7 tháng 10, 2013

Thiết thực tưởng nhớ Đại tướng Võ Nguyên Giáp

 Ba năm gần đây, tôi âm thầm theo đuổi một đề tài: làm phim về giai đoạn lịch sử oanh liệt trước Cách mạng tháng Tám. Tôi đã đọc một núi tài liệu, gồm hồi ký, sách trong nước và sách của các tác giả nước ngoài. Sau đó, tôi có viết một tiểu thuyết về cuộc hành quân của Chủ tịch Hồ Chí Minh từ Pác Bó đến Tân Trào, rồi hoàn thiện một kịch bản về giai đoạn 1941- 1945. Kịch bản này được chuyển cho một tác giả chuyên viết kịch bản góp ý, viết thêm, coi như đồng tác giả, sau đó tôi lại tùy ý viết lại lần thứ hai, thành kịch bản “Ý chí độc lập”.
Trong kịch bản này, có gần 30 nhân vật lịch sử, trong đó tập trung vào hình ảnh 2 lãnh tụ Việt Minh có vai trò quan trọng nhất: Hồ Chí Minh và Võ Nguyên Giáp.
Ở đây, tôi chỉ nói về việc nghiên cứu để hiểu về nhân vật Võ Nguyên Giáp.

Khi đọc các tài liệu về việc thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân, tôi mới vỡ lẽ ra nhiều điều, và hiểu sâu vai trò của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Trong kịch bản 21 tập về 1941- 1945, tôi dành hẳn 4 tập quan trọng xây dựng nhân vật trung tâm Võ Nguyên Giáp, đó là các tập có nhan đề: Du kích Cao Bắc Lạng, Nam tiến, Tuyên truyền giải phóng quân, Trận đầu.
Ở đây, có một câu chuyện ngoài lề… Do một thời gian có luồng ý kiến hạ thấp vai trò của ông Giáp, nên có ý kiến cho rằng, việc thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân là ý muốn của Hồ Chí Minh giao cho Võ Nguyên Giáp, chứ khi đó Đội Cứu quốc quân của Chu Văn Tấn đã tồn tại rồi. Việc này, chính sử đã giải quyết xong, bác bỏ ý kiến đó. Song một số ý kiến vẫn âm thầm dai dẳng, nhất là với những người không xem xét toàn diện cả một giai đoạn.
Khi Hồ Chí Minh đi Trung Quốc để tìm sự ủng hộ quốc tế đối với sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc (sau đó bị quân đội Tưởng bắt giam 14 tháng), đã giao khu vực chiến khu mà Pac Bó là trung tâm, cho một ban lãnh đạo của Việt Minh, trong đó đảng bộ Cao Bắc Lạng làm hạt nhân. Khu du kích có đội du kích do Lê Thiết Hùng làm chỉ huy, Võ Nguyên Giáp làm chính trị viên. Hồ Chí Minh giao nhiệm vụ cho Đảng bộ Cao Bắc Lạng đấu tranh chính trị, kết hợp chiến tranh du kích, thiết lập các đường dây để mở rộng căn cứ, trong đó mũi Đông tiến giao cho Hoàng Văn Hoan chịu trách nhiệm, phải thông liên lạc sang phía Đông, đến Lạng Sơn, mũi Tây tiến lấy đội Cứu quốc quân 2 làm trung tâm, thông đường lên Sơn La, Tây Bắc, mũi Nam tiến do Võ Nguyên Giáp chỉ huy, thông đường xuống phía Nam.
Sau khi Hồ Chí Minh thoát ngục về nước, thì tình hình như sau: Hướng đông tiến hầu như thất bại, không triển khai được; hướng Tây tiến dậm chân tại chỗ, chỉ có củng cố đội du kích, còn hướng Nam tiến của ông Giáp thì hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Ông Giáp đã nắm lấy đấu tranh chính trị làm chính, đi vào dân, tổ chức du kích và lập các đường dây giao liên, khiến cho đường về xuôi mở ra. Trong khi lực lượng du kích căn cứ Pac Bó và lân cận phát triển, tỉnh đảng bộ Cao Bắc Lạng hăng hái phát động chuẩn bị khởi nghĩa, thì Hồ Chí Minh về nước, kịp thời ngăn cản cuộc khởi nghĩa đó, ngăn được một tổn thất không đáng có. Trong tình hình đó, đội Cứu quốc quân của Chu Văn Tấn cũng chỉ có vai trò khu vực, là một đội du kích trong số các đội du kích của khu vực Cao – Bắc – Lạng. Nói rằng Võ Nguyên Giáp là học trò xuất sắc của Hồ Chí Minh, chính là biểu hiện rõ nhất trong giai đoạn này. Tư tưởng lớn của Hồ Chí Minh là thành lập một đội quân của nhân dân, phát động nhân dân để trưởng thành lên, đi vào dân để cứu nước, thì Võ Nguyên Giáp hiểu và thực hiện thành công nhất. Do vậy, việc thành lập Đội Tuyên truyền giải phóng quân đã được thực hiện, lấy 34 chiến sĩ được rút ra từ các đội du kích, chứ không phải tự nhiên mà có 34 chiến sĩ. Nói Hồ Chí Minh là cha đẻ lực lượng vũ trang là  đúng. Mà nói Võ Nguyên Giáp là anh cả của lực lượng vũ trang cũng đúng. Ông Giáp không tự đẻ ra quân đội, nếu không có Hồ Chí Minh, chưa chắc Võ Nguyên Giáp đã là người thành lập ra quân đội, mà có thể trở thành một chỉ huy quân sự bình thường, cuốn vào cuộc khởi nghĩa Cao Bắc Lang, tốt lắm cũng chỉ tránh được thất bại mà thôi.
Nghiên cứu các tài liệu để dựng lại chân dung ông Giáp thời kỳ này, có thể thấy, Võ Nguyên Giáp là người tuyên truyền chính trị rất giỏi, sống với dân gắn bó để xây dựng đường dây Nam tiến, cho nên ông thấu hiểu nhân dân. Ông là người thành lập quân đội để cứu nước, cho nên ông cũng hiểu quân đội. Ngay trận đầu, ý kiến của ông là tuyệt đối không được bắn, chỉ được gọi hàng, nhưng do đội viên cướp cò mà tên đồn trưởng Phai Khắt bị chết, ông đã tỏ một thái độ, nhất quán trong suốt cuộc đời, đó là rất đáng tiếc, khi chiếm đồn, giải phóng, không nhất thiết phải tiêu diệt. Việc đó chỉ có ở người chỉ huy quân sự có tâm và có tầm.
Một lưu ý là, Võ Nguyên Giáp chỉ trở thành Ủy viên Trung ương Đảng khi bầu bổ sung trước Đại hội Tân Trào chuẩn bị phát động Cách mạng tháng Tám. Vì sao Hồ Chí Minh lại sử dụng một người hoàn toàn là đảng viên thường, dù cho chỉ vội vã bổ sung vào Ban chấp hành tỉnh đảng bộ Cao Bắc Lạng trước đó ít lâu. Đó là tư tưởng dùng người, tư tưởng đoàn kết dân tộc của Hồ Chí Minh khi thành lập Việt Minh. Nếu như bây giờ, liệu ông Giáp có được đứng ra làm một việc vô cùng quan trọng là thành lập quân đội, trong khi có nguyên một Ban chấp hành Trung ương rồi không?
Nghiên cứu giai đoạn lịch sử này, tôi càng ngưỡng mộ những con người vĩ đại, do lịch sử đã sinh ra ở một giai đoạn sóng gió. Ngoài Hồ Chí Minh ở tuổi 50, còn các ông như Võ Nguyên Giáp mới chỉ xấp xỉ 30 tuổi. Họ là những người nhiệt huyết, một lòng vì dân, vì nước…  Cái gọi là quyền lợi bản thân, quyền lợi của Đảng thật là xa lạ với họ. Với họ, Tổ quốc trên hết, nhân dân là ruột thịt, ngoài ra không có mục tiêu nào khác. Họ thật là một đội quân thần thánh.
Bây giờ, nhân dân ngưỡng mộ ông Võ Nguyên Giáp, thì nhân dân không diễn tả được thành lời, nhưng đó chính là ngưỡng mộ một con người vì dân vì nước…
Mong rằng, kịch bản của tôi sẽ được dựng thành phim thành công, là một nén tâm nhang kính viếng linh hồn 2 con người vĩ đại Hồ Chí Minh, Võ Nguyên Giáp.

4 nhận xét:

  1. Nặc danh18:38 7/10/13

    Năm 1938: Người từ Châu Âu đến Thiểm Bắc, TQ. Từ đó Người dần dần đi về Việt Nam. Trên đường đi gặp và giác ngộ CM nhiều thanh niên VN yêu nước.
    Tháng 2-1941: Người về Việt Nam từ Quảng Tây, TQ theo đường Cao Bằng và ở tại hang Pác Bó, Khuổi Nậm. Lúc đó số người đưa và đón có đến mấy chục, có lẽ còn hơn. Đa số sau này đều là cốt cán của cách mạng.
    Tháng 5-1941: Người chủ trì Hội nghị TW khóa 1 tại Khuổi Nậm. Hội nghị này bầu Trường Chinh làm Tổng bí thư, thành lập Mặt trận Việt Minh, vạch ra con đường đấu tranh giành độc lập.
    Tháng 8-1942: Người đi TQ để tiếp xúc phe Đồng Minh quốc tế. Lúc này Liên Xô đã tham gia Đồng Minh. Người bị giam cầm 14 tháng đến tháng 9-1943 thì được trả tự do. Người ở còn lại TQ đến tháng 10-1944 mới về nước. Trong thời gian này vẫn duy trì liên lạc, chỉ đạo CM trong nước và xây dựng lực lượng trong số anh em người Việt yêu nước đang ở TQ lúc bấy giờ.
    Nếu làm rõ được tên người, các hoạt động liên quan của các sự kiện trên thì bộ phim sẽ rất sinh động và hay. Tiếc rằng các tài liệu về thời gian này chưa nhiều. Nhiều bộ phim trước đây chưa nêu bật được vấn đề này. Người xem không thấy được hoạt động chung của phong trào CM. Thời gian này CM hoạt động khá sôi nổi. Mặc dù bị địch bắt, đàn áp dã man, nhưng CM không ngừng phát triển khắp ba kỳ. Các nhân vật mỗi người một việc đều đóng góp công sức không nhỏ cho CM.

    Trả lờiXóa
  2. Nặc danh18:39 7/10/13

    Đính chính: Hội nghị TW 8 Khóa I

    Trả lờiXóa
  3. Nặc danh11:38 8/10/13

    Sao bạn N 18.38 lại nói tài liệu thời gian này chưa nhiều. Rất nhiều mới chính xác. Hồi ký của các nhân chứng rất nhiều. Sách của các học giả cũng nhiều. Tôi lấy ví dụ: Bộ sách của Đại tướng Võ Nguyên Giáp 3 quyển; hồi ký của các vị: Phùng Thế Tài, Lê Quảng Ba, Hoàng Sâm, Lê Thiết Hùng, Hoàng Quốc Việt, Đàm Quang Trung... vân vân. Các nhân vật tham gia sự kiện đều có kể lại, nhiều hay ít. Sách của người nước ngoài: OSS và Hồ Chí Minh; Tại sao Việt Nam... Hồi ký Trần Trọng Kim, Hồi ký Bảo Đại... (NXH)

    Trả lờiXóa
  4. Nặc danh12:22 8/10/13

    Tài liệu thì có, nhưng còn nhiều vấn đề đáng kể chưa nói tới. Các phim ảnh về đề tài này ít, không hay và tẻ nhạt, thiếu chi tiết, nhân vật liên quan. Cứ ngẫm mà xem có bộ phim nào đọng lại.

    Trả lờiXóa

Bạn có thể nhận xét không cần là thành viên, và nên góp ý lành mạnh, trung thực. Chọn nhập vai trong danh sách phía dưới khung nhận xét.