18 tháng 1, 2013

Chuyện đàn bà

Cách đây gần 5 năm, mùa xuân 2008, tôi đã đăng báo bài tản văn sau đây, nay viết lại mua vui với blog (NXH):
Một lúc trà dư tửu hậu, nhà thơ Đỗ Trung Lai kể: “Có 2 thằng nhà thơ ngồi với nhau, chợt thằng nhà thơ thứ 3 đi đến, hỏi các ông có chuyện gì đấy. Hai ông nhà thơ đồng thanh nói: Chúng tớ đang nói xấu cậu, nay cậu đến đây rồi, ba chúng ta nói xấu thằng khác”. Cười sặc lên… Nhà thơ này tự diễu cái thói xấu “buôn chuyện” của cánh nhà thơ. Đỗ Trung Lai nói: “Tôi đề nghị chúng ta rút ra khỏi cái sai lầm ấy”.
Hôm đó có Nhà văn Hà Đình Cẩn, ông Cẩn nói: “Vậy thì tôi đề nghị nói chuyện... phụ nữ. Nguyên tắc của tôi là không nói chuyện cơ quan, không nói chuyện gia đình, chỉ nói chuyện... đàn bà”
Ông Cẩn giải thích: “Làm thằng đàn ông sao lại mang chuyện cơ quan ra nói? ít nhất là lộ bí mật công tác, hoặc hai ba câu thế nào cũng chê thủ trưởng, bực đồng nghiệp, chửi cấp dưới. Giỏi thì làm đi? Làm thằng đàn ông sao lại mang chuyện gia đình ra nói? Gia đình là nơi thiêng liêng, chuyện vợ con là bí mật cá nhân, có tức bực cũng nên giải quyết tế nhị, nếu sung sướng thì mời ông giữ lấy làm hạnh phúc ngọt ngào, đằng này cứ nói dăm ba câu thế nào cũng chê vợ mình già, xấu, lắm mồm... Giỏi thì làm việc như vợ đi? Nên em khuyên các bác nên bảo vệ cơ quan, nơi điều hành chính trị xã hội, các bác cần giữ hạnh phúc gia đình, là giữ vững tế bào xã hội. Chỉ nên nói chuyện... gái ngoài xã hội”
Lúc đó có một ông bạn làm ở cơ quan tên có số, A25, 63 hay gì đó, vỗ đùi nói: “Phải quá. Tôi từng nghe ngạn ngữ Hungari nói: Ba thằng đàn ông ngồi với nhau, chỉ có ba chuyện, một là nói xấu chế độ, hai là nói xấu thằng khác, và ba là chuyện đàn bà con gái. Tôi ủng hộ chúng ta toàn nói chuyện phụ nữ”
Cứ động đến chuyện phụ nữ là đầy ắp tiếng cười. Một niềm vui rất đời thường, vừa phồn thực cổ sơ vừa mới mẻ. Dân gian Việt Nam có chữ “tiếu lâm” quả thật tuyệt vời, không gì diễn tả hay hơn cái cười hào sảng của người ta.  Từ Hán –Việt, vốn chỉ dùng cho ngôn ngữ sang trọng, văn hiến, thử hỏi nếu gọi là truyện “rừng cười” thì sẽ quê kệch thế nào. Mà nếu “tiếu lâm” loại bỏ chuyện đàn bà thì phăng teo luôn chuyện tiếu lâm. Nhưng đừng tưởng đằng sau những chuyện đàn bà mà cánh đàn ông tán chuyện là vô bổ. Có ước mơ, thán phục, có suy tưởng, sáng tạo, có tình có lý đàng hoàng.
Ví như ông Hà Đình Cẩn kể: “Có thằng rất có khiếu nói chuyện tếu. Hôm qua có thằng M… nó bảo mình: Em gặp một em quen, lúc thường mình không để ý, sao hôm ở bãi biển, gớm sao nó đẹp thế. Đùi dài miên man như bắp cây chuối hột. Nhà quê ngày xưa hay thái cây chuối cho lợn, cậu lột lớp bẹ ngòai ra mà xem, úi chà chà. Bụng em thì phẳng lừ như lưỡi cày thời Hùng vương... “ Ông Cẩn đập tay lên bàn kết thúc bài tụng ca, úi chà chà thán phục một chập nữa trong tiếng cười rộ lên. Chả biết thằng M nói thế hay ông Cẩn bịa ra.
Ông Đỗ Trung Lai kể: “Ra cửa gặp nhau mà mặt sưng mày xỉa, nhìn nhau hình viên đạn thì sống một phút cũng thấy phí. Hôm qua có thằng em hay đánh bóng bàn ở câu lạc bộ nó kể, bác ơi em gặp một chị, thấy chị tươi như hoa, có quen quái đâu, mà bỗng buột miệng buông lời ong bướm, chị ơi vì sao chị đẹp thế, chị liền đốp luôn, chị không đẹp thì sao cậu có câu khen hay như vậy. Thế thì em chết đứ, chả nói gì được nữa. Cười. Cả hai cùng cười, mắt chị sáng trưng như cái đèn ô tô. Tôi bảo, thôi mày đừng kể nữa, tao biết mày gặp chị lần sau sẽ như thế nào rồi”
Lại cười ầm ĩ lên.
Có một câu hỏi không mới, nhân loại một nửa là đàn bà, mà sao chỉ có bọn đàn ông là cứ nói chuyện đàn bà mới là ngày hội, còn cánh đàn bà khi nói chuyện đàn ông thì ít khi vui và không biết họ nói ở đâu, kín đáo lắm? Ngẫm cho cùng, đó chính là câu trả lời. Thế giới đàn ông rõ ràng là quá nghèo nàn, đáng chán. Nếu đàn bà nói chuyện đàn ông thì hoặc là chuyện bẩm sinh mà đàn bà ai cũng biết, liên quan đến sức khoẻ, lo lắng bệnh tật hoặc là chuyện khác chả liên quan đến đời sống, vì nó khô khan, phi lý, huyễn hoặc, ví như thủ thuật kiếm tiền, quan hệ xã hội, đóng vai gì đó... Việc đàn ông đầy cạnh tranh trong thế giới phụ quyền, và là đấu tranh để tồn tại. Ngược lại, thế giới đàn bà mới là một thế giới phong phú, muôn vàn cung bậc. Chuyện đàn bà là chuyện vui sống và giữ cho nhân loại trường tồn, phát triển tươi tốt. Thế cho nên mới có Ngày Phụ nữ, chứ không có Ngày Đàn ông là phải lắm.
Nhà thơ họ Đỗ và nhà văn họ Hà nói chuyện đàn bà xong, thì nói về đề tài vì sao phụ nữ kín đáo chuyện đàn ông. Hai ông than thở: Thế mới biết bọn đàn ông nghèo nàn và chán ngắt đến thế nào, và chúng ta đúng là một nửa nhân loại quá ư đau khổ”

5 nhận xét:

  1. Nặc danh00:09 19/1/13

    Thảo nào các bác ở blog này toàn nói về thơ tình và chuyện chị em là rôm rả. Tôi thấy cũng có những tin hay hay liên quan đến thời sự, thì ít ai comment. Chắc các bác thi hành "kế" của bác Hà Đình Cẩn trên đây

    Trả lờiXóa
  2. Đúng thế, thời sự, cách mạng, nô lệ, phong kiến, tư bản rồi cũng qua đi chẳng ai thèm nhớ, chỉ những câu chuyện ái tình là người ta cứ truyền lại mãi muôn đời. Ngày tập tọng làm thơ tôi đã xác định chỉ làm thơ tình, không làm bất cứ loại thơ nào khác. Vì chỉ có thơ tình thì mới có thể tồn tại lâu dài trong lòng người đọc được (NCT)

    Trả lờiXóa
  3. Nặc danh15:13 19/1/13

    Thực ra các câu chuyện về đàn bà nói chung đều vô thưởng vô phạt và lại làm cho tâm hồn đàn ông được tươi mát, chính vì vậy tôi cũng khuyên các ông chỉ nên nói chuyện vui về đàn bà (tránh nói xấu) giữa những nơi công cộng là an toàn nhất.

    Trả lờiXóa
  4. Nặc danh15:36 19/1/13

    "Thực ra các câu chuyện về đàn bà nói chung đều vô thưởng vô phạt và lại làm cho tâm hồn đàn ông được tươi mát". Câu này của bạn N 15.13 sai logic, Vô thưởng vô phạt, sao lại "làm cho tâm hồn đàn ông được tươi mát"? Đó chính là "có thưởng vô phạt" chứ

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Nặc danh21:57 19/1/13

      He he. Bác chỉ được cái nói chuẩn vì chắc bác cũng là đàn ông?

      Xóa

Bạn có thể nhận xét không cần là thành viên, và nên góp ý lành mạnh, trung thực. Chọn nhập vai trong danh sách phía dưới khung nhận xét.