20 tháng 10, 2013

Nữ hoàng An-ba và bài thơ "Chữ ký của nữ hoàng Mary"

Nữ hoàng Mary
Nhà văn Anatole France
Mary Stuart (8/12/1542 – 8/2/1587) xinh đẹp, hoạt bát, thông minh, cao 1,8 mét, tóc vàng, giỏi thơ nhạc, cưỡi ngựa, luyện chim ưng, nữ công tốt. Bà sử dụng thành thạo các ngôn ngữ Scotland, Pháp, Latinh, Hy Lạp, Italia, Tây Ban Nha. Tuy nhiên cuộc đời Mary gắn liền với vòng xoáy tranh đoạt vương quyền trong hoàng tộc, kết thúc bi thảm của nhiều người đàn ông thân thiết. Thời Mary sống, có các cuộc chiến tranh đẫm máu, dàn xếp chính trị đa quốc gia, chiến tranh tôn giáo, các cuộc hôn nhân vương giả đầy bi kịch và những cuộc tình ngang trái.

Bố của Mary, vua James V của Scotland, chết sau khi Mary ra đời được 6 ngày. Sự kiện này đưa Mary lên ngôi vị Mary I, nữ hoàng Scotland. Khi đó Scotland và England là 2 vương quốc riêng biệt. 



Khi 6 tháng tuổi, Mary trở thành hôn thê của Edward, hoàng tử England (sau này trở thành Edward VI, vua England và chết năm 16 tuổi), con của Henry VIII (vua England). Cuộc hôn nhân này được xếp đặt theo Hiệp ước hôn nhân Greenwhich năm 1543 trong một ý đồ hợp nhất England và Scotland của Henry VIII, người chết sau đó 4 năm. Tuy nhiên Hiệp ước này đã bị Nghị viện Scotland phủ quyết và sau đó hôn nhân không thành. Điều này dẫn đến cuộc chiến tranh 8 năm giữa England và Scotland, sử gọi là Cuộc chiến hối hôn (The War of Rough Wooing), đỉnh điểm là trận chiến Pinkie Cleugh đẫm máu, mà Scotland là bên thua thiệt, kéo nước Pháp nhảy vào hỗ trợ Scotland. Hiệp ước hôn nhân Haddington giữa Pháp và Scotland ký năm 1548, gả Mary cho hoàng tử Dauphin Francis (1544-1560, sau này là Francis II vua Pháp) con trai của Henry II vua Pháp, người có ý đồ hợp nhất Pháp và Scotland. Vậy là Mary lúc 6 tuổi rời Scotland đến Pháp trong sự hộ tống hùng hậu của hải quân Pháp dưới sự chỉ huy của Hiệp sỹ Nicolas Durand de Villegagnon (1510-1572), thủy sư đô đốc, khét tiếng bất bại trên mọi vùng biển, đã vượt qua trùng vây của hải  quân England vốn xưa nay không đối thủ.
Năm 1558, từ Paris, Mary đã tuyên bố giành quyền đối với ngai vàng nước Anh, theo điều luật của Giáo hội Anh thì Mary là người thừa kế hợp pháp. Năm 1559, Mary trở thành hoàng hậu nước Pháp, sau cuộc hôn nhân với vua nước Pháp Francis II, người mà chết một năm sau, khi 16 tuổi. Năm 1565 Mary kết hôn với Henry Stuart, Lord Darnley (1545-1567), người anh họ hàng thứ nhất. Darnley được coi là chịu trách nhiệm về cái chết năm 1566 của David Rizzio lúc 33 tuổi, trợ lý người Italia và được coi là người tình của Mary. Sau đó một năm, cái chết của Darnley vào tháng 4 năm 1567 lúc 22 tuổi được quy trách nhiệm cho James Hepburn 4th Earl of Bothwell (1534-1578). Một tháng sau, Mary cưới Bothwell và một tháng tiếp sau Bothwell thất bại trong Trận chiến đồi Carberry (Battle of Carbery Hill) rồi chạy khỏi Scotland đến Đan Mạch và bị lưu đầy ở đây đến khi chết tại lâu đài Dragsolm lúc 44 tuổi. Do sự kiện này, Mary phải thoái vị nhường ngôi năm 1567 cho con trai một tuổi James. Sau đó Mary bị lưu đầy 20 năm ở các lâu đài của Scotland và England. Cuối cùng phải lên đoạn đầu đài năm 1587 tại lâu đài Fortheringhay, England lúc 44 tuổi.
Như là một vĩ thanh có hậu của tấn bi kịch, James con trai của Mary trở thành James VI vua Scotland năm 1567 và James I vua của cả 3 vương quốc Scotland, England và Ailen năm 1603 theo một Hiệp ước thống nhất các vương triều toàn Anh (Union of Crowns Act), thực hiện ước mơ của mẹ Mary.
Từ đó đến nay đã gần 500 năm trôi qua, cuộc đời của Mary Stuart đã là đề tài của không biết bao nhiêu công trình nghiên cứu khoa học, lịch sử, cũng là nguồn cảm hứng bất tận của các tác phẩm nghệ thuật: văn học, hội họa, điêu khắc, âm nhạc, điện ảnh, kịch....
Nay đọc bài thơ “Trên chữ ký của Nữ hoàng Mary” với 14 câu thơ của Anatole France, người ta như sống lại với các sự kiện bi tráng ở Châu Âu TK 16. Câu hỏi đặt ra là tác giả nói đến chữ ký nào của Mary, chữ ký trên bản tuyên bố quyền đối với ngai vàng nước Anh, Pháp, hay chữ ký trên các tuyên thệ tôn giáo, hay chữ ký trên các giấy hôn thú, hay chữ ký trên thư gửi người tình, hay trên bức thư xin ân xá, hay trên 8 bức mật thư (casket letters) là bằng chứng khiến Tòa án hoàng gia kết án Mary tử hình? Dưới đây là bài thơ đó.

          Sur une signature de Marie Stuart
A Étienne Charavay.

Cette relique exhale un parfum d'élégie,
Car la reine d'Écosse, aux lèvres de carmin,
Qui récitait Ronsard et le missel romain,
Y mit en la touchant un peu de sa magie.

La reine blonde, avec sa fragile énergie,
Signa MARIE au bas de ce vieux parchemin,
Et le feuillet heureux a tiédi sous la main
Que bleuissait un sang fier et prompt à l'orgie.

Là de merveilleux doigts de femme sont passés,
Tout empreints du parfum des cheveux caressés
Dans le royal orgueil d'un sanglant adultère.

J'y retrouve l'odeur et les reflets rosés
De ces doigts aujourd'hui muets, décomposés,
Changés peut-être en fleurs dans un champ solitaire.
          Anatole France

Trên chữ ký của Nữ hoàng Ma-ri

Gửi Ê-chiên nhà sử học

Giấy này hương đượm bi thương
Môi son đậm nhạt Nữ hoàng An-ba
Thơ Rông-sa, lễ Rô-ma
Đọc lên thấp thoáng hồn ma chạm vào.

Nữ vương mái tóc ánh vàng
Ma-ri ký dưới mong manh uy quyền
Dưới tay giấy phước, nóng lên
Máu sang cao quý thoắt liền biến xanh.

Tay ngà vừa khẽ lướt qua
Đã in mùi tóc hương hoa mái đầu
Hoàng gia biết mấy tự hào
Ngoại tình một cuộc, máu đào tuôn rơi.

Nơi đây tìm thấy mùi hương
Ánh hồng phản chiếu, tay dường lặng câm
Biến thành hoa luống âm thầm
Đồng xanh lẻ bóng ai thăm mộ phần.
(Trần Đông Phong dịch từ nguyên tác tiếng Pháp của Anatole France)
--
Chú thích:
- Anatole France (1844-1924): Tác già bài thơ, nhà văn, nhà thơ Pháp, giải Nobel văn học năm 1921, thành viên Viện Hàn lâm Pháp. Ở Việt Nam Anatole France được biết đến nhiều qua cuốn Sách của bạn tôi (Livre de mon ami).
- Ma-ri: Marie Stuart (1542-1587), nữ hoàng Scotland Mary I, Hoàng hậu nước Pháp.
- Ê-chiên: Marin Étienne Charavay (1848-1899):  nhà sử học, thư viện Pháp.
- Rông- sa: Pierre de Ronsard (1524-1585), nhà thơ Pháp, có nhiều ảnh hưởng.
- Rô-ma: Thành Rome, Italia.
- An-ba: Alba tên khác của xứ Scotland.

23 nhận xét:

  1. Nặc danh12:48 20/10/13

    Bài này đăng vào ngày 20-10 chỉ là tình cờ

    Trả lờiXóa
  2. Dịch hay lắm, nhưng làm ra lục bát thì cũng là sáng tạo lại, mất hết cái hồn vía nguyên gốc đi

    Trả lờiXóa
  3. Nặc danh10:12 21/10/13

    Ngạn ngữ Pháp có câu: Traduire c'est trahir, nghĩa là dịch là bóp méo

    Trả lờiXóa
  4. Nặc danh10:14 21/10/13

    Lâm ly quá, thơ hay, rợn cả người

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Hình như cảm nhận thơ hôm nay của bạn có vấn đề nên mới thấy lâm li thôi. Các câu nối giữa các đoạn thơ dịch không hợp vần theo luật thơ lục bát. Đọc bài dịch thôi cũng chẳng thấy rợn người ở chỗ nào. (LPT)

      Xóa
  5. Nặc danh10:52 21/10/13

    Bản gốc chia thành 4 khổ, do vậy các câu nối giữa 2 khổ không cần vần, nên đã để cách dòng

    Trả lờiXóa
  6. Trần Đông Phong dịch ra thơ lục bát, có thể sánh ngang Tản Đà dịch thơ Đường. Nói chung bản dịch chuyển tải được hồn bài thơ, chất ma quái của bài thơ. Nhưng đúng là tôi vẫn thích nếu anh dịch ra thơ tự do, có vần đuôi kiểu như thơ Pháp. (NXH)

    Trả lờiXóa
  7. Nặc danh11:05 21/10/13

    Ngày 17-10 Holywood vừa trình chiếu bộ phim "Reign" về cuộc đời của nữ hoàng Mary, 4 phút của Trailer đã cho thấy phần nào sự rùng rợn, ma quái, máu rơi, xem link
    http://hollywoodlife.com/2013/10/18/mary-queen-of-scots-historically-accurate-reign-cw/

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Nặc danh17:44 21/10/13

      Mỗi cảnh một giọt máu rơi

      Xóa
  8. Nặc danh13:57 21/10/13

    Trailer Reign hay quá, giá mà được xem toàn tập

    Trả lờiXóa
  9. Nặc danh15:00 21/10/13

    Phim Mary, Queen of Scots
    http://www.youtube.com/watch?v=WthFp6cq464

    Trả lờiXóa
  10. Nặc danh15:31 21/10/13

    Mary bị hành hình ngày 8-2-1587, thi hài giữ trong quan tài không chôn, đến 7/1587 được chôn bí mật tại lâu đài Fotheringay Castle. Đến 1612 theo lệnh của James VI vua toàn Anh, được đưa về tu viện Wesminster Abbey nơi lưu giữ di hài của các vua nước Anh, đặt đối diện với mộ Elizabeth I, nữ hoàng England, chị họ hàng thứ nhất, đối thủ chính trị chính, người đã ký ký lệnh hành quyết Mary. 25 năm sau họ lại gặp nhau.

    Trả lờiXóa
  11. Phim Mary, Queen of Scots có bản sản xuất 1972 đang trên mạng, có thể download, nhưng chưa thấy phụ đề tiếng Việt. link trên youtobe là bản 1972. Còn có bản phim mới sản xuất 2013, thì mới chỉ có giới thiệu chứ chưa chiếu rạp, nghe nói cuối tháng 10 mới tung ra (NXH)

    Trả lờiXóa
  12. Đính chính: Phim Mary, Queen of Scots 2013 là phim truyền hình nhiều tập nhé (NXH)

    Trả lờiXóa
  13. Nặc danh17:47 21/10/13

    7 người đàn ông, toàn là các bậc vương giả chết liên quan đến MS

    Trả lờiXóa
  14. Nặc danh17:49 21/10/13

    Người ta nói rằng trong các lâu đài mà MS đã từng ở vẫn còn bóng hồn ma phảng phất

    Trả lờiXóa
  15. Nặc danh18:42 21/10/13

    Tôi cảm nhận được sự da diết, cháy bỏng và có chút gì đó lãng mạn, liêu trai.

    Trả lờiXóa
  16. Nặc danh18:49 21/10/13

    Trong nguyên tác có những từ nghe rợn gáy:
    Parfum d'élégie: Mùi hương bi thảm
    Un peu de sa magie: Phảng phất hồn ma của cô ta
    un sanglant adultère: Một cuộc ngoại tình đẫm máu
    ...ces doigts ... muets, décomposés,
    Changés ...en fleurs dans un champ solitaire: Những ngón tay câm lặng đã chuyển hóa thành những bông hoa ngoài cánh đồng lẻ loi

    Trả lờiXóa
  17. Nặc danh18:52 21/10/13

    Khiếp thế thì ai dám hái hoa ngoài đồng quanh lâu đài đó nữa, hồn cô ta vẫn loanh quanh đâu đó

    Trả lờiXóa
  18. Nặc danh18:57 21/10/13

    Chiến tranh hối hôn: ở ta cũng có câu, Nhất điền thổ, nhì hối hôn, là để chỉ mâu thuẫn sâu sắc nhất liên quan đến tranh chấp đất đai và hôn nhân trong làng. Còn đây là giữa 2 vương quốc.

    Trả lờiXóa
  19. Nặc danh08:35 1/11/13

    Seties bài về Nữ hoàng Anba hay quá, biết thêm về sử châu Âu. Nghĩ đến ta lại thấy ngán ngẩm
    Không thiết kế nổi lễ phục vì không hiểu biết lịch sử?
    http://songmoi.vn/van-hoa-thoi-trang/khong-thiet-ke-noi-le-phuc-vi-khong-hieu-biet-lich-su

    Trả lờiXóa
  20. Nặc danh08:41 1/11/13

    Những bộ phim chào mừng 1000 năm Thăng Long, muốn “chào” cũng không ai “mừng”
    http://songmoi.vn/van-hoa-nghe-thuat/nhung-bo-phim-chao-mung-1000-nam-thang-long-muon-chao-cung-khong-ai-mung

    Trả lờiXóa
  21. Nặc danh21:30 4/1/14

    2014 nước Anh sẽ có cuộc trưng cầu dân ý về việc Scotland độc lập. Lịch sử 500 năm có quay lại. Thủ tướng Anh Cameron nói "không" trong thông điệp đầu năm. (The Guardian)

    Trả lờiXóa

Bạn có thể nhận xét không cần là thành viên, và nên góp ý lành mạnh, trung thực. Chọn nhập vai trong danh sách phía dưới khung nhận xét.