13 tháng 6, 2013

Trần văn Giàu, Trần bạch Đằng và Trần văn Trà

Thấy các bạn độc giả có vẻ thèm thông tin  về cá nhân các vị lãnh đạo trước đây. Cũng phải thôi, vì một thời gian dài những thông tin như thế không được phổ biến tới người dân bình thường. Trước sự quan tâm của các bạn tới các ông Nguyễn Chí Thanh, Lê Duẩn, Võ Nguyên Giáp, BBT sẽ tiếp tục giới thiệu các câu chuyện về những người nổi tiếng, để các bạn thấy được đằng sau những vị đại nhân có cái gì "tiểu nhân" không? Đã là con người thì chuyện đó chẳng thể tránh được và chúng ta cũng nên thông cảm với những cái nhỏ nhen của họ (nếu có). Chúng tôi xin giới thiệu bài viết của nhà báo Lê Mai về ba người nổi tiếng họ Trần.

ĐỌC HỒI KÝ TRẦN VĂN GIÀU NGHĨ VỀ 3 ÔNG HỌ TRẦN
“Câu chuyện mười năm đã kết thúc” khép lại hồi ký Trần Văn Giàu, bằng một cuộc gặp gỡ đầu năm 1988 với Lê Đức Thọ – bấy giờ là cố vấn Ban chấp hành TW ĐCS VN. Trần Văn Giàu: “từ 1954 đến 1976, anh Thọ chưa hề đến nhà riêng tôi, chưa hề gọi tôi lên văn phòng hay nhà riêng của anh. Còn tôi thì tôi quen cái tánh “mọi rợ” là chưa bao giờ tự mình đến thăm bất cứ ai có chức, có quyền lớn hơn tôi – trừ trường hợp duy nhất là cụ Tôn Đức Thắng mà tôi thỉnh thoảng lên thăm, trước hết là vì anh Hai Thắng cứ vài ba tháng thì xuống thăm hai vợ chồng tôi một lần”.
Song, chỉ với một cuộc gặp gỡ duy nhất sau hơn hai mươi năm ấy, sử dụng phương pháp không ai ngờ tới – dùng lối nói ở trong tù, xưng hô “tao, mày” với Lê Đức Thọ, Trần Văn Giàu đã buộc Lê Đức Thọ phải hứa ra nghị quyết minh oan cho mình.
Ta hãy đọc lại cuộc nói chuyện với Lê Đức Thọ, vì nó quá đặc sắc:
“Tao là Giàu, mày, ở khám 8, banh 1, là Khải, Phan Đình Khải; hôm nay chúng ta nói chuyện thân mật như cách đây mấy mươi năm, khi còn ở ngoài Côn Lôn…Chúng ta là những người quá 70 tuổi, xấp xỉ 80 rồi, sắp đi theo cụ Hồ rồi. Mấy mươi năm nay, tao chịu những cái hàm oan mà mày, Khải, mày biết hết, biết rõ trắng đen. Chúng ta đều muốn đi theo cụ Hồ một cách thanh thản. Vậy lần này, Thọ về Hà Nội hãy có quyết định rõ, bằng văn bản của Ban Tổ chức Trung ương về tất cả những điều người ta vu cáo cho Giàu, được không? Thọ hứa, hứa trước mặt chị Năm Bi, anh Tào Tỵ, chú Ba Tô Ký”.
Năm xưa, bản lĩnh, trí tuệ của ông đã thể hiện rất cao trong các cuộc tranh luận với Hoàng Quốc Việt, tuy nó dẫn ông tới hậu quả nhãn tiền. Nay, cuộc gặp với Lê Đức Thọ, chúng ta gặp lại bản lĩnh ấy, trí tuệ ấy – bản lĩnh, trí tuệ của con người làm nên lịch sử, nhân chứng lịch sử và là nhà sử học lớn.
Đến đây, tôi chợt suy nghĩ về ba ông họ “Trần”: Trần Văn Giàu, Trần Bạch Đằng (Trương Gia Triều) và Trần Văn Trà (Nguyễn Chấn). Sự nổi tiếng của ba ông họ “Trần” không chỉ giới hạn trong phạm vi biên giới VN. Người ta nhanh chóng nhận thấy, sau cuộc chiến mà họ hiến dâng gần trọn đời, hình như họ lặng lẽ rút lui về viết sách, viết báo, nghiên cứu lịch sử, tránh xa vòng danh lợi?
Đây là mấy câu thơ của Trần Văn Trà, từng là Tư lệnh B2:
Ra đi hai bàn tay trắng
Trở về một dải giang sơn
Trăng xưa, hạc cũ, dòng sông lặng
Mây nước yên bình, thiên mã thăng
Thanh thản, như Thánh Gióng về trời – tất nhiên, không phải về trời để mà “vui thú điền viên”. Tâm hồn của con người từng trải qua dâu bể vẫn minh triết, trí tuệ. Nguyên nhân nào khiến một vị tướng có tài, công lao là thế, bỗng dưng muốn “thiên mã thăng”?
Bất giác, tôi nhớ một đoạn trong hồi ký của Trần Văn Trà. Trong khi đang nói về cuộc họp Bộ Chính trị, Bộ Tổng tham mưu, vấn đề thi hành Hiệp định Pari, ông bỗng xen vào một đoạn luận về đức và tài. Đức, “không có gì giống với kiểu người trước mặt tươi cười vồn vã, sau lưng tìm cách đâm nhau, “miệng nam mô bụng một bồ dao găm”. Tài, không phải biểu hiện ở lời nói ba hoa, phô trương, bề ngoài. Nói không đi đôi với làm thì nói không có giá trị gì, lý luận không chứng minh bằng thực tế thì chỉ là lý luận suông…Mình không gương mẫu nói không ai nghe, gia đình không hòa hợp gương mẫu thì nói gì xây dựng xã hội trật tự, công minh”. Trong thời điểm đó, ở VN ai cũng rõ, “gia đình không hòa hợp gương mẫu” là nhân vật nào! Cuốn sách nhanh chóng bị thu hồi – dĩ nhiên, cuốn sách không chỉ có thế.
Vẫn theo Trần Văn Trà, Bộ Tổng tham mưu chủ trương kế hoạch năm 1975 không đánh lớn, chỉ lo phá bình định ở đồng bằng sông Cửu Long. Ở miền Đông, chủ lực không đánh lớn. B2 định đánh Đồng Xoài, Phước Long nhưng Bộ không đồng ý mà chỉ cho đánh nhỏ, giải quyết một số cứ điểm nhỏ trên đường 14. Năm 1975 đánh nhỏ là để tích lũy lực lượng chờ thời cơ cho năm 1976. Lê Duẩn nói trong buổi gặp Trần Văn Trà, có cả Phạm Hùng tham dự, “các anh tung chủ lực ra đánh ngay từ đầu mùa khô, đánh Đồng Xoài và tiếp theo một loạt các trận đánh lớn khác, như vậy là không phù hợp”. Song, nghe Trần Văn Trà và Phạm Hùng giải thích, Lê Duẩn đồng ý cho đánh Đồng Xoài. Sau khi ba chi khu Bù Đăng, Bù Đốp, Đồng Xoài của VNCH thất thủ, ông Trà lại đề nghị cho giải phóng luôn tỉnh Phước Long theo như kế hoạch của B2. Ông Trà điện về Bộ tư lệnh B2 chỉ đạo trận đánh Phước Long, bức điện nhờ Bộ Tổng tham mưu chuyển. Trong khi ông đang nghiên cứu tình hình trên bản đồ thì Lê Ngọc Hiền – Phó Tổng tham mưu trưởng đến. Lê Ngọc Hiền đưa ra bức điện, nói chưa cho điện đi, vì trong điện cho sử dụng xe tăng và pháo lớn, điều mà cấp trên đã dặn không được phép. Ông Trà bực mình mà rằng, là tư lệnh chiến trường, chẳng lẽ tôi không có quyền chỉ huy các lực lượng của tôi sao? Không lẽ điện của tôi lại bị kiểm duyệt và bắt buộc phải sửa đổi ngoài ý muốn của tôi? Yêu cầu đồng chí cho điện đi và đồng chí sẽ phải chịu trách nhiệm nếu điện của tôi bị chẫm trễ, lỡ thời cơ (Trần Văn Trà – Những chặng đường lịch sử của B2 thành đồng).
Trận Phước Long được đánh giá là “một đòn trinh sát chiến lược”, thử phản ứng của Hoa Kỳ và VNCH. Lịch sử VN trình bày kế hoạch giải phóng miền Nam được vạch ra và thực hiện một cách hoàn hảo, gần như mọi việc đã dự kiến trước hết cả! Song, qua hồi ký Trần Văn Trà, chúng ta thấy vấn đề không đơn giản như thế và nó phức tạp hơn rất nhiều!
Sau năm 1975, cùng sống tại Sài Gòn, ba ông họ “Trần” tiếp tục là những người nổi tiếng trên nhiều lĩnh vực. Có thể nói, sử của Trần Văn Giàu đọc hết sức hấp dẫn, nguồn trí tuệ vô cùng lớn. Các tác phẩm Triết học và tư tưởng, Biện chứng pháp, Lịch sử cận đại VN, Chống xâm lăng…của Trần Văn Giàu có tính chất kinh điển. Người ta tự hỏi, nếu ông theo đuổi sự nghiệp chính trị, liệu có một nhà sử học tầm cỡ như thế không?
Còn Trần Bạch Đằng đã quá nổi tiếng trong tư cách một lão thành cách mạng, một nhà nghiên cứu uyên bác. Sức suy nghĩ, sức sáng tạo, sức viết của ông khó ai có thể sánh kịp. Có tới sáu thư ký mà không kịp ghi lại các ý tưởng của ông. Chỉ cần đi đi lại lại một lúc là ông đọc xong một bài báo cho thư ký ghi. Tết năm 1999, ông viết tới 25 bài báo – một kỷ lục. Ông là chủ tịch đầu tiên của Uỷ ban giải thưởng Trần Văn Giàu.
Vậy nên, tôi khá ngạc nhiên nghe Xuân Thủy (từng là Trưởng đoàn đàm phán tại Pari của VNDCCH) nhận xét: “cái anh lúc thì Trần Bạch Ðằng, lúc thì Tư Ánh, lất khất như con lật đật, lúc nào cũng cao ngạo, tỏ ra thông minh xuất chúng, nhưng thực chất rổng tuếch” (Đỗ Trung Hiếu – Tiến trình thống nhất Phật giáo). Rõ ràng, chúng ta khó mà đồng tình với đánh giá đó của Xuân Thủy. Trần Bạch Ðằng từng là phó ban Dân vận Trung ương, phụ trách công tác tôn giáo vận. Vẫn theo Đỗ Trung Hiếu, Ban Tôn giáo Mông Cổ “tỏ ra khâm phục tài năng ông Trần Bạch Ðằng”. Họ nghĩ ông Trần Bạch Ðằng là ủy viên Bộ chính trị, Trưởng ban tôn giáo Chính phủ!
Không có người nào trong ba ông họ “Trần” giữ chức vụ cao tương xứng với tài năng của họ. Tại sao? “Xin đừng nghĩ đồng chí rồi thì không ai xấu nữa. Trong hàng ngũ ta chỉ có chỗ của yêu thương”. Tôi lại càng nhớ các cuộc tranh luận của Trần Văn Giàu với Hoàng Quốc Việt – nhất là thời điểm quyết định số phận ông Giàu. Xét đến cùng, người trí thức chân chính không cần địa vị.
Đọc hồi ký Trần Văn Giàu, suy nghĩ về ba ông họ “Trần”, tôi xin kết thúc bằng mấy câu thơ của Việt Phương:
Một phần tư thế kỷ qua đi và có lẽ bây giờ ta đã biết
Thế nào là thương yêu thế nào là chém giết
Ta đã thấy chỗ lõm chỗ lồi trên mặt trăng sao
Những vết bùn trên tận đỉnh chín tầng cao…
 (Lê Mai)_

1 nhận xét:

  1. Có lẽ bây giờ ta đã biết
    Thế nào là yêu thương thế nào là chém giết
    Ta đã thấy những chỗ lõm chỗ lồi trên mặt trăng sao
    Những vết bùn trên tận đỉnh chín tầng cao...

    Đoạn thơ trên trích trong bài CUỘC ĐỜI YÊU NHƯ VỢ CỦA TA ƠI. Ông Việt Phương trước là Thư ký riêng của Thủ tướng Phạm văn Đồng, vì tập thơ CỬA MỞ mà cũng bị tai tiếng một thời. Hình như ông ấy mới được kết nạp vào Hội nhà văn. Con trai ông ấy cũng bằng tuổi nhà văn NXH của chúng ta (LPT)

    Trả lờiXóa

Bạn có thể nhận xét không cần là thành viên, và nên góp ý lành mạnh, trung thực. Chọn nhập vai trong danh sách phía dưới khung nhận xét.