đem luộc trứng vỏ trứng chín có màu xám tro. Nhưng nó mang theo truyền thuyết khi ăn một quả trứng được luộc tại đây có thể kéo dài tuổi thọ thêm 7 năm. Có người “xơi” tới 3-4 quả ngon lành. Chúng tôi theo toán thanh niên Nhật leo bộ hơn cây số dưới giá  lạnh lên tận căn nhà lưng chừng núi để mua trứng luộc tại chỗ giếng nước chứ không chờ họ chuyển qua đường cáp xuống trung tâm thương mại. Hy vọng trứng ra lò nóng hôi hổi này thì sự mầu nhiệm sẽ cao hơn. Tôi chỉ “xơi” một quả, thọ thêm 7 năm đã là quá nhiều. Sống lâu hơn chưa chắc đã hay ho.

Ở chân núi Phú Sĩ phía bắc có một khu rừng có tên Aokigahara tĩnh lặng u tối đến bất thường, được coi là khu rừng “chết chóc”. Mỗi năm có hàng chục người Nhật Bản tìm đến Aokigahara để thực hiện cuộc hẹn hò với thần chết. Nó chỉ thua cây cầu Golden ở Francico nước Mỹ về số người tìm đến cái chết hằng năm. Khu rừng còn có tên “Jukai” tức “Biển cây”, một trong số ít rừng nguyên sinh còn lại của Nhật Bản. Đất rừng chủ yếu là đá núi lửa có nhiều hang hốc hiểm trở và sâu thẳm.
 Tháng Bảy đến rồi, bạn nào có điều kiện đi du lịch Nhật Bản chớ bỏ qua cơ hội leo lên đỉnh Phú sĩ để thử sức mình và kiếm thêm tuổi thọ nhé. (BBT)

1 nhận xét:

  1. Nặc danh21:05 30/6/13

    Eo, leo núi Phú Sĩ gian khổ thế, em chẳng có đủ nghị lực mà leo đâu. Nhưng em rất muốn được “chén” một quả trứng luộc ở giếng nước nóng trên hành trình thăm núi để em có thể sống thêm 7 năm cho tròn 100 tuổi (Tử vi của em nói em sống đến 93 tuổi mà!). Có anh E nào tham quan Phú Sĩ trong tháng Bảy này, nhớ mang về cho em một quả trứng nhé (Chắc không cần phải ăn tại chỗ chứ ạ?).
    (Hoài Thu)

    Trả lờiXóa

Bạn có thể nhận xét không cần là thành viên, và nên góp ý lành mạnh, trung thực. Chọn nhập vai trong danh sách phía dưới khung nhận xét.