Hôm trước tôi đã định viết phần II về lão Lục
bát Văn Thùy, chỉ để giới thiệu hai mảng thơ với rất nhiều bài hay của lão: Mảng
thơ tình và mảng thơ thế sự. Thế rồi, trong số những bạn đọc blog E, có người
không tin chuyện tôi và muội muội đã đến gặp Văn Thùy, muốn có một bức ảnh làm
minh chứng, nên tôi đã định không viết tiếp nữa. Nhưng rồi, tôi lại không thể
không kể tiếp chuyện về lão Dị nhân này, vì tôi tình cờ gặp lại lão lần nữa ... (Hải Yến)
Gặp lại Dị nhân Thơ tình - Lão "Đôn Kihôtê thời hiện đại"
Sau hôm tôi và muội muội tìm gặp lão Lục bát dị
thường ấy khoảng mươi ngày, tôi là khách mời của một Hội nghị Văn học Nghệ thuật.
Đến Hội nghị hơi sớm, vậy mà tôi đã thấy lão Dị nhân ở hội trường. Đọc nhiều bài
về lão trên mạng, tôi vẫn biết lão thường có mặt trong những hội thơ văn ở khắp
nơi. Để cho thơ, để bán thơ. Hôm nay, lão xuất hiện với một cái máy ảnh to tướng
đeo trước ngực, một cái máy quay nhỏ xíu cầm tay, nhưng có bộ chân máy vô cùng
hoành tráng. Nghe nói lão được ai đó cho trong chuyến đi xuyên Việt. Lão đang
loay hoay chọn chỗ để máy. Chẳng biết cái bị đựng thơ của lão để đâu?
Khi Hội nghị diễn ra, lão đi đi, lại lại, quay
quay, chụp chụp ... như một phóng viên chính hãng của một đài truyền hình nào đó. Lúc lão đến chỗ tôi để quay chụp, tôi lại trỏ vào mình như hôm trước và hỏi lão:
-
Lão Lục bát, còn nhớ gái hai con này không?
Lão nhìn tôi qua cặp kính to tổ bố và lắc đầu,
hỏi: "Gặp bao giờ"? Tôi nhắc:
-
Hải Yến và Thanh Hải, xin thơ và thư pháp của lão cách đây mươi ngày đấy!
Lão "À!". Và bảo:
-
Mai bảo Gái con rưỡi đến mà đổi quyển thơ
mới, có rồi đấy!
Chẳng là hôm trước, khi tôi giới thiệu với lão
rằng muội muội là "Gái một con", lão bảo: "Con rưỡi là được rồi",
rồi mới đọc thơ như tôi đã kể ... Lão cứ làm như nhà chúng tôi ngay cạnh nhà lão
ấy mà bỗng chốc đến đổi sách thơ được!
Trong Hội nghị, tôi có quen được với một chị rất
xinh, tầm tuổi các anh lớp E. Chị tâm sự với tôi rằng chị rất muốn làm được một
bài thơ lục bát như ý để tặng hương hồn người mẹ đã khuất từ lâu. Chị đã thảo rồi,
nhưng chưa bằng lòng vì tự thấy bài thơ chưa có nét đặc sắc. Tôi giới thiệu:
-
Lát nữa giải lao, chị nhờ lão Lục bát kia giúp đỡ kìa!
Thế rồi, chẳng biết khi ra nghỉ giữa buổi, lão
thì thầm với chị những gì, mà đến lúc trở lại bàn Hội nghị, chị giơ cho tôi xem
bản mới nhất THƠ TÌNH VÙI GIỮA ĐỐNG RƠM của lão. Và rồi, máy điện thoại của chị
rung lên. Chị nghe máy rồi bảo tôi: Lão bảo sang phòng bên ngồi nói chuyện tiếp,
không dự Hội nghị nữa. Tôi nói: "Tùy chị". Chị ngần ngừ một thoáng rồi
rời Hội trường, ra ngoài ... Lão Đôn Kihôtê
72 tuổi ấy "giỏi" thật! Chẳng biết sau buổi này, sẽ có mấy bài lục bát
TÌNH nữa ra đời?
Nhưng, phải thừa nhận những bài thơ tình của lão
... TÌNH thật.
- Hãy xem lão "Tương tư tấm áo bỏ quên". Lại còn ghi tựa đề "Nhắn
ai đến lấy áo". Chẳng biết có "em" con rưỡi, hai con nào quên áo
ở nhà lão thật không. Nhưng những gì lão "Tương tư" thì chẳng ai bảo
rằng đó là dành cho một em không có thật. Chẳng ai bảo "em" ấy chỉ là
một cái áo vô hồn, hay một "hòn đá, một vầng trăng" ... như anh E nào
đó từng bao biện cho thơ tình của mình. Và lão mới "tham" làm sao! Mới
"tương tư" áo này chưa xong, đã lại mong "áo khác":
Áo em quên ở đầu giường
Có gì lạ lắm cứ vương khắp người.
Lại thêm mấy sợi tóc rơi
Cứ như xui khiến hương người nhắc nhau.
Em về bên ấy đã lâu
Chỗ quên vẫn toát ra màu nhớ nhung.
Áo treo ấm cả gian phòng
Tơ vương tóc rụng tấc lòng nôn nao.
Cơn yêu từ buổi mưa rào
Lại như giông bão đổ vào áo quên.
Tình cờ mở áo trong đêm
Đắp vào mình ướp khát thèm sang nhau.
Kể từ đêm ấy về sau
Áo ru tôi ngủ nát nhàu tương tư.
Mối tình ôm ảo, ấp hư
Ngấm hương áo ướp mà như ướp tình.
Hệt như các cụ nhà mình
Ngày xưa quên áo trên cành hoa sen.
Lạy giời duyên vướng vào duyên
Lần sau áo khác lại quên đầu giường.
- Còn
đây là một trong những bài thơ về "Gái
một con" của Văn Thùy. Nghe nói, khi lão "theo" vợ (Chẳng cưới
cheo gì thì phải), vợ lão đã là "gái một con", và xinh lắm. Chắc bởi
vậy nên cả đời lão "chết" về Gái một con. Lão mượn ý dân gian "Gái
một con trông mòn con mắt" để nói cái tình mình với Gái một con. Có ai sợ
"mòn con ngươi" lại "xòe tay đậy mắt" như lão cơ chứ! "Đậy
mắt" kiểu đấy thì còn "nhìn" đến nổ con ngươi chứ chẳng "mòn"
thôi đâu!
Ra ngõ gặp gái một con
Xòe tay đậy mắt kẻo mòn con ngươi.
Còn chút ti hí lườm giời
Chỉ vì he hé liếc người một con.
Em như sét sợi sét hòn
Đánh tôi mắt dẹt mắt tròn héo hon.
Mỗi phen gặp gái một con
Thêm lần lác mắt vẫn tròn mắt lươn.
-
Tán tỉnh, tương tư các bà, các cô giữa đời trần tục đã rất "mùi mẫn"
rồi. Nhưng gớm thay cái "tình" của lão Dị nhân: Lão còn "tán"
cả sư nữ nữa. Tuy vậy, nghe lời tán tỉnh niệm Phật "Nam mô tình em" của lão, ta như thấy cả nỗi xót xa cho tâm
sự của những ni cô:
Đập gương, bẻ lược
Chôn son, vùi phấn
Tóc tơ vĩnh biệt da đầu
Má hồng thếp lại một màu cánh sen.
Em thanh tâm giữa cõi thiền
Tôi chìm nổi chốn kim tiền hư vô.
Em ăn mày phật cửa chùa
Tôi thành hành khất bốn mùa yêu chay.
Cách nhau tiếng mõ khô gày
Mỗi chiều đếm một chuỗi ngày tỉnh mê.
Cách nhau tán lá bồ đề
Mà râm với nắng câu thề tóc tơ.
Bần thần thương mảnh tình mờ
Tim này thắp lén cổng chùa vọng em.
- Đấy
là những "trường tình", thơ tình của "lão Đôn Kihôtê" Văn
Thùy còn rất nhiều những "đoản tình". Dưới đây là một vài câu như thế:
Quang học
Trớ trêu cái nắng đa tình
Đổ xô hai bóng chúng mình đè nhau.
Phong vũ biểu
Em là khí tượng riêng tôi
Tạnh khóc là nắng, tắt cười là mưa.
Em ngúng ngẩy lúc giữa trưa
Y như chập tối trời mưa nửa giường.
Máy đo bằng thịt bằng xương
Cưới về để biết đo lường oái oăm.
Mùa có lý
Xuân như gái một con rồi
Nửa thèm mưa bụi, nửa đòi bão giông.
Một tay bồng bế gió đông
Một lưng muốn cõng tơ hồng tháng ba.
Mùa như dở trẻ dở già
Màu hoa màu bướm vẽ ra cầu vồng.
(Trời, có ai viết về mùa xuân như lão cơ chứ!
Người ta dùng những chàng trai, cô gái chưa chồng chưa vợ, đẹp vẻ tinh khôi để
nói về mùa xuân, và ngược lại. Đằng này, lão lại hình dung mùa xuân "như gái
một con". Với lão, "Gái một con" đúng là kết tính những gì đẹp nhất của nữ tính, của sức sống,
của đất trời ...)
Tôi xin kết thúc phần giới thiệu thơ tình của
lão Lục bát Văn Thùy bằng một lời nhắn tới các anh lớp E và độc giả blog E: Lão
Văn Thùy làm thơ cách đây 15 năm (Như lão bật mí với tôi và muội muội), tức là
nhiều hơn tuổi các anh lớp E bây giờ. Vậy, các anh E và độc giả, những ai chưa
làm thơ, đặc biệt là chưa làm thơ tình, cứ tự tin bắt đầu tập làm thi sĩ. Biết đâu
15 năm nữa, thơ tình của các anh lại được bao quí bà, quí cô, bao người đẹp (như
tôi và muội muội) còn mê hơn cả thơ tình của lão Dị nhân Đôn Kihôtê này.
P/s: Nếu còn cảm hứng viết và mọi người
còn cảm hứng đọc thơ Văn Thùy, HY có thể trở lại bằng phần III - Giới thiệu
mảng thơ thế sự của lão Dị nhân xấu trai Văn Thùy - Đồng hương của Dị nhân đẹp
trai NCT lớp E.
(Hải Yến)
Thôi chết rồi, NCT phải làm thế nào để Hải Yến mê thơ anh chứ! Cứ bảo anh là "thi sĩ đệ nhất blog E", rồi lại "đẹp trai" ... Đọc hai bài của HY giới thiệu về Văn Thùy, tôi thấy em ấy mê thơ Văn Thùy hơn thơ anh mất rồi!
Trả lờiXóaHổ có lãnh địa của hổ, gấu có lãnh địa của gấu và ... chuột có lãnh địa của chuột. Tôi có lãnh địa riêng của tôi rồi, không lấn chiếm của Lão Dị nhân Văn Thùy làm gì để rồi mang tiếng mỗi khi về quê à. (NCT)
XóaNgồi riêng với Văn Thùy, HY trẻ và đẹp hơn !
Trả lờiXóaHY trẻ và đẹp hơn Văn Thùy thì tất nhiên rồi, bạn ND 15:05 ạ, điều đó chẳng có gì phải bàn, ai lại đi so sánh phụ nữ với đàn ông về "đẹp". Thế mà Văn Thùy còn chưa có thơ tình tặng HY đâu. Nhưng NCT đẹp trai của lớp E thì chưa hề gặp HY, chỉ cần HY muốn được tặng thơ, là anh ấy đã có ngay thơ tình HOA TÍM BẰNG LĂNG tặng rồi (cho dù là đã xin phép vợ). Điều đó chứng tỏ những gì đây? Có thể nó chứng tỏ NCT "ga lăng" với phụ nữ như anh ấy vẫn nói. Nhưng điều cơ bản là: HY thật đáng yêu ở blog E, phải không?
XóaMình không so HY với Văn Thùy, mà so HY của 2 bức ảnh trên và dưới bạn ND 21:46 ạ!
XóaND 14:27 là chồng HY hay là ai mà có thể so sánh HY với những người phụ nữ trong ảnh được? (NCT)
XóaCũng chẳng trách ND 14:27 khi so sánh như thế về HY. Chắc bạn ND này không đọc phần I của bài, nên không biết rằng HY sẽ không gửi ảnh mình lên blog E vì sợ "ăn đòn" của chồng. Hơn nữa, các anh BBT dán thêm ảnh vào lại không chú thích là ảnh chỉ có tính chất minh họa! HY em, về mọi phương diện, không "lớn", không "hoành tráng" như mấy chị trong hai bức ảnh trên đâu ạ!
Xóa(Hải Yến)
NCT đừng mất công bao biện, ND 15:05 cũng đừng phí sức khích HY làm gì! Hãy thừa nhận: Thơ tình của các thi sĩ lớp E, Từ NCT đến NXH hay LPT, VKH ... đều thua tất thơ tình của Dị nhân Văn Thùy. Đọc những bài HY giới thiệu đấy thì biết!
Trả lờiXóaBởi vì vợ bọn mình không phải là dân chuyên toán và cũng không phải là gái một con trước khi đến với mình.
XóaTôi thấy HY thích thơ Văn Thùy cũng phải, nhiều hình ảnh, ngôn ngữ trong thơ lão rất đặc sắc. Hình ảnh Mùa Xuân thật ấn tượng nhờ hình ảnh Gái một con:
Trả lờiXóa"Xuân như gái một con rồi
Nửa thèm mưa bụi, nửa đòi bão giông.
Một tay bồng bế gió đông
Một lưng muốn cõng tơ hồng tháng ba."
Cái đẹp mặn mà, cái sức sống căng tràn, cái khát khao mãnh liệt ... của Gái một con, chẳng phải chính là Mùa Xuân đó sao?
Thơ là nghệ thuật, mà nghệ thuật thì đa dạng, phong cấp bậc cho thơ đã là một kiểu không biết đọc thơ rồi, nói gì bình thơ. Nhưng tôi muốn bình cái cách viết cái gọi là "thư pháp" của ông Văn Thùy. Và nói chung, không riêng gì ông Thùy mà nhiều người khác cũng có kiểu vẽ viết nghuệch ngoạc mà vỗ ngực là "thư pháp". Cái ảnh thứ nhất, vẽ rồng vẽ phượng, viết chữ loằng ngoằng gớm chết. Tôi không hiểu mỹ cảm của người khen kiểu viết kia mà gọi là đẹp thì đó là thứ mỹ cảm gì? Lạ lùng là trong Tết, Ngày Thơ ở Văn Miếu, cũng có ông viết chữ giun dế, bóp chữ để gọi là "thư pháp" mà cũng bán được tiền. Có lẽ các nhà báo cũng có khá nhiều người mù mịt, không biết mình ca ngợi cái gì. Hiện nay, một hiện tượng lệch chuẩn rất phổ biến và đáng báo động. Ví dụ, một tảng đá viết nhăng cuội bùa chú đặt ngay tại đền Hùng, mà nguyên nhân từ những ông vỗ ngực là Tiến sĩ, đại tá, đến khi truy nguyên ra, dư luận mới biết là sự nhố nhăng. Những thứ liên quan đến quốc thể, quốc thống còn thế, thì chuyện vẽ vớ vẩn lòe thiên hạ là thường. Tôi cho rằng, những anh viết chữ loằng ngoằng tự vỗ ngực là "thư pháp" cũng là nhố nhăng,bắt chước thư pháp Tàu một cách vô lối. Các nhà báo không biết rằng, chân lý không thể theo đám đông, không thể mang ra bỏ phiếu. Không thể nói rằng, có nhiều người mua cái tờ thư pháp như của ông Thùy mà bảo rằng nó đẹp hay là nghệ thuật(NXH)
Trả lờiXóaNhất trí với anh NXH, nhìn những cái thứ viết nghuệch ngoạc mà gọi đó là thư pháp. Cũng giống như ông Nguyễn Khắc Phục có chút tiếng tăm rồi vẽ vời linh tinh, thiên hạ cũng thi nhau bốc thơm. Em cũng chỉ thấy những thứ đó thật nực cười mà thôi!
XóaAnh NXH lại cực đoan rồi. Bao giá trị đạo đức, luật pháp, hiến pháp ... cãi nhau khô nước bọt, viết tòe ngòi bút còn chưa định ra chân lý, chuẩn mực. Nói gì đến nghệ thuật ngôn từ và thư pháp, hội họa ... Lịch sử nghệ thuật đã chứng minh nhiều rồi: Thơ này, tranh nọ: Hôm nay khen, mai chê, ngày kia lại khen Người này bảo chẳng ra hình thù gì, người kia khen là kiệt tác... Ai thích thì nhích thôi! Chẳng lẽ anh cho rằng chỉ anh biết đọc thơ, biết bình thơ? Chỉ anh biết cái gì gọi là thư pháp?
Trả lờiXóaTôi không bảo ai nhất định phải theo tôi. Đây là diễn đàn mở có thể bày tỏ quan điểm. Tôi không nói tôi biết bình thơ, cũng không nói mình biết thư pháp. Mà tôi chỉ thấy "thư pháp" của người Hán viết chữ Hán là đẹp và có ý nghĩa (trong truyền thống văn hóa của họ), còn cái kiểu nguệch ngoạc viết chữ giun dế, chữ không ra chữ, làm biến dạng chữ Quốc ngữ Việt Nam thì tôi lên án và coi đó là học đòi vô lối và nó chỉ nhan nhản trong khoảng mươi năm Đổi Mới ngày nay. Ai thích cứ thích, theo các bạn, nhưng tôi không thích và ghê tởm và cá nhân tôi cho rằng những kẻ viết vẽ đó thật nực cười, và tôi có quyền nói ra điều đó. (NXH)
XóaDưới góc nhìn kinh tế, ai bảo thơ không có thị trường? Văn Thùy đúng là một trong những thi sĩ có tài và thực dụng, không viển vông như đa số nhà thơ, nhà văn khác. Ông ấy biết thị trường cần gì, người đọc cần cái gì để khai thác và cung cấp cho họ. Vì thế ông ta đã sống được bằng thơ và thơ của ông ta sống được trong lòng độc giả. Thực tế ông ấy chỉ mới khai thác tốt thị phần ở phân khúc "phụ nữ nạ dòng", còn nhiều phân khúc thị trường khác, sao các nhà thơ hiện đại không khai thác được? Chúng ta ai cũng có quyền đánh giá nghệ thuật, đánh giá con người theo quan điểm riêng của mình. Nhưng thực tế mới là nơi trả lời chuẩn xác nhất. (NCT)
XóaVậy thì thị phần phân khúc của NCT là Gái..., hay Phụ...?
XóaTôi thấy sản xuất thơ chi phí lớn mà thu nhập bé, không có hiệu quả kinh tế nên chỉ làm thơ cho vui, tặng bạn bè, người thân và phục vụ sở thích cá nhân là chính. Tôi không sống bằng thơ nên không có ý tìm thị phần cho mình. Nếu có in thơ thì chỉ để tặng bạn bè và lưu giữ để 100 năm sau cháu chắt mình biết được cụ kị nó ngày xưa từng là thi sĩ. Chúng nó sẽ đọc thơ tình của mình và suy ngẫm về chuyện yêu đương trai gái ở thế kỉ 20-21. Bởi lúc đó người ta sẽ bịt mũi, tránh xa khi nhìn thấy những di cảo tác phẩm viết về kinh tế do các nhà kinh tế VN viết ra trong những tháng năm này. (NCT)
XóaHải Yến có cảm giác nhiều bạn đọc blog E lạc đề, hay ít ra thì cũng cố tình không hiểu. Hoặc nữa là hiểu thì cũng kiệm lời khen quá, khi đọc thơ Văn Thuỳ và những dòng HY viết về Văn Thuỳ!
Trả lờiXóaHai bài viết của HY giới thiệu về Văn Thuỳ, là chủ yếu giới thiệu về thơ ông ấy, một chút kể về con người ông ấy ngoài đời. Thứ thơ bụi bụi, dân dã nhưng có sức sống đáng ngưỡng mộ trong dân gian. Nhiều mảng thơ với những chủ đề rõ nét, sâu sắc (Tuyên ngôn nghệ thuật, thơ tình, thơ thế sự ...) Nó được chuyển tải trong một thể thơ dân tộc quen thuộc, nhưng lại có giọng rất riêng. Nhiều ngôn từ, hình ảnh đặc sắc. Thơ ấy, làm cho ta có cảm giác khác hẳn so với việc nếu ta chỉ nhìn hình thức ông ấy. Thơ ấy, là kết quả của việc ông ấy lang thang trong cuộc đời bụi bặm, chứ không phải là thơ của phòng lạnh, hay buồng lái ô tô, hay hội thảo nhức đầu, mỏi mồm.Còn thư pháp, HY không giới thiệu, không bàn bạc, chỉ kể qua như một chuyện bên lề ...
Thế nhưng HY thấy buồn là: Hầu như không mấy ai nhận xét thơ Văn Thuỳ. Khen chê cũng được. Mà cứ bàn sang những chuyện bên lề nhiều quá. Nếu đây đúng là diễn đàn, thì có lẽ chúng ta đã làm phí thời gian của nhau mà rất ít thu được kết quả mất rồi.
Những người xung quanh HY, mỗi người thích hay không thích thơ Văn Thuỳ theo một cách riêng. HY thích thơ tình, thích được tặng thơ tình, nên thích treo 2 câu của ông ấy:
“Một mai hoá cát bụi rồi
Lấy ai đốt vía cho tôi thơ tình”
Muội muội thích thơ triết lí, thì thích treo 2 câu khác:
“Bóng ta nằm dưới chân ta
Mấy ai đã bước nổi qua bóng mình”
Nhưng Hải Yến và muội muội lại không thích in từ máy tính những câu thơ trên để treo lên. Nên nhờ Văn Thuỳ viết kiểu chữ cách điệu một chút cho lạ mắt. Với HY, sản phẩm đáng nể của Văn Thuỳ là thơ Lục bát. Còn thư pháp của Văn Thuỳ chỉ là con thuyền chở thơ theo cách riêng của ông ấy, HY không có hiểu biết để bàn về thư pháp.
Người khác lại thích bài thơ khác của Văn Thuỳ. Ví dụ: Anh chồng thư sinh, kiếm ít tiền và khoái ăn thịt chó ... của HY rất thích bài thơ triết lí ”Lời của mẻ” (Cơm nguội ca). Anh chồng cao to kiếm tiền như nước, hay đi đó đây của muội muội, lại thích ”Lời của bèo”. HY mong bạn đọc blog E bày tỏ: Tôi thích bài này, tôi không thích câu kia ... trong thơ Văn Thuỳ cơ ạ.
Câu cuối, HY nói riêng với anh NCT: Thơ Văn Thuỳ được rất nhiều đàn ông thích, không chỉ có gái một con hay hai con thích đâu, anh Dị nhân đẹp trai ạ!
(Hải Yến)
HY đừng buồn thế. Tớ là phó thường dân nên tớ rất khoái kiểu thơ hình thức thì dân dã nhưng ý tứ lại không kém phần bác học của lão Văn Thùy. Số đông thường dân chúng tớ kiểu như thế mà: Dân dã đấy, nhưng xin đừng coi thường, giáo sư tiến sĩ chưa chắc đã hơn đâu!
XóaTớ thích bài "Quang học", ở đó, Văn Thùy mượn "cái bóng" để nói cái hình:
"Trớ trêu cái nắng đa tình
Đổ xô hai bóng chúng mình đè nhau".
Tình thế mới tài chứ!
HY lại mắc bệnh "mong đợi quá nhiếu" của cô sinh viên Trường Y rồi. Đừng vội vàng trách độc giả blogE. Người ta thích thơ Văn Thùy mới vào đọc nhiều thế, bài mới đăng hôm trước hôm sau đã xuất hiện trong mục nhiều người đọc rồi. Người Việt mình đã nghe lục bát từ khi còn trong bụng mẹ, rồi từ bé đến lớn được học bao nhiêu thơ lục bát, nhiều người thuộc lòng cả Truyện Kiều, đọc xuôi đọc ngược đều được cả. Thơ Lục bát hiện nay, bài nào hơn được Truyện Kiều? Vì lục bát ngấm vào trong máu rồi nên người ta đọc thơ Văn Thùy là hiểu ngay, có gì phải tranh luận đâu. Im lặng nghĩa là đồng ý rồi, là thừa nhận có hay rồi. Chẳng lẽ lại khen thơ Văn Thùy độc đáo, hay hơn cả Truyện Kiều?
XóaCòn về ý kiến nhiều đàn ông thích thơ Văn Thùy, hiện tôi chưa có số liệu kiểm chứng, vì ông ta chỉ biếu và tặng chứ chưa bán thơ được cho đàn ông. Khách hàng mua thơ ông chủ yếu là phụ nữ nạ dòng. Đấy là tôi phỏng theo lời ông Nguyễn Khôi, người đã kết thân với Văn Thùy hơn chục năm nay và đã được Văn Thùy tiên sinh tặng rất nhiều sách thơ. Bạn có thể kiểm tra thông tin này theo đường Link http://nguyennguyenbay.blogspot.com/2013/02/nguyen-khoi-gioi-thieu-tho-van-thuy.html (NCT)
Thay lời nhận xét lục bát của Văn Thùy Dị nhân, LPT tôi xin giới thiệu bài thơ của Nguyễn Duy viết từ năm 1992 để các bạn so sánh nhé. Tôi vốn dĩ mê lục bát của Nguyễn Duy từ những năm 70 của thế kỉ trước).
Trả lờiXóaKÍNH THƯA LIỀN CHỊ
Thân tặng "Đười ươi thi sỹ Bùi Giáng"
KÍNH THƯA THỊ NỞ
Kính thưa Thị Nở tuyệt trần
trăng ngồn ngộn trắng khỏa thân với người
nhớ không sông ộp oạp trôi
gió oằn oại hổn hển trời phù sa
KÍNH THƯA THỊ MẦU
Kính thưa thục nữ Thị Mầu
yêu siêu cỡ đó trước sau mấy người
mấy ai dám chịu dám chơi
dám ai vỗ cái mặt đời như em
KÍNH THƯA THỊ ĐỐP
Kính thưa Thị Đốp đoan trang
mòn mom móm mõ gõ khan như gì
thôi mà ngúng ngoẳng làm chi
già rồi đấy lạy nhau đi là vừa
KÍNH THƯA THỊ KÍNH
Kính thưa Thị Kính láng giềng
ái ân thì ít oan khiên lại nhiều
dấu xưa khuất nẻo chuông chiều
nỗi đau còn lủng lẳng treo giữa trời.
(Tiết Thanh Minh, 1992)
Mình thích bài "Tương tư tấm áo bỏ quên", đặc biệt là những câu:
Trả lờiXóaEm về bên ấy đã lâu
Chỗ quên vẫn toát ra màu nhớ nhung.
Áo treo ấm cả gian phòng
Tơ vương tóc rụng tấc lòng nôn nao.
Như thế, hẳn tình đã sâu đậm lắm. Đâu phải chỉ là chuyện "áo quên" một cách vô tình.
(Hoài Thu)