12 tháng 10, 2013

Tôi đi viếng vọng Đại tướng

Tôi được báo 14h ngày 12/10 tập trung ở cơ quan Hội Nhà văn để đi viếng cụ Đại tướng Võ nguyên Giáp. Vì chạy hớt hải từ nhà lên cơ quan nên tôi tặc lưỡi thôi đến ngay chỗ Nhà tang lễ rồi nhập vào đoàn Hội Nhà văn. Chính ý nghĩ ngây ngô này khiến tôi không thể vào được sân nhà tang lễ.
Ngay từ đoạn cuối đường Trần Hưng Đạo, đã bị chắn đường. Tôi để ô tô vào một chỗ bất kỳ ở gần ngã tư Phan Chu Trinh, rồi đi bộ. Và khi đó trông thấy hàng người vĩ đại đang như một con rồng trên phố, tôi mới hiểu rằng, mình chắc không vào đến sân nhà tang lễ được.

Dòng người tôi biết từ đường Trần Hưng Đạo, vào Phan Huy Chú, vòng qua Hàn Thuyên, rồi quặt ra Tăng Bạt Hổ đi về phía vườn hoa Pasto, phố Yesin, song khi nhìn thấy con đường vào nhà tang lễ, thì phải đi qua một đoạn xa mới quặt lại, cũng vẫn ở Tăng Bạt Hổ, rồi nhập vào một đoạn hàng bốn chen chúc chờ đợi.
Tôi đành phải chơi ăn gian, chen ngang vào một hàng, nhưng hàng này cứ đi qua đường vào nhà tang lễ, lại phải đi tiếp…Hóa ra, tôi đã chen vào không phải đoạn đầu sắp vào cửa nhà tang lễ, mà là phải ngoằn nghèo nữa… Tôi ước lượng dòng người khoảng 3-4km.
Trong khỏng gần 1km đi xếp hàng, rồi chờ đợi, tôi đã nhìn thấy rất nhiều cảnh thú vị. Nhiều người từ tỉnh ngoài đến, ngơ ngác tìm chỗ xếp hàng, được hướng dẫn đi rất xa về phía cuối hàng, đủ mệt. Nhiều công an và dân phòng, sao hôm nay họ nhã nhặn lạ thường, mà vẫn cương quyết, được việc…
Tôi đã đi qua chỗ một ông già râu tóc bạc đang kéo đàn violong. Tiếng đàn Hồn tử sĩ đều đặn vang lên là do ông cụ này. Tôi tin rằng không phóng viên nào chụp ảnh ông, vì ông cũng đã thường kéo đàn khi có biểu tình chống Trung Quốc ở Hà Nội.
Nhiều cựu chiến binh đeo huân chương cùng con cháu xếp hàng…
Tôi đứng cùng hàng người, tuyệt vọng nhìn quang cảnh chờ đợi, tự nhủ: ngay cả chuyện viếng Đại tướng, người dân bình thường cũng vất vả nhất, sau khi các chức sắc, các đơn vị viếng xong mới đến họ. Tôi định làm dân một lần càng khó mà kiên nhẫn được. Trong khi đó, một bác nhà văn nói vào điện thoại bảo tôi: Vào sân đi, vào sân đi… Nhưng tôi làm sao mà vào được.
Đúng lúc đó, có thông báo trên loa là lễ viếng sẽ kéo dài suốt đêm đến sáng mai 6h. Thế là tôi bỏ hàng, đi bộ dọc hàng xếp để quan sát và chụp ảnh nhân dân đang xếp hàng, các bạn sinh viên đang ra sức quạt bằng quạt giấy cho hàng người đi chầm chậm…
Khi viết những dòng này, VTV1 đưa tin, 16h mới bắt đầu cho những người đầu tiên vào viếng cụ Giáp. Còn theo FB của bạn Nhà báo Thanh Hằng, thì người vào viếng cũng phải đi rất nhanh, không kịp đứng lại khấn vái gì, ai chưa có dịp thì đón đoàn xe chở linh cữu đi qua. Tôi cho rằng, theo quan niệm dân gian, lòng thành thì vái vọng cũng được. Tôi đến chỗ đường vào nhà tang lễ, hướng về phía Cụ Đại tướng, khấn thầm: “Cụ Đại tướng có linh thiêng thì phù hộ cho tôi hoàn thành kế hoạch xây dựng hình tượng của Cụ trong văn học nghệ thuật, giai đoạn 1941-1945, kịch bản thì các ông chóp bu trách nhiệm đang đọc duyệt”.
Đêm nay tôi sẽ lại đến nhà tang lễ để xem tình hình thế nào…


5 nhận xét:

  1. Nặc danh00:29 13/10/13

    Hỏi mấy anh E KHĐT sao Đại tướng tuổi cả trăm, ốm cả ngàn ngày, chỗ an nghỉ cũng đã chọn từ 2005, vậy mà đến giờ này (01giờ ngày 13/10) vẫn chưa xong con đường vào nơi đặt mộ phần của Đại tướng?

    Trả lờiXóa
  2. Nặc danh01:16 13/10/13

    Các cụ có câu "Giấu như giấu mả tổ"

    Trả lờiXóa
  3. Nặc danh01:17 13/10/13

    Các cụ nói cấm có bao giờ sai

    Trả lờiXóa
  4. Do lòng ngưỡng mộ, khâm phục và tiếc thương Bác Gíap. Mấy ngày nay tôi đều theo dõi lễ tang Đại Tướng, Nhận thấy khá chu đáo, hợp lòng dân. Nhưng chiều nay có vẻ việc chuẩn bị tập dượt trước không tôt .

    Trả lờiXóa
  5. Nặc danh09:45 14/10/13

    Bài thơ tiếng dân tộc thiểu số của Đại tướng Võ Nguyên Giáp
    http://dantri.com.vn/giao-duc-khuyen-hoc/bai-tho-tieng-dan-toc-thieu-so-cua-dai-tuong-vo-nguyen-giap-789392.htm

    Trả lờiXóa

Bạn có thể nhận xét không cần là thành viên, và nên góp ý lành mạnh, trung thực. Chọn nhập vai trong danh sách phía dưới khung nhận xét.