28 tháng 2, 2013

Vè, thơ con cóc và tân con cóc

Nhân bài viết của NCT, nhân bình luận của mấy bạn sau bài chúc sinh nhật NCT, tôi viết bài viết này, chỉ là nhằm trao đổi với các bạn yêu thơ. (NXH)

1.
Tại sao khi thơ bị chê là vè thì nhà thơ sẽ rất buồn. Ví như, mình đi cái xe ô tô tưởng là oách xà lách lắm, nhưng rồi có người bảo, chẳng qua là cái xe công nông đầu ngang.

Vè thường thấy trong dân gian ở thể văn vần, nên có thành ngữ “vần vè”. Và thường là 3, 4, 5 chữ. “Thường là” thôi, chứ loại vè lục bát thì cũng rất nhiều. Nhưng lục bát đôi khi khó phân biệt, khi lục bát dạng vè, hoặc hơn vè một tý thì coi như là lục bát tầm thường, không ai nhớ nữa mà thôi.
Trường hợp NCT kể chuyện rằng, anh nhớ như in bài thơ tình cờ bắt gặp hồi lớp 1, thì lại là tình huống tâm lý. Lớp vỡ lòng (nay là lớp 1) là khi tâm trí còn trắng trong như tờ giấy, viết chữ gì vào đó là khó xóa. Sau này, tâm trí chứa đầy rẫy tạp… chữ, thì chữ nào đậm hơn mới được ghi nhớ.
Thời xưa, các bài thơ cho lớp 1 lớp 2 ở sách giáo khoa thường là vè. Tôi còn nhớ bài đọc lớp 1, “Bố Tý làm công nhân, ở bến tàu khuân vác, vừa làm lại vừa hát, trong buổi sáng mùa xuân”. Ừ thì Bố Tý làm công nhân khuân vác, nhưng cái kiểu vừa làm lại vừa hát trong buổi sáng mùa xuân thì lố lăng kệch cỡm quá. Nhưng mà nó vần. Vần thôi là được. Nhưng không ai lo lắng rằng, nó làm méo mó nhận thức thẩm mỹ của học sinh về văn học.
Các bài vè thường hướng đến mục đích giáo dục. Giáo dục lối sống kiểu truyền khẩu ngày xưa, hay đúc kết kinh nghiệm, thường là vè. Chuồn chuồn bay thấp thì mưa, bay cao thì nắng bay vừa thì râm. Đó là mặt tích cực của vè. Nó là công cụ truyền tải kiến thức trong cộng đồng dân cư ít học. Sau này, kiểu hướng về văn nghệ quần chúng, làm báo tường, quán triệt quan điểm giai cấp công nhân, cũng ra đời nhiều bài văn vần như vậy. Bài thơ anh NCT thuộc cũng thuộc loại đó, nó nhằm giáo dục người đi qua cầu phải cẩn thận, thế thôi. Điều này, đáng lẽ làm một cái áp phích, viết một khẩu hiệu là vừa phải. Nhưng người ta làm thơ cho học sinh lớp 1 học, thơ cho thiếu niên, thì thật là độc hại. Hậu quả là, một thế hệ tuổi trẻ ảnh hưởng của văn nghệ quần chúng, khi về già, thẩm mỹ thơ nhận thức về thơ không quá mức một bài vè. Ngay cái tầm vè cũng không xứng với vè ca dao tục ngữ, vì nếu nó kết theo hướng, kêu gọi xây cầu xi măng thì lại khác...
Nhưng thơ phải khác vè như thế nào? Đó là một nghệ thuật. Mà nghệ thuật thì có dấu ấn cá nhân, là nhân cách. Không có nghệ thuật đồng loạt theo kiểu công nghiệp hóa. Với thơ, nó phải là dấu ấn cá nhân của tác giả, nó nói cái tâm trạng, tóm lại trong thơ phải có tâm hồn con người, chỉ có tác giả cảm thấy, nói cái mà người khác không thấy. Còn như vần vè, nghe ra giống ai đó, cũ cũ, thì cũng là vè cả thôi.
Sau này, SGK đúng là có cố gắng bớt những bài vè. Khi tập viết, trẻ con lứa sau này tập viết câu: Long lanh đáy nước in trời, thành xây khói biếc, non phơi bóng vàng. Hoặc tôi thấy có bài tập chép: Hạt gạo làng ta, có vị phù sa của sông Kinh Thày, có hương sen thơm trong hồ nước đầy. Đó đích thị là những câu văn vần, nhưng nó không phải vè, mà là những áng thơ tuyệt tác. Trẻ con không cần hiểu để phân tích, mà nó cứ thuộc rồi in vào đầu óc nó đã chứ. Nhìn đất nước, cảnh trí thiên nhiên mà đẹp thế, tuyệt vời thế, thì sao nỡ phá bỏ nó, sau này nó làm cán bộ nhà nước, khi cho một nhà đầu tư xả nước thải vào “non phơi bóng vàng” của nó, thì nó sẽ ghét. Hoặc thơ về hạt gạo cũng thế, hạt gạo này rõ ràng dưới con mắt của tác giả ở ven sông Kinh Thày thôi, nhưng thấy trong gạo có vị phù sa, có hương sen thơm thì chỉ có tác giả mới thấy. Đó là tâm hồn thổi vào câu chữ. Đến câu "có lời mẹ hát, ngọt bùi hôm nay" thì thật là "thần cú" rồi. Còn thế hệ mà in vào đầu óc bài thơ “Bố Tý làm công nhân” rồi vừa làm lại vừa hát, thì sau này làm lãnh đạo sẽ phong anh hùng cho những kẻ “vừa làm lại vừa hót”. Vì ông ấy quan niệm đó là lạc quan cách mạng, nó là cuộc sống nên thơ.
Nhân chuyện NCT nói về bài vè hồi lớp 1, đúng là không riêng gì anh, mà cả thế hệ chúng tôi cùng lứa với anh cũng khó dứt bỏ những bài vè hồi lớp 1. Cũng không quên được đâu. Nhưng mà rồi biết để thành chuyện tiếu lâm. Để biết mình phải cố gắng như thế nào để không lạc vào thẩm mỹ sơ lược hồi đó nền giáo dục đã sai lầm giáng xuống đầu chúng ta. Muốn thế, con đường duy nhất là tự học, tự đọc, tự nhận thức. Tôi đã làm như vậy. Sau lớp 12 của cô Tâm, tôi không chính thức học một phút văn học trường ốc nào cả. Đó là sự thiệt thòi về học vấn cơ bản, nhưng cũng có cái hay là không tiếp tục nhiễm những thứ thẩm mỹ vè. Lý luận phê bình văn học cũng có thể loại “vè” mới nguy hại chứ.
Tiếng Việt vốn có thanh điệu, nên toàn dân có thể làm vè. Đó là một lợi thế tự nhiên vốn có, một đặc điểm dân tộc. Nhưng không có nghĩa là toàn dân làm được thơ. Các cụ già về già thường tập hợp nhau lại, làm văn vần để vui thú, tụng ca, hoặc kêu ca, cũng là thú vui tuổi già không hại ai. Nhưng nhiều cụ thì cứ ngỡ mình là nhà thơ rồi. Ngay cả nhà thơ có những bài thành công, đôi khi cũng làm những bài như vè. Nổi tiếng như Xuân Diệu, Chế Lan Viên, Tố Hữu cũng vậy. Ngày nay thì càng nhiều… Chúng ta làm thơ, dẫu có muốn tránh, đôi khi cũng khó tránh. Lẽ đời cỏ nhiều, rau ít. Cái gì dễ làm thì tầm thường, khó làm mới có giá. Đấy cũng là quy luật giá trị trong kinh tế hiện đại, soi chiếu vào thơ.

2. Thơ con cóc và Tân con cóc.
Điển hình của thơ con cóc là bài thơ được dẫn chứng ra: Con cóc trong hang/ Con cóc ngồi đó/ Con cóc nhảy ra/ Con cóc lại vào.
Dị bản có thể câu chữ hơi khác, nhưng đại khái là như vậy.
Loại thơ tự do thường bị chê là “thơ con cóc” thì tác giả khó chịu còn hơn là thơ truyền thống chê là vè.
Loại thơ dạng “con cóc”, cũng như bài thơ con cóc trên đây, tả con cóc, ừ thì tả con cóc, không ai cấm. Nhưng nó làm gì? Nó ngồi đó, rồi nhảy đi, rồi nhảy vào. Nó là loại hiện tượng bình thường của đời sống, ai cũng thấy thế, chỉ có anh học chữ, thì anh chép lại bằng chữ, thế thôi. Con cóc ấy không làm gì khác biệt với đời sống của nó, người nhìn con cóc ấy viết thành bài thơ thì cũng vô cảm. Nó có mẫu số chung của vè, đó là bài thơ không nói tâm trạng, không có nội dung nhân văn, không có nghệ thuật ngôn từ, không có tu từ gì, không liên tưởng. Nghĩa là loại thơ vô bổ.
Ngay từ kháng chiến chống Pháp, Nguyễn Đình Thi là người đi tiên phong trong việc làm thơ không vần, còn gọi là thơ tự do. Rồi các nhà thơ tranh luận là có nên làm thế không? Thế mới biết, từ thơ có vần, tiến đến thơ tự do là một bước cách tân táo bạo, và mới mấy chục năm nay thôi. Song, loại thơ tự do là cực khó, nó có cái bẫy là sa vào “thơ con cóc”, và cái bẫy thứ hai là “biền ngẫu”. Biền ngẫu là thể văn trùng điệp, đăng đối thời còn dùng chữ Hán. Đôi khi trùng điệp chỉ để sướng tai, nhưng nội dung nó lại chả có gì cả, hoặc na ná giống nhau cả. Thể “tụng”, thể “điếu” hay dùng lối biền ngẫu này.
Và, Việt Nam không có truyền thống thơ tự do. Không như Trung Quốc. Thực ra, thể “từ” thịnh hành đời Tống, hay còn gọi “Tống từ”, chính là một loại thơ tự do của họ. Cho nên dân Hán học mới bảo, làm thơ chữ Hán, hoặc chữ Hán thâm hậu thì mới “từ” được.
Hiện nay, do truyền thống thơ Việt một thời hướng ngoại, ca ngợi cuộc sống, đi vào cái chung mà coi nhẹ cái riêng. Thơ chống Mỹ là điển hình đó. Trong khi đó, phương Tây đã qua thời hiện đại, hậu hiện đại, thì ngày nay các nhà thơ Việt Nam bắt đầu nhấm nháp món cũ của họ. Đặc tính dễ thấy của thể này là tự do, nhìn sâu vào thân phận, vào đời sống nội tâm. Nội tâm sâu thẳm thì không thể cứ vần mà được. Cho nên, ngay từ Trần Dần, ông đã làm thơ tự do, thơ bậc thang. Và, thơ tự do cũng có nhiều thành tựu, đỉnh của nó, tôi cho là Nguyễn Quang Thiều, và sau anh có một vài nhà thơ khác. Nhưng sau đó, thơ hậu hiện đại, thơ tự do bắt đầu chạy sang phía cực đoan, phá cách, cách tân đôi khi dẫn đến nhảm nhí. Có trường phái cách tân phá phách, thô tục, như dạng Nguyễn Đình Chính làm "chẹc chẹc chẹc" hay Vi Thùy Linh nói cái dâm của đàn bà. Ngày nay, được cái văn chương cũng có tự do, nói tục gì cũng được, miễn là đừng nói thế sự chống chính quyền.
Bây giờ thì đôi khi có những bài thơ của một số nhà thơ không thể hiểu nổi họ nói cái gì. Ngay cả tập thơ được giải của Hội Nhà văn năm 2013, cũng bị chê là thơ tân con cóc. Thanh Thảo là nhà thơ đã có tác phẩm được khẳng định, làm một trường ca, có những câu cũng là con cóc. Ví dụ:
Bác Năm Trì dân Quảng Ngãi
Nhớ bác trán vồng như luống khoai
Tay chai bánh tráng sượng
Mắt băm băm lục tìm tám hướng
Cuốc vung lên moi từng củ cui

Hoặc:
bác Năm Trì dân Quảng Ngãi
đêm láng lênh bác ngồi gãi háng
Đó là những câu thơ dễ dãi, nhưng lại cầu kỳ không cần thiết. Còn bác Năm Trì ngồi gãi háng thì để làm gì, khác gì con cóc ngồi đó, con cóc nhảy đi. Ai cũng có thể gái háng. Bác Năm gãi háng chưa chứng tỏ bác thô lậu. Việc thẩm định thơ hiện nay khó thế, người thì cho giải, người thì chê ỏng chê eo, bởi vì bài thơ nó không rõ ràng như cái ô tô và cái xe công nông.
Hồi trước, thể thơ bị chê là “con cóc” thường là thơ phục vụ công nông binh. Ví dụ như bài thơ Xuân Diệu, bài trước tôi đã dẫn. Tả đồng lúa, rồi phán “đảng ta cho vài cơn gió”, thế là lúa nên xanh rờn.
Ngày nay, chả còn “phải làm” loại thơ phục vụ chính trị, nhưng lại đi về phía cực đoan khác.
Theo tôi, thơ thì có thể vần hoặc không vần, nhưng nó phải nói cái tâm hồn con người, số phận con người. Công cụ của thơ là ngôn từ, vậy ngôn từ ấy phải là tác phẩm nghệ thuật, càng đơn chiếc càng tốt, càng đơn nhất càng giá trị. Thực ra, ngay từ khi Đảng cộng sản phát động “Văn hóa cứu quốc”, đã có tiêu chí cho nền văn nghệ là nghệ thuật phải “chân, thiện, mỹ”. Điều đó chắc là đến nay vẫn đúng. Chỉ có điều, mỗi thời hiểu một cách về “chân, thiện, mỹ” mà thôi. Đó cũng là một cách nhận thức thẩm mỹ. Nhưng cũng có thể thấy ngay, chân thiện mỹ là phục vụ đời sống nhân quần, đó là nội dung hướng về nhân văn, nhân loại. Thơ là tiếng nói tâm hồn, vậy thì nó phải là sợi dây đi từ tâm hồn đến tâm hồn, có sự đồng cảm nhất định.
Nhân chủ đề này, tôi viết thêm một phần, lấn sang việc nghe nhạc, hiện nay đầy rẫy loại bài hát "tân con cóc", mai post tiếp
(còn nữa)

3 nhận xét:

  1. Tôi rất tán đồng quan điểm của nhà văn NXH. Thế hệ chúng ta bị tiêm nhiễm nhiều bởi những bài vè kiểu "bố em là công nhân" hay "qua cầu chú ý", bởi thơ ca ngợi siêu thực, nên sau này rất khó có người trở thành nhà thơ lớn được. Ngay cả Trần Đăng Khoa hồi nhỏ học ít thì có thơ hay, càng học nhiều càng thấy kém văn thơ đi (hắn sau này học cùng khóa cao cấp lý luận chính trị với tôi trong Trường Đảng NAQ, nhưng khác lớp, trong hắn giống như củ khoai cắt hai đầu). Cùng với việc cải cách giáo dục chúng ta càng khó tìm ra người có tầm nhìn khác biệt để có tiếng nói riêng trên văn đàn, bởi sự vô cảm đã làm khô cứng tâm hồn con trẻ rồi, thì làm gì có những rung động diệu kỳ nữa. Các cựu học sinh lớp E chuyên toán đang chuẩn bị bước vào cái tuổi "ngày dài ngâm ngợi cho khuây" nên đọc kỹ bài này để phân biệt thơ và vè khi chúng mình làm thơ. Mục tiêu làm thơ của chúng ta chỉ để cho cuộc sống tuổi già thêm vui, chứ ở tuổi mình làm sao trở thành nhà thơ ca được mà ước mơ. Vì thế bài viết của NXH theo tôi là rất bổ ích. Đề nghị NXH tiếp tục đăng tài những bài phân tích các dạng thơ cổ và thơ hiện đại, hướng dẫn làm thơ theo đúng liêm luật để độc giả blog E biết và vận dụng thực tế. (NCT)

    Trả lờiXóa
  2. Ông NCT nói rằng tuổi này không trở thành nhà thơ được là không đúng đâu. Làm thơ không có tuổi, có thể 10 tuổi như Trần Đăng Khoa, cũng có thể cổ lai hy mới xuất hiện. Còn việc học văn không phải là để thành nhà văn nhà thơ, mà là giáo dục thẩm mỹ, mà thẩm mỹ thì đi vào nhận thức, tiềm thức, cần gì lý tính phân tích lôi thôi như học kỹ thuật. Từ đó thì ai có năng khiếu, giống như có chăm bón tốt thì mầm nẩy ra. Tôi đã nghe trực tiếp ông Phạm Vũ Luận (BT bộ Giáo dục và Đào tạo) nói ở một cuộc gặp gỡ tại Hội Nhà văn, rằng ông cực lực lên án kiểu dạy con em học cấp 1 làm thơ như chương trình hiện nay. Điều này thì tôi ủng hộ ông ấy. Tôi đã viết một bài trên báo, phê phán đích danh ông ấy khi ông ấy bảo, thi tốt nghiệp phổ thông có nhiều điểm 0 lịch sử là bình thường. Trao đổi thế, để các bác vững tin mà làm thơ. Thơ trước hết đọc với nhau nghe. Rồi có thể trở thành nhà thơ có những bài thơ hay chứ. Nhà thơ thì thường cũng có 1 bài hay là sống mãi rồi, 2 bài hay thì là đỉnh cao, 3 bài hay có thể đi vào lịch sử. Ngoài ra, không có bài nào hay mà rất ít bài dở thì cũng là nhà thơ đáng ngưỡng mộ. Vì đã làm thơ thì phải có gì trong tâm hồn chứ(NXH)

    Trả lờiXóa
  3. Nặc danh22:44 2/3/13

    Hôm nay ngồi đọc kĩ bài này của tác giả thấy hay quá. Lâu nay em đọc thơ nhiều, văn nhiều...đôi khi có những bài thơ cứ thấy mọi người thi nhau ca ngợi nhưng thực ra thì chẳng có gì hay mà hình như là tại họ thấy thơ vần vần dễ nhớ. Có những bài thơ đọc rất trúc trắc nhưng đọc kĩ ngẫm kĩ thì thấy bài thơ lại rất có hồn, rất cá tính của tác giả được gửi gắm trong đó mà không phải ai cũng nhận ra được. Cám ơn tác giả rất nhiều về bài viết này, thực sự bài viết bổ sung cho em kiến thức để có thể phân biệt được thế nào là vè, thơ con cóc, tân con cóc, thơ tự do hiện đại...mà trước nay không có sách vở tài liệu nào phân tích so sánh cho người đọc hiểu kĩ được. Rất mong tác giả post tiếp về chủ đề nghe nhạc hiện nay. Em đợi tác giả đấy ạ.

    Trả lờiXóa

Bạn có thể nhận xét không cần là thành viên, và nên góp ý lành mạnh, trung thực. Chọn nhập vai trong danh sách phía dưới khung nhận xét.