Từ bốn mươi năm nay vào dịp 20 tháng
11 hàng năm lớp chúng tôi vẫn thường đến thăm chúc mừng cô giáo chủ nhiệm 3 năm
cấp II của chúng tôi. Cô tên là Tạ Thị Tuyết dạy văn chúng tôi các lớp 5i, 6g,
7g trường cấp II Trưng Vương, Hà Nội thời gian 1971-1974. Nhà cô trước ở đầu phố
Nam Bộ, nay là đường Lê Duẩn, rồi chuyển đến khu Giảng Võ, sau lại chuyển đến
khu Nam Đồng cho đến nay.
Bọn tôi thường hẹn nhau đến tập hợp ở
một quán cà phê trên đường Trần Hữu Tước, bên bờ hồ Nam Đồng, đợi đông đủ mọi
người đến rồi lên thăm cô. Cô ở trong căn hộ tầng hai, nhà rất đơn sơ. Chúng
tôi thường mua hoa tặng cô, mua thêm hoa quả để cũng ăn với cô. Cô không đồng ý
nhận quà có giá trị. Một năm mùa hè rất nóng bọn tôi góp tiền mua tặng cô một
cái tủ lạnh nhỏ, mang đến nhà cô rồi, nhưng cô nhất định không nhận, lại phải
trả lại. Có hôm trời đẹp cô tiễn bọn tôi đến tận bờ hồ Nam Đồng, thế là lại ngồi
uống cà phê tiếp, cả chồng cô cũng ra ngồi cùng rất vui.
Phòng khách nhà cô chỉ khoảng 7-8 m2
bọn tôi đến chục người là khá chật, cánh nữ thì xúm vào nói chuyện như điên, nhức
hết cả đầu. Tôi thường chỉ ngồi im. Có một năm tôi đi công tác xa lâu ngày, trước
khi đi rủ mấy bạn đến thăm cô. Lần này tôi mới có dịp đi lại ngó nghiêng phòng
khách nhà cô. Một bể cá vàng bé, một bức tranh chữ tâm nhỏ treo trên tường, cạnh
đấy là cái bàn thờ, trên bàn thờ có đặt một khung trong có tờ giấy viết chữ
nho. Tôi lại gần nhìn kỹ thì hóa ra là bài thơ Đăng cao của Đỗ Phủ một nhà thơ
lớn thời Đường, mà trong Di chúc của Hồ Chủ tịch có trích dẫn thơ “Nhân sinh thất
thập cổ lai hy, Người sống bảy mươi xưa nay hiếm”. Tôi hỏi cô về nguồn gốc bài
thơ này. Cô nói là từ thời ông nội chú, bây giờ không ai biết nghĩa là gì nữa.
Tôi dịch bài thơ này và gửi cho bạn bè trong lớp cũ, mọi người rất quan tâm. Dưới
đây là bài thơ đó:
Đăng cao
Phong cấp,
thiên cao viên khiếu ai
Chử thanh,
sa bạch điểu phi hồi
Vô cùng lạc
diệp tiêu tiêu há
Bất tận trường
giang cổn cổn lai
Vạn lý bi
thu thường tác khách
Bách niên
đa bệnh độc đăng đài
Gian nan khổ
hận phồn sương mấn
Lạo đảo tân
đình trọc tửu bôi.
Đỗ Phủ
Ý là:
Lên cao ngắm cảnh
Gió thổi
nhanh, bầu trời cao vút, vượn kêu thê lương.
Bờ sông
xanh mướt, cát trắng, chim (diều hâu bắt cá) lượn vòng trên trời.
Trong tiết
thu lạnh lẽo lá rụng ào ạt không giới hạn.
Trên sông lớn
nước chảy cuồn cuộn không ngừng.
Mùa thu đến
lại buồn vì thường phải làm khách xa nhà vạn dặm.
Cuộc đời
trăm năm, nhiều bệnh, thế mà vẫn gắng bước
lên đài cao ngắm cảnh (lo cho đất nước).
Cả đời vất vả, khổ sở, lại hận vì tóc mai đã bạc
nhiều rồi (già rồi).
Bước đi chuệnh
choạng, đành phải tạm ngừng chén rượu đục.
Có một dị bản của bài thơ này là chữ
thứ 4 của câu 3, các cụ ta vẫn dùng là chữ diệp 葉 lá,trong khi
các bản tiếng Trung hiện nay dùng là mộc 木 cây.
Đây là một bài thơ hay của Đỗ Phủ làm
trong những năm cuối đời, được người đời đánh giá rất cao vì văn chữ hay và nỗi
lòng ưu quốc của một người tuy tuổi tác, ốm đau, xa nhà vẫn luôn lo lắng cho đất
nước đang gặp cảnh khó khăn, lúc đó nhà Đường đang gặp loạn An Lộc Sơn.
Tôi vẫn nghĩ vì lý do gì mà các cụ lại
đặt bài thơ này trên bàn thờ. Để bình luận văn thơ là một chuyện, còn đặt trên
bàn thờ là một chuyện khác, phải có lý do gì đó. Đầu tháng 9 vừa rồi nhận được
tin báo chồng cô mất. Đến viếng tôi mới ngờ ngợ nhận ra lý do của bài thơ đó.
Chú Nguyễn Thúc Tùng, chồng cô là đại tá, phó Giám viện Quân y 108, học y thời
Pháp, theo cách mạng, tham gia kháng chiến, sang Liên Xô đợt đầu tiên học Phó
tiến sỹ y khoa, năm nay 98 tuổi, vốn thuộc gia đình nổi tiếng khoa bảng ở Nam
Đàn, Nghệ An. Ông nội chú là Nguyến Thúc Kiều, thi đỗ làm quan lúc Pháp xâm chiếm
Việt Nam, cụ từ quan về nhà dạy học, khi nghe tin kinh thành Huế thất thủ năm
1885 cụ buồn rầu, than thở một thời gian rồi ra đi.
Nhà yêu nước lớn Phan Bội Châu là học trò yêu của cụ.
Phan Bội Châu viết trong cuốn Phan
Bội Châu niên biểu (NXB Văn Sử Địa – Hà Nội):
“…Năm 13 tuổi, tôi vẫn ở nhà học cha tôi và xin tập văn ở trường Nguyễn tiên
sinh ở làng Xuân Liễu. Tiên sinh tên là Kiều rất thâm thuý về Hán học. Tiên
sinh rất yêu tôi, nhiều lúc Người đã đi mượn sách quý của các đại gia về cho
tôi đọc, nhờ thế tôi được hiểu biết thêm nhiều (trang 26)”.
Năm
1925 trong cảnh bị Pháp giam lỏng Huế, cụ Phan đã làm bài văn bia tưởng nhớ thầy
học của mình, trong đó có đoạn: “…Trong khoảng Hùng sơn Lam thuỷ có khí thịnh
bàng bạc chung đúc nên người, thỉnh thoảng lại có bậc anh hùng tuấn tú xuất hiện.
Tiên sinh sinh ra là người đĩnh ngộ, tính ham đọc sách, ít nói cười. Được lệnh
tiên công truyền dạy lối từ chương cử nghiệp, tiên sinh hạ bút là thành văn…Cuối
đời Tự Đức, quân Tây dương thuận dòng sông nước xâm phạm kinh thành, tiên sinh
bèn bỏ quan, rời khỏi đế đô, lui về lo việc tu dưỡng cuối đời. Tiên sinh đóng cửa,
chỉ lo dậy học trò và để tâm vào sự nghiệp trước tác, ngâm nga ca vịnh, thả
lòng theo cảnh núi non, sông nước; nếu có ai đem việc thế tục đến hỏi thì tiên
sinh chỉ trậm mặc không đáp… Châu tôi lúc còn trẻ được hầu tiên sinh, học tập
được rất nhiều ở phẩm hạnh của tiên sinh.
Có
lẽ nỗi lòng khi cuối đời của cụ Nguyễn Thúc Kiều có đồng cảm với bài thơ Đăng
cao của Đỗ Phủ chăng?
Dịp
20 tháng 11 năm nay chúng tôi đến thăm cô, cô yếu nhiều lắm. Từ mấy năm nay cô
bị tai biến, chỉ nằm, các loại dây truyền đầy người, thế mà vẫn nhận ra từng
người chúng tôi, vẫn còn nhắc đến quyển thơ tôi kính tặng cô chú lần đến thăm
trước. Cô năm nay 88 tuổi rồi, lại bệnh nặng nữa. Tôi muốn kính tặng cô quyển
thơ tiếng Pháp dịch của tôi “Souviens
t’en, Nhớ chuyện nay” đang đợi xuất bản, người ta hứa rằng trước cuối năm
nay. Nhớ lại lúc cô còn khỏe, khi nói chuyện vẫn chen những câu tiếng Pháp,
đúng là dân học Pháp xưa. Tôi nhìn quanh thấy bàn thờ đã thay đổi, không thấy
bài thơ đó nữa, hỏi mọi người, chẳng ai trả lời, Tôi lại ngồi im.
(TĐP, 20-11-2013)
Đọc một lèo phê quá
Trả lờiXóaTiên sinh Đông Phong có những người Thầy/Cô xưa và nay rất hiếm, câu truyện có thật mà nghe như truyện "cổ tích" giữa đời thường.
Trả lờiXóaQua bài viết có thể nhận thấy ở TĐP một con người nhân hậu và thật uyên bác. BlogE đúng là nơi quy tụ các bậc anh tài đang ẩn dật ở các cơ quan nhà nước. Thật ngưỡng mộ!
Trả lờiXóaÔng Phong không dịch, thì tôi dịch xem sao:
Trả lờiXóaVượn hú trời cao, gió lộng bay
bờ xanh, cát trắng, quạ liệng dài
Lá rơi lạnh lẽo vào vô tận
Nước dâng cuồn cuộn dưới sông này
Thu buồn đưa khách càng xa bến
Tuổi cao lắm bệnh cố lên đài
Gian nan lên tóc màu sương gió
Chập chững đành ngừng chằng uống say
Câu 7: Gian nan nhuộm tóc màu sương gió
XóaTôi thấy Ông dịch bài này nghe cũng được và gợi cho tôi nhớ đến câu:
XóaCảnh rừng Việt Bắc thật là hay
Vượn hót chim kêu suốt cả ngày...
HQ.
Chắc hẳn trong mỗi chúng ta ai cũng có những người Cô giáo/Thầy giáo rất đáng trân trọng và quý mến. Tôi cũng có một người Thầy của những người Thầy cô đã từng dạy tôi khi tôi bắt đầu học cấp III xa nhà gần 100km đường rừng. Không được như Cô Giáo của TĐP có nhà ở Thủ đô, chỉ một mái nhà tranh với hàng hoa dâm bụt đỏ, một giếng nước trong, mát rượi vào mùa hè và âm ấm vào mùa đông...nhưng tình yêu thương học trò của Thầy luôn như nước trong suối nguồn chảy ra vô tận...Tôi không phải là nhà văn nên không nghĩ ra được những lời hoa mỹ để tả về Thầy, tôi chỉ biết: Nhờ có ý chí và nghị lực của Thầy truyền cho tôi, nên tôi mới có được một cuộc sống gọi là "tạm ổn" như ngày hôm nay. Là một cô gái mộc mạc đến từ miền sơn cước xa xôi và được trở thành đồng nghiệp cùng Anh TĐP và NCT, thỉnh thoảng được uống nước chè và nghe các anh ấy bình thơ...với tôi cũng đã là một niềm hạnh phúc lớn, có được niềm hạnh phúc này, một phần là nhờ có sự quan tâm giúp đỡ của Thầy Giáo tôi.
Trả lờiXóaThầy, cô giáo không chỉ truyền thụ kiến thức cho học sinh, mà còn định hướng tâm hồn, tư duy, nhân cách cho học sinh thông qua những hành vi tưởng như đơn giản nhẹ nhàng như lời động viên, tâm sự.... Nếu các bạn đã đọc truyện ngắn Người thầy đầu tiên của Aitmatov, thì thấy kiến ông thầy này dạy cho học sinh chỉ là vài chữ phú nông, cố nông. Nhưng hành vi quên mình cứu cô học sinh mồ côi bị gả bán cho một phú nông thời đó 1924, đã tạo nên nhân cách tốt đẹp cho học sinh của mình. Sau này cô học sinh đó trở thành viện sỹ hàn lâm của Liên Xô, khi trở về thăm thầy cũ, thì thầy đang làm công việc đưa thư rất mẫn cán, chỉ đến đưa thư chúc mừng rồi lại đi đưa thư. Tôi chắc rằng các bạn lớp anh Phong dù ngồi ở ghế nào chăng nữa cũng không thể có chuyện tham nhũng được, khi cô giáo của mình không nhận cái tủ lạnh nhỏ của mấy chục học sinh góp tiền mua tặng. Đó là một hành vi cá nhân nhỏ, nhưng thể hiện một nhân cách lớn. Thời nay thì ai cũng chỉ lợi dụng chức quyền thu vén cá nhân thôi. Tôi cứ nghĩ thế không biết có đúng không? Khi nào anh Phong đến thăm cô giáo, cho tôi gửi lời kính trọng hỏi thăm cô giáo, của một bạn đọc tình cờ của Blog này.
Trả lờiXóaXem truyện Người thày đầu tiên ở đây:
http://tusach.mobi/1.truyen-ngan/4426.nguoi-thay-dau-tien-tchinguiz-a-tmatov.htm
Sau khi đọc bài viết của Anh Đông Phong, em đang nghĩ thời học lớp 5i ấy, Anh Đông Phong là một cậu học trò như thế nào nhỉ? chắc là một cậu học trò ngoan luôn khoang tay ngồi im nghe cô giảng bài chăng? hay còn ở trong đội kèn tí hon ngoài sở trường đá bóng?
Trả lờiXóaBài Đăng cao này còn có tên là Cửu trùng đăng cao, nghĩa là Lên cao ngắm cảnh vào ngày mùng 9 tháng 9.
Trả lờiXóaBản dịch thơ bài Đăng cao của Tản Đà:
Trả lờiXóaLên cao
Gió mạnh, trời cao, vượn rúc sầu;
Bến trong, cát trắng, lượn đàn âu.
Lào rào lá rụng, cây ai đếm,
Cuồn cuộn sông dài, nước đến đâu.
Muôn dặm quê người thu não cảnh,
Một thân già yếu bước lên lầu.
Khó khăn ngao ngán bao là nỗi,
Rượu uống không ngon chóng bạc đầu.
Bản dịch thơ bài Đăng cao của Bùi Khác Đản
Trả lờiXóaLên cao
Tiếng vượn kêu thương, gió lộng trời,
Chim bay, cát trắng, bãi xanh phơi.
Bạt ngàn cây gãy tơi bời rụng,
Dằng dặc sông dài cuộn cuộn trôi.
Muôn dặm sầu thu thêm não khách,
Một thân đa bệnh bước lên đài.
Buồn phiền vất vả phai màu tóc,
Chén rượu vừa ngưng, lảo đảo rồi.
Bản dịch Đăng quán tước lâu của Khương Hữu Dụng
Trả lờiXóaBóng ác gác non cao
Sông Hoàng lọt biển sâu
Muốn cùng muôn dặm mắt
Lên nữa một tầng lầu
Bản dịch bài Đăng Cao-Đõ Phủ của Phí Minh Tâm
Trả lờiXóaLên cao
Trời cao gió lộng vượn ỷ ôi
Cồn trong cát trắng chim bay hồi
Lá rừng trút đổ không ranh giới
Sông dài vô tận cuồn cuộn trôi
Thu buồn gợi nhớ lòng viễn khách
Già bịnh đài cao quyết chẳng thôi
Gian nan khổ hận tóc mai bạc
Vất vả từ đi chén rượu bồi.
Một bài dịch Đăng cao
Trả lờiXóaLên cao
Gió cuốn trời cao vượn khóc lời,
Bến trong cát trắng cánh chim phơi.
Mênh mông lá rũ ào ào rụng,
Bát ngát sông Trường cuộn cuộn trôi.
Vạn dặm sầu thương nơi xứ khách,
Trăm năm bệnh tật góc đài côi.
Gian nan khổ hận dàu sương tóc,
Vất vả vừa ngưng đục chén hời.
Bài thơ tôi tìm kiếm bấy lâu được xuất hiện trong bản lồng tiếng phim khánh du niên
Xóacái này có trong khánh dư niên nè
XóaMột bài bình về Đăng cao
Trả lờiXóaĐăng Cao" là tác phẩm thời kỳ cuối của Đỗ Phủ, được sáng tác năm Đại Khánh Nhất Niên (năm 767). Lúc đó tác giả ở Quỳ Châu. Thời gian vài năm ở Quỳ Châu đó, tác giả sáng tác nhiều bài thơ lưu truyền thiên cổ. Trừ những bài thơ đơn như "Đăng Cao" và "Bát Trận Đồ" ra, còn nhiều thơ nhóm như 8 bài "Thu Hứng," 5 bài "Vịnh Hoài Cổ Tích," 5 bài "Tháng Chín" của những ngày ở Quỳ Châu, thời kỳ được mùa sáng tác của tác giả, cũng là tia sáng loé lên cuối đời của tác giả -- lấy ánh sáng gần tàn của mình đổ chiếu nhân gian, đổ chiếu mảnh đất ông hết sức hết lòng yêu dấu (theo Đại Khánh 5 năm tức năm 770). Thời đó tuy loạn An Sử đã kết thúc được 3 năm rồi, nhưng trong vùng giặc giã nổi lên tứ tung, tranh giành đất đai, xã hội hỗn loạn. Trong tình thế ấy, ông đành phải tiếp tục "phiêu lãng giữa thiên địa tây nam" (theo Vịnh Hoài Cổ Tích - Đoạn 1), đau khổ trăn trở trong lời than thở "Ngày nào là ngày về" (theo Tuyệt Cú - Đoạn 2). Những gian khó xã hội, khó khăn gia đình, bệnh tật bản thân, tráng chí chưa được đền đáp, như những đám mây u ám đè nặng lên tâm tư của tác giả. Ông chỉ có cách lây tài làm thơ để khuây khoả những buồn chán trong tim.
Bài thơ "Cao Đăng" được Dương Luân khen là "bài thơ số Một của thơ thất ngôn Đỗ Phủ," Hồ ứng Lân còn khen hơn nữa là "quán quân của thơ thất ngôn cổ kim."
Hai câu phá đề và những điều ngẩng cúi thấy nghe -- Bờ trong, Cát trắng, Chim bay, Gió nhanh, Trời cao, Vượn hú -- liền một mạch trong 6 cảnh chụp, nhuộm đậm cả khung cảnh trời thu độc đặc của miền sông thu, lạnh lẽo và nhỏ bé cô đơn.
"Vô biên lạc mộc" và "bất tận trường giang" trong hai câu thừa đề làm hiện lên cái đặc trưng của mùa thu điển hình -- nhà thơ ngửa mặt lên màn trời mênh mang những lá rụng lả tả rơi xuống, cúi nhìn giòng nước cuồn cuộn không ngừng trên giòng Trường Giang. Đọc đến đây, chúng ta cảm thấy sâu sắc tâm tình của tác giả -- trong cái nhanh mạnh của cảnh vật, chứa đựng mọi thứ của vũ trụ, ngầm toát lên ý buồn ngày đẹp chóng tàn mà tráng chí khó được đền đáp.
Gió vội, trời cao, vượn hú buồn,
Bờ trong, cát trắng, chim bay về.
Bát ngát lá cây lả tả rơi,
Mênh mang sóng nước cuồn cuộn đến.
Ngàn dặm thu buồn thường làm khách,
Trăm năm bệnh nhiều độc lên đài.
Gian nan khổ hận tóc mai bạc cả,
Cô liêu lại ngừng (uống) chén rượu đục.
Hai câu thực tả lại cảnh thu buồn, dẫn dắt giòng suy tư từ cảnh đến người, từ những điều thây nghe đến suy tư thầm kín. "Bi Thu" được nói đến trong câu thực, nói lên cảnh làm khách tha phương ngàn dặm đã bao lâu chưa trở về nhà, phiêu bạt vô định. Trước cảnh mông mênh lạnh nhạt của ngày thu chợt thấy minh đã già nua lắm bệnh mà ngổn ngang trăm mối buồn thu.
Hai câu kết riêng rẽ, nói lên những từng trải cái gian khổ và cô đơn, nỗi buồn đất nước giặc loạn, gia đình khó khăn, khiến tóc mai đã bạc đầy đầu. Bệnh nhiều, lại mới cai rượu, cái buồn sầu càng khó được giải khuây. Đọc đến đây, ta thấy tác giả một mình lên đài cao nhìn ra xa vời, thấy cảnh thu mạnh mẽ, chợt bỗng thấy khổ hận. Tình trái với cảnh, cái bi ai của tác giả đã tràn đầy trong hai câu kết.
Đăng cao
Phong cấp thiên cao viên khiếu ai
Chử thanh sa bạch điểu phi hồi
Vô biên lạc diệp tiêu tiêu há
Bất tận trường giang cổn cổn lai
Vạn lý bi thu thường tác khách
Bách niên đa bệnh độc đăng đài
Gian nan khổ hận phồn sương mấn
Lạo đảo tân đình trọc tửu bôi
http://olympiavn.org/forum/index.php?topic=1306.0
Bình hay
XóaChủ nhật vừa rồi đến thắp hương giỗ một năm cho cô giáo. Lại thấy bài thơ Đăng Cao trên bàn thờ. Nhớ cô mình dịch thơ thành 2 bài, 1 lục bát, 1 thất ngôn bát cú.
Trả lờiXóaLên cao
Trời cao, gió rít, vượn than
Bến trong, cát trắng, chim đàn lượn quanh
Thê lương lá rụng vô vàn
Sông dài cuồn cuộn chảy tràn không ngơi
Thu buồn xa cách nghìn khơi
Trăm năm nhiều bệnh lên đài một thân
Khổ đau hận tóc bạc ngần
Bước chân lảo đảo chén tràn đành ngưng.
TĐP
Lên cao
Trả lờiXóaTrời cao gió rít vượn kêu buồn
Cát trắng, bến trong, chim lượn vòng
Lá rụng vô vàn thêm vắng lặng
Sông dài chảy mãi cuộn xuôi dòng
Thu buồn vạn dặm người xa cách
Nhiều bệnh một thân bước chẳng dừng
Khổ hận gian nan phơ tóc bạc
Lên đài loạng choạng chén vừa ngừng.
TĐP