Hồi tôi học đại học, vào một cái lớp khoa Hóa mà 3 năm bị "giềng" học toán rất nặng, lại học một thày giáo dạy Toán rất nghiêm khắc, đó là thày Đinh Xuân Bá. Thày Bá sau này là Tổng giám đốc Tổng công ty Secoin, tay trắng lập nên một doanh nghiệp tư nhân gia đình có đóng góp rất lớn. Tôi đã viết một bài báo về thày Bá, đăng báo Diễn đàn doanh nghiệp. Thày Bá nói: Hàng chục bài báo viết về tôi, nhưng bài của cậu thì mọi người thích nhất, đúng là tôi nhất, tôi bảo mọi người rằng, đó là vì cậu là học trò của tôi...
Trong đời đi học, trước khi gặp thày Bá, dĩ nhiên thày Toán là người đã ảnh hưởng lớn đến cách nghĩ của không chỉ riêng tôi, mà đối với hầu hết lớp E cấp 3 hồi xưa. Tuy nhiên, trong đời làm văn làm báo, tôi chưa viết một chữ nào về thày Đặng Đình Toán.
Ba năm đi học cấp 3, ở trọ, tự nấu lấy ăn, bé tý cùng nhau nhưng đều xa nhà, cuộc sống tự túc tự lập ảnh hưởng đến cả cuộc đời sau này. Gần lớp E, có lớp được thày chủ nhiệm săn sóc từng ly từng tý một. Nhưng thày Toán thì luôn luôn khuyên: Hãy tự bơi, hãy tự làm mọi việc. Chúng tôi có thời cũng khó hiểu thày Toán, sao thày không chăm từng tý đối với chúng tôi, như thày Đặng Tử Ân. Sau này, mới hiểu, nếu thày không khuyến khích tự làm, thì biết bao giờ chúng ta biết làm. Kết quả là, sau 3 năm học xa nhà, mọi đứa đều già hơn nhiều so với tuổi.
Ngay từ hồi đi học, chúng tôi từng biết thày Toán không phải là Đoàn viên. Đó là một điều lạ lùng. Thời kỳ thanh niên phấn đấu vào Đội, vào Đoàn, vào Đảng, mà có thày giáo chẳng Đoàn, chẳng Đảng. Thày hàng ngày đi dạy, rồi cười cười khi nói về sinh hoạt Đoàn. Tôi nhớ trường hợp của tôi, đột nhiên thành đoàn viên, và là... thày Toán kết nạp. Đó là khi vào lớp 8, Đoàn trường giục làm thủ tục đoàn viên cho lớp 8E. Khi hỏi ra thì chỉ có Lê Văn Vững, Nguyễn Thế Quang là có lý lịch và hồ sơ chuyển sinh hoạt đoàn. Nếu vậy thì phải sinh hoạt ghép với lớp khác, đợi kết nạp thêm mới tách thành chi đoàn riêng. Thày Toán cho xếp hàng, bảo: Năm cậu cao nhất lớp sẽ là đoàn viên. Đếm đếm, chỉ chỉ, thế là tôi lọt vào số 5 của thày Toán. Tôi bảo thày: Em chưa được kết nạp đoàn viên. Thày bảo: Thì từ nay cậu là đoàn viên. Nghe nói thày Toán bảo thày Truyền (Bí thư Đoàn trường): Các cậu này từ xa đến, chưa kịp chuyển hồ sơ, với lại đi sơ tán hồ sơ cũng thất lạc, tôi thấy chúng nó đều xứng đáng cả. OK, thế là lớp 8 có 5 đoàn viên đầu tiên, do Lê Văn Vững làm bí thư. Với thày, những danh hiệu là phù phiếm. Sau này tôi mới hiểu, trong hoàn cảnh một đám đông thống nhất, vẫn có những cá nhân không chạy theo tư duy bầy đàn. Thày Toán là một cá nhân đặc biệt trong thời kỳ đặc biệt của đời sống. Cách mà thày lập chi đoàn, có thể cho rằng có sự "xin đặc cách" của Đoàn trường, nhưng đó là cách tiến thẳng đến đích, bỏ qua những thứ lằng nhằng thủ tục rườm rà, được việc mà đúng bản chất sự việc mà thôi.
Trong những năm học toán cấp 3, cái được lớn nhất là phương pháp tư duy. Thày Toán dạy trong mọi tình huống, cũng phải nghĩ ra cách đến đích tốt nhất, lật đi lật lại vấn đề. Nói chung đó là cách mà thày nói rõ: Không bao giờ đầu hàng hoàn cảnh. Cuộc đời thày cũng vậy. Khi nghe tin thày đến Hà Nội với một gia đình mới, chúng tôi bảo nhau: Đó là tấm gương nhất quán không đầu hàng hoàn cảnh của thày Toán. Chúng ta mãi mãi là học trò của thày mà thôi. Vào những năm mới chưa đến 40 tuổi, tôi chạy từ tỉnh lẻ lên Hà Nội, đã phải băn khoăn trăm thứ. Đằng này thày đã qua lâu tuổi hưu rồi, vẫn chiến đấu với hoàn cảnh để update cuộc sống, thật là đáng ngưỡng mộ.
Đó là thày Toán.
Trên diễn đàn FB hôm nay có một người giáo viên viết stt thế này: "Những lời chúc na ná giông giống đồng dạng. Với tư cách người thầy, tôi không dám nhận, vì biết mình có lỗi. Có lỗi vì đã góp phần tạo ra một thế hệ tư duy đồng nhất đồng loạt, không tạo sự khác biệt, không điểm nhấn, không nổi bật, không sâu lắng, không có cái riêng. "Chúc thầy có nhiều niềm vui và hạnh phúc", có phải đó là điều tôi cần không?..xin thưa là không... Điều tôi cần là học trò của tôi có nhiều niềm vui và hạnh phúc. Hãy cho tôi biết các em vui và hạnh phúc. Làm ơn đi mà...." (https://www.facebook.com/Tr.Dinh.Dung)
Từ lâu, tập thể lớp E đã vượt qua những lời chúc vô hồn như vậy. Bởi vì thày Toán cả trong bài giảng và cuộc đời luôn luôn là tấm gương tư duy độc đáo. Chúng tôi biết mình đang vui và hạnh phúc, và Thày Toán cũng biết như vậy. Nhưng chắc thày chưa biết hết, trong niềm vui và hạnh phúc của học trò, có những điều bắt nguồn từ bài giảng của Thày. Điều đó rất thật, không có gì là giáo điều cả.
Hay quá anh ơi! bài viết xuất phát từ tấm lòng của người học trò vẫn luôn nhớ đến thầy giao sau bao nhiêu năm ra trường.
Trả lờiXóa´´Ăn vóc học hay, không thầy đó mày làm nên´´. Đất nước ta tự hào đã có bao nhiêu thế hệ tài giỏi làm nên những kỳ tích hào hùng nhờ họ đều là những học trò của những thày giáo tài giỏi đầy tâm huyết truyền dạy cho các học trò của mình.Thế hệ, lớp chúng ta thật may mắn được là học trò của những thày giáo, bố mẹ tài giỏi hy sinh vô bờ bến mang lại nghị lực và ý chí lớn lao rất cơ bản cho ta bước vào đời và ngấm thành máu thịt, bản chất của thế hệ và lớp chúng ta.
Trả lờiXóaTôi cũng trộm nghĩ đạo đức xã hội hiện nay đang xuỗng cấp nghiêm trọng một phần chính có lẽ là do sự yếu kém của các giáo viên thời nay. Thời nay chắc khó tìm được thày giáo như thày Toán hoặc như Cha tôi kiêm thày giáo của tôi. Tôi rất tâm đắc với câu ´Hiền, ác đâu phải là tính sẵn, phần nhiều do giáo dục mà nên´´. Nhiều thanh niên hiên nay sống ích kỷ, chỉ lo thu vén cho cá nhân, lại rất lười, ỷ lại và ham ăn chơi và không đặt lợi ích chung lên lợi ích riêng. Hậu quả của thế hệ thanh niên này sẽ nguy hại khôn lường. Chắc hiện nay khó tìm được thanh niên có tinh thần ´´ Dỹ Công Vi Thượng´.
Các thầy cô có cố gắng đến đâu trong dạy dỗ học trò nhưng những người lớn quanh chúng, đặc biệt là bố mẹ trò chưa làm gương là người tốt thì thầy cô cũng chỉ lực bất tòng tâm mà thôi!
Trả lờiXóaThày cô kém không đủ trình độ thu hút học sinh say mê có lý tưởng, ý chí, nghị lực, tự vươn lên, biết sống tự lập và đầy tính sáng tạo.
Trả lờiXóa