Nguyễn Quang Lập
Xin chào tất
cả các bạn! Vâng, tôi muốn nói rằng tôi đang đứng trước hội trường Ha Dong
Lion. Điều đó có nghĩa là gì? Vâng, có nghĩa là chúng ta đang có mặt tại Đại
hội vợ nhà văn lần thứ I. Đây là đại hội hết sức quan trọng, nhằm tổng kết một
giai đoạn lịch sử vợ các nhà văn đã dan díu giữ gìn dìu dắt các nhà văn như thế
nào, và qua đó, vâng, tất nhiên qua đó đề ra phương hướng hoạt động cho giai
đoạn tới.
Tôi đang đứng trước bà Trần Thị Thướt Tha, vợ nhà văn trinh
thám loại hảo hạng, ông luôn luôn cho chúng ta biết trước cuối cùng chuyện sẽ
xảy ra như thế nào, giúp chúng ta không phải hồi hộp, khỏi tăng huyết áp.
- Dạ bá cáo anh… tiến hành chớ sao không tiến hành, ông bà
ta từng nói không vợ ra chợ mà ở. Người thường đã thế, nhà văn cần vợ hơn người
thường là nẽ tất nhiên.
- À vâng… có người nói làm thế là ôm rơm rậm bụng… bà nghĩ
sao?
- Lói hay chưa, rơm là chồng chúng tôi, có rậm bụng cũng
phải ôm, chúng tôi không ôm thì ai ôm!
Vâng, thưa các bạn, bà Trần Thị Thướt Tha đã nói rất chân
thành, rất thấu tình, rất đạt lý.
Và bây giờ, thưa các bạn và bây giờ chúng ta quay lại hội trường.
Và bây giờ, thưa các bạn và bây giờ chúng ta quay lại hội trường.
Các bạn thấy hai khẩu hiệu lớn treo hai bên hội trường,
vâng, chúng tôi muốn nói đó là hai câu khẩu hiệu lớn. Nhất vợ nhì trời và kính
vợ đắc thọ. Khờ khờ khờ… hai câu khẩu hiệu rất độc đáo, rất tuyên ngôn, rất bặm
trợn…
Thưa các bạn! Chúng tôi thấy về dự đại hội có 927 đại biểu,
trong đó có 201 đại biểu chính thức, đó là những đại biểu đang là vợ các nhà
văn, 726 đại biểu danh dự, đó là các đại biểu đã từng là vợ nhà văn… Con số này
phản ánh thực trạng bi thiết nền văn học nước nhà.
Tuy nhiên, vâng, thưa các bạn tuy nhiên, số đại biểu là
khách mời dự bị, đó là đại biểu hoặc đang yêu hoặc sắp cưới các nhà văn: 3.212
đại biểu! Vâng, thưa các bạn, một con số rất, rất và rất ấn tượng, cho thấy văn
chương vẫn có khả năng làm mụ mị các trái tim chân dài như thế nào.
Và đây nữa, thưa các bạn và đây nữa, 201 đại biểu chính thức
đều mặc áo dài tím. Màu tím có nghĩa là gì? Đó là màu của lòng chung thủy sắt
son, màu của lý trí quản lý cảm xúc, màu của ý chí quyết tâm theo chồng đến
cùng, một tấc không đi một ly không rời.
Và bây giờ, thưa các bạn, và bây giờ chúng tôi muốn nói giờ
khai mạc đã điểm.
Bà Phạm Phổng Phao, trưởng ban tổ chức đại hội, đọc diễn văn
khai mạc. Bà là vợ nhà văn siêu việt, chuyên chuyển các phim chưởng Hồng Kông
thành các áng văn Việt ấm áp tình người, sau khi đã việt hóa tên nhân vật. Diễn
văn của bà có tựa đề rất hoành tráng: Xây dựng nền văn hóa vợ tiên tiến, đậm
đà bản sắc dân tộc với ba trục chủ đề chính gọi là ba kiên quyết:
- Kiên quyết nói không khi chồng hỏi tiền đâu.
- Kiên quyết bảo vệ đồ cũ, không để cho chồng lén lút vứt
đi. Đồ nhiều nhà chật cũng ừ, quyết tâm chất đống cực chừ sướng sau.
- Kiên quyết mặc cả đến hơi thở cuối cùng. Tiết kiệm là quốc
sách, hễ ra chợ là phải mặc cả, không sờn lòng không tiếc tuổi xanh.
Diễn văn của bà Phạm Phổng Phao vừa dứt, một dàn kèn đồng
tấu vang hành khúc Không cho chúng nó thoát, bản nhạc chủ đề của đại
hội.
Thưa các bạn và bây giờ là phần sôi nổi nhất của đại hội:
tham luận, tham luận và tham luận!
Tham luận đầu tiên đã gây sốc. Vâng, chúng tôi muốn nói đến
bản tham luận: Đập tan luận điệu văn mình vợ người!
Đó là tham luận của bà Ngô Nghiệt Ngã, bà là vợ nhà thơ
tuyệt hảo, ông đã kết hợp tài tình thơ người và thơ mình để tạo nên những vần
thơ bất hủ, suýt nữa được đem vào giảng dạy trong nhà trường.
Bản tham luận của bà Ngô Nghiệt Ngã được thực hiện theo
phương thức của Bao Công đại nhân: Lý luận đi đôi với nhân chứng vật chứng.
Vật chứng bà đưa ra là 117 cái bát, 19 bộ ấm chén, 40 cái
đĩa, 62 chai rượu… tất cả đều vỡ tan tành. Đó là kết quả việc bạn chồng bà chê
văn chồng bà tại nhà bà. Vâng, thưa các bạn, điều đó giải thích vì sao nền văn
học nước nhà luôn luôn mơ ước bao giờ cho đến ngày xưa.
Và bây giờ chúng tôi thấy Bà Ngô Nghiệt Ngã đã gọi bà Thân
Thị Thảm Thương lên diễn đàn. Bà Thân Thị Thảm Thương là vợ nhà phê bình thuộc
trường phái dọn vệ sinh, theo chủ thuyết: bẩn thỉu không tự nhiên xuất hiện
không tự nhiên mất đi, nó chỉ biến từ dạng này sang dạng khác, từ nhà mình sang
nhà người.
Rất ngạc nhiên, vâng, rất ngạc nhiên, chúng tôi thấy bà Thân
Thị Thảm Thương dắt lên một con hươu sao, vâng, đúng là một con hươu sao. Bà
Thân Thị Thảm Thương đang ôm con hươu sao nức nở khóc. Bà đang nói, chúng ta
hãy nghe bà nói.
- Dạ thưa bà con, à quên… thưa đại hội, chuyện như ri: Thời
tui còn trẻ, chồng tui mần thơ tặng tui tràng giang đại hải, không cách chi nhớ
như hết, tui chỉ nhớ mấy câu ni: “Em thiên thần vĩ đại của em, thế giới không
có em thế giới thành vô nghĩa.” Chừ tui tra rồi, chồng tui hết mần thơ, chuyển
sang mần phê bình. Anh ta muốn mần chi thì kệ cha anh ta, tui chỉ căm tức khi
quê tui phát động phong trào nuôi hươu sao, anh ta nói với bạn bè: tau ước răng
sáng mai ngủ dậy, nằm bên tau không còn mụ vợ tra của tau nữa, mà là một con
hươu sao….
Cả hội trường xôn xao.
- Thưa chị em… thưa đại hội… cứ tình trạng như ri thì chị em
mình răng rồi cũng bị đem đi đổi vẹt Nam Mỹ, chó Nhật Bản, mèo Đài Loan… hu hu
hu hu…
Cả hội trường bỗng òa khóc nức nở, vâng, chúng tôi thấy hết
thảy đại biểu đều ôm nhau khóc rất, rất và rất khí thế.
Chúng tôi thấy bà Lý Long Lanh đang lên diễn đàn. Bà là vợ
nhà thơ hậu hiện đại, thơ ông đọc rất hay nhưng không ai hiểu gì hết, vâng, đó
là bí quyết của hậu hiện đại.
Tham luận của bà Lý Long Lanh có tiêu đề Về quan niệm sai
lầm: một miếng giữa làng bằng một sàng trong bếp. Bà kể chồng bà hễ đăng
được một bài thơ, lập tức thực hiện phương châm một miếng giữa làng, đã mời bạn
bè cánh hẩu vài mươi người đến nhậu, trong khi quà sinh nhật cho vợ là một bông
hồng nhỏ giá năm ngàn đồng, mua khéo chỉ ba ngàn rưỡi… thì không có.
- Chúng tôi không cần bông hồng, bá cáo đại hội chúng tôi
không cần bông hồng…
Vâng, thưa các bạn, người đang nói là bà Vũ Vân Vê. Bà là vợ
nhà nghiên cứu phê bình cấp tướng, ông luôn nghiên cứu đúng sai, không bao giờ
quan tâm đến hay dở. Đề tài của bà Vũ Vân Vê rất nóng hổi, vâng, cực kì nóng
hổi.
- Chúng tôi không cần bông hồng, hoa hoét làm cái gì trong
khi các ông chồng chuyên lậu thuế. Thuế môn bài trốn, thuế thu nhập cá nhân
trốn, thuế giá trị gia tăng trốn nốt, thử hỏi chúng tôi làm vợ để làm cái gì.
Khờ khờ khờ đây là đề tài rất nhạy cảm, vâng thưa các bạn
rất rất và rất nhạy cảm, chúng tôi không biết ban tổ chức đại hội có cho bà Lý
Long Lanh tiếp tục không. Có, thưa các bạn, đại hội đang rất rất và rất hưởng
ứng, bà Lý Long Lanh vẫn tiếp tục phát biểu.
- Thưa đại hội, đêm nào đêm nấy nó nốc cho lắm vào rồi ngủ
say như chết, cù nách nó không dậy, bịt mũi nó không dậy, kéo tóc kéo tai nó
không dậy. Đến khi nó dậy được rồi thì toàn là tay làm hàm nhai tay làm hàm
nhai tay làm hàm nhai… rồi xong om. Khốn nạn!
Đại hội vỗ tay rào rào, vâng, thưa các bạn đại hội vỗ tay
rào rào, điều đó cho thấy thuế má là vấn đề vô cùng nhức nhối đối với các bà
vợ.
Bây giờ là tham luận của bà Tô Thị Tùng Tiệm. Bà là vợ nhà
văn loại đa sắc thể, ông viết văn thì ra báo, viết báo ra thơ văn xuôi, viết
phim ra kịch, viết kịch nói ra cải lương… bất luận viết cái gì lập trường cũng
vô cùng vững chắc.
Tham luận của bà Tô Thị Tùng Tiệm có tiêu đề Quản lý chặt
nhuận bút là nhiệm vụ cấp bách của chúng ta, một tham luận vô cùng quan
trọng, chúng tôi cho đây là vấn đề trọng tâm của đại hội.
Bà Tô Thị Tùng Tiệm nói rằng tình trạng trả nhuận bút của
báo chí xuất bản nước ta hiện nay đã gây thất thoát nghiêm trọng cho thu nhập
gia đình và cản trở không nhỏ cho công tác quản lý ăn chơi của các đức ông
chồng.
Bà Tô Thị Tùng Tiệm đang sôi nổi phát biểu.
- Trong khi các nhà văn coi việc đưa nhuận bút cho vợ là một
việc làm hết sức oan ức và ngang trái thì báo chí gần như đồng lõa với họ, trả
nhuận bút lung tung xoèng chẳng biết đường nào mà lần. Một tác phẩm được in,
nhuận bút báo này đủ mua vài cân củ cải, nhuận bút báo kia mua được cả tạ thịt
lợn. Các nhà văn tất nhiên đem củ cải về nhà còn đem thịt lợn đi nhậu, vô lý
chưa!
Khơ khơ khơ… chúng tôi nói không sai, nhuận bút nhà văn tuy
nhỏ bé nhưng vô cùng quan trọng, nó quan trọng đến nỗi nếu không có nhuận bút
thì chẳng cần đến vợ nhà văn.
Đại hội sôi nổi đến nỗi quên mất giờ giải lao, tiếp tục tham
luận của bà Nguyễn Ngao Ngán - Rượu, nỗi khổ đau này không phải của riêng ai,
sau Bà Nguyễn Ngao Ngán là tham luận của bà Lê Lúng Liếng - karaoke và giải bàn
tay vàng, một tệ nạn xã hội cần phải trừng trị, sau bà Lê Lúng Liếng là tham
luận của bà Lý Luật Lệ - Nâng cao cảnh giác với đối tượng trữ tình của các nhà
thơ, một tham luận rất quan trọng, vâng, cực kì quan trọng, chúng tôi thấy cả
hội trường im phăng phắc.
Bà Lý Luật Lệ khẳng khái tuyên bố: bất cứ đối tượng trữ tình
nào của chồng bà cũng đều nhằm vào một con đĩ nào đó, cho dù chồng bà có ghi
cho em LLL, thương nhớ gửi em LLL hay gì gì đi nữa thì cũng đều cho lờ lờ lờ
hết. Bà kêu gọi đại hội hãy cảnh giác ngay cả khi các nhà thơ nói về con chim,
con bướm, con lợn, con gà thì cũng nhằm vào lờ lờ lờ hết.
- Vâng, đều lờ lờ lờ hết, cha tiên nhân chúng nó. Có lần
chồng tôi vịnh cái cối xay: rào rào rào/ xoay xoay xoay/ em xoay/ em quay/ anh
loay hoay/ mệt nhoài, mướt mồ hôi/ ôi ôi ôi…Tôi mừng thầm vì tôi cũng hao hao
cái cối xay. Hóa ra không phải. Tôi đã phát hiện ra một cái cối xay khác còn
khủng khiếp hơn cối xay của tôi, cha tiên nhân chúng nó chứ.
Vâng, bản tham luận vô cùng đanh thép, cho thấy tính hai mặt
của văn chương là vô cùng nguy hiểm, các bà vợ đề cao cảnh giác quả không thừa.
Và đây là bản tham luận cuối cùng, tham luận của bà Mai Mũm
Mĩm, vợ của nhà phê bình trường phái Tiếng chim hót trong bụi mận gai, ông luôn
đi đầu chứng minh văn thơ thủ trưởng muôn năm bất hủ.
Tham luận của bà Mai Mũm Mĩm rất thơ - Về quan niệm lỗi
thời: nhà văn phải khác người ta, nếu mà tắm rửa thì ra người thường. Khờ khờ
khờ.. tuyệt vời phải không các bạn?
Bà Mai Mũm Mĩm cho rằng nếu các nhà văn để tâm hồn treo
ngược cành cây, còn thân thể hôi hám phó thác cho các bà vợ là hết sức không
công bằng.
- Dzâng, đúng dzậy đó. Tâm hồn không biết dùng dzào dziệc
gì, các ông muốn treo đâu thì treo, còn thể xác các ông phải để chúng tôi khai
thác có hiệu quả, có phải không đại hội?
Hội nghị lại vỗ tay rào rào, rõ ràng tham luận của bà Mai
Mũm Mĩm đã đánh trúng tâm trạng của chị em. Vâng, như người ta vẫn thường nói:
thân thể thối tha thì tư tưởng tồi tệ, tư tưởng tồi tệ thì thơ tất tắc tị, thơ
tắc tị tất tài tiêu tan, tài tan tất tiền tan, tiền tan tất tình tan.
Rất ngạc nhiên thưa các bạn, từ đoàn chủ tịch bà Phạm Phổng
Phao đứng lên, bà dơ cao đôi đũa, không biết bà định nói gì.
- Thưa đại hội, tôi đọc blog quê choa, thấy có phổ biến kinh
nghiệm dùng đũa gắp chim chồng rất hiệu quả, không biết chị em có biết kinh
nghiệm này không?
Từ dưới hội trường của chúng ta hơn một nghìn đôi đũa dơ
cao, vâng, hơn một ngàn đôi đũa của các đại biểu chính thức, các đại biểu danh
dự và các đại biểu dự bị… khơ khơ khơ một kinh nghiệm tuyệt vời.
Và bây giờ trong tay tôi có danh sách Ban chấp hành của Hội
vợ các nhà văn. Đó là những ai, vâng, vô cùng hồi hộp.
Vâng, đó là bà Phạm Phanh Phui, bà Lý Luật Lệ, bà Cù Cảnh
Cáo, bà Trần Trừng Trị, bà Dư Giam Giữ, bà Chu Chặt Chẽ. Số điểm của các bà
rất, rất và rất cao. Chín, chín phẩy năm, chín phẩy năm… mười, mười, mười, và…
mười!
Xin cảm ơn và xin cảm ơn!
(Nguyễn Quang Lập)
Rí rỏm
Trả lờiXóaNhà văn Nguyễn Quang Lập, nguyên là kĩ sư vô tuyến điện, sinh viên K20 bách khoa cùng với các cựu sinh lớp E. lập hồi học đại học đã nổi tiếng thơ phú, cùng Hà Đức Hạnh K20 Hóa (cùng khoa NXH và Lê Văn Vững).
XóaHồi xưa K20 sinh viên có mấy thằng hay văn veo thơ phú, sinh viên đều biết: Nguyễn Quang Lập (vô tuyến), Hà Đức Hạnh (Hóa), sau thêm Nguyễn Thành Phong (k22 Thực phẩm), Lê Quang Sinh (K22 Luyện kim). Đó là một nhóm lập dị, mở mồm là nói văn thơ, trông như gay bây giờ. Nhóm này liên kết với nhóm sinh viên văn chương của ĐH SP và ĐH Tổng hợp. Bây giờ gặp Hoàng Nhuận Cầm, ông ấy còn kể khối chuyện đánh đu và "chăn dắt" những thằng như vầy. Sau này, trước sau các ông trên đây đều trở thành hội viên Hội Nhà văn, trong đó nổi tiếng nhất là ông Lập. Hồi sinh viên, tôi vùi đầu vào học và chơi, ghét và tránh xa nhóm văn chương. He he, sau này khi đọc các truyện ngắn của tôi, nhiều người gặp và bảo: Có cái thằng nào trùng tên mày... Cuộc sống đôi khi xoay đi không thể hiểu nổi
XóaHình như vợ nhà văn Nguyễn Quang Lập mặc véc, ngồi ở vị trí nhìn rõ nhất (trong ảnh, vợ các nhà văn đang biểu quyết tại Đại hội). Không biết vợ nhà văn Nguyễn Xuân Hưng lớp E ngồi chỗ nào, ai chỉ cho em với?
Xóa(Mưa Ngâu)
Cảm ơn anh NQL vì đã giúp độc giả blogE có những phút thư giãn vô cùng thoải mái với Đại hội vợ các nhà văn. Không biết các nhà văn có nhìn thấy mình trong đó không nhỉ?
Trả lờiXóa