Tôi được cử tham gia Đoàn cán bộ của Bộ Kế hoach và Đầu tư viếng Đại tướng Võ Nguyên Giáp
do Bộ trưởng Bùi Quang Vinh dẫn đầu. Tham gia Đoàn còn có vài người mà bạn đọc blogE đã quen biết:
Dịch giả - nhà thơ Trần Đông Phong, cựu học sinh lớp E Trần Hồng Kỳ, Cựu Bộ
trưởng Võ Hồng Phúc…
Theo chương trình của Ban Tổ chức, Bộ Kế hoạch và Đầu tư vào viếng Đại tướng lúc
14 giờ chiều. Buổi sáng dành cho Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Chính phủ, Quốc hội và các đoàn quốc tế. Đoàn
Ngoại giao các nước tại Hà Nội thông báo rằng, đại sứ các nước và đại diện các
tổ chức quốc tế sẽ tập trung thành một đoàn lớn vào viếng tướng Giáp lúc 10:30.
Vì thế, một số Đoàn viếng
buổi chiều được đẩy lên buổi sáng. Chín giờ sáng, tôi nhận được tin nhắn từ Chánh Văn
phòng Bộ: “tập trung tại Bộ để đi viếng Đại tướng vào lúc 10:00”.
Chúng tôi lên 4 chiếc xe 12 chỗ có gắn phù hiệu của Ban Tổ chức tang lễ để có thể vào được đến cổng nhà tang lễ quốc gia.
Đường đi hôm nay có vẻ vắng hơn mọi ngày. Chỉ thấy bên đường từng đoàn thanh
niên tình nguyện áo xanh mũ tai bèo xếp thành hàng như những cột mốc vậy. Đến
ngã 3 Trần Khánh Dư – Trần Hưng Đạo (gần cổng bệnh viện quân đội 108) thì chỉ
những xe có gắn phù hiệu mới được rẽ vào phố Trần Hưng Đạo. Công an, bộ đội,
thanh niên tình nguyện áo xanh đứng dày hơn. Những người dân sống trong khu phố quanh đó
cũng đổ ra đường xem xe đi viếng Đại tướng. Nghe đâu Ban Tổ chức cũng cho cả
dân vào viếng Đại tướng sau khi các đoàn Đảng, Chính phủ và các cơ quan Nhà nước viếng xong. Những tuyến
đường dẫn đến nhà tang lễ quốc gia hôm nay thật vắng, giống hệt Hà Nội ngày
mồng 1 tết.
Xuống xe đã nhìn thấy bảng điện tử hiện thứ tự các đoàn vào
viếng và màn hình truyền trực tiếp hình ảnh các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà
nước trong Ban Tổ chức cảm ơn Đoàn cán bộ cấp cao Cămpuchia do Hoàng thân Hêng
Xôm Rin dẫn đầu vừa viếng xong. Đoàn chúng tôi xếp số thứ 35, phía trước là Đoàn Bộ tư lệnh
Thông tin và Đoàn Bộ Y tế, phía sau là Đoàn Ủy ban Người Việt Nam ở nước ngoài,
đại diện cho 4,5 triệu kiều bào ta ở xa tổ quốc. Đang đứng trong hàng
chợt có người của Ban Tổ chức chạy ra bắt tay, hóa ra là Trần Văn Thành,
Phó Văn phòng Trung ương Đảng, bạn học và là hàng xóm của vợ tôi ở quê (Đô Lương,
Nghệ An).
Tôi để ý thấy có vẻ ít vòng hoa, chỉ khoảng 50 vòng tất cả. Khi có Đoàn đăng kí viếng, người của Ban Tổ chức tang lễ mang một dải băng đen ra đính lên một vòng hoa đưa vào. Sau khi viếng xong, vòng hoa đó được quay vòng sử dụng lai. Như thế sau này chỉ cần lưu giữ các dải băng, chứ làm sao chuyển tất cả các vòng hoa viếng vào Quảng Bình được.
Chủ tịch Hồ Chí Minh mất năm 1969, tôi mới học lớp 5, đi theo mọi người xem lễ truy liệu Bác ở trụ sở Ủy ban xã, chỉ thấy có nhiều người khóc. Hồi ấy chưa có ti vi
như bây giờ. Mãi sau này mới được xem lễ truy liệu Chủ tịch ở Hà Nội và nghe bài Điếu văn của Tổng Bí thư Lê Duẩn khi VTV phát lại vào dịp kỉ niệm ngày mất của Người. Chủ tịch Tôn
Đức Thắng mất năm 1980, khi tôi đang là sinh viên năm cuối Đại học Bách khoa, bận túi bụi với luận văn tốt nghiệp và mải làm thơ tặng cô bạn gái, chỉ nghe loáng thoáng thông báo tin buồn. Ngày Tổng
Bí thư Lê Duẩn mất năm 1986, tôi đã ra khỏi quân đội, về Hà Nội làm việc tại Nhà máy Dụng cụ số
I. Đang trên đường đi làm buổi sáng bị cảnh sát giao thông ra hiệu dừng lại đứng gọn vào
lề đường trước cửa bệnh viện Xanh Pôn, thế là vô tình trở thành một trong
những người tiễn đưa cố Tổng Bí thư đến nơi an nghỉ cuối cùng tại Nghĩa trang
Mai Dịch, khi xe chở linh cữu ông đi qua. Hôm nay được đi viếng Đại tướng với
tư cách thành viên trong Đoàn viếng chính thức của cơ quan nhà nước, một câu hỏi chợt xuất hiện
trong đầu: sao mình không nhớ ra ông Trường Chinh, ông Phạm Văn Đồng, ông
Lê Đức Thọ, ông Nguyễn Văn Linh, ông Văn Tiến Dũng… mất vào năm nào? (NCT)
Cập nhật nhanh quá, NCT đúng là cựu phóng viên, không quyên nghiệp vụ.
Trả lờiXóaTôi cũng đi viếng cụ Giáp chiều nay, nhưng không được... Đọc bài ông NCT, tôi nổi máu phải viết chuyện tôi đi viếng cụ Giáp (NXH)
Trả lờiXóaHội nhà văn thì phải chen chúc đi viếng với nhân dân mới tìm thấy sự thật của cuộc sống chứ đi cùng với các đoàn ngoại giao thì chỉ nhìn thấy vẻ ngoài hình thức mà thôi. Chắc chuyện của anh NXH sẽ thực tế hơn.
Trả lờiXóaVô cùng thương tiếc Đại tướng Võ Nguyên Giáp !
Trả lờiXóaĐoạn cuối NCT viết nhẹ nhàng mà thâm thúy thế. Anh không nhớ những con người nổi tiếng một thời đó mất vào năm nào thất ư?
Trả lờiXóaKhông thấy ông Kỳ và ông TĐP đâu, nhưng các bức ảnh chụp tại hiện trường đính kèm bài viết là minh chứng xác thực ông NCT có viếng Cố Đại tướng VNG ở Nhà tang lễ quốc gia. Cảm ơn NCT đã cung cấp những thông tin khá chi tiết về việc tổ chức lễ viếng Đại tướng tại Nhà tang lễ quốc gia. (LPT)
Trả lờiXóa