Tuần qua, Tạp chí Xưa và Nay của Hội Sử học Việt Nam có đăng một tài liệu đặc biệt, về việc Quốc tế cộng sản có lập một ban để xem xét các khuyết điểm của ông Nguyễn Ái Quốc thời kỳ hoạt động ở Trung Quốc, xem xét xem thực hư ông Nguyễn Ái Quốc đến Nga sau năm 1932 là như thế nào...
Tôi đã tham gia làm phim "Vượt qua bến Thượng Hải" kể về vụ Nguyễn Ái Quốc đi từ Hồng Công lên Thượng Hải năm 1932, rồi trốn ra phao số 0 lên tàu Nga để đi Vladivostoc, nên tôi rất quan tâm đến câu chuyện này. Bây giờ thì báo chí chính thống chính thức công bố tài liệu này...
Xin xem tài liệu đăng lại tại link TẠI ĐÂY
Nhân có sự kiện này, tôi có mấy chuyện về phim ảnh, liên quan đến tài liệu này muốn chia sẻ. Xin nói rõ thêm:
1. Tóm tắt tài liệu: Nguyễn Ái Quốc bị tố cáo là mắc sai lầm nghiêm trọng trong hoạt động bí mật giai đoạn 1925-1930 tại vùng châu Á; bị tố cáo là có lập trường dân tộc chủ nghĩa, không kiên quyết lập trường đấu tranh giai cấp. Khi ông bị bắt ở Hồng Công, Quốc tế cộng sản lúc đầu tưởng ông chết, đã truy điệu, sau biết còn sống thì đã thuê luật sư Lodobi bài chữa. Sau đó, là một khoảng thời gian Nguyễn Ái Quốc mất tích, hay ẩn dật ở đâu đó, rồi ông xuất hiện ở Nga, xin làm nghiên cứu ở Trường Đại học Quốc tế Phương Đông. Quốc tế cộng sản yêu cầu Nguyễn Ái Quốc làm kiểm điểm, báo cáo quá trình ông làm thế nào thoát khỏi lưới mật thám ở Trung Quốc. Nguyễn Ái Quốc báo cáo rằng, ông đã nhờ Vayang Cutuere, một lãnh đạo Đảng cộng sản Pháp giúp đỡ khi ông Vayang có mặt tại Thượng Hải.
Một Ban công tác được lập ra để xem xét kỷ luật ông Nguyễn Ái Quốc, trong đó có Lê Hồng Phong, khi đó có cương vị cao, Ủy viên dự khuyết Ban chấp hành Quốc tế cộng sản. Cuối cùng thì ông Nguyễn Ái Quốc qua được tai nạn, mà nhiều trường hợp tương tự dẫn tới một án tử hình.
2. Khi còn chưa thấy các tài liệu chính thức trên đây, ông Hà Phạm Phú và Lê Ngọc Minh đã viết một kịch bản phim truyện, kể chuyện Nguyễn Ái Quốc từ Hồng Công lên Hạ Môn, do ông Lodobi bố trí đi cùng một nhà tư sản Trung Quốc (tài liệu đã công bố) đến Hạ Môn, rồi từ đó đi Thượng Hải. Theo sách "Vừa đi đường vừa kể chuyện", thì tại Thượng Hải, ông Nguyễn Ái Quốc mang thư bỏ vào hộp thư của gia đình Tống Khánh Linh, nhờ bà Tống chắp mối liên lạc với Vayang Cutuere, khi đó là Tổng biên tập báo Nhân Đạo, Ủy viên Trung ương Đảng cộng sản Pháp, nhà văn Pháp đang dự một hội nghị Phản đế do bà Tống Khánh Linh tổ chức. Cuối cùng ông Nguyễn và ông Cutuere gặp nhau, lánh vào Tô giới Pháp, để ra phao số 0 lên tàu Nga, đi Vladivostoc. Các tình tiết hư cấu khác xoay quanh câu chuyện mật thám Trung Quốc câu kết với mật thám Pháp săn lùng ông Nguyễn Ái Quốc. Lực lượng giúp đỡ ông Nguyễn Ái Quốc là bà con Việt kiều, và người nhà của phủ Tống.
3. Khi đọc kịch bản và làm phim, chúng tôi nhận thấy một điều lạ, là toàn bộ cuộc giải thoát qua Thượng Hải của Nguyễn Ái Quốc không hề có sự tham gia của bất cứ tổ chức cộng sản nào của Việt Nam hay Trung Quốc. Chỉ có sự có mặt của ông Hồ Tùng Mậu, Nguyễn Lương Bằng, là những người ở Việt Nam thanh niên cách mạng đồng chí hội mà ông Nguyễn Ái Quốc còn cài cắm ở Thượng Hải đang vận động hàng ngũ Việt Kiều yêu nước ở xóm An Nam là nơi gia đình các binh lính Việt đang làm việc ở tô giới Pháp.
Sau khi kịch bản đưa duyệt và có các cố vấn đọc, họ cho ý kiến rằng, chả thấy vai trò của Đảng ở đâu cả. Nhưng nhóm tác giả kiên quyết bảo vệ sự thật lịch sử đó. Trí thông minh của ông Nguyễn Ái Quốc, lòng yêu nước của bà con Việt Kiều bao bọc ông, sự khâm phục của bạn bè quốc tế (Tống Khánh Linh và Cutuere) đã khiến ông Nguyễn vượt qua lưới mật thám. Câu chuyện chỉ cần như vậy, đâu cần có sự lãnh đạo của Đảng.
Điều thứ hai mà kịch bản phải vượt qua, đó là nhân vật nữ, có thân phận là nữ y sĩ, có quan hệ với ông Nguyễn Ái Quốc từ Hồng Công, lên Hạ Môn... Đây là nhân vật nữ hư cấu rất nhạy cảm, gần giống với một nhân vật được cho là người vợ Trung Quốc của ông Nguyễn Ái Quốc, song truyền thông chính thức không thừa nhận. Song cuối cùng vẫn được giữ lại được nhân vật đó, với lý do là nhân vật hư cấu. Chỉ có một số chi tiết bị cắt đi mà thôi. Qua việc duyệt kịch bản này, chúng tôi có một bài học rất lớn về duyệt kịch bản phim loại nhạy cảm như thế này.
4. Như vậy, các chi tiết sự kiện dựng lại trong phim "Vượt qua bến Thượng Hải" là hư cấu, thì nay chi tiết ông Nguyễn Ái Quốc đi qua Thượng Hải đã được tài liệu lịch sử giải mật chứng thực. Do ông Nguyễn Ái Quốc thực hiện cuộc vượt qua Thượng Hải, chỉ nhờ qua phủ Tống và người bạn Pháp, mà không có tổ chức đảng của Việt Nam hay Trung Quốc tham gia, nên việc ông đến Nga mới gây ra sự nghi ngờ lớn. Nếu các nhà làm phim non tay, muốn cho qua để được duyệt, thêm chi tiết có tổ chức Đảng giúp ông Nguyễn Ái Quốc, thì sẽ không đúng. Liên hệ lại, khi đó ông Nguyễn hẳn biết có những tố cáo mình từ các cấp lãnh đạo của Đảng cộng sản Đông Dương gửi cho Quốc tế cộng sản, nên ông cảnh giác chăng? Có một điều lạ, là trong "Vừa đi đường vừa kể chuyện", Hồ Chí Minh có kể chuyện đến nhờ bà Tống, nhưng tài liệu giải mật từ vụ thẩm tra vụ việc này tại Quốc tế cộng sản, thì ông Nguyễn Ái Quốc không nói gì đến Tống Khánh Linh, chỉ nói đến người bạn cộng sản Pháp, có lẽ đó là sự cân nhắc có tính toán. Khi xem xét kịch bản, dựng lại đoạn thời gian này, tôi biết các tác giả kịch bản đã phân tích rất kỹ các tài liệu đã công khai, trong đó có thư của Nguyễn Ái Quốc gửi một người bạn Đức, than phiền là bị nghi ngờ, mà phải viện đến ông Vayang Cutuere giúp đỡ.
Hy vọng rằng có một vài sự thực khác trong phim sẽ được tài liệu sử chính thống xác nhận.
5. Bộ phim ra đời trong hoàn cảnh quan hệ Việt- Trung căng thẳng, một số người hiếu sự và nông cạn đã đả kích bộ phim vì nó có yếu tố Trung Quốc, dù cho toàn bộ nội dung của nó không có vấn đề gì. Họ soi đến cái tơ cái tóc, rồi vạch vòi rằng "có một vài nét nhạc trong phim giống với một phim Trung Quốc khác cùng của nhạc sĩ đó", tức là nhạc sĩ ấy "tự đạo nhạc" chính mình (mà đạo có ... một vài nét nhạc, tai thế mới giỏi chứ), rồi lu loa lên rằng, không thể làm phim về lãnh tụ Hồ Chí Minh thiếu cẩn trọng như vậy. Họ không cần biết một thực tế là kịch bản rất nghiêm túc, quá trình làm phim đã được kiểm soát chặt, toàn bộ bối cảnh Trung Quốc chỉ thuần túy là thuê thương mại, đạo diễn Trung Quốc là đạo diễn hiện trường, đạo diễn chính là đạo diễn Việt Nam, cho ra đời một bộ phim đầy tính nhân văn. Và chúng tôi có bài học lớn, sự tự tin khi làm việc với một đối tác thuê trường quay, mà không bị chi phối về nội dung kịch bản.
Hiện nay, vẫn còn hiện tượng tương tự như thế này về đánh giá các tác phẩm đề tài lịch sử. Một số người cầm cân nảy mực không đủ dũng khí để phân xử một bộ phim, một tác phẩm văn học nghệ thuật nói chung có đúng lịch sử hay không, nếu có cái gọi là "nhạy cảm" thì đến mức nào?. Đôi khi có hiện tượng "bảo hoàng hơn vua", các ông nghệ thuật hoặc quản lý thì vặn vẹo về "sự lãnh đạo của Đảng" một cách quá lố, nhưng có cán bộ Đảng có chức quyền thì lại rất nghiêm túc lắng nghe và đồng ý với những gì mà tác phẩm đã nêu ra hoặc tỏ ra rất đúng mực. Chúng tôi đã phải trải qua những bi hài như thế.
Lịch sử cận đại còn u mê và hời hợt như thế, thì tác phẩm về lịch sử Lý, Trần, Lê nói gì đến phân biệt đúng sai, còn xa vời lắm...
5. Nói thêm ngoài chủ đề bài này: Việc dựng lại các sự kiện lịch sử trong tác phẩm văn học nghệ thuật là hết sức cẩn trọng. Vừa qua, Đài truyền hình Việt nam có chiếu phim về Phan Bội Châu, tôi không rõ các nhà sử học Việt Nam sẽ nói gì, khi mà bộ phim đưa ra một sự kiện là Phan Bội Châu đắm thuyền trôi dạt vào Nhật, nên mới tiếp cận được các bạn Nhật, dẫn tới sáng kiến đưa người đi Đông Du. Từ lâu, chúng ta biết Tăng Bạt Hổ là người đi Nhật trước, rồi cùng Phan Bội Châu tiến hành Đông du có tổ chức, có kế hoạch, chứ lẽ nào việc đến Nhật lại tình cờ và có sự vận động của một vị bác sĩ nào đó? Tôi hy vọng sau này có những tài liệu chứng thực cho sự kiện trên bộ phim về Phan Bội Châu đó. Dù cho quan hệ Việt- Nhật đang rất tốt, thì cũng không được "sáng tạo" sự thật lịch sử về Phan Bội Châu. Nếu sự thật lịch sử trong phim này có tính phát hiện, thì những hiểu biết về Tăng Bạt Hổ, về Đông Du bấy lâu nay cần được xem xét lại.
Thế mới biết con đường cách mạng lắm gian nan. Trước 1917 ở Nga Lê Nin cũng phải đấu tranh ác liệt trong nội bộ ĐCS Nga giữa Bôn sê vích và Men sê vich. Ở TQ còn kinh hơn, vấn đề Vương Minh, hội nghị Tuân Nghĩa. Đây là chỉ nói về nội bộ thôi.
Trả lờiXóaCác Mác cũng bị đấu căng lắm khi Quốc tế CS I chuyển thành Quốc tế CS II
Trả lờiXóa