9 tháng 6, 2013

Thơ tình tháng Sáu (bài 2)

Bài thơ này đáng lẽ phải đăng sau 3 bài thơ khác đã ký hợp đồng, nhưng vì bà chủ đặt hàng có giao hẹn tặng tôi một đôi giày da của Đức hoặc Ý trị giá ít nhất là 1,5 triệu đồng, nên tôi phải đưa lên đăng trước, kết hợp mừng sinh nhật hai người bạn lớp E của tôi. Ăn được của phụ nữ không phải dễ đâu nhé, không biết ông Văn Thùy đào hoa thế nào chứ bà chủ đặt hàng tôi ra điều kiện cực khó. Bà ta sinh tháng 6 năm 1966 nên yêu cầu bài thơ phải thỏa mãn 6 điều kiện:
1. Bài thơ phải có đúng 6 khổ, 
2. Mỗi khổ phải thể hiện một trạng thái tình cảm của người đang yêu.
3. Câu thơ phải đủ 6 chữ, không thừa, không thiếu.
4. Các khổ thơ đều phải có cụm từ "tháng Sáu"
5. Phải có ít nhất 15 comments chính danh (1+5=6), tức là comment của những thành viên lớp E, những người có địa chỉ email rõ ràng, những người nặc danh có xưng tên họ đã quen thuộc trên blog E (tôi phải cò kè mãi mới giảm xuống được 15 comments  và không đòi hỏi phải khen hay đấy).
6. Nếu số lượng comments chuẩn đạt từ 20 cái trở lên, đôi giày tôi nhận được sẽ có giá 2 triệu đồng.
Mong các bạn độc giả ủng hộ tôi, vì giày của tôi đã "há mõm" rồi.

             HOÀI NIỆM THÁNG SÁU                                                                                       

Sao cứ nhắc hoài tháng Sáu
Đỏ trời phượng vĩ nhớ nhung
Tiếng ve níu vào mùa hạ
Dáng ai bịn rịn sân trường…

Sao cứ trách hoài tháng Sáu
Cơn giông giật mất nụ cười
Mưa hối hả mài lưng áo
Cho ai ngơ ngẩn bồi hồi…


Sao cứ thương hoài tháng Sáu
Nắng hong vàng rực cánh đồng
Cò mỏi cánh tìm chỗ đậu
Ai chông chênh giữa mênh mông…

Sao cứ nhớ hoài tháng Sáu
Đường quê hai bóng thung thăng
Ngây ngất hương đêm dịu ngọt
Tóc ai nhuộm đẫm màu trăng…

Sao cứ mong hoài tháng Sáu
Cánh diều theo gió phiêu diêu
Lắng nghe tim mình thổn thức
Nụ cười ai tím cả chiều…

Sao cứ gọi hoài tháng Sáu
Trái yêu chín ngát vườn đời
Lung linh một trời kỉ niệm
Mắt ai lãng đãng sao rơi...

                                 (NCT - 6/2013)
Và dưới đây là bản nhạc khuyến mại của tôi


51 nhận xét:

  1. Theo tôi, NCT đã hòan thành xuất sắc hợp đồng thơ với nữ chủ nhân U50. Bài thơ rất giàu hình ảnh và cảm động, hoài niệm về tình yêu một thời mộng mơ, có sáng tạo về ngôn ngữ và hình ảnh. Tôi bỏ một phiếu cho NCT. Bản nhạc Romeo & Juliet rất hay và sinh động. (LPT)

    Trả lờiXóa
  2. Tại ông Thành nhận hợp đồng với khách hàng sinh năm 66 nên vấp phải nhiều điều kiện thế (nhưng cũng còn may, chứ nếu có cháu nào sinh năm 88 hay 99 dặt hang thì rắc rối). Nhưng phải công nhận tài của thi sỹ

    Trả lờiXóa
  3. Tôi nhận ra rằng BBT BlogE đều rất cao tay, người thì dùng chiêu tặng sách để biết được các địa chỉ mà nhiêu anh không làm được (LPT chẳng hạn) Người thì dung kế kêu gọi ủng hộ đê khuấy lên không khí tạm thời im ắng... Bái phục, bái phục !

    Trả lờiXóa
  4. Mai Hương _VT15:37 9/6/13

    Vì bản nhạc bác tặng là bản nhạc em rất thích và vì thương cho hoàn cảnh "nghèo khó" của bác NCT, MH em sẽ bỏ cho bác 2 phiếu liền.
    Phiếu 1: bình thơ
    Bài thơ có đủ các cung bậc của một người đang yêu trải theo từng khoảnh khắc của tháng 6 trong suốt đời người. Tháng sáu ở khổ 1 là cảm xúc của "cái thuở ban đầu" với những nhớ nhung, bâng khuâng, "thương thương quá đi thôi" mà không dám nói...Tháng 6 ở khổ 2 mang nỗi niềm tiếc nuối khi "tất cả đã xa rồi", người ấy không còn ở sân trường tháng 6 bên một khoảng trời hoa đỏ năm ấy ...Tháng 6 ở khổ 3 dường như gửi gắm cả nỗi niềm nhớ thương về người ấy nơi quê nhà vất vả, lam lũ để rồi vỡ òa trong cảm xúc hoài niệm về đêm trăng hò hẹn sau bao xa cách, mong chờ...Và rồi sau nhiều tháng 6 trôi đi giờ đây chỉ còn lại những kỉ niệm đẹp không nhức nhối, không đớn đau mà dịu dàng và êm đềm như dòng sông quê, như tiếng sáo diều ven đê...Tứ thơ tháng 6 không mới, những hình ảnh nhân hóa và ẩn dụ cũng không mới nhưng bài thơ có sức ám ảnh, cảm động bởi tình cảm chân thành của thi sĩ...

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Bài thơ tuy nhạc điệu chưa thật vần, hơi gò và có phần mang nặng tính hợp đồng sáng tác. Tôi ấn tượng với các từ " nhắc, trách ,thương ,nhớ, mong, gọi" ở câu đầu mỗi khổ thơ và từ "ai' ở câu cuối mỗi khổ thơ. Thơ tình là vậy, quả là xao xuyến. (VKH)

      Xóa
  5. Mai Hương _VT16:01 9/6/13

    Phiếu 2: Chào các anh trong 8e9e10e! Đã biết đến các anh từ rất lâu rồi qua các bài thơ, các bài "hồi ức ôn nghèo kể khổ" một thời nhưng vì bận bịu "việc nước, việc nhà" nên MH đọc nhiều mà viết ít, mong các anh thông cảm ạ. Chỉ biết rằng ở nơi rất xa cả nghìn km này, MH xúc động khi các anh vẫn "họp lớp" được qua Blog này dù bận "trăm công nghìn việc". MH tự thấy xấu hổ quá cho mình. Các anh đã cho MH hiểu một điều vô cùng đơn giản rằng người ta không chỉ sống bằng hiện tại, lo cho tương lai mà còn không được phép quên quá khứ. Nếu không có những ngày đói khổ với bát canh "toàn quốc" ấy thì có lẽ thế hệ của những U50, U60 không thể vươn lên để có ngày hôm nay...Cám ơn các anh chị, đặc biệt là anh NCT. Mong được đọc nhiều bài viết của các anh!

    Trả lờiXóa
  6. Mai Hương _VT16:13 9/6/13

    8e9e10e HY 72-75 ơi! MH thì lại không tin lắm vào cái bản hợp đồng "giày dép" của anh NCT đâu. Có lẽ đó là một cách tạo cảm hứng để tìm tứ thơ thôi. Mà sao em cứ có cảm giác "người thơ phong vận như thơ ấy". Tò mò quá đi mất. Không biết cái giai thoại đặt hàng ấy có thực không nhỉ?

    Trả lờiXóa
  7. Tôi đoán MH có lien quan đến 66 chăng?

    Trả lờiXóa
  8. Tôi xin công bố thông tin chính xác để các bạn khỏi phải đi lạc chủ đề chính là nhận xét thơ. Cô chủ sinh năm 1966 đặt hàng thơ là một chuyên viên chính trong đơn vị tôi, rất chịu khó đọc blogE và chăm viết nhận xét, thỉnh thoảng còn viết nhận xét bằng thơ nữa (tôi được cô ấy nói lại thế). Có thể cô ấy muốn tặng "xếp" đôi giày nên tìm cớ đặt hàng thơ chăng. Chuyện tặng giày là có thật. Tôi đang trông chờ vào comment của các bạn để nhận giày một cách đàng hoàng, không phải là nhận hối lộ. Comment của tôi theo thỏa thuận không được tính.Những comments không liên quan đến nội dung bài thơ cũng không được tính (NCT)

    Trả lờiXóa
  9. Nặc danh22:07 9/6/13

    Nếu không HÂM vì tháng Sáu,
    Sao anh nhiều thế, thơ tình?
    Trái tim trải theo HOÀI NIỆM
    Hợp đồng? Ai có thể tin!

    Mấy lời bình rất ngắn này của N22 cũng có thế coi là đã ủng hộ một phiếu bầu để anh chạm tới đôi giày 2 triệu chứ ạ, thưa anh NCT? N22 em tuy là ND, nhưng cũng đã được định danh trên blog E của các anh rồi mà!
    (N22)

    Trả lờiXóa
  10. Tôi thấy bài thơ này của NCT rất hay. Tứ thơ độc đáo. Dù hình ảnh, ngôn từ có thể không mới, nằm rải rác trong nhiều bài thơ cũ, nhưng được sắp xếp hợp lý và lô gic theo từng trạng thái tình cảm thông qua hình tượng "Tháng sáu" xuyên suốt toàn bài, làm cho người đọc xao xuyến theo các cung bậc của tình yêu mà cuộc đời ai cũng đã từng trải qua. Tôi viết lời bình này để ủng hộ cho NCT, vì lâu lắm rồi tôi ngại viết nhưng vẫn thường xuyên theo dõi blog của các bạn.

    Trả lờiXóa
  11. Nặc danh08:23 10/6/13

    Bài thơ thể hiện tình cảm thật nồng nàn của một người đã yêu và vẫn đang yêu. Hoài niệm tháng sáu gửi tới thông điệp: những kỉ niệm của tình yêu trong trẻo vô tư sẽ mãi lung linh tỏa sáng trong cuộc đời mỗi con người; hãy cứ thương nhớ, hãy cứ đợi chờ, hãy cứ gọi chúng về mỗi khi có cơ hội, đừng bao giờ dỗi bỏ tình yêu. Cảm ơn anh NCT đã nói hộ tiếng lòng của mọi người (Trần Quang)

    Trả lờiXóa
  12. Nặc danh08:26 10/6/13

    Trần Quang ơi, đang tập làm nhà phê bình thơ rồi đấy nhỉ?

    Trả lờiXóa
  13. Nặc danh10:14 10/6/13

    Em thì không quan tâm tới việc anh NCT viết thơ tình tháng Sáu là viết theo "hợp đồng thơ" hay viết cho chính anh. Em chỉ biết rằng HOÀI NIỆM THÁNG SÁU thật giàu cảm xúc. Nhiều hình ảnh thơ bình dị nhưng vẫn giàu sức gợi cảm là do cảm xúc chân thành. Em thích hai trong sáu khổ của bài thơ hơn cả:
    Khổ thơ em thích thứ nhì là khổ 4 của bài thơ:

    Sao cứ nhớ hoài tháng Sáu
    Đường quê hai bóng thung thăng
    Ngây ngất hương đêm dịu ngọt
    Tóc ai nhuộm đẫm màu trăng…

    Đây là những câu thơ có sức GỢI NHỚ KỈ NIỆM XƯA ngọt ngào nhất. Đường làng quê, bóng hai người yêu nhau tay trong tay bước "thung thăng" dưới trăng vàng. Trăng chảy tràn trề trên tóc em (Tất nhiên rồi, chỉ có anh mới nhìn được "màu trăng" trên tóc em!). Anh "ngây ngất" bởi "hương đêm" trên quê hương: Hương lúa hay hương tóc em?

    Khổ thơ em thích nhất là khổ thơ kết:

    Sao cứ gọi hoài tháng Sáu
    Trái yêu chín ngát vườn đời
    Lung linh một trời kỉ niệm
    Mắt ai lãng đãng sao rơi...

    Đây là những dòng thơ gắn KỈ NIỆM XƯA với hiện tại. Hình ảnh "Trái yêu chín ngát vườn đời" chứng tỏ rằng tình yêu ngày xưa vẫn sống mãi, lớn lên từng ngày, và thành trái chín ngọt ngào thơm ngát. Tình yêu ấy mát lành như thế, cần biết bao nhiêu cho cuộc đời này! Sao chúng ta phải giã từ quá khứ? Hãy nhớ, hãy HOÀI NIỆM, để biến những mối tình xưa, dù ngọt ngào hay cay đắng, đều thành "trái yêu chín ngát vườn đời" của hôm nay.
    Cám ơn thi sĩ NCT đã từ tình yêu (cho dù tình yêu mượn từ bản hợp đồng giày dép) để góp cho đời những vần thơ dịu ngọt.
    (Hải Yến)



    Trả lờiXóa
  14. Tôi cũng thích hai khổ thơ trên, nhưng phải lưu ý Hải Yến rằng, cái "hương đêm" mà NCT ngây ngất, được cảm nhận bằng cả khíu giác, xúc giác (mùi hương dìu dịu) và cả vị giác nữa (ngọt). Một khi đi với người yêu mà cảm nhận bằng cả 3 giác quan đó , kết hợp với nhìn và nghe (tất nhiên rồi) thì ta hiểu tình yêu đi đến đâu rồi. ý thơ cũng sâu xa đấy chứ. Nhớ, chính là nhớ cái cảm giác này. Làm sao có thể quên được cơ chứ!

    Trả lờiXóa
  15. Nặc danh14:04 10/6/13

    Đã chính thức nhận được giầy chưa anh NCT?

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Thông báo tôi vừa làm việc với khách hàng, mới có 10 comments được tính trong số 16 cái đã ghi. Sáu nhận xét bị loại do trong nhận xét không có câu nào bàn đến nội dung của bài thơ này. Hy vọng các bạn tiếp tục ủng hộ để ngày mai tôi có thể đi giày mới (lưu ý: comment này của tôi không được tính). NCT

      Xóa
  16. THÊM MỘT BÀI THƠ HAY CỦA NCT

    HOÀI NIỆM THÁNG SÁU trước hết phải khẳng định là một bài thơ khá hay, không chỉ trong blogE mà cả trong thi đàn Việt hiện nay. Những bài thơ có cấu tứ chặt chẽ như thế, có tính logic như thế không có nhiều trong một đời thi sĩ, kể cả những nhà thơ lớn hiện nay. Có thể NCT xuất phát là người giỏi các môn tự nhiên, lại là tiến sĩ kinh tế, nên trong thơ anh có tính logic chặt chẽ. Những nhà thơ thường có khởi nguồn học giỏi các môn xã hội, nên kém về logic. Khi phân tích chi tiết từng bài thơ của họ, tôi thường phát hiện ra những điểm mâu thuẫn nhau làm giảm độ hay, độ hoàn bích của bài thơ. Điều này tồn tại ở cả trong thơ của những nhà thơ đầu đàn hiện nay như Hữu Thỉnh, Vũ Quần Phương, Bằng Việt (tôi sẽ giới thiệu với blog E một bài đánh giá về thơ hiện nay của một bậc đàn anh mà tôi quen biết).
    Trở lại bài thơ HOÀI NIỆM THÁNG SÁU. Tại sao lại là hoài niệm? có phải tác giả nuối tiếc về những cái đã qua không? Ai mà chẳng ở trong tâm trạng như vậy khi nhớ lại quá khứ. Chọn Tháng sáu để mà hồi tưởng lại quá khứ thật là đúng đắn, bởi tháng sáu có rất nhiều hình ảnh gợi nhớ, gợi thương, gợi mong, gợi trách.... Đây là cái khôn của tác giả. Như thế mới có thể nhắc hoài, trách hoài, thương hoài, nhớ hoài, mong hoài và gọi hoài được. Câu hỏi “Sao cứ...?” tự đặt ra cho mình cũng chính là câu trả lời về sự hoài niệm đang hiện hữu trong nhân vật trữ tình.
    Tính logic thể hiện trong cả tiến trình đi tới của bài thơ, từ những rung động đầu đời cho đến một tình yêu chín chắn, nhưng chưa đủ điều kiện để tiến tới kết quả cuối cùng. Tính logic cũng thể hiện rõ ở trong từng khổ thơ, không có những mâu thuẫn đáng tiếc về hình tượng hay ngôn ngữ.
    Khổ đầu tiên bắt đầu bằng “Sao cứ nhắc hoài tháng Sáu”. Mỗi khi mùa phượng vĩ nở rộ (cuối tháng 5 đầu tháng Sáu) là mùa thi kết thúc, nhất là đối với những học sinh tốt nghiệp phổ thông, thật bịn rịn vô cùng khi chia tay trường, chia tay bạn bè, có thể là chia tay với những rung cảm đầu đời nữa. Và hàng năm, mỗi khi tháng 6 trở lại, có ai trong chúng ta không xao xuyến nhớ về mái trường xưa? Cái nhớ được lặp đi lặp lại nên tác giả dùng từ “nhắc” theo tôi là đắt. Chưa đến mức thương nhớ, nhưng cũng đủ làm ta bịn rịn khó quên.
    Khổ thứ hai có vẻ “dỗi hờn”, bắt đầu với “sao cứ trách hoài tháng 6”. Chuyện cũ đã qua lâu rồi sao cứ trách mãi thế? Chuyện gì mà phải giữ trong lòng lâu thế nếu không phải là chuyện rơi mất mối tình đang chớm nở ở tuổi mới lớn? Có phải những khó khăn đầu tiên khi bước vào đời như cơn giông giật mất đi nụ cười của bạn gái. Sự sợ hãi trước những đe dọa khó khăn, trở ngại và những cơn mưa hòa lẫn nước mắt của đời buộc chàng trai trẻ phải “ngẩn ngơ bồi hồi” nhìn theo người bạn gái đang rời xa, với tấm lưng thon hiện ra sau lớp vải áo ướt nước mưa. Trách là phải lắm! Trách trời tháng sáu mưa giông bất chợt. Trách mình không có đủ dũng khí che chở cho em trong cơn sợ hãi...
    Khổ thứ 3 là “thương”. Tháng 6 mùa lúa chín vàng. Nắng chói chang “hong vàng rực cánh đồng”. Cánh đồng rộng tới mức “cò mỏi cánh tìm chỗ đậu” mà em đang ở giữa cái mênh mông đó. Sóng lúa tạo ra cảm giác như thấy em nghiêng ngả, chông chênh giữa biển mênh mông. Em đơn độc quá, nhỏ bé quá. Nghĩ mà “thương”. Tình cảm đã đi đôi với trách nhiệm rồi. Chàng trai đã chững chạc hơn trong tình yêu!
    Khổ thứ 4 là “nhớ”. Đúng như các bạn đã phân tích. Chỉ có tình yêu sâu đậm mới làm người ta “nhớ hoài” đến thế. Đôi tình nhân trẻ dắt tay nhau đi dưới trăng tháng sáu một cách thanh thản, phởn phơ. Đã có những va chạm về thể xác, những nụ hôn dịu ngọt “ngây ngất hương đêm” và tình yêu làm chàng trai chợt hóa thân thành thi sĩ khi phát hiện ra “tóc ai nhuộm đẫm màu trăng”. Khổ thơ này nhiều bạn thích là phải. Tôi cũng thế, bởi lẽ, ai đã từng ở nông thôn chẳng lưu giữ mãi trong mình những hình ảnh đó.(còn tiếp)

    Trả lờiXóa
  17. (Tiếp theo)
    Khổ thứ 5 “Mong” có vẻ hình tượng hơi khó hiểu. Sự mong chờ ở đây cũng không kém gì cái cồn cào của sóng biển thể hiện qua hình ảnh “cánh diều phiêu diêu” chao đi chao lại muốn bay theo gió nhưng lại bị níu giữ bởi dây diều. Sự mong đợi cồn cào trong kìm nén của hoàn cảnh. “Lắng nghe tim mình thổn thức”, mơ về nụ cười em “tím cả chiều”. Cái mong đợi của sự thủy chung nó thế đấy. Có thể giờ đây mỗi người đã ở một phương trời, nhưng họ vẫn mong được gặp nhau trong tưởng tượng. Cũng là một kiểu “mong” của thi sĩ.
    Khổ thứ 6 là “gọi”, gọi về tình yêu, gọi về những kỉ niệm. Khổ thơ như mang đến trong ta âm điệu mượt mà bài hát Hạ Trắng của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn “ Áo xưa dù nhàu... cũng xin bạc đầu gọi mãi tên nhau...gọi tên em mãi suốt cơn mê này”. Hình ảnh “trái yêu chín ngát vườn đời” làm ta liên tưởng tới bài thơ Tương tư của Xuân Diệu:
    “Hoa tím tương tư đã nở đầy
    Mời em dạo bước tới vườn đây
    Em xem thương nhớ em gieo hạt
    Hoa tím tương tư đã nở đầy”.
    Vườn đời của NCT cũng giống như vườn yêu của Xuân Diệu, Nếu hạt thương nhớ được gieo trong vườn Xuân Diệu đã lên cây ra hoa tím tương tư thì cây tình yêu trong vườn đời NCT trái đã chín, ngát cả vườn. Tháng sáu cũng là mùa quả chín, nào vải, nào mít, nào xoài... Thật là một sự vận dụng sáng tạo, khẳng định một điều: tình yêu không bao giờ chết, tình yêu không bao giờ khô héo, nó chỉ có xanh và chín mà thôi. Nếu ta không may gặp “trái yêu” xanh không ăn được thì cũng đừng quên rằng sau này nó sẽ chín, sẽ thơm ngát trong ta. Hình ảnh: “Lung linh một trời kỉ niệm/Mắt ai lãng đãng sao rơi” chỉ bổ trợ cho “Trái cây chín ngát vườn đời”. Những kỉ niệm về tình yêu bao giờ cũng lung linh trong kí ức ta như những vì sao trên bầu trời đêm vậy và khi gặp lại nhau, mỗi chúng ta ai chẳng bồi hồi, hạnh phúc ôn lại kỉ niệm này nào. Tác giả hình tượng hóa những giọt lệ rơi trong hạnh phúc như “sao rơi” vậy. Thật là một cái kết hay cho cả bài thơ.
    Về vần điệu của bài thơ, một số bạn cho rằng bài thơ chưa thật vần và hơi gò. Tôi lại không cho là như vậy. Vì câu đầu của mỗi khổ thơ đều kết thúc bằng từ “tháng Sáu” nên rất khó có thể tìm vần hợp với từ này ở tất cả các khổ. Tác giả đã vận dụng gieo vần ở hai câu kết thúc bởi thanh bằng tương đối chỉnh. Điều này thường được áp dụng trong thơ 5 chứ, 6 chữ. Hãy xem một khổ thơ nổi tiếng của Hữu Thỉnh, Chủ tịch Hội nhà văn Việt Nam đã dượcđưa vào chương trình giáo dục phổ thông:
    “Bỗng nhận ra hương ổi
    Phả vào trong gió se
    Sương chùng chình qua ngõ
    Hình như thu đã về”.
    Tóm lại, dù chưa thật hoàn bích và đặc sắc, tôi vẫn đánh giá đây là một bài thơ khá của NCT. Kĩ năng thơ của anh đã phát triển tới trình độ khá chuyên nghiệp và có phần lấn át cảm xúc. Trong khi đó, tôi lại rất thích những bài thơ giàu cảm xúc của anh trước đây như bài Giấc mơ Suối Yến, Tâm tình người lính, Ảo ảnh... (Thichdoctho)

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Nặc danh16:33 14/6/13

      Em khoái lời bình của bác Thichdoctho còn hơn cả bài thơ của NCT thế mới lạ! Đúng là một bài thơ dù hay đến đâu cũng sẽ khó lòng được mọi người biết đến nếu không được những nhà phê bình lăng xê. Phải chăng bác Thích đang lăng xê thơ thi sĩ NCT?

      Xóa
  18. Nặc danh16:02 10/6/13

    Thichdoctho cứ như là THÁNG SÁU của NCT ấy nhể! Hòa thượng họ Thích này chỉ "mê" mỗi thơ tình NCT. Ghen quá đi mất!

    Trả lờiXóa
  19. Nặc danh19:08 10/6/13

    Theo tôi, chỉ riêng bài bình luận này của Thichdoctho cũng đủ để NCT nhận giầy rồi, bình hay quá bác Thích ơi, Bác chắc chắn là nhà phê bình văn học, với tôi Bác là như vậy!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Nặc danh21:30 10/6/13

      Cái ông hòa thượng họ Thích này đi vắng mãi, làm cho ND 19:08 vốn mê ông, nay mới lại được nghe lời bình của người mình say mê. Còn tôi, tôi đánh giá ông bình thơ chỉ đáng tầm ... học trò của N22 thôi!

      Xóa
    2. Đề nghi các bạn tranh cãi với nhau sau được không? Trước mắt cần tập trung bình luận bài thơ cho tôi đã. Tính tới giờ này vẫn chưa đủ 15 nhận xét chuẩn. Cám ơn bác Thichdoctho đã cho 2 nhận xét rất giá trị (NCT)

      Xóa
    3. Nặc danh23:02 10/6/13

      Cho tôi được cảm ơn thật nhiều đến BÀ CHỦ ĐẶT HÀNG, vì nhờ đó mà chúng tôi có được HOÀI NIỆM THÁNG SÁU của thi sỹ NCT, Bài thơ là những cung bậc cảm xúc của một thời hoa mộng,,, mà dường như trong ai cũng có.Mới đó mà đã gần 40 năm rồi, nay như lại ùa về "một trời nhớ, một trời thương"...Để lòng lại man mác theo "Nỗi buồn hoa phượng",thật bay bổng mà cũng thật bình yên!
      Cảm ơn anh nhé! NCT ạ.

      Xóa
  20. Nặc danh22:31 10/6/13

    Sai bét thế mà cứ bình với phẩm. Năm nào mà chả có tháng 6. Thật buồn cười đi hoài niệm một vấn đề có tính quy luật. May ra có thể hoài niệm một Tháng 6 (viết hoa ) nào đó trong quá khứ mà không lặp lại.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Ôi tiếc quá! hai nhận xét của ND23:02 và ND22:31 rất tốt mà không được tính vì không có địa chỉ Email, cũng không phải là cộng tác viên quen thuộc của bolgE hay thành viên lớp E. Tôi vẫn thiếu 3 nhận xét nữa mới đạt mức tối thiểu các bạn ơi.... (NCT)

      Xóa
    2. Ủng hộ NCT một còm nữa vậy. Các bạn lớp E đâu rồi không lên tiếng giúp NCT giành được đôi giày đi và có thể ông ấy còn giành được cả trái tim bà chủ đặt hàng nữa ấy chứ.
      Trở lại bài thơ, đúng là năm nào chả có tháng sáu, người bình thường chúng ta nhìn tháng sáu thấy nó đến và đi như một quy luật, có gì phải hoài niệm. Nhà thơ thì nhìn tháng 6 bây giờ lại nhớ đến tháng Sáu ngày xưa;sống trong tháng 6 phồn hoa lại nhớ về tháng Sáu nghèo khó; đi trong tháng sáu hiện hữu lại nhớ, mong và thầm gọi tháng Sáu của kí ức. Tháng Sáu đối với nhà thơ là tình yêu, là cuộc đời, là "người xưa". Đó là điểm căn bản mà nhà thơ khác với người bình thường. Sao ND22:31 lại cho là buồn cười, là sai bét. Cái chính là bài thơ đã làm cho ta rung động, nhớ nhung về một thời đã qua. Thế là đủ với thơ rồi. (LPT)

      Xóa
    3. Nặc danh13:57 11/6/13

      Một độc giả 2 nhận xét có hợp lệ không anh NCT?

      Xóa
    4. ND 23:02 10/06/2013 là dâu của lớp E đấy ạ, vậy có được tính là thành viên quen thuộc của blogE không chứ? Với những gì anh NCT đã cống hiến cho Blog E thì anh phải được nhận đến 2 đôi giầy mới xứng đáng, "bà chủ đặt hàng" có keo quá không đấy? hihi

      Xóa
    5. Vì hợp đồng thỏa thuận phải có "15 comments chính danh", em là dâu lớp E thì cũng phải xưng tên và là cô dâu của anh nào thì mới tính được. Đã là hợp đồng thì phải thực hiên đúng cam kết. Nếu không xưng danh thì một mình anh viết luôn 30 comments cũng lừa được bà chủ à? (NCT)

      Xóa
  21. Nặc danh10:30 11/6/13

    Tháng sáu với chùm phượng hồng, tiếng ve ran, đồng lúa chín, cơn mưa giông, đêm trăng vàng ... thì đúng là tháng sáu của muôn đời, năm nào chẳng có, đâu chỉ riêng ai!
    Nhưng Tháng Sáu với lưng áo em mỏng tang đọng ánh nhìn anh. Tháng Sáu dắt nhau đi dưới trăng, ngất ngây trong hương yêu buổi đầu hò hẹn. Tháng Sáu nhớ mong nhau tím cả hoàng hôn của mối tình đầu. Tháng Sáu anh muốn tan trong nước mắt giận hờn em cùng ánh sao rơi, rồi thả hồn mình theo tiếng của con tim "yêu" làm nên trái tình đời "chín ngát" ... thì đâu phải mấy ai có được, mấy ai cảm nhận hết được từ tháng sáu? Tháng Sáu ấy, hẳn là Tháng Sáu cho riêng một người, riêng một mối tình. Chẳng giống với bất cứ ai!
    Cái hay trong HOÀI NIỆM THÁNG SÁU của NCT là chung và riêng hoà quyện. Đọc thơ, tôi thấy tháng sáu của tôi. Và tôi cảm nhận được Tháng Sáu hồn thi sĩ.
    (Hoài Thu).
    (Nhắn thêm: HT comment muộn, nhưng nếu đây là một còm "vàng", thì anh NCT nhớ tặng cho HT cái quai giầy nhé!)

    Trả lờiXóa
  22. Nghe chừng khó lấy được giày quá. Chứng tỏ bà chủ đặt hàng tôi theo dõi blogE rất sát và phát hiện ra người đọc thì nhiều mà người còm thì ít nên đánh đố mình đây. Cứ nghĩ 15 còm là ngon ăn mà gần 3 ngày vẫn chưa đủ. Trưa nay bà chủ gặp tôi lại cười và nói rằng, theo đúng thỏa thuận là "nhận xét chính danh", nếu một người viết 2 nhận xét thì chỉ tính 1, riêng Thíchdoctho vì nhận xét dài vượt quá số kí tự cho phép một lần còm, phải tách làm 2 thì đượctính là 2 nhận xét. Đến bây giờ vẫn mới có 12 nhận xét thôi các bạn ạ. (NCT)

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Nặc danh20:54 11/6/13

      Cái bà chủ 6-66 đã đặt hàng với anh, bà ấy "nhiễu sự" quá đấy anh NCT ạ. Mà anh là nhà kinh tế, sao làm hợp đồng cũng chẳng "chặt chẽ" gì cả. Lúc đầu, 6 điều khoản ghi rõ rồi, sao về sau còn cứ tùy tiện "thêm" điều khoản? Sao một người 2 nhận xét lại không được tính? Bà ấy đừng tưởng nhiều số 6 thế thì người ta phải xin "lộc" của bà ấy nhé! Phó thường dân em ít văn chương nên không "còm" thơ anh được. Nhưng em làm được việc này: Kí với anh hợp đồng thơ khác. Anh bỏ quách cái hợp đồng "giầy dép" rẻ mạt ấy đi, kí với em hợp đồng thơ với giá là bộ complê 3 triệu (Anh cứ ga lăng tặng không bà ấy HOÀI NIỆM THÁNG SÁU đi). Yêu cầu của em như sau: Người yêu cũ của em sinh nhật tháng 7 (ngày xưa, em yêu nhiều, nhưng nhớ nhất mối tình thứ 3 với anh tháng 7 ấy). Cách đây 7 năm, chúng em gặp lại nhau vào tháng 7. Anh hãy làm cho em một bài thơ nói về cảm xúc lúc người yêu cũ của em gặp lại em. Thể thơ 7 chữ hoặc lục bát đều được (mỗi cặp lục bát cộng vào chia đôi cũng là 7), trong bài phải có từ "mưa ngâu". Em hợp đồng đơn giản thế thôi, còn thơ hay đến mức nào thì tùy anh. Nếu anh đồng ý, hãy cho em số ĐT di động của anh, ta sẽ bàn cụ thể và kí hợp đồng chính thức.

      Xóa
    2. Hợp đồng quá chặt chẽ nên mới có nhiều comments không đúng với cam kết, chứ không phải bà chủ làm khó anh đâu. Anh cứ nghĩ mọi lần có nhiều nhận xét thế thì dễ dàng nhận được 15 người ủng hộ, đâu có ngờ chỉ nhiều người đọc xuông thôi, còn người viết thì ít quá. Lớp E còn gần 30 người, cũng chỉ có mấy người thường xuyên ghi nhận xét thôi. Anh đồng ý làm một bài thơ theo đặt hàng của em vào tháng 7. Chi tiết ta sẽ trao đổi thêm sau nhé. Địa chỉ email của anh là: thanhnc@mpi.gov.vn (NCT)

      Xóa
  23. Mai Hương _VT14:56 11/6/13

    MH thich lời bình của thichdoctho về HOÀI NIỆM THÁNG 6 có lẽ bởi nó có cái gì đó rất say mà rất tỉnh như người tháng sáu vậy. Đừng nghi ngờ MH có liên quan đến 66 vì thơ là "những điệu hồn đi tìm hồn đồng điệu" mà. MH cũng thích khổ kết của bài thơ ấy. Thường thì những khổ kết sẽ nâng thi tứ của cả bài lên và bật ra chủ đề của bài thơ. Tên của bài là HOÀI NIỆM THÁNG SÁU nên cứ nhớ mãi, cứ "gọi hoài tháng Sáu" với "một trời kỉ niệm" theo suốt cuộc đời. Kỉ niệm mãi "lung linh" vì nó đẹp, vì nó trong trẻo và ngọt ngào để cảm xúc của nhân vật trữ tình trong bài thơ ấy "lãng đãng", phiêu diêu giữa hai bờ nhớ thương và tiếc nuối. Đọc bài thơ thấy bâng khuâng, thấy có hình như có cả mình trong đó. Phải chăng đó là thành công của bài thơ?

    Trả lờiXóa
  24. Nặc danh15:13 12/6/13

    22:31 10/06/2013
    Cho địa chỉ đây: hoahong den_0077@yahoo.com- tính một điểm.
    Còn đây cho thêm một điểm nữa: Bài thơ cứ thấy quen quen, không phải là vận vào mình, vì chắc tác giả thuộc loại bầu rượu túi thơ nên sưu tầm nhiều. Câu tôi cho là kém nhất là "Nụ cười ai tím cả chiều…". Tháng sáu hàng năm ở Miền Bắc làm quái gì có chiều tím . Chỉ có cuối thu và đông mới có chiều tím ở Miền Bắc ( do tán sắc ánh sáng chiều tà vào những ngày này). Vậy là thơ nhưng thiếu thực tế và kém về vật lý. Tím chiều phải như thế này này " Em không phải là chiều mà nhuộm anh đến tím" trong bài Biển nỗi nhớ và Em của Hữu Thỉnh- Phú Quang thế mới gọi là tím chứ, là nhớ chứ. Nghe này http://www.nhaccuatui.com/bai-hat/bien-noi-nho-va-em-thanh-lam.P3k_0uUg2w.html

    Trả lờiXóa
  25. 1. Rất cảm ơn bạn đã phê phán câu thơ cóp nhặt của tôi. Đúng là một bài thơ này tôi chỉ dám dũng cảm nhận một vài câu được thôi, còn đa phần là vẫn mượn của người khác. Thơ cho phép như thế, thậm chí cả bài đều dở cũng được mà. Một đời người làm thơ chỉ cần cố gắng có mấy câu để người ta nhớ là được, không nên đòi hỏi cao quá đối với một người làm thơ nghiệp dư như tôi.
    2. Ai bảo tháng sáu không có chiều tím, ngay ở Hà Nội những ngày này có thể thấy chiều tím khi mặt trời như hòn than đỏ e lệ nép sau những tòa nhà cao tầng, trên nền mây xám phảng phất mấy nét hồng. Nếu đứng trên tầng cao của các tòa nhà, đặc biệt là ở các tòa nhà gần hồ Tây sẽ thầy chân trời xa màu tim tím rất huyền ảo. Hôm nào rỗi rãi tôi sẽ phân tích cho các bạn thấy những điểm mâu thuẫn đến nực cười của đại thi hào Hữu Thỉnh ngay ở bài thơ được coi là hay nhất của ông mà bạn ND 15:13 vừa dẫn chứng (Thơ viết ở biển) và bài thơ đã được đưa vào chương trình giáo dục phổ thông (Sang Thu)
    3. Nhận xét của bạn vẫn không phải chính danh. Bạn tự bịa ra một địa chỉ email của ai đó rồi ghi vào, nhỡ người ta khiếu nại thì sao?. Nhân xét của bạn vẫn ghi Nặc danh mà. Hãy nhận xét với tên từ địa chỉ google mới được tính 1 điểm bạn nhé (trừ một số bạn cộng tác viên quen thuộc như Trần Quang, Hải Yến, Hoài Thu, Mai Hương).
    Dù sao NCT cũng cám ơn bạn rất nhiều và mong nhận được nhiều sự quan tâm của bạn (NCT)

    Trả lờiXóa
  26. Nặc danh17:02 12/6/13

    Dưới mắt thi sĩ thì chiều trắng, chiều vàng, chiều đỏ đều có thể chuyển thành tím được qua trí tưởng tượng. Tôi thấy ở đây NCT không nói "chiều tím" như ND15:13 kêu mà là "nụ cười ai tím cả chiều" tôi hiểu là môi em tím hồng, em cười làm cho chiều cũng được nhuộm tím, đây mới là đúng logic. Còn ông Hữu Thỉnh so sánh một cô em trẻ trung với "chiều" thì quả là coi thường cô em quá, người bình thường như tôi cũng chẳng ví người yêu mình với "chiều" . Chiều tím mà nhuộm được người tím thì hóa ra chiều như mực tím à? chỉ người làm cho chiều tím được thôi, bởi người mới có ý thức, có trí tưởng tượng. Tôi thấy ông hữu Thỉnh này kém cả triết học nữa. Chúng ta đừng có cúi đầu vái lạy mấy ông tượng đất làm gì. Bạn nhớ đến mấy câu thơ kia chính là nhờ nhạc sĩ Phú Quang đấy. (thichdoctho -tôi xin lỗi vì không vào địa chỉ mail cuả mình)

    Trả lờiXóa
  27. Mai Hương _VT20:54 12/6/13

    Đôi khi trong thơ có những hình ảnh lung linh giữa "khả giải" và "bất khả giải". Cần gì phải bận tâm đi tìm và ngắm nghía xem có chiều tím hay chiều vàng... vào tháng sáu hay không. Thơ mà rõ ràng quá thì cần gì phải bình. Lấy khoa học mà giải thích tâm trạng và cảm xúc sẽ trở thành khập khiễng bởi trái tim có lí lẽ riêng của nó không theo quy luật nào cả? Vấn đề là khi người ta đã từng yêu nhau và luôn nhớ về nhau, trân trọng những kỉ niệm đẹp một thời của tuổi trẻ thì nhìn đâu chẳng gắn với người xưa nơi quê nhà...MH xin hỏi thi sĩ tự nhận là "nghiệp dư" NCT có phải thế không ạ?

    Trả lờiXóa
  28. SUY NGHĨ VỀ THƠ VIẾT Ở BIỂN CỦA HỮU THỈNH

    Vì bạn ND 15:13 dùng cả kiến thức vật lý để chứng minh cái hay của thơ Hữu Thỉnh. Tôi đồ rằng nếu bạn không nằm trong nhóm lợi ích cùng ông ta thì cũng thuộc diện “Trái tim lầm lẫn để trên đầu” nên tôi buộc phải lên tiếng. Tại sao vậy? Nói thẳng là tôi vốn không ưa gì ông Hữu Thỉnh. Theo quan điểm của tôi thì ông này là người đóng góp nhiều công sức nhất trong “sự nghiệp” đẩy lùi nền văn học và thi ca Việt Nam trong 20 năm trở lại đây. Vì không ưa ông nên tôi hay để ý, soi thơ ông và phát hiện ông này tư duy rất luẩn quẩn. Từ ngày ông, với tư cách một nhà thơ gần 50 năm kinh nghiệm, một chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam lại mù quáng tin “thi sĩ rởm” Hoàng Quang Thuận một đêm làm mấy chục bài thơ (loại thơ thiền) với những lời bốc thơm đến mức không ai có thể ngửi được, thì tôi khẳng định ông này đúng là tượng đất!
    Trở lại với bài “Thơ viết ở biển” - bài thơ hay nhất, thuộc đỉnh cao nhất của đời thi ca Hữu Thỉnh, theo đánh giá của nhiều người. Tuy nhiên, tôi đánh giá bài thơ đó cũng mới chỉ thuộc vào loại khá, chứ chưa được là một bài thơ hay toàn bích như: Đây Thôn Vỹ Dạ hay Mùa Xuân Chín của Hàn Mặc Tử; Đèo Ngang của Bà Huyện Thanh Quan; Tiếng Thu Lưu Trọng Lư; Thu Điếu Nguyễn Khuyến…
    Xin phân tích đôi nét bài “Thơ viết ở biển”". Trước hết nói về hình ảnh hai câu thơ hay nhất bài mà bạn ND15:13 nhắc đến:
    Gió không phải là roi mà vách núi phải mòn
    Em không phải là chiều mà nhuộm anh đến tím
    Người ta nói “nước chảy đá mòn” chứ không ai nói “gió thổi núi mòn”? Có thể do cảm xúc thơ ở đây nếu dùng hình ảnh “nước”, thơ không thuận nên tác giả sử dụng hình ảnh “gió”?… Mặc dù vậy, bởi hình ảnh thơ chưa thật sát nghĩa cho nên phần nào vẫn bị giảm độ hay. Gió chỉ làm cho núi cao lên, dày lên, vì gió thổi bụi bậm bám vào vách núi chứ không thể làm vách núi mòn đi được. Điều này một học sinh mới học môn vật lý cũng biết. Các nhà khoa học đã phát hiện đỉnh Everet mỗi năm cao lên mấy phân, mà trên đỉnh núi cao nhất thế giới này gió thổi ghê gớm lắm! Điều này chứng tỏ Hữu thỉnh còn kém cả NCT, khi NCT viết “mưa hối hả mài lưng áo”.
    Còn đối với câu thơ dưới tôi đã nói sơ ở nhận xét trên rồi. Ví “em” là “chiều” đã nhuộm tím cả anh, nghe chừng hình tượng ví von này vẫn còn gượng gạo? Tại sao em lại là “chiều” – “chiều” không có ý nghĩa gì đối với người phụ nữ! Sự liên kết hình ảnh thơ với đời sống chưa sâu sắc, cũng chưa ổn. Tuy nhiên, hai câu đó đọc lên người ta vẫn hiểu, tạm chấp nhận nhưng chưa thật hay và chưa cao tay.|Cũng chẳng phải Hữu Thỉnh phát minh ra chiều màu tím. Màu tím hoàng hôn hàng trăm năm nay ai chả biết. NCT sử dụng “nụ cười ai tím cả chiều” nghe còn đỡ gượng gạo hơn.
    Tôi cho rằng, mấy câu thơ đầu của bài thơ mới là câu thơ hay:
    Anh xa em / Trăng cũng lẻ / Mặt trời cũng lẻ. Sự lẻ loi của anh khi thiếu em ghê gớm quá, đến mặt trăng, mặt trời cũng lẻ. Mà đúng như thế thật, không ai có thể chối cãi, nhưng chỉ Hữu Thỉnh phát hiện ra.
    Nhưng đến hai câu sau:
    Biển vẫn cậy mình dài rộng thế
    Vắng cánh buồm một chút đã cô đơn
    Nếu chỉ thuần tuý tả về biển để nói về nỗi cô đơn, thì hai câu thơ này hay! Bởi vì, biển mênh mông như thế mà chỉ thiếu một cánh buồm bé nhỏ đã trở nên quạnh vắng, hiu hắt, có thể khen là viết giỏi! Nhưng “biển” và “cánh buồm” trong bài thơ Hữu Thỉnh còn để làm biểu tượng về người con trai và người con gái. Trong văn học người ta thường ví “em là biển cả mênh mông”, “tình em biển cả”, hay trên biển cả tình em… anh như cánh buồm gặp gió bay ra xa khơi, v. v... Ít khi người ta dùng hình ảnh biển để biểu tượng cho người con trai như trong bài thơ Hữu Thỉnh? Mà khi hình ảnh “biển dài rộng” đã là “anh” - thì hiển nhiên “cánh buồm” phải là em! Nghĩa là, Hữu Thỉnh ví “anh như biển” còn em như… “cánh buồm”. Sự ví von lộn ngược thơ như thế có phần bị gượng ép và khập khiễng, nên hai câu thơ đó tuy chưa hẳn đã hỏng nhưng cũng không thể gọi là hay.(còn tiếp)

    Trả lờiXóa
  29. (Tiếp theo)
    Để cho rõ, xin liên hệ với “Thuyền và biển” là một bài thơ tình hay của Xuân Quỳnh. Trong bài thơ của Xuân Quỳnh, “thuyền” là biểu tượng chỉ về người con trai, còn “biển” là người con gái. Nữ thi sĩ đã viết:
    Lòng thuyền nhiều khát vọng
    Và tình biển bao la…
    Hay là: Những đêm trăng hiền từ
    Biển như cô gái nhỏ
    Thầm thì gửi tâm tư
    Quanh mạn thuyền sóng vỗ
    Biển và thuyền nó cứ quấn quít với nhau như đôi trai gái. Để nói về tính cách của tình yêu, khi thì say đắm… lúc lại giận hờn – Xuân Quỳnh đã diễn tả:
    Cũng có khi vô cớ/Biển ào ạt xô thuyền
    Rồi nữ nhà thơ giải thích:
    Vì tình yêu muôn thuở/ Có bao giờ đứng yên?
    Hình ảnh thơ đã chứa đựng rất sâu sắc nội tâm bên trong, nó khái quát cả tình cảm, tâm hồn, lý trí và khát vọng:
    Chỉ có thuyền mới hiểu / Biển mênh mông nhường nào /
    Chỉ có biển mới biết / Thuyền đi đâu, về đâu…
    Nghĩa là, với hình ảnh thuyền và biển trong suốt bài thơ, Xuân Quỳnh đã diễn đạt mọi chiều của tình yêu đôi trai gái một cách rất lô-gíc. Yêu đã thế, nhưng ngay khi nói về sự xa cách hoặc có thể tan vỡ? Hình ảnh thuyền-biển của Xuân Quỳnh cũng được diễn đạt một cách thấm thía:
    Những ngày không gặp nhau/ Biển bạc đầu thương nhớ/
    Những ngày không gặp nhau/ Lòng thuyền đau – rạn vỡ…
    Hình ảnh “sóng biển bạc đầu” lại trở thành sự “bạc đầu vì thương nhớ” của người con gái (NCT cũng sử dụng hình ảnh này trong bài Em là…), hay sự rạn vỡ của con thuyền trong cái biển cả tình yêu… lại chính là để nói về sự quặn đau của trái tim người con trai khi phải xa cô gái yêu của mình – Đấy, thơ của Xuân Quỳnh viết tuyệt đến thế! Chính vì vậy “Thuyền và biển” mới đạt được là một bài thơ hay của thi đàn, để lưu vào nền văn học và lịch sử thi ca.
    Giờ ta suy xét về đoạn thơ kết của cả hai bài - Trong “Thơ viết ở biển” Hữu Thỉnh kết:
    Sóng chẳng đi đến đâu nếu không đưa em đến
    Vì sóng đã làm anh / Nghiêng ngả / Vì em…
    Cảm xúc viết thơ đến đây của Hữu Thỉnh bị bí, thơ luẩn quẩn. Vì là một bài thơ viết ở biển nên tác giả mới lấy hình tượng sóng để gắn vào đó một cái nỗi tình? nhưng hình ảnh:
    Sóng chẳng đi đến đâu nếu không đưa em đến…
    Như phân tích ở đoạn trên, “biển” tác giả đã sử dụng làm biểu tượng về người con trai, mà sóng cũng chính là biển – tức là “anh” rồi! Thành ra nghĩa ở câu này sẽ là: Anh chẳng đi đến đâu nếu không đưa em đến???… Hữu Thỉnh hay mắc bệnh thiếu suy xét khi tư duy trong thơ, sử dụng hình ảnh tùy tiện, thấy nó cứ có vẻ đẹp là dùng. Hơn nữa hình tượng “sóng đã làm anh nghiêng ngả vì em” – nếu xét về mặt vật lý thì sóng làm sao mà làm nghiêng ngả biển được? chỉ có sóng làm cho thuyền nghiêng ngả thôi chứ. Lại còn hai chữ vì nữa “vì sóng đã … vì em”. Phần kết này làm lộn tùng phèo cả anh và em lên rồi.
    Ta hãy xét đến đoạn thơ kết trong bài “Thuyền và biển” của Xuân Quỳnh – Vẫn là hình tượng “thuyền”, “biển” để làm biểu tượng về người con trai và cô gái, nhưng ý tình thơ đã được đẩy lên tới tột cùng:
    Nếu từ giã thuyền rồi
    Biển chỉ còn sóng gió
    Nếu phải cách xa anh
    Em chỉ còn bão tố…
    Nghĩa là, nếu phải chia ly thì cả đôi trai gái trái tim đều đau đớn và cuộc đời sẽ tan vỡ!
    Đánh giá về độ hay cũng như tầm vóc thi ca của hai thơ về biển trên – có thể nói: Thơ Hữu Thỉnh kém Xuân Quỳnh gần một tầm với.
    Mấy lời tâm sự về thơ Hữu Thỉnh với các bạn độc giả blogE để có cái nhìn thực tế hơn về Thơ Việt Nam thời kỳ đổi mới.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Nặc danh09:59 13/6/13

      Là dân Khoa học Tự nhiên, Hoài Thu rất ngưỡng mộ sự hiểu biết thơ ca của bác Thích và tâm đắc nhiều ý bình thơ của bác. Nhưng về việc: Đem hình ảnh thơ ca để nhìn và phân tích dưới góc độ Vật lí của cả hoahongđen và bác Thích, thì em ... không thích. Ở điểm này, em đồng ý với Mai Hương, thơ ca có những điều ‘khả giải” và có những khi “bất khả giải”.
      Nếu cứ nhìn hình tượng thơ ca bằng con mắt của vật lí, rồi đây, hết phân tích hình tượng trong thơ hiện đại, các bác sẽ “nhìn lại” những “viên ngọc” long lanh trong “Truyện Kiều” của văn học trung đại chứ ạ?
      Ví dụ như:
      “Vầng trăng ai xẻ làm đôi
      Nửa in gối chiếc, nửa soi dặm trường”
      Phân tích dưới góc độ vật lí, các bác sẽ nói thế nào? Chắc sẽ không chê đại thi hào Nguyễn Du là thiếu hiểu biết, là tư duy không lô gic chứ? Sẽ không đòi viết lại hai câu Kiều tuyệt tác này bằng ý: Hôm Kiều chia tay Thúc Sinh, mặt trăng bị bóng trái đất che khuất một phần, tạo nên một khoảng tối ... và vân vân ... chứ ạ?
      Một lối tư duy hình tượng (thơ ca) với một lối tư duy lô gic (vật lí), sao lại lẫn với nhau, sao lại bắt cái này theo cái kia, sao lại “cho cùng một rọ” như thế ạ?
      (Hoài Thu)

      Xóa
    2. Xin lỗi Hoài Thu và các bạn, đúng là sự khác nhau một trời một vực giữa thi ca và khoa học tự nhiên không cho phép ta đưa kiến thức vật lý vào bình thơ. Vì bạn ND15:13 đưa ra minh chứng mang tính vật lý, đúng với sở trường của tôi nên tôi muốn thể hiện một tí thôi (Ngày xưa tôi còn viết cả thơ về nhiễu xạ nữa cơ). Tôi chỉ muốn đưa ra một ý kiến là: thơ hay thì bài thơ phải phù hợp với cả quy luật tự nhiên và xã hội, phù hợp với logic ý thức con người. Một cái mũi dọc dừa đẹp đặt vào khuôn mặt tròn không bao giờ tôn lên được vẻ đẹp phụ nữ Á đông. Một mái tóc dài không thể tạo ấn tượng cho khuôn mặt kiểu Mỹ Linh bằng mái tóc ngắn... Thơ cũng thế, một, hai câu thơ rất hay nhưng đặt vào bối cảnh toàn bài có khi lại thành dở. Toàn những câu thơ bị coi là dở nhưng biết kết hợp với nhau tốt lại có thể cho ra đời một bài thơ hay. Những bài thơ hay là những bài thơ sống mãi với thời gian. Các bạn cứ thấy bài thơ nào mà hàng trăm năm sau người ta vẫn đọc, vẫn thuộc, vẫn nhớ, đấy đích thị là thơ hay, không cần tranh cãi.

      Xóa
  30. Cám ơn bác Thichdoctho đã tích cực tham gia diễn đàn và cho những ý kiến mới mẻ về thi ca Việt. Em hỏi khí không phải: Có phải bác vô tình hay do không ưa tác giả mà cố ý làm sai một số chữ trong bài thơ của Hữu Thỉnh để làm mất sự "lung linh" của bài thơ không?
    Em xin đăng lại chính xác bài thơ của Hữu Thỉnh như sau:

    THƠ VIẾT Ở BIỂN (HỮU THỈNH)

    Em xa anh
    Trăng cũng lẻ, mặt trời cũng lẻ
    Biển vẫn cậy mình dài rộng thế
    Vắng cánh buồm một chút đã cô đơn
    Gió không phải là roi mà quất núi cũng mòn
    Em không phải là chiều mà nhuộm anh đến tím.
    Sóng chẳng đi tới đâu nếu chẳng đưa anh đến
    Dù sóng đã làm anh
    nghiêng ngả
    vì em!

    Còn đây là lời bài hát BIỂN NỖI NHỚ VÀ EM. Hình như Phú Quang với sự nhạy cảm nghệ thuật của mình đã sửa một số chỗ để làm bớt đi những điểm thô thiển của bài thơ thì phải.

    Anh xa em, trăng cũng chợt lẻ loi thẫn thờ
    Biển vẫn thấy mình dài rộng thế
    Xa cánh buồm, một chút đã cô đơn
    Gió âm thầm không nói
    Mà sao núi phải mòn
    Em đâu phải là chiều
    Mà nhuộm anh đến tím
    Sóng có nghĩa gì đâu
    Nếu chiều nay em chẳng đến
    Dù sóng đã làm anh nghiêng ngả vì em...

    Thưa bác Thích, em có thằng con học lớp 9 phải học bài thơ SANG THU của Hữu Thỉnh. Em đọc thấy bài thơ có cảm xúc nhưng chỉ mới dừng lại ở mức cảm nhận, chưa nâng lên được tầm triết lý ở phần kết, nhưng tất cả các bài bình trong sách văn mẫu và bài giảng của các thầy cô đều gieo vào đầu trẻ ý nghĩ: đây là tuyệt tác thơ Việt Nam thế kỳ 20. Em có ý định phải bình mấy bài thơ của ông Chủ tịch Hội nhà văn để đánh động những người yêu văn chương, nhưng chưa có thời gian. May quá, hôm qua bác đã đưa ra quan điểm khá phù hợp với em khi phân tích bài THƠ VIẾT Ở BIỂN, giới thiệu với độc giả blogE. Nhân đây em đề nghị bác bớt chút thời gian cho mấy ý kiến về bài SANG THU để các thầy cô giáo đổi mới tư duy khi giảng bài thơ này cho học trò. (NCT)

    Trả lờiXóa
  31. Nặc danh09:37 13/6/13

    Thưa thi sĩ blog E NCT, thưa bác Thích!
    Các bác cứ luận thoải mái về "Sang thu" của HT đi. Nhưng em cho rằng, nếu có ý gì mới trong phát hiện của bác Thích, thì điều đó cũng không đồng nghĩa với việc các thầy cô giáo dạy Ngữ văn sẽ "đổi mới tư duy" như mong muốn của các bác, khi họ đứng trên bục giảng bài đâu ạ! Vì một lẽ đơn giản: Bác Thích có phải cấp trên chỉ đạo chuyên môn của các thầy cô đâu! Cùng lắm, nếu ý luận bàn của các bác được thầy cô nào đó tâm đắc, đồng tình, học sẽ chỉ “nói thêm” với học sinh trong giờ ngoại khoá mà thôi!
    Vì sao ư? Vì rằng “Cơm áo không đùa với khách thơ”. Các bác nhớ chuyện cô giáo Thuỷ ở trường Lomoloxop chứ? Cái món “canh gà” cô ấy không nấu, là học sinh nấu. Cô ấy đã chữa “món ấy”, chỉ có điều không đổ nó đi. Thế mà “chúng nó” còn xâu xé cô ấy đến mất nghiệp còn gì! Không còn cả “miếng cơm manh áo” nữa ạ.
    Các bác có chỗ kiếm cơm rồi, văn thơ với các bác chỉ là chuyện “du hí” – “nghệ thuật vị nghệ thuật”, luận trên blog E, chẳng chết ai, các bác đừng đòi hỏi quá nhiều ở các thầy cô giáo. Không phải họ không hiểu những điều các bác đang luận bàn và sẽ còn luận bàn. Nhưng với họ, nghệ thuật còn “vị nhân sinh” theo đúng nghĩa đen ngòm của nó.
    Em nói không đúng ư? Một Tiến sĩ kinh tế chính danh như anh NCT, anh có dám lấy chính danh của mình viết những bài luận về tình hình kinh tế kiểu “Cụ Bùi” không?
    (Em: Một cô giáo dạy Ngữ văn)

    Trả lờiXóa
  32. Nặc danh12:54 13/6/13

    Đủ Đ/k để nhận giầy chưa Anh NCT?

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Buồn quá! vẫn chưa đủ số còm bạn ạ. Tính đến 15h hôm nay vẫn giữ nguyên 12 còm, trong đó bác thichdoctho được tính 2, các còm chính danh khác chỉ được tính 1, nặc danh chỉ được tính Trần Quang,Hoài Thu, Hải Yến (Mai Hương đã sử dụng địa chỉ chính danh rồi). Bây giờ tôi chỉ trông vào các bạn độc giả nữ chưa còm thôi. Các độc giả nam chắc chẳng ai muốn tôi nhận được giày mới đâu, vì sợ tôi sẽ nổi bật khi đứng bên họ mà (NCT)

      Xóa
  33. ĐỌC “SANG THU” CỦA HỮU THỈNH NGẪM VỀ THƠ HAY

    Tôi nghĩ mãi không tìm được lý do gì để từ chối lời đề nghị của NCT, một người hết lòng vì blog E, vì thế tôi tiếp tục có ý kiến về bài sang Thu của Hữu Thỉnh. Mong các bạn đừng hiểu lầm về quan hệ giữa tôi và Hữu Thỉnh nhé.

    Tuy chưa bằng “Thơ viết ở biển”, song Sang Thu cũng là một trong đôi ba bài thơ xuất sắc nhất của Hữu Thỉnh. Đó là một bài thơ mà tác giả tả về cảnh một buổi vào thu ở làng quê, hình như đó là vào lúc trời gần tối sau một cơn mưa, mặc dù:
    Vẫn còn bao nhiêu nắng
    Nhưng:
    Sương chùng chình qua ngõ
    Hình như thu đã về.
    Tác giả cũng chỉ mới dừng lại ở dạng một bài thơ miêu tả thuần tuý cảnh vật thiên nhiên, dù sự tả đó là khéo và có hương sắc. Nào là:
    Bỗng nhận ra hương ổi / Phả vào trong gió se
    Rồi:
    Sông được lúc dềnh dàng / Chim bắt đầu vội vã
    Có đám mây mùa hạ / Vắt nửa mình sang thu
    Cả đến khi kết, bài thơ vẫn chỉ lẩn quẩn ở những câu tả cảnh đó:
    Sấm cũng bớt bất ngờ
    Trên hàng cây đứng tuổi
    Tức là tác giả mới cảm xúc về một khung cảnh thiên nhiên cùng với những sự vật xung quanh mà miêu tả nó ra mà thôi. Tuy sự miêu tả có gợi cảm nhưng cảm xúc thơ vẫn còn nông ở bên ngoài, tư duy trong chưa sâu. Đọc Sang Thu muốn cảm nhận ra một nỗi đời hay một ý tình trắc ẩn nào đó… dù của nhà thơ hay nhân gian, là không có? Bài thơ không đủ sự viên mãn cần thiết để được coi là một bài thơ hay. Lại xin đưa ra vài dẫn chứng cụ thể để minh chứng.

    Trước hết ta hãy xem “Qua đèo Ngang” của Bà Huyện Thanh Quan - Một bài thơ thất ngôn bát cú. Sau bốn câu đầu mô tả cảnh vật xung quanh: nào là cỏ cây hoa lá thì mọc chen trong khe đá, mấy chú tiều dưới núi, thưa thớt vài quán chợ bên sông. Nhưng chỉ bằng hai câu ở giữa bài, cũng vẫn là mượn cảnh vật để mô tả đã ôm bọc cả nỗi tình về nước, về nhà… của lòng bà gửi trong đó:
    Nhớ nước đau lòng con cuốc cuốc
    Thương nhà mỏi miệng cái gia gia
    Để rồi cuối cùng tác giả lại trở về với cõi lòng đang da diết giữa chốn Đèo Ngang hoang vu:
    Dừng chân đứng lại trời non nước
    Một mảnh tình riêng ta với ta
    Ý tình trong thơ đã bộc lộ tâm can, cõi lòng sâu xa nhất của người đi xa. Giọng điệu hình ảnh thơ sống động, điển hình đến mức hoàn bích, cho nên nó mới sống mãi với thời gian và nền văn học nước nhà.
    Lại quay trở về với “sang thu” của Hữu Thỉnh – Tuy tả cảnh có đẹp nhưng nghĩa thơ thì còn quá ít, nó chỉ như một bóng mây có vân sắc bay ngang qua bầu trời thơ mà thôi.
    Tuy vậy thi phẩm vẫn được coi là bài thơ miêu tả khá, đứng được – nhưng chưa đủ sự sâu sắc để tạo thành một đài thơ hay như các bài thơ đã kể trên. (còn tiếp)



    Trả lờiXóa
  34. (Tiếp theo)
    Chúng ta hãy xem tiếp bài thơ “Mùa xuân chín” của Hàn Mặc Tử - cũng chỉ là một bài thơ tả cảnh mùa xuân:
    Trong làn nắng ửng khói mơ tan
    Đôi mái nhà tranh lấm tấm vàng
    Sột soạt gió trêu tà áo biếc
    Trên giàn thiên lý, bóng xuân sang.
    Tình thơ được phát triển đầy ắp nỗi lòng, tình làng xóm quê hương của người thi sĩ. Cái cảnh mà thi nhân vẽ lên trong buổi sáng mùa xuân ấy hết sức đời và sống động:
    Bao cô thôn nữ hát trên đồi
    Ngày mai trong đám xuân xanh ấy
    Có kẻ theo chồng bỏ cuộc chơi…
    Hay là khi tả về tiếng hát:
    Tiếng ca vắt vẻo lưng chừng núi / Hổn hển như lời của nước mây…
    Không phải chỉ là nước mây hổn hển, mà chính là lòng thi nhân hổn hển… vì xúc động đó! Tất cả dội vào sự thiết tha của người thi sĩ:
    Thầm thĩ với ai ngồi dưới trúc / Xem ra ý vị và thơ ngây…
    Để rồi đến khi kết thúc thơ, lòng thi nhân trào lên da diết một nỗi nhớ thương về làng quê và những người thân. Vì lúc này thi nhân đang phải điều trị bệnh tại Gành Ráng, Qui Nhơn, một nơi biệt lập xa cách với sự sống con người. Cảm xúc ấy được thăng hoa và đẩy đến tột cùng:
    Khách xa gặp lúc mùa xuân chín
    Lòng trí bâng khuâng sực nhớ làng
    Chị ấy năm nay còn gánh thóc
    Dọc bờ sông trắng nắng chang chang?
    “Chị ấy” là hình ảnh người chị ruột mà trong cuộc sống thường ngày vẫn chăm sóc thi nhân hiện lên bên bờ con sông mộng. Hình ảnh “nắng chang chang” chẳng những chỉ hiện lên khung cảnh của làng quê chói chang trong ý tưởng thi nhân, mà nó còn đẩy tình thơ đi đến sự viên mãn tột cùng. Một bài thơ tả cảnh mùa xuân nhưng nó chứa chất, ôm bọc một nỗi tình đời sâu sắc như thế mới được gọi là thơ hay!
    Chứ như những câu kết trong “Sang thu” của Hữu Thỉnh:
    Vẫn còn bao nhiêu nắng
    Đã vơi dần cơn mưa
    Sấm cũng bớt bất ngờ
    Trên hàng cây đứng tuổi
    Vẫn chỉ là những câu thơ tả cảnh thuần tuý, hơi hơi cảm… chứ đã có nỗi tình đâu mà viên mãn để được gọi là thơ hay? Chẳng qua nó được lấy vào sách giáo khoa cho trẻ con học, rồi thi cử… mà có tiếng, trong văn đàn bài thơ này cũng chỉ bình bình.

    Lại ví dụ như “Thu Điếu” của Nguyễn Khuyến – Viết về một đêm thu ngồi thuyền câu cá. Cảnh tình thì hiu hắt, với nỗi cô đơn của người ẩn sĩ… khi ông chán nơi quan trường từ quan về nương náu chốn thôn hương:
    Ao thu lạnh lẽo nước trong veo
    Một chiếc thuyền câu bé tẻo teo…
    Nhất là trong hai câu kết:
    Tựa gối buông cần lâu chẳng được
    Cá đâu đớp động dưới chân bèo.
    Ta thấy chẳng những hình ảnh thơ chứa cả cuộc sống bên trong rất sống động, thơ như có thần và cuộc đời… một tâm trạng khắc khoải chênh vênh trong cái đêm thu ấy. Sâu sắc vậy nên Thu Điếu mới trở thành bài thơ hay!

    Trả lờiXóa
  35. Thông báo với các bạn đọc: Hôm nay tôi đã chính thức kết thúc hợp đồng bài thơ HOÀI NIỆM THÁNG SÁU mà không có được kết quả như ý. Mặc dù bà chủ có ý tặng tôi đôi giày trị giá 1 triệu đồng như một giải khuyến khích,nhưng tôi không nhận vì không đạt được số lượng 15 người còm về nội dung bài thơ như đã thỏa thuận. Với hơn 330 lượt truy cập xem bài thơ này và 50 lượt còm trong tuần qua, nhưng chỉ có 11 người còm đúng quy định (bác thíchdoctho được tính 2 lượt), chứng tỏ nhiều bạn còn e ngại dấu tên, hoặc không dám bày tỏ ý kiến của mình. Tôi nghĩ rằng tất cả chúng ta ai cũng có thể trở thành nhà báo như NCT, nhà thơ như Văn Thùy nếu chúng ta mạnh dạn bày tỏ ý kiến của mình, bắt đầu từ những nhận xét đơn giản như thế này. Hy vọng rằng, tham gia với blogE, các bạn sẽ trở thành những con người quảng đại hơn, thông tuệ hơn và khai phát được những tiềm năng đang ẩn dấu trong mình (NCT)

    Trả lờiXóa

Bạn có thể nhận xét không cần là thành viên, và nên góp ý lành mạnh, trung thực. Chọn nhập vai trong danh sách phía dưới khung nhận xét.