(Nguyễn Xuân Hưng)
1.
Lưu lạc vào nghề báo
Nhân dịp
21/6 và nhân dịp Ngô Công Thành kể chuyện đời làm báo, tôi bất ngờ thấy “ngứa
nghề”, cũng té nước theo mưa, dốc mấy điều tâm sự.
Năm 1996, tôi
chấm dứt học 2 năm Đại học Kinh tế ở Hà Nội, (tốt nghiệp bằng đại học thứ 2) do Bộ Công nghiệp nhẹ cử đi, theo
đợt chuẩn hóa cán bộ, chỉ có cán bộ cấp Phân xưởng, phòng ban dưới 40 mới phải
(hoặc được) đi. Tôi là Phó quản đốc phân xưởng Thủy tinh của Nhà máy Thủy tinh,
phân xưởng khi đó có hơn 200 công nhân. Học xong rồi, thì tôi có ý định không về
nhà máy cũ nữa, mà quyết ở lại Hà Nội.
Vấn đề là
chuyển đi làm gì, ở đâu trong thời buổi nhá nhem vừa đổi mới, vừa bao cấp ấy. Bạn
bè ở Hà Nội thì vẫn dang dở, chưa có ai có thể giúp chuyển được. Khi đó Ngô
Công Thành đang là Biên tập viên của Báo Việt Nam Đầu tư nước ngoài xui tôi chuyển
sang làm báo như anh ta, làm tạm, rồi tìm cách xin việc kỹ sư sau. Đang bàn bạc,
thì vừa may Báo Đầu tư khi đó tuyển phóng viên. Ngô Công Thành buồn bã báo tin,
dù anh có ông anh quan chức nhưng không thể chạy tắt ngang được, mà phải chơi
tay bo, thi cử đàng hoàng. Vấn đề là tôi thi với toàn bọn trẻ, thì liệu có ăn
thua gì không, mà trượt thì cũng dơ mặt. Tôi và Thành bàn bạc một buổi, rồi hạ
quyết tâm cứ thi, rồi tính sau.
Khi đó, tôi
mới chỉ bắt đầu viết văn. Đăng báo được ba bốn truyện ngắn, may mà có một cái
giải to ở Thành phố Hồ Chí Minh. Còn viết báo thì i tờ, không biết thế nào. Người
dạy viết báo đầu tiên cho tôi, có thể là Nhà thơ Trần Quốc Toàn, trong một dịp
nhận bài viết về một ông thày làm kỹ sư thủy tinh, ông Toàn nhận xét, đó là bài
văn, chứ không phải là bài báo. Viết báo phải thế nọ thế chai, rằng thì là mà
khác với viết văn thế này thế khác… Tôi sửa bài bút ký đó, coi như thực tập làm
báo đầu tiên, đó là năm 1995.
Ngô Công
Thành đưa cho tôi một tập báo VN Đầu tư nước ngoài, bảo đọc các bài, tin để
xem, rồi ngâm cứu. Như thế, Ngô Công Thành là người thày dạy báo chí thứ hai
trong đời làm báo của tôi. Năm đó thi 3 môn: Tiếng Anh, Kinh tế và Viết báo. Thật
sự mà nói, tôi cóc biết viết cái tin “dư lào”, cứ cảm tính mà viết. Nhìn ngang
dọc, gần 250 người dự thi gồm toàn các em trẻ mới ra trường, chỉ có dăm ông già như tôi.
Khi đó tôi mới học kinh tế xong, kiến thức nóng hổi, tiếng Anh có thể giao dịch
được, nên cũng nghĩ đánh liều làm bài. Kết quả cuối cùng, chó ngáp phải nhặng
thế nào, tôi đứng thứ 2 về điểm số, riêng bài Kinh tế thì, nói theo ngôn ngữ
dân dã, nhất con mẹ nó luôn. Cô bé thủ khoa quyết định không theo nghề báo, chỉ
thi để chơi, thế là nghiễm nhiên tôi là… Quyền thủ khoa khóa thi đó. Năm đó hơn
10 chiến sĩ được tuyển. Bây giờ các chiến sĩ đó hầu như chuyển khỏi báo Đầu tư,
và vẫn là những cây bút chủ lực ở các báo…
Như vậy, tôi
lưu lạc vào nghề báo, định làm tạm để đứng chân ở Hà Nội. Thế mà tạm đến 10 năm
sau, rồi kệ nó, tạm hay không không tính đến nữa. Nhưng tôi cũng có lý do để
kiêu hãnh, đi từ một người đọc báo đến một người viết báo, và cuối cùng là làm
báo.
Phải nói rằng,
quyết định làm báo ban đầu ở Hà Nội cũng là một quyết định dũng cảm, và cho đến
nay, tôi không hề hối hận gì cả. Trong khi gia đình vẫn ở Hải Phòng, tôi thuê
nhà cùng mấy bạn ở Hà Nội tập làm báo. Một năm sau mới bán nhà Hải Phòng, mua
nhà Hà Nội, thực hiện cuộc thiên di vô cùng gian khổ…
2. Những ngày đầu
Khi nhóm phóng viên mới được tuyển vào báo Đầu tư hồi đó, được
Ban lãnh đạo rất quan tâm bồi dưỡng kiến thức. Những ngày đầu, ông Đỗ Phượng,
ông Trần Mai Hạnh, những nhà báo thực sự, lại làm quan báo, đến để giảng ngoại
khóa. Về chuyên môn kinh tế, thì có mấy vụ trưởng nói chuyện, trong đó có Vụ trưởng
Vũ Huy Hoàng, bây giờ là Bộ trưởng Bộ Công thương.
Tôi còn nhớ, khi hỏi vấn đáp, tôi được 3 người hỏi, trong đó
có Nguyễn Vạn Phú, hơn tôi vài tuổi, nhưng đã là một nhà báo cự phách, có ông
Nguyễn Mại, ông Nguyễn Trí Dũng, ông Hoàng Văn Huấn, ông Nguyễn Anh Tuấn là những
quan chức của tờ báo, những người sau này là các đồng nghiệp của tôi.
Thời gian ở Đầu tư, là thời gian có nhiều ngọt ngào và cay đắng.
Việc đó sẽ nói vào một dịp khác. Điều đáng nói là, tờ báo đó là trường học báo
chí tuyệt vời, mà một người mới vào nghề may mắn được sống ở đó.
Khi tôi đến báo Đầu tư, được ít lâu thì Ngô Công Thành chuyển
đi, không làm báo nữa. Tôi nhanh chóng qua thời gian làm phóng viên, rồi biên tập
viên, rồi làm Phó ban Tiếng Việt, Quyền Trưởng ban Tiếng Việt…
Tôi đã chứng kiến cuộc vật vã của báo Đầu tư khi đối tác nước
ngoài rút lui, tờ báo từ 1 lên 2 kỳ, rồi 3 kỳ một tuần, lại ra thêm tờ Đầu tư
chứng khoán. Tôi đã đứng ở tuyến đầu tham gia vào những việc trọng đại của tờ
báo đó, tham gia tuyển phóng viên vào Báo Đầu tư một hai đợt gì đó. Khi ấy, tờ
Đầu tư là một tờ báo chững chạc. Được làm phóng viên báo Đầu tư cũng là một môi
trường rèn luyện tốt. Tiền nhiệm của tôi, phụ trách tờ Đầu tư, là Lê Quốc Vinh,
Nguyễn Công Toàn…
3.
Nghề báo là một nghề gian khổ và khắc
nghiệt
Nhà báo ở các nước dân chủ
là một thế lực thứ Tư sau lập pháp, hành pháp và tư pháp. Nhưng ở nước ta, nhà
báo trước hết phải là công chức, viên chức. Vào thời của tôi làm báo, không có
blog, không có bất kỳ tờ báo tư nhân đội lốt cơ quan chủ quản nào, anh muốn làm
báo, thì anh phải là người làm báo trong một đơn vị cơ quan nào đó. Thông qua
những cọ xát trong đời sống báo chí, tôi lờ mờ thấy những nguy cơ của nghề báo.
Một là, nguy cơ về sự mất nhân cách. Nhà báo có thể lợi dụng công việc để làm
những việc không đứng đắn. Không ít anh kiếm tiền từ nghề báo, nếu không thì
cũng phải sống cam chịu, nghèo nàn. Đôi khi anh phải viết những điều không
đúng, vì miếng cơm manh áo, vì ý chỉ của cơ quan chủ quản, hoặc vì một lý do
nào đó cần phải có bài viết như thế. Điều này nhà báo khác với nhà văn. Nhà văn
có thể viết chỉ vì mệnh lệnh trái tim, nếu chưa in thì để đó, tác phẩm vẫn có
giá trị nào đó, nếu những điều trái tim anh nói chân thực. Tôi đã biết những
tòa soạn, sáng sáng chỉ nghĩ đến đánh doanh nghiệp nào, dọa cơ quan nào. Có những
phóng viên cả đời chỉ viết bài quảng cáo… Nghề nào cũng có hai mặt, nhưng nghề
chữ nghĩa thì mặt trái của nó thật tởm lợm.
Hai là, làm báo lâu dài, nếu không có phương pháp tiếp nhận thông tin, anh có
thể lạc vào ngộ nhận. Thật lạ lùng có những phóng viên 5 năm không đọc một quyển
sách nào, chạy sô cho đủ tin bài. Hoặc có một ngộ nhận, nhà báo thì cái gì cũng
viết được, mới hoặc kém thì viết văn hóa, sau cứng dần thì viết mảng kinh tế,
doanh nghiệp… Do thực hiện chức năng công chức quá mẫn cán, quá sợ sự nhạy cảm,
mà dần dần, mình lạc hậu với đời sống, trong khi vẫn bơi trong một bể thông
tin. Tôi đã đọc khá nhiều bài báo, mà ở đó, phóng viên không hiểu nổi kiến thức
sơ đẳng, nhưng lại viết bài như thể dạy dỗ người khác, dương dương tự đắc như
thể họ đang thực hiện sứ mạng nào đó. Lúc còn làm Thư ký Tòa soạn, hoặc Phụ
trách Ban, tôi đã phải đấu tranh với kiểu bài vở này. Có một phóng viên được
coi là lão luyện, nhưng hàng ngày thường ngồi ở quán cà phê, một đám nhiều
phóng viên gặp nhau buổi sáng, rồi nghe hóng, cuối cùng là đẻ ra bài, phán như
thánh. Khi mới vào làm báo, tôi đã ăn đủ hậu quả của anh này, nên tôi có bài học
kinh nghiệm để “ngửi bài” mỗi khi phóng viên làm xiếc.
Ba là, nhà báo là một người sống trong một mớ mâu thuẫn, không ít người phải chung sống
với bi kịch tâm lý. Nhà báo có nhân cách thường thượng tôn sự thật, thì đôi khi
anh phải sống với tâm lý giằng xé, vì có thể anh chỉ viết được một nửa sự thật.
Người làm báo nhất thiết phải có phương pháp luận khoa học để nhìn nhận cuộc sống,
mà cuộc sống thì đa dạng, nên nếu anh tuân theo ý kiến chỉ đạo chủ quan, nhất định
anh mắc sai lầm. Thật bi kịch cho những nhà báo sống trong một cơ quan được
quán triệt sự lãnh đạo thống nhất, hoặc có cuộc đấu tranh một mất một còn. Tôi
đã sống ở một đơn vị như thế. Qua những năm êm đềm và thuận lợi hết lòng vì nghề
nghiệp, thì qua năm 2001, nội bộ báo Đầu tư dàn thành 2 phe chiến đấu với nhau,
na ná như cách mạng văn hóa ở Trung Quốc. Thực ra là chỉ có một phía có hồng vệ
binh thực hiện đấu tranh giai cấp với những phần tử được cho là xấu. Toàn những
chuyện vớ vẩn, như là tạo sóng trên một chén trà… Phía nào cũng cho là mình
đúng. Bộ chủ quản khi thì xử cho phe này thắng, khi thì xử cho phe kia thắng. Một
bài học đau xót không chỉ cho cơ quan báo nơi tôi đã làm việc, đó là phương
pháp luận của một số người lãnh đạo, nhất định không chấp nhận sự khác biệt. Đáng
lẽ chấp nhận một nền dân chủ, càng nhiều khác biệt càng tốt, thì người ta cố gắng
độc tôn chân lý. Ai không theo mình thì coi như người đó là kẻ thù. Phương pháp
tư duy ấy nhan nhản cả trong viết báo, làm báo, lãnh đạo đơn vị… Đó chính là bi
kịch của một thời đại, của các thế hệ trí thức Việt Nam.
4.
Vô đề.
Có một nhà báo ở cơ quan cũ (Diễn đàn Doanh nghiệp) một hôm hỏi
tôi: Anh đã lãnh đạo cả một tờ báo, làm báo rất có nghề, tại sao bỗng dưng bỏ
đi không làm báo nữa? Tôi trả lời: Trong tâm khảm tôi, chưa bao giờ tôi nghĩ
mình không làm báo nữa. Tôi đã làm báo, viết báo, bây giờ vẫn làm báo, viết
báo. Bây giờ có mạng Internet, ai cũng có thể làm báo, viết báo mà không phụ
thuộc phải biên chế ở tờ báo nào. Ngoài ra, tôi là nhà văn, tôi thường viết
báo, tôi cũng canh một mục cho báo Hải quan 5-6 năm nay, mỗi tuần viết 01 bài,
một năm viết khoảng 40-50 bài cho báo ấy (Từ tuần trước, tôi đã chấm dứt cộng
tác với báo ấy). Điều quan trọng của nhà báo, là người chuyên chở thông tin cho
bạn đọc, chứ không phải là người dạy bảo bạn đọc. Tôi đã có mấy truyện ngắn về
nghề báo, đưa ra thông điệp ấy.
Với tôi, quãng đời làm báo đã thay đổi cuộc sống của tôi. Từ
một kỹ sư hàng ngày lăn lộn với nhà máy, tôi đã đi đến giao lưu với thế giới.
Cuộc sống làm báo cho tôi nhiều thành quả, và cũng có nhiều bài học thất bại,
điều quan trọng là nó góp phần xây dựng nhân sinh quan, thế giới quan của tôi,
và hoàn thiện nhân cách. Đó thật sự là một bước đệm khiến tôi trở thành một nhà
văn thực thụ.
Nghề báo cũng có một ích lợi, đó là khiến người làm báo trẻ
lâu. Do phải hoàn thiện mình, tiếp thu thông tin, mà nhà báo luôn luôn sống như
ngày đầu đi học. Ai gặp tôi, sau khi hỏi han, tìm hiểu, cũng ngạc nhiên tại sao
bây giờ tôi khác trước và hầu như ít già đi. Đó chính là bí quyết của một nhà báo
chân chính…
Có một nhà báo già nói với tôi: Nghề báo là nghề chơi với hổ.
Tôi nghĩ, nếu chơi với một con mèo, chắc là rất dễ chán. Chính là chơi với hổ
báo, mà người ta vẫn không ngừng say mê với nó, mặc dù có nhiều rủi ro, nhưng
cũng có nhiều khoái thú….
Eo, nghề báo nguy hiểm đến thế ư? Em không làm báo được cũng phải, vì em rất nhát. Anh NXH ơi, 10 năm anh "chơi với hổ", anh bị nó "ngoạm" cho miếng nào đến mức "sống ngắc ngoải", rồi mới "hoàn thiện mình", và "trẻ lâu" như hiện nay, anh chia sẻ với mọi người đi!
Trả lờiXóa(Hoài Thu)
Có vô số chuyện, nhưng không phải chiện nào cũng public được. Nếu em gặp anh thì anh có thể kể cho nghe. (NXH)
XóaĐọc bài của anh, đã thấy nghề báo "Nhiều khoái thú" rồi. Nếu gặp được anh, nghe anh kể chuyện "hổ ngoạm" chắc hấp dẫn lắm đây! Nhưng làm sao gặp được anh ạ? Em vốn nhát, còn anh thì đã từng "chơi với hổ" đến cả chục năm, học được không ít "bài" từ nó. Nhỡ anh lại "bất ngờ thấy ngứa nghề" rồi viết một bài báo về em, chụp một tấm ảnh em đưa lên blog E ... thì "chết"!
Xóa(Hoài Thu)
Chúc mừng anh nhân ngày nhà báo. Lâu quá không có dịp gặp anh. Quan trọng nhất là anh vẫn trẻ.
Trả lờiXóaMột con hổ!