22 tháng 9, 2013

BÀI THƠ NGÔN HOÀI CỦA THIỀN SƯ KHÔNG LỘ

Viên Như

NGÔN HOÀI
Trạch đắc long xà địa khả cư,
Dã tình chung nhật lạc vô dư.
Hữu thời trực thướng cô phong đỉnh,
Trường khiếu nhất thanh hàn thái hư.

Tạm dịch :

Nỗi lòng
Chọn được đất thiêng để ở đời,
Tình quê vui thú suốt ngày chơi.
Đúng thời lên thẳng non cao vút,
Hét một tiếng vang lạnh thấu trời.
                                        (Viên Như)


 Câu 1 - Trạch đắc long xà địa khả cư,
Bài thơ này trước đây đã có rất nhiều nhà nghiên cứu quan tâm bình giảng như Đặng Thai Mai đã viết  "Nhà thơ vui mừng nhìn địa vật qua những rặng núi hình rồng hình rắn uốn quanh ngôi nhà mình. Đó là lối nhìn của các thầy địa lý", có thể từ nhận xét của một trong những cây đại thụ trong làng nghiên cứu văn học nước ta như vậy, lại thêm vào hình ảnh mà lịch sử cung cấp, nên hầu như ai cũng nghĩ bài thơ phản ảnh cái nhìn phong thủy, có thể vì trong suy nghĩ của nhiều người thầy tu Phật giáo thường gắn liền với những kiến thức về phong thủy, thậm chí gần như mê tín dị đoan, nên khi đọc bài thơ của một tác giả là thiền sư, người ta dễ liên tưởng đến vấn đề này, nhất là ở câu một tác giả đã viết "Trạch đắc long xà địa khả cư". Ngay câu mở đầu người đọc đã bắt gặp ngay hình ảnh rồng rắn thì dĩ nhiên người đọc rất dễ nghĩ rằng đất rồng rắn là một thế đất tốt theo thầy địa lý (Đất rồng rắn dĩ nhiên là một tiêu chí phong thủy, nhưng không phải là yếu tố dị đoan, thầy địa lý cũng không phải là xấu như ngày nay một số người thường nghĩ). Như vậy ta đi vào cõi thơ của Không Lộ bằng cái nhìn phong thủy tiêu cực, thì những ý tưởng tiếp theo trong bài thơ cũng phải theo chiều hướng này, kết quả là qua bao cuộc mổ xẻ, bài thơ cũng chưa được giải thích một cách thống nhất và thấu đáo từ tên bài thơ cho đến nội dung , nên bài thơ vẫn cứ bao trùm một màu huyền bí mà có người còn gọi là "siêu thơ". Do đó chúng cần tìm hiểu xem " Long xà địa là gì?" Có phải là một thuật ngữ phong thủy hay không? Thuật ngữ này đã xử dụng ở đâu? Với nghĩa nào?
-Về phong thủy thì trong 92 thuật ngữ phong thủy không thấy có thuật ngữ long xà địa. Vậy chúng ta tìm hiểu theo hướng khác.
 -Trong Kinh Dịch viết rằng: "Long xà chi chập, dĩ tồn thân dã" dịch nghĩa "rồng rắn mà ẩn nấp cốt để giữ  mình vậy".
 -Truyện Dương Hùng trong Hán Thư cũng nói: "Quân tử đắc thời tắc đại hành, bất đắc thời tắc long xà" dịch  nghĩa  "Người quân tử  mà gặp thời thì làm việc lớn, không gặp thời thì ở ẩn".
 Như thế là đã rõ, thuật ngữ "long xà" có nghĩa là ở ẩn, ẩn ở đây không phải là tìm vào chốn xa xôi, hẻo lánh, mà là hòa mình vào cuộc đời của người quân tử khi chưa đúng thời. Người quân tử ở đây là người có khả năng giúp nước, giúp đời. Khi quốc gia hữu sự thì người quân tử phải dấn thân mà bảo vệ tổ quốc, khi hòa bình thì họ cũng như bao công dân khác hòa mình vào xã hội, âm thầm xây dựng quê hương (rồng thành rắn hay rồng đất). Như thế câu này có nghĩa là: Chọn được miếng đất tốt có thể ở được.
 " trên kính mệnh trời, dưới theo ý dân" sau mới nói địa thế " rồng sinh, hổ ở".
Như tiểu sử của ông cho biết, ông sinh năm 1016, chỉ sáu năm sau khi Lý Thái Tổ dời đô từ Hoa Lư về Thăng Long, ông đã lớn lên cùng với cái hào khí của một đất nước trong một vận hội mới, một thời kỳ mà chưa một triều đại nào trước đó làm được: đó là nền độc lập của đất nước. Từ nền độc lập này, nước Việt đã phát triển trên mọi mặt, nhất là đối với nhân dân, những người luôn phải chịu đau khổ trước nhất khi không có hòa bình, độc lập. Mọi hoài bão đó được gởi vào hai chữ "Thăng Long". "Thăng Long" là "rồng dậy, rồng lên". Như thế có nghĩa là rồng này không phải ở trên trời mà từ mặt đất, từ lòng người, là ý chí độc lập, tự cường, là khát vọng hòa bình, hạnh phúc. Tự cái việc dùng từ ‘Thăng" đủ cho thấy Lý Thái Tổ đã nhận thức về sức mạnh của nhân dân như thế nào. "Thăng Long" cũng chỉ cho bản thân Lý Thái Tổ mà cũng là tiêu biểu cho nhân dân. "Thăng" là "vươn từ dưới lên", như "thăng tiến" "chuyển từ trạng thái sang trạng thái khác", như "thăng hoa". Điều đó cho thấy yếu tố phong thủy chỉ là thứ yếu trong quyết định này. Điều này đã thể hiện rõ trong Chiếu dời đô, trước là
 Sau những nhiễu nhương của triều đại trước đó, chính Thiền sư Vạn Hạnh đã chủ động đề nghị Lý Công Uẩn, hãy vì quốc gia mà nắm lấy triều chính và chắc chắn rằng những công việc triều chính sau đó phải có sự tham gia của Vạn Hạnh, tất nhiên quyết định dời đô về Đại La không nằm ngoài dự tính của Vạn Hạnh. Ngày nay, khi chúng ta đọc vào lịch sử, chỉ thấy ghi lại chiếu chỉ dời đô ngắn ngủi của Lý Thái Tổ, nhưng chúng ta phải hiểu rằng để đi đến một quyết định như vậy, triều đình nhà Lý, rút kinh nghiệm từ những sự kiện xảy ra trước đó, đã phải bàn bạc, cân nhắc trên mọi lãnh vực, để sao cho tại kinh đô mới phải củng cố được mọi mặt, từ chính trị, quân sự, văn hóa, kinh tế. " Xem khắp nước Việt đó là nơi thắng địa, thực là chổ tụ hội quan yếu của bốn phương, đúng là nơi thượng đô kinh sư mãi muôn đời".(Chiếu dời đô). Bởi vì những gì đã xảy ra trước đó nhắc nhở cho Lý Thái Tổ biết rằng: việc thế lực phương bắc xâm chiếm nước ta không phải là quyết định nhất thời, mà là một hiện thực lâu dài. Chính vì vậy cần phải chọn một nơi có thể đáp ứng được những mục tiêu đó, nơi ấy là một cuộc đất có thế, vừa tiến đánh sớm nhất khi quân xâm lược tiến vào nước ta, lui về phòng thủ khi cần thiết bằng một hậu phương vững mạnh, cả trên hai phương diện thủy và bộ, đặc biệt ông đã thành công trong việc dời đô khi đã xây dựng một thế trận lòng dân vô cùng vững chãi. Chắc chắn đã có nhiều phương án được đưa ra, và cuối cùng đi đến quyết định chọn (trạch đắc) Đại La rồi đổi thành Thăng Long (rồng đất) (Long xà địa - rồng đất) để định đô (khả cư). Như đã nói ở trên, Không Lộ sinh năm 1016, như vậy ông đã lớn lên cùng với cùng với âm vang từ Chiếu dời đô của Lý Thái Tổ, chiếu chỉ này chắc chắn phải được thường xuyên nhắc nhở trong triều đại nhà Lý sau đó, (hay như cách ta nói ngày nay là "quán triệt"). Mấy mươi năm sau ông trở thành quốc sư thì chắc chắn ông phải nằm lòng chiếu chỉ này. Tất nhiên ông hiểu và thời đó có lẽ ai cũng hiểu "thăng long" là "rồng đất", là sức mạnh của nhân dân. 
 Câu 2 -  Dã tình chung nhật lạc vô dư.
 "Dã" là thôn quê, "tình" là tình cảm, tâm tư, ở đây là đời sống tinh thần nơi thôn dã. Nhưng tại sao lại là đời sống tinh thần nơi chốn quê mà không phải là thành thị? Đây chính là cái tài của tác giả. Thông thường trong một quốc gia, thôn quê là nơi ít được hưởng thụ những thành quả của xã hội nhất, thế mà ở đây người dân nơi thôn quê lại được hưởng trọn vẹn thành quả của xã hội trên mọi mặt thì những thành phần khác trong xã hội phải ngang bằng hoặc hơn. Như ta nói: "Ở Việt Nam, người nghèo nhất cũng có một chiếc xe hơi" thì cũng có nghĩa là những thành phần còn lại phải có một hoặc hơn một chiếc xe hơi. Đây là một nghệ thuật dùng từ mà ngày nay ta gọi là biện pháp tu từ "dùng cái thấp nhất để chỉ cái cao nhất". Rõ ràng tác giả dùng từ rất đắt.
 Từ "vô dư" lấy từ nhà Phật, nghĩa là không còn gì, "lạc vô dư" có nghĩa là vui không sót, vui không thiếu lãnh vực nào, không còn gì không được vui.
 Như ta biết, lịch sử nước ta được viết bằng máu, bằng sự hy sinh của biết bao thế hệ, không một gia đình, dòng họ nào ở nước Việt mà không có người đã hy sinh nơi chiến trận, một đất nước hết bị phương bắc xâm lăng thì phía nam quấy phá, trong một quốc gia như vậy thì chiến tranh luôn là nỗi lo, không những của người nắm giữ vận mệnh của quốc gia, dân tộc, mà còn là của nhân dân. Bởi vì chiến tranh đồng nghĩa đau thương, mất mát và đói khổ, không phải chỉ đau thương mất mát trên chiến trường, mà nỗi đau đó kéo dài theo những gia đình khi con mất cha, vợ mất chồng, nhà tan, cửa nát.
Thỉnh thoảng cũng có hòa bình,thì gặp phải cảnh hôn quân, bạo chúa, thế là có hòa bình nhưng chưa phải thái bình. Chính vì vậy khát vọng một cuộc sống trong một quốc gia độc lập, thái bình, thịnh trị, trên thì có vua anh minh, dưới thì các quan liêm khiết, là khát vọng vô cùng to lớn của người dân Việt trong mọi thời đại. Việc đời đô từ Hoa Lư về Thăng Long và những năm tháng thái bình sau đó là minh chứng cho thấy sự nhìn xa trông rộng của Lý Thái Tổ dưới sự cố vấn của Quốc sư Vạn Hạnh, nó cho thấy sự đồng lòng từ vua quan cho đến thứ dân, quyết định đó đã làm thay da đổi thịt đất nước trên mọi mặt. Quốc gia thì thái bình thịnh trị, luật pháp thì khoan hồng mà nghiêm minh, văn hóa thì thăng hoa rực rõ, nhân dân thì ấm no hạnh phúc. Do vậy dù ở chốn thôn dã mà vẫn hưởng thụ được thành quả của thái bình, không phải chỉ là cơm ăn, áo mặc mà trên tất cả các lãnh vực khác của cuộc sống. Đó là niềm vui trọn vẹn. Thế mới gọi là "chung nhật lạc vô dư". Một quốc gia mà nơi thôn quê, dân dã lại được hưởng trọn vẹn tất cả những thành quả của xã hội thì biết rằng xã hội đó tiến bộ thế nào. Không Lộ cũng lớn lên và tận hưởng niềm vui chung đó, ông đã chứng kiến sự phát triển của quê hương trên mọi mặt và hương vị của thái bình đã thấm vào tâm hồn ông. Với tất cả những gì mà ông trải nghiệm, ông đã gởi gắm vào câu  này.
 Câu 3 - Hữu thời trực thướng cô phong đỉnh
 ("Hữu thời"- chữ "thời" ở đây là chữ "thời" trong  Kinh dịch có nghĩa là thời cơ, cơ hội, vận hội. Vì ở câu một ông đã dùng "long xà địa"cũng trong Kinh dịch, hơn nữa nếu ta hiểu " hữu thời" là có khi hay thỉnh thoảng thì yếu quá so với khí lực của bài thơ, và đồng thời không liên kết được với ý sau của câu thơ.
"Trực thướng" nghĩa đen là lên thẳng, nghĩa bóng là ngay tức khắc.
"Cô phong đỉnh" là đỉnh núi chon von, núi đứng một mình, nghĩa bóng là chủ quyền quốc gia).
 Vui là thế, thanh bình là thế, niềm vui lớn quá, cứ tưởng chừng  như nhân  dân nước Việt giờ đây quên hết những đau thương mất mát khi ngoại bang xâm lăng nước họ rồi. Không đâu! Người dân Việt tuy được vui hưởng thái bình, nhưng họ nhận thức được rằng, trong mỗi bát cơm ăn, một đêm yên giấc thanh bình là kết quả của sự độc lập, thái bình. Những đau thương mất mát của cha ông đã kết tinh vào trong tâm thức họ ý thức chủ quyền của quốc gia, tuy không bộc lộ ra ngoài, nhưng dòng tâm thức đó vẫn luân lưu trong mỗi người dân Việt. Hơn ai hết, họ biết rằng làm sao hạnh phúc được khi đất nước bị mất chủ quyền, bị ngoại bang xâm lăng dày xéo. Tuy ngày ngày vui nơi thôn dã, làm rắn sống giữa đồng, nhưng khi quốc gia hữu sự, lập tức rắn hóa thành rồng, đứng lên chung sức, chung lòng bảo vệ sơn hà xã tắc. Không Lộ là quốc sư, mà tiêu chí để vua quan triều Lý phong làm quốc sư thì đâu phải chỉ biết xem ngày lành, tháng tốt, đất thịnh, hướng thông, mà phải là con người có tầm nhìn đối với quốc gia đại sự, để tham mưu, cố vấn cho triều đình trong việc trị quốc an dân. Với tư cách là một thiền sư thì ông cố vấn cho triều đình lãnh vực nào ngoài văn hóa - tư tưởng, mà văn hóa cao nhất và cũng là nhiệm vụ thiêng liêng nhất trong một quốc gia đó là lòng yêu nước. Do đó chắc chắn rằng dưới sự cố vấn của ông, triều đình luôn nhắc nhở, giáo dục người dân về lòng yêu nước, bảo vệ non sông. Từ tầm nhìn vĩ mô ông nhận biết rằng tuy vui trong thanh bình như thế nhưng mỗi người Việt luôn có lòng tự hào dân tộc.Do vậy khi có bất cứ thế lực nào xâm phạm quốc gia, thì đó chính là lúc (hữu thời) và ngay tức khắc (trực thướng) họ đứng trên lập trường chủ quyền quốc gia (cô phong đỉnh) để đối mặt với quân thù. Hình ảnh một người leo thẳng lên đỉnh núi cao chót vót mà theo chữ Hán trong bài thơ gọi là "cô phong đỉnh" là một hình tượng độc lập, hùng vĩ và rất đẹp. Cô là trơ trọi, không có gì chung quanh, có nghĩa là chẳng có ngọn núi nào khả dĩ so sánh được, hình ảnh ngọn núi cao vút đứng một mình thẳng hướng lên trời cao là hình ảnh vô cùng mạnh mẽ, hùng tráng nhưng cô độc. Ngọn núi cao là vậy, hùng vĩ là vậy, thì làm sao thỉnh thoảng lại leo thẳng lên đỉnh núi được, ai mà leo cho nỗi. Do vậy đây là ngọn núi tâm linh, văn hóa, ngọn núi này mỗi người dân Việt ai cũng có trong lòng, chính vì vậy, khi cần thiết là ngay tức khắc họ có mặt ở non cao, nơi ngày ngày quận tụ hồn thiêng sông núi. Đây cũng chính là hình ảnh của thiền, hình ảnh bất khả tư nghị, bất khả tỷ giảo, cũng như đỉnh cao của trí tuệ giác ngộ, cái trí tuệ mà kẻ giác ngộ không thể chia sẻ với ai, không thể so sánh với cái gì, cũng như trong một quốc gia chủ quyền là cái duy nhất không có gì có thể so sánh và đánh đổi được.  
 Câu 4 - Trường khiếu nhất thanh hàn thái hư.
 Như vậy trong lòng mỗi người dân Việt luôn có một đỉnh núi, một ý thức về chủ quyền quốc gia, ý thức đó tuôn chảy từ đời này sang đời khác. Nhưng vấn đề là những kẻ xâm lược luôn tìm mọi cách để phủ nhận điều đó. Chính vì vậy chủ quyền này cần phải được tuyên bố, nhất là khi chủ quyền của nước nhà bị xâm phạm. Từ ý thức chủ quyền đó, ở trên đỉnh núi cao đó, ngay tức khắc họ long trọng tuyên bố nước Việt là một nước có chủ quyền. Ở đây tác giả dùng từ thét, mà thét dài (trường khiếu), nó cho ta thấy sự dõng dạc, cương quyết và hùng tráng. Khi ta quá đau khổ ta cũng thét, khi ta quá hạnh phúc ta cũng thét, thét là một ngôn ngữ ở đỉnh cao hay có thể nói là siêu ngôn ngữ, nó được dùng để diễn tả những gì mà ngôn ngữ có nói cũng không thể nói hết được, mà nền độc lập, chủ quyền của quốc gia có được là từ máu xương của bao thế hệ xây dựng nên, thì bút mực, lời nói nào diễn tả cho hết. Trong đạo thiền, tiếng thét cũng là ngôn ngữ của người giác ngộ, chỉ có tiếng thét mới làm cho kinh hãi cả ba cõi, thấu khắp cả tam thiên, chứ cái ngôn ngữ đối đãi thì làm sao mà diễn tả được cái sâu thẳm của đạo được, thế mới gọi là nói mà không nói, hay ngôn ngữ đạo đoạn, tâm hành xứ diệt vậy. Còn đối với một đất nước thì chỉ có tiếng thét, không những thét mà còn thét dài và chỉ thét dài một tiếng (nhất thanh) mới có thể nói lên được cái ý thức chủ quyền, độc lập là to lớn đến chừng nào. Nhưng sao lại thét dài một tiếng, vâng! một tiếng thôi, hàng triệu triệu người con Việt dị khẩu đồng âm (khác miệng giống lời) cùng thét dài lên một tiếng, một lập trường, một ý thức "độc lập" có như thế mới làm cho những kẻ xâm lược rởn tóc gáy, lạnh cả người, cả thế giới phải im lặng lắng nghe (hàn thái hư).
 Không phải ngẫu nhiên mà người đời sau đặt tên bài thơ này là "Ngôn hoài"  "lời hoài bão" Hoài bão của một con người, một công dân, một dân tộc.Hoài bão đó là gì nếu không phải là một quốc gia hưng thịnh, thiên hạ thái bình, dựa trên một nền độc lập, tự cường, và sẵn sàng bảo vệ nền độc lập ấy bằng bất cứ giá nào nếu như có bất cứ ai, bất cứ thế lực nào xâm phạm.
(Theo Blog viennhu)

3 nhận xét:

  1. Nặc danh13:23 25/9/13

    Các Thầy cao đạo quá, người bình thường khó có thể hiểu hết được.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Nặc danh08:47 26/9/13

      Nhưng qua cách giải thích của Viên Như thì người bình thường như chúng ta có thể hiểu rõ hơn tư tưởng lớn của Không Lộ qua bài thơ ngắn này. Ngày trước tôi có đọc một số bài bình về bài thơ này đa số đều nói về phong thuỷ, thế đất rồng rắn rồi bốc thơm lên.

      Xóa
    2. Nặc danh09:10 26/9/13

      Trong Kinh Dịch viết rằng: "Long xà chi chập, dĩ tồn thân dã" dịch nghĩa "rồng rắn mà ẩn nấp cốt để giữ mình vậy". Các bậc tiền bối như Hải Thượng Lãn Ông, Chu Văn An cũng đã từng ẩn dận. Những bậc cao nhân thường ẩn mình sau những ánh hào quang thực tại. Thật đáng phải nể trọng hơn...
      (HT).

      Xóa

Bạn có thể nhận xét không cần là thành viên, và nên góp ý lành mạnh, trung thực. Chọn nhập vai trong danh sách phía dưới khung nhận xét.