11 tháng 10, 2013

Tuần này, đọc sử... (những mẩu stt trên FB)

1. Đại Việt sử ký toàn thư, đoạn nói về năm Hưng Long 8 (1300), có đoạn:
"...Thánh Tông có soạn bài văn bia ở sinh từ [của Quốc Tuấn], ví ông với Thượng phụ [ngày xưa]934 . Lại vì ông có công lao lớn, gia phong là Thượng quốc công, cho phép ông được quyền phong tước cho người khác, từ minh tự trở xuống, chỉ có tước hầu thì phong tước rồi tâu sau. Nhưng Quốc Tuấn chưa bao giờ phong tước cho một người nào. Khi giặc Hồ vào cướp, Quốc Tuấn lệnh cho nhà giàu bỏ thóc ra cấp lương quân, mà cũng chỉ cho họ làm lang tướng giả chứ không cho họ tước lang thực, ông kính cẩn giữ tiết làm tôi như vậy đấy..."
Xem ra cha ông ta đời xưa nhân bản và trọng tài (hơn bây giờ). Vị tướng sinh ra trong chi họ có hiềm khích, thù oán với chi họ vua, mà vua Thánh tông lập đền thờ từ khi ông còn sống (sinh từ), coi như cha mình (Thượng phụ), rồi ban cho đặc ân được quyền phong tước từ Minh tự. Cứ xem An Nam chí lược thì Minh tự ở hàng dưới Vương, Hầu, lại còn ưu ái Hầu thì phong trước tâu sau (chính thức hóa) thì cũng coi như cho phép phong hầu rồi. Còn Trần Quốc Tuấn cũng khá là cẩn thận không từng dùng quyền ấy. Sau này Nhân tông hết lòng tin Quốc Tuấn, giặc đến thì nhịn đói đi thuyền nhẹ tìm Quốc Tuấn để bàn bạc, Anh tông thì đến tận nhà hỏi kế sách...
Hỡi ôi, ngày nay Đại tướng nằm gai nếm mật cùng các khai quốc công thần, coi như con cháu cùng một dòng họ tình thân ruột thịt, thế mà cứ xem Thánh tông, Nhân tông, Anh tông nhà Trần ứng xử với Hưng đạo đại vương, lại nghĩ cách mà người ta đối đãi với nhau bây giờ, sao họ không thấy xấu hổ nhỉ?



2. Đại Việt sử ký toàn thư:
Hưng Long thứ Tám, Canh Tý (1300), Tháng 6 sao sa, Hưng Đạo Đại vương ốm, vua ngự đến nhà thăm, hỏi rằng: "Nếu có điều chẳng may, mà giặc phương Bắc lại sang xâm lược thì kế sách như thế nào".
Vương trả lời: "(...) Nếu chỉ thấy quân nó kéo đến như lửa, như gió thì thế dễ chế ngự. Nếu nó tiến chậm như các tằm ăn, không cầu thắng chóng, thì phải chọn dùng tướng giỏi, xem xét quyền biến, như đánh cờ vậy, tùy thời tạo thế, có được đội quân một lòng như cha con thì mới dùng được. Vả lại, khoan thư sức dân [9b] để làm kế sâu rễ bền gốc, đó là thượng sách giữ nước vậy"
Tiểu thuyết:
Mùa hạ năm CHXHCN thứ 68, Quý Tỵ (2013), mùa gió bão, lãnh đạo tối cao (không biết có) đến thăm Đại tướng (không?), hỏi rằng: "Nếu chẳng may mà quân xâm lược kéo đến thì kế sách thế nào?" Đại tướng trả lời: "Lấy dân làm gốc, một lòng làm theo tư tưởng của Người, về đọc lại và làm theo thư tôi đã gửi rồi"
Lời bình: Lời Hưng đạo đại vương nói như máu ứa, vậy mà khi Anh tông băng, con cháu không làm theo lời dặn, nhà Trần mất, dẫn tới tai họa quân Minh cướp nước ta

3. Đại Việt sử ký tiền biên viết: Canh Tý, Hưng Long năm thứ 8 (1300)... Tháng 6 sao sa... Hưng Đạo đại vương Trần Quốc Tuấn mất tại phủ đệ nhà ở Vạn Kiếp... di chúc lại rằng: "Ta chết phải mang hỏa táng, lấy ống tròn đựng hài cốt, bí mật chôn trong vườn An Lạc, rồi lại san đất trồng cây như cũ khiến cho người ta không biết chôn ở chỗ nào..."
Tôi chắc nhiều thế hệ sau, khá nhiều người bận tâm tìm Vườn An Lạc ở đâu. Dân gian vùng quê tôi cũng truyền tụng về Vườn An Lạc. Đó là một chi tiết then chốt khiến tôi viết tiểu thuyết "An Lạc dưới trời", trong cuộc thi tiểu thuyết của Hội Nhà văn năm 2002, được giải Nhì.
Suy ngẫm kỹ, tại sao Trần Quốc Tuấn lại muốn bí mật nơi an nghỉ của ông? Các tướng lĩnh xưa đến lâm chung còn bận tâm về những oan hồn tử sĩ chăng? Hoặc lo lắng sự trả thù?
Trong khu vực quê tôi, thuộc địa phận trang An Sinh của bố Hưng Đạo đại vương, cũng có chuyện truyền khẩu, rằng đám tang Hưng Đạo đại vương được tổ chức đồng thời ở 3 nơi: Vạn Kiếp, Thăng Long và Thiên Trường, nhưng lại có thuyết nói mộ thật của Trần Quốc Tuấn ở địa phận làng Phù ủng quê Phạm Ngũ Lão, là con rể của ông. Thực hư không rõ thế nào. Nhưng có điều chắc chắn, khi quân Minh chiếm nước ta, chúng đã cày xới cả mấy nơi nghi ngờ có mộ Hưng Đạo Đại vương.
Ôi, đời sống tâm linh Á đông còn đậm đặc lắm. Dù cho đã 700 năm qua đi. Từ Hưng Đạo đại vương đến nay, Việt Nam mới chỉ xuất hiện 2 vị tướng thiên tài, đó là Quang Trung Nguyễn Huệ và Võ Nguyên Giáp. Mộ Quang Trung giờ ở đâu cũng không ai biết. Hy vọng rằng, mộ Đại tướng Võ Nguyên Giáp là đàng hoàng và vững bền
(NXH)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bạn có thể nhận xét không cần là thành viên, và nên góp ý lành mạnh, trung thực. Chọn nhập vai trong danh sách phía dưới khung nhận xét.