2 tháng 3, 2013

Bài hát dạng con cóc


Như đã nói trong cuối bài "vè, thơ con cóc...", bài này nói về ca từ của các bài hát, một chiêm nghiệm có ích cho việc đọc, cảm và làm thơ. Coi như là một trao đổi. (NXH)

Thơ và nhạc
Người Trung Quốc coi mẫu người quân tử phong lưu phải biết cầm, kỳ, thi, họa. Cầm (đàn) là thứ nhất, thi (thơ) chỉ là thứ 3. Về mối quan hệ nghệ thuật, thì nhạc và thơ gần gặn hơn cả. Cũng là điệu tâm hồn, nhưng công cụ và phương tiện của nhạc là âm thanh, nên khả năng của nó vô tận. Đỉnh cao cực kia của âm nhạc là không lời, thì bài hát là dấu gạch nối giữa nhạc và thơ.
Trong thơ, thi sĩ có những bài thơ hay, có những “thần cú” ám ảnh đời sống, nó sống mãi và người ta vẫn ra sức sáng tạo để đạt đến đỉnh cao của thơ ca. Trong ca khúc cũng thế. Bài Tiến quân ca có lẽ còn sống rất lâu. Những bài hát của Văn Cao viết từ những năm ba mươi, bây giờ hát vẫn thấy không cũ. Và, Trịnh Công Sơn thì hát vào thời nào cũng hay.
Tại sao thế?

Ca khúc dĩ nhiên phải là âm nhạc hàng đầu, nhưng thứ hai là ca từ. Và hai thứ đó quện vào nhau, như vợ và chồng, để sinh ra đứa con là bài hát. Những bài hát sống lâu thường có ca từ đẹp. Tách riêng ca từ ra, cũng là một bài thơ. Và, có nhiều bài thơ được phổ nhạc thì được nhiều người biết đến. Tôi đi Yên Bái, gặp Nhà thơ Dương Soái, người viết bài thơ mà nhạc sĩ sau này phổ thành “Gửi em ở cuối sông Hồng”. Dương Soái là “nhà thơ một bài”. Dù anh có viết bao nhiêu, thì cũng không ai biết, trừ bài “Gửi em ở cuối sông Hồng”
Thời hiện đại, nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu là những nhạc sĩ phổ thơ giỏi nhất. Nguyễn Trọng Tạo cũng vậy. Anh làm bài thơ “Khúc sông quê”, chỉ chọn rất ít câu trong một bài thơ về sông quê của Nhà thơ Lê Huy Mậu. Ai đọc bài thơ đó thì thấy rất dài, rậm rì, nhiều chữ. Nhưng Nguyễn Trọng Tạo đã tỉa ra những câu hay nhất để làm bài hát. Và bài hát ấy sống, khiến người ta biết Lê Huy Mậu.
Tại sao đang từ thơ tôi lại nói vơ sang ca khúc, là bởi vì quan sát đời sống nghệ thuật của các ca khúc, rất có ích cho người làm thơ.
Nói về ca từ cho bài hát, thì đỉnh cao của lĩnh vực này, chính là ông hoàng ca khúc Trịnh Công Sơn. Từ lâu, tôi vẫn nghĩ mãi, sao bài hát của Trịnh Công Sơn ám ảnh thế, hát lên thấy tha thiết và hay thế? Cuối cùng, tôi nhận ra rằng, ca từ của Trịnh Công Sơn rất đẹp, đó là những bài thơ tuyệt vời. Lời thơ của Trịnh Công Sơn rất trau chuốt, nghệ thuật ngôn từ của ông (cũng như Văn Cao trước đây) dùng tiếng Việt thì mọi nhà văn nhà thơ đều bái phục. Đó là cái gọi là “tu từ” trong ngôn ngữ học. Một phần nào đó, các ông Văn Cao, Trịnh Công Sơn đã ảnh hưởng từ truyền thống thi ca Việt, mà thi ca Việt truyền thống thì tràn đầy tinh thần thơ Đường: hàm súc, bay bướm, thi tại ngôn ngoại…  Do đó, bài hát của Trịnh Công Sơn và Văn Cao là khúc nhạc chuyển vận hồn thơ, là hồn thơ ngân lên thành giai điệu.

Hồn thơ của ca từ
Một ví dụ nhỏ ngầu nhiên: Khi nói về nỗi nhớ, Trịnh Công Sơn viết trong “Hạ trắng”:
“Gọi nắng
Cho cơn mê chiều nhiều hoa trắng bay
Cho tay em dài gầy thêm nắng mai
Bước chân em về nào anh có hay
Gọi em cho nắng chết trên sông dài”.
Thương em, nhớ em mà gọi em cho nắng chết trên sông dài. Đó là thơ, diễm lệ như một bức tranh thơ.
Hoặc nỗi nhớ này:
“Ngày mai em đi, biển nhớ tên em gọi về
Gọi hồn liễu rủ lê thê, gọi bờ cát trắng đêm khuya
Ngày mai em đi, đồi núi nghiêng nghiêng đợi chờ
Sỏi đá trông em từng giờ, nghe buồn nhịp chân bơ vơ
Ngày mai em đi, biển nhớ em quay về nguồn
Gọi trùng dương gió ngập hồn, bàn tay chắn gió mưa sang
Ngày mai em đi, thành phố mắt đêm đêm mờ
Hồn lẻ nghiêng vai gọi buồn, nghe ngoài biển động buồn hơn…”
Nỗi nhớ nào da diết và thấm thía đến thế?
Đó chỉ là tình cờ nhớ ra mấy câu hát của Trịnh Công Sơn mà thôi.
Còn bây giờ, thì người ta hát nhạc trẻ thế nào?
Cũng ngầu nhiên, đánh vào Google để vào một trang tải nhạc nhiều người vào (nhaccuatui.com), thì ngay trang đầu, phần nhạc trẻ, bấm vào một bài, bài “Đời thật buồn khi vắng anh”. Bây giờ người ta nhớ nhau như thế này đây:
“Dẫu vẫn biết anh ko hề yêu ,
Buồn lắm con tim héo gầy
Ngày tháng trôi qua lặng lẽ nhớ mong
Nhớ những phút giây anh kề bên
Nắng ấm xuân như hé cười
Lòng em rộn vang khúc hát”
Và:
“Đời thật buồn khi em vắng anh
Từng giọt sầu tràn trên khóe mi
Hãy, hãy đến khi anh cần em”
Toàn những câu như thơ con cóc, sáo mòn, tả thực. Buồn thì “con tim héo gầy”, thì “lặng lẽ nhớ mong”, và “giọt sầu tràn trên khóe mi” rồi kêu gọi “hãy đến khi em cần anh”. Đó thực sự là những khẩu hiệu về nhớ.
Bây giờ, các bài hát trẻ thực chất chỉ là khẩu hiệu, và, chữ “hãy” rất nhiều, kể lể rất nhiều. Tác giả viết để hát về nỗi lòng, về tâm trạng, mà chả nhìn thấy gì khác hơn cả, cứ như một người điên hú hét: Ôi tôi nhớ quá.
Hoặc bài này, nhan đề “nhớ về em”
“Hạnh phúc đã mãi xa rồi
Mà anh vẫn luôn nhớ về
Vì những ký ức đã qua
Khắc sâu trong trái tim anh”.
Rất bất ngờ, có 2 bạn trẻ comment dưới bài hát, thì đều khen: “Hay…” Tôi nghi là chân gỗ của chủ trang web. Ký ức mà khắc sâu trong tim, thì đã là điều mà hàng triệu người Việt nói như thế, người nhớ nhau trong bài hát này có gì khác đâu, cũng “khắc sâu trong tim”
Ca từ trong các bài hát “trẻ” bây giờ là loại ca từ giống thơ con cóc, sáo rỗng và thô thiển. Điều mà các nhà thơ chống Mỹ phê bình người làm thơ ảnh hưởng của Thơ Mới, giờ thì là bình thường ở các bài hát mới. Nào là bờ mi, khóe môi, bờ vai, giọt sầu… Nói đến nhớ, đến yêu là nhất định có “trái tim”. Trịnh Công Sơn không bao giờ thô thiển đến mức “anh vẫn luôn nhớ về”. Với ông, và các nhà thơ, phải diễn tả nỗi nhớ ấy, phải tu từ khi tả nỗi nhớ ấy. Đó là cá tính sáng tạo của tác giả. Bài hát của Trịnh không có chữ nhớ, nhưng câu nào cũng tràn lên nỗi nhớ. Đó là vì tác giả sử dụng tu từ, tác giả làm thơ. Đoạn ca từ “biển nhớ” trên đây là một ví dụ về năng lực làm mới từ ngữ cũ. Cũng vẫn “lê thê”, “bơ vơ”, “ngập hồn”, “trông em”… Nhưng đặt nó vào một bối cảnh khác, không đơn giản là “anh buồn lê thê, anh bơ vơ, anh trông em… Mà là “hồn liễu rủ lê thê”, “sỏi đá trông em”, “trùng dương gió ngập hồn”… Duy chỉ có “nhịp chân bơ vơ” là từ cũ, nhưng “nghe buồn nhịp chân bơ vơ” thì lại không cũ. Bởi vì tác giả nghe nỗi buồn, chứ không kể đơn giản hay hét lên “tôi buồn quá”.
Cũng là nỗi nhớ trong mưa, khi mà em đi không thấy về:
“Bước chân em xin về mau
Mưa vẫn hay mưa cho đời biến động
Làm sao em biết bia đá không đau
Xin hãy cho mưa qua miền đất rộng
Ngày sau sỏi đá cũng cần có nhau
….Mưa vẫn hay mưa trên hàng lá nhỏ
Buổi chiều ngồi ngóng những chuyến mưa qua
Trên bước chân em âm thầm lá đổ
Chợt hồn xanh buốt cho mình xót xa…”
Cũng nói về “hồn”, nhưng “hồn xanh buốt” thì đó chỉ là hồn của Trịnh Công Sơn trong “Diễm xưa” mà thôi. Toàn bộ đoạn thơ trên không có chữ buồn, chữ nhớ, nhưng nó hát lên nỗi buồn nhớ thấm thía sâu sắc. Cũng không có chữ yêu, không có chữ thương, mà cảm thấy người nhớ thương cực điểm. Và, buồn nhớ, yêu thương đẹp lắm, chứ không xám xịt. Đó là vẻ đẹp của cuộc đời. 
Ngày nay, nhạc trẻ nói về nỗi nhớ trong mưa thế này:
“…Giọt mưa thắm ướt đôi vai
Làm con tim anh nghẹn ngào
Để anh ôm nhớ thương
Người ơi biết chăng lòng anh…”
Ôi, đó là vè cộng với con cóc. Nó là những lời bất lực đến tội nghiệp. Tim nghẹn ngào ư? Cái này ai biết tiếng Việt đều hàng ngày nói thế. Và, "ôm nhớ thương", rồi "biết chăng lòng anh". Chấm hết. Liệu cô gái nào được biết người con trai nhớ mình như vậy có động lòng không? Họ chỉ có thể ban phát cho anh nỗi thương hại. Còn cô Diễm của Trịnh Công Sơn, cả nhân vật và tác giả đều đẹp long lanh.

Thế hệ “cơm sống” và thế hệ “lại gạo”
Ngày xưa, thế hệ tôi và NCT bị nền giáo dục cho ăn thứ thức ăn thẩm mỹ vè, rồi lớn lên ăn thơ con cóc. Đó là một thứ độc hại, mà khi trưởng thành chúng ta giũ mãi không ra. Bây giờ tôi vẫn ám ảnh vì  bài thơ “vừa làm lại vừa hát, trong buổi sớm mùa xuân” hoặc Ngói mới, hoặc “Cao, lên cao ta xây dựng, từng bước ta lên cao…”. Ngay cả bài nhiều người thích: “Lớp một ơi lớp một, đón em vào năm trước, nay giờ phút chia tay, gửi lời chào tiến bước” cũng là một bài thơ khẩu hiệu hoàn toàn. Khổ sau thì: “Chào bảng đen cửa sổ, chào chỗ ngồi thân yêu, tất cả chào ở lại, đón các bạn nhỏ lên”.
Hồi lớp 1, lớp 2, tâm hồn như giấy trắng, có đi cổ động hô “tiến lên, tiến lên” cũng nghẹn ngào xúc động, nói chi đọc cái bài vè này. Nhưng thà rằng khẩu hiệu rõ ra, xúc động một lúc rồi hết, đây nó là cái vè, chỉ thế thôi, nhưng nó ám vào mình mãi. Chào cái lớp trống không, rất vật thể cụ thể, chính cái chỗ ngồi của mình. Thế thôi. Nhưng lớp một là gì nữa, tâm trạng như thế nào, ngập ngừng vui sướng thế nào… Chả có gì. Lớp 1 mà “gửi lời chào tiến bước” thì sắp vào lính mốt hai mốt rồi còn gì nữa.
Đó là nỗi thiệt thòi của thế hệ chúng ta. Tôi nói “chúng ta” vì bạn đọc Blog này phần lớn là người có tuổi. Còn các bạn trẻ khoảng 30-40 trở xuống thì lại có nỗi thiệt thòi khác. Đó chính là vì nhiễm thẩm mỹ từ các bài hát tuổi trẻ.
Như tôi nói trên đây, các bài hát trẻ hiện nay, ca từ thô thiển, lười biếng, dễ dãi, sẽ gieo vào tâm hồn trẻ nhận thức thẩm mỹ lệch lạc. Nghệ thuật có thiên chức làm phong phú tâm hồn con người. Vậy thì những bài hát ấy có làm được thế không, hay là làm khô cằn, vô cảm hóa tâm hồn.
Một thời học đại học, chúng tôi bị cấm hát Trịnh Công Sơn, sau rồi người ta không cấm nữa. Thậm chí trước đó, những bài Văn Cao cũng cấm. Nay thì mở lại mở vô tội vạ. Một mặt, đó là hậu quả xu thế không thể đảo ngược của truyền thông. Nhưng cũng là sự thấp kém trong nhận thức cả quản lý và nhạc sĩ, ca sĩ, công chúng. Một thế hệ chúng ta ngày xưa bị ăn món ăn thơ phú như ăn cơm sống, đến nay, loại gạo sống thơ đó đã được luộc chín, thì lại ăn phải thứ sống sượng khác. Ngày nay những bài hát tuổi trẻ giống như những cãi bánh chưng lại gạo vậy. Bánh chưng thì ở “trình độ” cao hơn “cơm”, nhưng bánh chưng lại gạo thì tác hại về tiêu hóa cũng như cơm sống, có thể hại hơn cơm sống.
Tất nhiên, đấy là nói về xu thế chung. Có những nhạc sĩ của dòng nhạc trẻ cũng rất hay. Ví dụ như Trần Tiến, và một vài nhạc sĩ khác.
Tóm lại, đây là trao đổi với các bạn yêu văn thơ thôi. Tôi không biết hát, nhưng cũng biết nghe hát. Ngẫm về đời sống các ca khúc, thì có thể có ích cho việc thẩm thơ và làm thơ.

2 nhận xét:

  1. Nặc danh23:23 2/3/13

    Thực ra các bài hát hiện nay thường là các nhạc sĩ vừa sáng tác lời vừa sáng tác nhạc chứ không phổ thơ nhiều như ngày trước nữa. Nhưng anh ơi, bây giờ tìm đâu được như Văn Cao, Trịnh Công Sơn nữa...Thế hệ các anh nhiều khi cứ nghe thấy mấy bài hát bây giờ rồi lại thấy các cháu nhảy nhót lại thấy ngứa mắt ngứa tai cho rằng là "nhí nhố" và qui chụp bọn trẻ bây giờ dễ dãi quá, bài hát có ca từ thô thiển vớ vẩn cũng đua nhau thuộc rồi hát theo. Em nghĩ quan niệm này của các anh dễ sai lắm, vừa rồi bài hát Việt hay nhất được trao là bài hát "Chiếc khăn Piêu" của nhạc sĩ Doãn Nho do ca sĩ trẻ Tùng Dương hát rất hay, bài hát hay lại được phối khí theo phong cách mới làm cho bài hát trở nên xuất sắc đã được rất nhiều người thích và em tin rằng những người bình chọn cho bài hát này thì số lượng bạn trẻ phải nhiều hơn rất nhiều số lượng những người lớn tuổi. Như vậy giới trẻ đâu có nghe dễ dãi phải không anh?

    Trả lờiXóa
  2. Chiếc khăn phiêu là dân ca, ca từ là một bài thơ. Ngày xưa nghe hát bài này cũng hay, ngày nay phối khí lại thì người trẻ thấy hay, người già cũng thấy hay. Như vậy đâu phải cái gì trẻ thích thì già không thích. Còn nhảy nhót thì tôi cũng không bao giờ cho rằng nó là "nhí nhố". Tôi cũng không nói các bạn trẻ dễ dãi, mà nó cũng như thế hệ tôi, bị cho ăn những thứ dễ dãi. Đó là lỗi nhạc sĩ. Nhạc trẻ Trần Tiến, Nguyễn Cường cũng rất hay chứ. Vì ca từ. Và bây giờ không thể có các nhạc sĩ mà mật độ nhiều bài hay, chỉ có 1 hoặc nhiều bài hay viết cho tuổi trẻ, theo dòng nhạc trẻ, nhưng đó là những bài có ca từ đẹp. Trên đây tôi không mở rộng dẫn chứng vì sẽ làm loãng vấn đề, mà tập trung vấn đề phục vụ thẩm thơ thôi. (NXH)

    Trả lờiXóa

Bạn có thể nhận xét không cần là thành viên, và nên góp ý lành mạnh, trung thực. Chọn nhập vai trong danh sách phía dưới khung nhận xét.