4 tháng 6, 2013

Kịch bản của một học sinh lớp 7

Cách đây mấy tuần, khi mở máy tính để soạn văn bản, em thấy có một file đặt tên DẪN TRUYỆN. Mở ra xem thì thấy có một kịch bản được chuyển thể từ một truyện ngắn trong sách giáo khoa Ngữ văn lớp 7. Chắc là cậu con trai lớp 7 của em là “thủ phạm” đây!
 Đọc văn bản, từ tò mò, lạ lẫm, thấy hay hay … và rồi em thấy “phục” thằng con quá! Một truyện ngắn hiện thực cách đây hàng thế kỉ, vừa bi vừa hài, cười trong đau xót … Nay được một học sinh lớp 7 chuyển thể thành kịch bản, tính hài tăng lên tô đậm cho tính bi, nhờ ngôn ngữ thời @, sự việc thời @ … (Hải Yến)
Khi con trai về, em hỏi nó về kịch bản. Nó bảo: Cô giáo dạy văn giao cho nó viết kịch bản để chúng nó tập và diễn trong giờ Hoạt động Ngữ văn, và trong buổi tổng kết cuối năm. Em hỏi nó:

“Sao cô không giao cho bạn ở đội tuyển Văn viết, có hay hơn không, lại giao cho một thằng ngố dân Toán thế?”. Con trai vênh mặt: “Thế mẹ nghĩ con thua mấy đứa con gái ấy à?”. Em lại vặn: “Sao ông Phạm Duy Tốn kể rằng quan phụ mẫu đánh tổ tôm, con lại viết là đánh phỏm?”. Nó bảo: “Nhưng con không biết gì về tổ tôm”.

 Hôm nay, em gửi bài viết của con trai em để mọi người đọc giải trí. Còn em, cứ ngẫm mãi: Đây là góc nhìn tác phẩm và cuộc sống của một đứa trẻ con lớp 7. Nếu để cho chúng tự do cảm nhận, chúng vẫn có thể liên hệ từ cuộc sống xưa trong tác phẩm văn học, với cuộc sống ngày nay thành một mạch liền. Không cần phải dạy chúng theo những bài văn mẫu ...

 
Tiểu phẩm: SỐNG CHẾT MẶC BAY
(Chuyển thể từ truyện ngắn cùng tên của Phạm Duy Tốn - Ngữ văn 7)

Dẫn truyện:  Gần 1giờ đêm. Trời mưa tầm tã. Nước sông Nhị Hà dâng lên cao quá; khúc đê làng X, phủ X xem chừng núng thế lắm, nhiều đoạn thẩm lậu rồi, sắp vỡ mất. Dân phu kể hàng nghìn người, từ chiều đến giờ, hết sức giữ gìn, kẻ cuốc người thuổng, kẻ đắp người cừ, bì bõm dưới bùn, ướt lướt thướt như chuột lột...
NV quần chúng:
- Ôi ông ơi, ra đây hộ tôi với!
- Tay búa đàng kia ơi, qua đây đóng tôi cái cọc!
Dẫn truyện: Tình cảnh thật là thảm...
NV quần chúng:
- Khiếp, rõ khổ sở thế này, chả biết quan phụ mẫu ở đâu nhỉ?
Dẫn truyện: Rằng, Đức mẹ ở trong đình đương chơi phỏm!
NV quần chúng:
- Đức mẹ ở đình thì sao biết ở đây như thế nào?
Dẫn truyện: Trong đình...
Thầy đề: (Tay tráo bài, miệng hỏi):
- Mấy ngài chơi phỏm nhá! (Chia bài cho mọi người)
Quan phụ mẫu: ( Kiêu ngạo nhìn xuống, bảo thầy đề):
-  Thầy lên bài đi!
Thầy đề:
- Bẩm vâng... Ôi, thật là hồng phúc, thật là vinh quang rực rỡ, ngay từ đầu bài của ngài đã có phỏm!
Các thầy:
- Đấy quả là diễm phúc 3 đời cho phận tôi tớ chúng con!
(Quan phụ mẫu gật gù, hài lòng)
Dẫn truyện: Trong đình, đèn thắp sáng trưng, nha lệ lính tráng, kẻ hầu người hạ đi lại rộn ràng. Xung quanh toàn là những thứ đồ cho việc ăn chơi xa xỉ.
(Hầu gãi chân nhìn trộm bài)
Quan phụ mẫu: (Bợp tai hầu):
-  Nhìn gì!
Chánh tổng:
-  Xem nào... Hừm hừm... Q bích
Thầy thông nhì:
- Xời...mới đầu đã trúng...Ăn!
Thây đội nhất:
- Ầy...Thầy chánh tổng đánh bài hãy còn gà lắm!
Hầu gãi chân:
- LIKE!
Quan phụ mẫu:
- Im, thằng kia! Tao cho mày ngồi là may đấy!
Hầu gãi chân:
- Bẩm, con xin tạ ơn...
Quan phụ mẫu:
- Điếu, mày! Thôi khỏi gãi chân nữa ra đây bóp vai cho moa!
Hầu gãi chân:
- Bẩm vâng...(Với tay lấy cái điếu)
Thầy đề:
- Bẩm quan...Con nghe nói trong thuốc có chất "ni cô" gì gì ấy, hại lắm!
Quan phụ mẫu:
- Ừm ... thế à?
Chánh tổng:
- Tôi tưởng ấy là protein, có lợi cho sức khỏe chứ!
Hầu gãi chân:
- Hay! LIKE!
Thầy đề:
-  "Ni cô" mà!
Hầu gãi chân:
- UNLIKE!
Quan phụ mẫu:
- Thằng hầu, im! Thích lẩm bẩm không? Láo! Bóp vai mạnh vào! (Với các thầy): "Ni cô" gì gì chứ, "Lin côn" tao cũng chẳng sợ! Nhưng thôi, nể thầy đề, tao không hút! (Với thầy đề) Thầy bốc đi!
Thầy đề:
- Bẩm...bốc?
Quan phụ mẫu:
- Quân gì?
Thầy đề:
- Bẩm quân 10 cơ!
Quan phụ mẫu:
- Chuẩn men! Hai phỏm rồi!
Dẫn truyện: Ngài mà còn đương dở ván bài hoặc chưa hết hội thì dẫu trời long đất lở, ngài cũng thây kệ!
Quan phụ mẫu: (Nhòm xuống):
- Ơ, đã hết bài rồi à! (Với thầy đề): Thầy bốc nốt con kia rồi tính điểm, rồi hạ bài đi!
Thầy đề:
- Bẩm...vâng!
Thầy đề: (vui sướng):
- 4 điểm! Hạ!
Các thầy:
- Ôi, thật là diễm phúc. Quan lớn về nhất, là hạnh phúc của chúng con! (Tranh nhau phô bài) Đây tôi có 7 điểm mà vẫn thua! ...Tôi cháy bài! ...Tôi không đánh con đấy có phải hơn không! ...
Quan phụ mẫu:
- Nói chung các thầy thua là phải đạo!
Các thầy: (lẩm bẩm):
- Đức mẹ sĩ!
Quan phụ mẫu:
- Sao? Ý kiến à! Tấu nhạc! Điếu mày!
Dẫn truyện: Ấy là khi quan thắng. Ngài vừa nhổ bã kẹo cao su ra xong, đương ngồi rung đùi trông đĩa bài. Bỗng từ xa, có tiếng kêu vang trời dậy đất. Ai nấy đều giật mình, duy chỉ có mình quan vẫn điềm nhiên, vẫn ngồi rình ngươi ta đánh trúng quân mình đợi để mà ăn.
Hầu quạt:
- Bẩm quan, dễ có khi đê vỡ!
Quan phụ mẫu: (gắt):
- Mặc kệ!
Thầy thông nhì:
- Nếu đê vỡ thì sao ạ?
Quan phụ mẫu:
- Hỏi ngu! Vở kịch này tên là "Sống chết mặc bay" nên có sống hay chết thì mặc kệ chúng bay!
Thầy đội nhất:
- Bẩm nếu đê vỡ thì chúng ta làm gì ạ?
Quan phụ mẫu:
- Ơ, thế chúng bay mong đê vỡ à? Đê vỡ chưa mà chúng bay xoắn thế?
Hầu gãi chân:
- Comment nếu bạn không muốn đê vỡ!
Quan phụ mẫu:
- Thằng kia, câm! Chỗ mày câu LIKE đây à!
Hầu gãi chân:
- Đâu, con câu comment mà!
Quan phụ mẫu:
- Á à, cãi à! Nghiện rồi à! (dịu giọng) thế face chú là gì, anh còn về add?
Hầu gãi chân:
- Chẳng giấu gì quan, face con là "Cưa sừng làm nghé" (nói nhỏ) Thế face ngài là gì?
Quan phụ mẫu:
- “Phụ mẫu  Quan”, hay không?
Các thầy:
- Ôi, face ngài đây ư! Ôi, cái tên hay thật! Một sự kết hợp hoàn hảo giữa phương Đông và phương Tây! Tuyệt vời!
Quan phụ mẫu:
- Chuyện, nghĩ mãi mới ra đấy! Ơ, thằng hầu quạt không khen à?
Hầu quạt:
- Hay, quá hay! (lẩm bẩm): Hay cái gì nhỉ!
Quan phụ mẫu:
- Thôi, tập trung vào chuyên môn! Đề, có ăn không thì bốc chứ?
Thầy đề:
- Dạ...Bẩm...bốc
Dẫn truyện: Bỗng từ xa vọng lại, tiếng người kêu rầm rĩ, lại có tiếng nước như thác chảy; tiếng gà, trâu, bò, lợn,.. tứ phía.
Anh nhà quê: (Gào)
-  Đức mẹ đâu rồi!
Gác cổng:
- Quan bận, không được phép vào tự tiện (xuống tận chỗ anh nhà quê, chìa bàn tay ra) Đâu?
Anh nhà quê:
- Khổ quá, làm gì có! Đê vỡ rồi kia kìa.
(Nhân lúc mọi người đang bàn tán, anh nhà quê xông vào, quỳ xuống, thở không ra lời)
Quan phụ mẫu:
- CLGT. À, “Con nói gì thế”?
Anh nhà quê:
- Dạ... Bẩm...quan lớn...đê...đê...vỡ mất...mất rồi!
Quan phụ mẫu:
-  Đê vỡ mất rồi, thời ông cách cổ chúng mày, thời ông bỏ tù chúng mày, có biết không. Bay đâu, sao lại để cho thằng kia tự tiện xông vào đây thế này. Không còn phép tắc gì nữa à!
Lính:
- Dạ bẩm...
Quan phụ mẫu:
 Đuổi cổ nó ra! (quay vào, dịu) thầy bốc quân gì thế?
Thầy đề:
- Bẩm, con chưa bốc!
Quan phụ mẫu:
- Thì bốc đi chứ! Quân gì?
Thầy đề:
- Bẩm, 10 cơ!
Quan phụ mẫu:
- Chuẩn men! Tam 10, 567,678. Ù! Điếu, mày! Tấu nhạc! Bóp vai mạnh vào! Xếp bài!
Dẫn truyện: Ấy, trong khi quan lớn ù ván bài to như thế, thì khắp nơi miền đó, nước tràn lênh láng, xoáy thành vực sâu, nhà cửa trôi băng, lúa má ngập hết; người sống không chỗ ở, kẻ chết không nơi chôn, lênh đênh mặt nước, chiếc bóng bơ vơ, tình cảnh thảm sầu, kể sao cho xiết!



29 nhận xét:

  1. Đây là một kịch bản "câu chuyện truyền thanh" rất tốt, vì trên nền căn bản của truyện, đối thoại đã rất kịch tính rồi. Các hành động kịch thiếu và yếu. Tuy nhiên, với 1 học sinh lớp 7 chuyển thể như thế là "hay". Chỉ có câu cuối: Điếu, mày... Đã sửa tổ tôm thành đánh phỏm thì điếu cũng phải sửa cho đồng bộ. Điếu, mày, tức là ông ấy bảo thằng nhỏ hầu hạ mang điếu đến. Mà đây là điếu bát. Bây giờ thay cho "điếu, mày", thì chắc là tu bia, rồi giơ cốc bia lên "dzô". Mà xét cho cùng, đã sửa thì sửa nữa cho đồng bộ, "Quan phụ mẫu" thành Chủ tịch hay Bí thư; Thày đề thành Thư ký hay Cán bộ... vân vân.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Nặc danh21:59 4/6/13

      Ối, nếu chuyển đồng bộ như anh E 21:48 gợi ý, thì cậu học sinh này chắc cũng chẳng làm sao, nhưng cô giáo dạy văn của cậu thì chắc 'toi đời"

      Xóa
    2. Nặc danh15:15 6/6/13

      Cứ để quan phụ mẫu là "quan phụ mẫu", nhưng đánh phỏm, nhai kẹo cao su, lên face ... là đủ thấy "quan phụ mẫu" thời nay rồi, không cần quá rõ phải là Bí thư hay chủ Tịch nào đâu. Cả "điếu, mày ..." cũng nên để nguyên. Ngày nay vẫn có rất nhiều loại điếu. Có thể cậu trò lớp 7 này chưa ý thức hết những điều mình viết, nhưng ý tưởng thật là hay!

      Xóa
  2. Bức ảnh thêm vào chỉ mang tính chất minh họa, không phải con trai Hải Yến đâu nhé, nhưng tôi đoán con trai HY cũng tài như cậu bé này. Chúc mừng HY đã dạy dỗ những đứa con ngoan. Con gái em học Đại học Y đúng không? con trai chắc sau này có khi thành nhà văn cũng nên, theo đuổi học toán rồiphải lại đổi nghề như bác NXH thôi (NCT)

    Trả lờiXóa
  3. Nặc danh22:09 4/6/13

    Hải Yến nên gửi con trai đến nhờ nhà văn NXH dạy viết kịch bản đi, con trai em sẽ phát huy được khả năng đấy!

    Trả lờiXóa
  4. Nặc danh11:17 5/6/13

    Cậu bé này viết kịch bản giỏi quá nhỉ. Mẹ Hải Yến của cậu có viết hộ đoạn nào không đấy?

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Tôi cũng không tin đây là lời của cậu bé lớp 7. Văn nghe già lắm

      Xóa
    2. Nặc danh22:12 5/6/13

      Viết như cậu bé này thì không phải mọi học sinh lớp 7 đề viết được. Nhưng một học sinh lớp 7 hoàn toàn có khả năng viết như thế. Nhiều chỗ, nhiều lời là có ở trong truyện rồi. Cái được của tác giả nhỏ này là gắn chuyện xưa với chuyện nay.

      Xóa
    3. Chúng ta đã biết đến thần đồng Đặng Nhật Nam, 11 tuổi đã có 6 đầu sách, nói tiếng anh như gió, làm MC trên truyền hình, sao chúng ta lại không tin một cậu học sinh lớp 7 chuyển thể truyện ngắn thành kịch bản ngắn được nhỉ? (LPT)

      Xóa
  5. Nặc danh21:54 5/6/13

    Thưa bạn ND 11:17 và anh E 14:52! Nếu như bức thư hôm trước của con gái viết năm lớp 11, em còn sửa vài từ, thì kịch bản này của con trai, em chỉ sửa 2 lỗi chính tả và định dạng phông chữ hộ nó đậm, nhạt, đứng, nghiêng ...
    Có bảo em viết theo kiểu ngôn ngữ @ như nó đã viết, em cũng không viết nổi đâu ạ. Ngay cả chị nó cũng hỏi em rằng "Mẹ có bảo nó hay viết hộ nó không?". Chỉ có cô giáo dạy văn của nó khẳng định nó viết như thế là bình thường, bởi những gì nó vẫn viết trong các bài văn. Riêng em, em tin rằng nó viết, thế mà còn một số chỗ nó vẫn khiến em hơi bất ngờ về cách diễn đạt nữa mà.
    Có điều, một chút khả năng này của con em, giá mà được ở trong một môi trường tốt hơn, chắc sẽ phát triển khả quan hơn. Ví dụ như thường xuyên được tư vấn của bác nhà văn NXH chẳng hạn.
    Về vở kịch của con trai, hôm tổng kết lớp về, em hỏi nó: Diễn tốt chứ? Nó buồn rầu trả lời rằng: Bao công chúng con tập, làm cả đạo cụ nữa, thế mà hôm nay mấy diễn viên ốm vắng, không diễn được ...
    (Hải Yến)

    Trả lờiXóa
  6. CLGT. À, “Con nói gì thế”?

    xin hỏi chị cài từ CLGT là gì?

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Nặc danh16:38 14/8/13

      Khi tôi đọc kịch bản, tôi cũng hỏi con trai "CLGT" là gì? Con trai bảo, đó là "Con nói gì thế", nhưng vì quan ngọng trong phát âm nên N thanh L. Quan nói tắt CLGT, rồi mới "À, con nói gì thế?".
      Tư duy trẻ con thật buồn cười trong cả kịch bản như vậy đấy! Bạn 16:09 ạ.
      (Hải Yến)

      Xóa
    2. Nặc danh16:36 18/8/13

      Chị không biết đó thôi, đó là một câu quan văng tục, một cụm từ quen thuộc của cứ dân mạng. Con trai chị đã rất cập nhật khi viết kịch bản đấy.

      Xóa
  7. Nặc danh08:01 28/8/13

    Sao hai bài về Võ Đại tướng và Nguyễn Đại tướng cứ ngự mãi ở vị trí số 1 và 2, còn bài của con trai HY thì thỉnh thoảng lại nhảy ra ở cuối, trong mục bài nhiều người xem thế nhỉ. Tôi thấy mấy bài này cũng thường thôi mà, cả về thông tin lẫn tính nghệ thuật.
    (Hoài Thu)

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Điều này phụ thuộc vào sở thích của độc giả thôi. Tính đến nay Bài Lê Duẩn và Võ Nguyên Giáp đã được truy cập 3390 lượt, riêng một tháng qua có 1568 lượt. bài về cái chết của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh có tổng cộng 2240 lượt truy cập, riêng một tháng vừa qua đã có 730 lượt. Bài Kịch bản của học sinh lớp 7 tuy không xuất hiện ở vị trí cao trong mục bài nhiều người xem, nhưng cũng được nhiều người quan tâm kể từ ngày được đăng (4/6/2013), với gần 500 lượt truy cập, riêng tháng vừa rồi có 183 lượt truy cập. Đó là số liệu thống kê của máy tính (BBT)

      Xóa
    2. khi mở xem lại kịch bản của hs lớp 7 thì lướt thấy số truy cập là 90000, một con số thật ấn tượng!(VKH)

      Xóa
  8. Nặc danh14:09 23/10/13

    "Nếu để cho chúng tự do cảm nhận, chúng vẫn có thể liên hệ từ cuộc sống xưa trong tác phẩm văn học, với cuộc sống ngày nay thành một mạch liền. Không cần phải dạy chúng theo những bài văn mẫu ..."

    Mẹ viết được những câu này, thì việc con trai có thể sáng tạo ra một kịch bản hay như vậy là điều dễ hiểu.

    Trả lờiXóa
  9. Nặc danh07:23 30/10/13

    Lạ nhỉ, bài này và hai bài về hai Đại tướng làm thành một bộ ba bài, cứ ngự mãi ở mục nhiều người xem. Cứ như tôi, thì mấy tháng nay mới nháy lại vào bài này. Chỉ những hôm Quốc tang Võ Đại tướng, tôi mới xem lại bài về Người.
    Hay là mạng có sự cố gì không, thưa BBT?
    (Mưa Ngâu)

    Trả lờiXóa
  10. Nặc danh21:40 13/11/13

    Bài của bạn ấy rất hay, cháu cũng là một học sinh lớp 7 nhưng không thể viết như vậy được. Cháu mong cô tiếp tục đăng những bài cua bạn ấy để cháu được học hỏi về cách viết nhiều hơn. Chúc bạn sẽ viết ngày càng hay.
    ( Nhật Khánh )

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Nặc danh22:40 16/11/13

      ND 21:40 chắc là bố của Nhật Khánh và rất mong gặp Hải Yến nên mới mượn lời con mình để nói với con trai Hải Yến dấy thôi. Mà sao HY vắng mặt ở blog E lâu thế nhỉ!

      Xóa
    2. Nặc danh22:14 6/1/14

      Ơ không phải ạ. Cháu là con gái thưa cô. Hì.

      Xóa
    3. Nặc danh22:10 17/2/14

      Tác phẩm của con trai HY có sức sống ở blog E thật kỳ lạ.
      Giá có một bức ảnh thật của cậu bé nhỉ!

      Xóa
  11. Nặc danh15:47 19/4/14

    Cái blogE của các anh Chuyên Toán nên dỡ bỏ đi thôi. Nó tồn tại giờ thấy vô duyên lạ! Chẳng có anh Chuyên Toán nào đọc, càng chẳng có anh Chuyên Toán nào viết. Họ đi đâu cả nhỉ? Bận trò chuyện với em nào ngoài đời, trên face?Toàn bài của người dưng. Mấy bài đọc nhiều nhất này cũng thế. Bảo sao cộng tác viên và độc giả chẳng bỏ đi hết!
    Nếu mọi người ở đây cũng mắc bệnh "cuồng like" như facebook, có lẽ bài của cậu bé này câu được nhiều like nhất cũng nên!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Nặc danh00:45 20/4/14

      Bạn không nên là độc giả của BlogE vì phát biểu thiếu tôn trọng các Anh quá.

      Xóa
    2. Nặc danh07:05 20/4/14

      Thưa chị ND 00:45, tôi lại thấy ý kiến của ND 15: 47 rất đáng suy ngẫm.

      Xóa
    3. Xin cám ơn ý kiến của N15.47... Tôi cũng là một người của lớp E này, cho rằng ý kiến của bạn hơi cực đoan nhưng có phần sự thật. Blog E này có sự chuyên tâm của NXH, NCT, song mọi thành viên lớp E đều có pass, nghĩa là có sự quản trị tập thể. Là nơi giao lưu của tập thể lớp và của những người yêu mến, thì đây là diễn đàn mở, một quyển vở để ngỏ, một bảng tin. Do đó, mục đích "làm báo" bị xem nhẹ. Tuy nhiên, chúng tôi biết các bạn tôi đang cố gắng đa dạng các thể loại. Để blog trở thành diễn đàn thơ thì không nên; để blog thành nơi trình bày riêng tư của một thành viên nào đó cũng không nên... và nhiều yêu cầu khó khăn nữa để duy trì blog. Cũng như mọi thành phẩm khác, nó cũng có chu kỳ, khi sôi nổi, khi trầm lắng. Tôi cho rằng hiện nay đang chu kỳ trầm lắng của blog. Thiên nhiên còn có chuyển mùa, sông có khúc, người có lúc, huống hồ là blog này. Xin chia sẻ...

      Xóa
    4. Tôi cũng cho rằng, các thành viên lớp E nên cảm ơn bạn ND 15:47 đã cảnh tỉnh về một cái chết đang đến gần đối với blogE của chúng ta. Nhiều blog ra đời một thời gian rồi cũng phải đóng cửa vì không thể duy trì được. Tôi theo dõi thấy gần đây có rất ít thành viên lớp E quan tâm đến blog. Chuyện bạn bè ốm đau, đi công tác xa, sinh nhật bạn, kỉ niệm thủa học trò... chẳng có ai nhắc đến, cũng chẳng ai quan tâm. Cứ xem hai bài "Tiễn bạn" đã đăng thời gian qua thì biết. có mấy người đọc? Nếu ai đó có vào xem thì cũng như người dưng, chả thèm bắt tay nói một lời từ giã bạn. Chúng ta nên nhìn nhận lại quan hệ của chúng ta một chút. Liệu chúng ta có phải là một tập thể gắn bó với nhau hơn 40 năm nay?

      Xóa
  12. ban ND 15.47 nếu là độc giả tử tế của Blog này thì thiết nghĩ không nên có ý kiến như thế. Chúng tôi có lẽ không cần giải thích gì thêm.

    Trả lờiXóa
  13. Nặc danh16:56 21/6/14

    Hải Yến đâu rồi?

    Trả lờiXóa

Bạn có thể nhận xét không cần là thành viên, và nên góp ý lành mạnh, trung thực. Chọn nhập vai trong danh sách phía dưới khung nhận xét.