9 tháng 10, 2013

Những ngày bản lề thời đại…


Tôi vừa đi dạo quanh khu vực nhân dân viếng Đại tướng Võ Nguyên Giáp về… Cảm nghĩ dâng trào, nhưng không biết đặt tít cho bài viết này thế nào. Còn nhớ hồi làm báo, Tổng biên tập hay dạy bảo: Cái tít cũng là một nửa bài báo. Vậy cái tít này chả là cái gì so với bài tôi sẽ viết sau đây. (NXH)

1.      Một thời đại đã đi qua…
Dòng người xếp hàng vào nhà Đại tướng để mong một lần viếng ông rất dài. Chiều nay, khoảng hơn 15h ngày 09/10, “đuôi” là ở đoạn đường đối diện với Lăng Bác, rồng rắn 2-3 hàng qua phố Tôn Thất Đạm, trước cửa tòa nhà Bộ Ngoại giao, rồi chạy theo vỉa hè phố Điện Biên, rẽ vào đoạn đường Hoàng Diệu đến cửa nhà số 30. Khi rẽ vào đường Hoàng Diệu, thì chỉ còn là hàng một. 


Tôi đã nhìn thấy gì? Quang cảnh những người đi viếng có mọi thành phần xã hội, mọi lứa tuổi, ở hầu khắp mọi nơi. Thật cảm động khi nhìn thấy những người ăn bánh mỳ trên hè phố đợi chờ đến lượt. Hình như một lần hiếm hoi con người mở lượng tương thân tương ái. Bãi xe miễn phí, xe ôm chở khách miễn phí, các thanh niên tình nguyện chuyển nước uống và đứng thành dây giữ trật tự. Tôi thấy các thanh niên tình nguyện dùng quạt quạt cho hàng người chậm chậm đi qua trước mặt mình.
Trong một khoảng vài chục năm nay, xã hội Việt Nam đã có nhiều vấn đề phức tạp lắm. Lòng người trống chếnh, đạo đức băng hoại… Thật hiếm hoi ngày hôm nay tôi nhìn thấy một thời kỳ thần thánh của dân tộc trong quá khứ. Trong đó, người dân che chở bộ đội cụ Hồ, bộ đội ông Giáp. Người ta hy sinh để che dấu quân đội của ông Giáp. Người ta gánh gạo nuôi quân, sẵn sàng theo ông Giáp hy sinh thân mình để giành độc lập. Một thời đại mà nông dân nhường nhà cho những người sơ tán, dỡ nhà cho xe tăng qua… Thời đại khi ông Giáp còn là Đại tướng hào sảng cầm quân, thì lòng người một lòng một dạ vì lý tưởng. Bây giờ, người ta xô nhau đến tỏ lòng tiếc thương ông, đó chính là tiếc thương một giai đoạn đất nước gian lao mà anh dũng, nhân dân bần hàn mà yên lòng.

2.      Nhân dân vạn đại…
Ông Đại tướng sống hơn một thế kỷ. Chính ông đã góp một tay đắc lực để nước Việt Nam từ một địa vị hèn kém có tên trên thế giới. Một thế hệ vàng khai sinh ra chế độ đã dần dần ra đi, có lẽ ông Đại tướng là người cuối cùng. Dù cho sinh thời, có một thế lực muốn vùi dập ông, cố tình xuyên tạc công lao của ông, những ông quan ấy nhất thời, còn sự thật công lao của ông thì sống với dân, dân là vạn đại. Nhìn dòng người thương tiếc ông, tôi cứ tự hỏi, các nhà xã hội học nước ta chẳng phải đã hời hợt lắm ư? Các vị chắc rằng không tưởng tượng ra nhân dân sẽ khóc than và thương tiếc ông Đại tướng đến mức này. Tôi là người Việt, tôi thú thật cũng không hiểu nổi người Việt. Đây có phải là năm 1969 đâu. Bây giờ là thời đại Internet, không ai có thể tuyên truyền được. Một nghìn cái loa phường chắc chỉ dành 1 phần nghìn thời lượng tình cờ nói về ông Giáp. Nước Việt Nam ngày nay cũng không phải Bắc Triều Tiên, tôi không nhỏ nước mắt hay không đau buồn thì cũng chả ai kiểm điểm hay bắt tội. Nhưng lại có đoàn người xếp hàng viếng ông Đại tướng. Nhưng ở khắp làng quê người ta lại cùng nhau đồng tâm nhớ thương ông ấy…
Khoảng gần 4 giờ chiều, ngay tại cổng nhà ông Đại tướng, tôi để ý thấy một ông Tây ngơ ngác, dân du lịch hiện rõ qua cái máy ảnh tòng teng và quần áo bụi. Ông này gặp một bà Tây khác, chỉ xung quanh và hỏi: What is this? Bà Tây kia trả lời một hồi, đại ý đó là người ta viếng tướng Võ Nguyên Giáp, người vừa mới từ trần. Ông Tây ngẩn người, gật đầu, trợn mắt tỏ ý rất lạ. Ông ta cười: “Hiểu… hiểu rồi. Biểu tình ôn hòa ủng hộ Tướng Giáp và đảng của ông ấy”.

3.      Một thời đại mới đang đến…
Ngẫm cho cùng, ông Tây kia nói cũng có lý. Trong nhận thức của một người đến từ nền dân chủ, những con người tập hợp nhau lại, cùng biểu thị một ý chí, một tấm lòng, đó là hành động biểu tình. Có biểu tình phản đối và biểu tình ủng hộ. Có biểu tình ôn hòa và biểu tình quá khích. Ông Tây kia gọi thẳng thành tên: Biểu tình ôn hòa ủng hộ tướng Giáp và… đảng của ông ấy. Tôi nhìn đoàn người viếng Đại tướng, bỗng mỉm cười khi muốn gọi thành tên hành động này không khác gì là tụ tập đông người. Liệu Đảng của ông Giáp, cũng là đảng của tôi có ủng hộ không? Có chứ. Ủng hộ sốt sắng là khác. Trong phạm vi cổng nhà 30 Hoàng Diệu, chưa đầy 60 mét vuông, có ít nhất 50 người công an nổi và quân nhân, không kể thanh niên tình nguyện và người làm nhiệm vụ mặc thường phục. Tôi và người quay phim muốn ghi hình làm tư liệu, bị một người mặc thường phục hỏi giấy tờ. Tôi chỉ có thẻ nhà văn, và hỏi lại: Tôi có được ghi hình không? Anh ta chỉ ra xa, ý nói không được vào gần khu vực cổng.
Mật độ quá đông công an và quân đội ở cổng 30 Hoàng Diệu là một hình ảnh không mấy hay, đối ngược với dòng người kiên nhẫn nhích từng tí một trên đoạn phố dài. Trong giờ phút tưởng nhớ Đại tướng, người ta không cần phải quá lo lắng về trật tự đến mức ấy. Có rất nhiều cách để giữ trật tự, mà nghiêm trang… Ba ông xe ôm ở vòng xoay đường Điện Biên, Tôn Thất Đạm nói chuyện với nhau: “Đ.m, tao mua 300 hoa, phát cho mỗi người một bông ở cửa nhà đại tướng, mà đcm công an cứ đuổi quầy quậy. Đcm bố mày muốn làm việc thiện mà không được à?”
Không ai tuyên truyền những người đi viếng ông Đại tướng. Đó là một hành động tự phát. Giá như ông Đại tướng chỉ sống 80 tuổi, hay 90 tuổi, thì có cảnh tượng như thế này không? Chắc là không. Người ta viếng ông Đại tướng cũng còn là vì ông ấy sống những ngày không cầm quân. Câu chuyện đời thường hay phản biện góp ý của ông không được tuyên truyền, mà đồn đại trong dân, âm ỉ trên lề trái. Tôi tin rằng, trong số những người ca tụng và tiếc thương, cũng có người không thích cái cách mà chính quyền không nghe ông Đại tướng.
Tôi dự cảm thấy một thời đại mới đang đến bắt đầu từ cái chết của ông Đại tướng. Từ nay, người ta sẽ biểu thị sự đồng lòng, đồng tâm vì điều gì? Không rõ ràng, nhưng chắc chắn rằng, mỗi khi vận mệnh dân tộc lâm nguy, thì người ta lại nhớ đến ông. Không rõ ràng, nhưng mỗi khi người ta chán ghét sự xấu xa, người ta lại nhớ đến ông và tụ tập đông người… Phải chăng đó là một lần hào khí mở ra thời đại mới.


3 nhận xét:

  1. Ngoài cảm xúc tiếc thương, ngưỡng vọng, mọi người dân Việt đang nghĩ đến những biến cố lịch sử của đất nước, như Cải cách ruộng đất; Nhân văn giai phẩm; Chiến dịch Mậu thân 1968; Thành cổ Quảng Trị 1972, Cải tạo tư sản ở miền Nam, sáp nhập Hà Tây vào Hà Nội, phá nhà Quốc Hội, khai thác Bôxite ở Tây Nguyên vv…, những sự kiện mà Đại tướng Võ Nguyên Giáp không được trực tiếp tham gia, hoặc bị vô hiệu hoá, hoặc có ý kiến không đồng tình... đã chứng minh và có thể đi tới kết luận: “ … Trong những công lao vĩ đại của Đại Tướng với Đất nước, người dân đánh giá điều vĩ đại nhất là: Ông là người duy nhất trong các nhà lãnh đạo đất nước từ năm 1945 đến nay đứng ngoài mọi sai lầm của lịch sử”.

    Trả lờiXóa
  2. Nặc danh23:59 9/10/13

    Bài viết rất hay!

    Trả lờiXóa
  3. Nặc danh14:28 11/10/13

    Tôi thích nhất nhận xét: Ông là người duy nhất trong các nhà lãnh đạo đất nước từ năm 1945 đến nay đứng ngoài mọi sai lầm của lịch sử”.

    Trả lờiXóa

Bạn có thể nhận xét không cần là thành viên, và nên góp ý lành mạnh, trung thực. Chọn nhập vai trong danh sách phía dưới khung nhận xét.