17 tháng 11, 2013

CHỮ NGHĨA MÙA CƯỚI

Trần Thanh Tuấn
 
1. "Hôn nhân" cũng lắm rắc rối
Trong giao tiếp, từ Hán Việt "Hôn nhân" không phải là một từ lạ. Nó xuất hiện nhiều trong quá trình ngôn hành đặc biệt là trong mùa cưới. Tuy nhiên, xoay quanh một từ cứ ngỡ là quen thuộc này lại có nhiều vấn đề vẫn chưa được sự thống nhất cao trong cách hiểu, cách lí giải. Trong Từ điển Hán Việt (NXB Thành phố Hồ Chí Minh), Nguyễn Tôn Nhan đã chú: Hôn 婚 (1) Lễ con gái lấy chồng, con trai lấy vợ, vợ chồng hòa hợp gọi là hôn nhân (2) Cha mẹ vợ cha mẹ chồng cũng gọi nhau là hôn nhân (thông gia) Nhân 姻 (1) Gọi chung họ hàng bên nhà trai (2) Hôn nhân. Thế nhưng tác giả Bửu Kế trong Từ điển Hán Việt từ nguyên do NXB Thuận Hóa ấn hành năm 2009 (tái bản) thì lại chú: - Hôn: cha vợ - Nhân: cha chồng Về sau trai gái kết duyên gọi là hôn nhân. (tr 828).

 Tác giả Trịnh Thanh Vân trong Thành ngữ - điển tích – danh nhân từ điển (NXB Văn học xuất bản năm 2008) đã viết ngắn gọn hơn: Hôn nhân: hai nhà kết hôn với nhau, tình thông gia. Các tác giả trong Từ điển tiếng Việt (Hoàng Phê - chủ biên) thì cho rằng: Hôn nhân: Việc nam nữ chính thức lấy nhau làm vợ chồng (tr 461) Một từ trong Hán ngữ cổ thường có nhiều nghĩa. Trong số các nghĩa đó, nhất thiết phải có một nghĩa gốc, còn các nghĩa khác đều là nghĩa mở rộng. Giữa nghĩa gốc và nghĩa mở rộng thường có mối quan hệ gắn bó. Qua những cách giải thích trên chúng ta nhận thấy nghĩa gốc của từ hôn nhân phải hiểu như tác giả Bửu Kế: Hôn: cha vợ - Nhân: cha chồng. Mở rộng hơn sẽ là nét nghĩa: Hôn: bên nhà vợ - Nhân: Bên nhà chồng. Từ đó đã phát sinh nghĩa mở rộng như cách hiểu của ngày hôm nay, "Hôn nhân" là chỉ việc trai gái kết duyên. Ngoài ra, vấn đề tầm nguyên chữ Hôn nhân cũng không phải là một điều dễ dàng nhận được sự đồng thuận giữa các nhà nghiên cứu. Trong chuyên luận Dạy và học Từ Hán Việt ở trường phổ thông, GS Đặng Đức Siêu đã từng nêu một chi tiết: "gần đây có nhà văn còn viết: "Cưới vợ thường đón dâu vào buổi chiều (hoàng hôn) nên mới gọi là hôn (lễ)" (tr 95). Và GS Đặng đã chỉ ra chỗ sai của cách giải thích trên: " có biết đâu rằng hôn trong hoàng hôn có nghĩa là tối (cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng, như hôn quân, hôn ám…) và hôn trong lễ thành hôn hoặc hôn lễ có nghĩa là kết duyên vợ chồng" (tr 95). Tuy nhiên, học giả Đào Duy Anh, một học giả uyên thâm về Hán học lại cho rằng "Chữ hôn nguyên nghĩa là chiều hôm (TTT nhấn mạnh), xưa làm lễ cưới vào lúc chiều hôm là lúc dương qua âm lại, âm dương đương giao hoán với nhau" (Xưa và Nay, số 251 & 252 tháng 1 – 2006). Khi phân tích mặt chữ chúng ta nhận thấy cách lí giải của GS Đặng Đức Siêu có cơ sở hơn vì: chữ Hôn婚trong hôn nhân vốn là chữ nằm trong bộ nữ 女 còn chữ hôn 惛với nghĩa là đêm thì lại nằm trong bộ tâm忄. Và hai chữ này hoàn toàn khác nhau về nghĩa.

2. Về các từ" Vu quy", "xuất giá", "giá thú"
2.1. Vu quy: Khi đi dự lễ cưới nếu như là ở bên nhà cô dâu chúng ta sẽ thấy biển đề: lễ Vu quy. Như vậy xuất xứ của từ vu quy như thế nào? Hán Việt tự điển của Thiều Chửu chú giải như sau: - Vu [于]: Ði, như "vu quy" 于歸 con gái đi lấy chồng. - Quy [歸]: Con gái về nhà chồng gọi là "vu quy" 于歸. Như vậy vu quy có nghĩa là con gái đi về nhà chồng. Trong Kinh thi 經詩, từ vu quy xuất hiệnở bài Đào yêu 桃夭 thiên Chu nam 周南
桃之夭夭、
灼灼其華。之子于歸、
宜其家室。
Đào chi yêu yêu
Chước kì hoa
Chi tử vu quy
Nghi kì thất gia
Dịch nghĩa: 
Cây đào tơ xanh mơn mởn, hoa đỏ hồng rực rỡ.

Cô ấy về nhà chồng, hoà hợp với gia đình nhà chồng của cô Từ từ "Vu quy" đã hình thành thành ngữ gốc Hán: "Nạp thái vu quy": có nghĩa là đưa đồ sính lễ qua nhà gái để xin rước dâu về.
Định ngày nạp thái vu quy
Tiền lưng đã sẵn việc gì chẳng xong

                            (Truyện Kiều - Nguyễn Du)

2.2 Xuất giá: Thành ngữ gốc Hán có câu: "Tam tòng tứ đức" để chỉ những chuẩn mực đạo đức, những ràng buộc mà người phụ nữ xưa phải tuân thủ. "Tam tòng" là "Tại gia tùng phụ, xuất giá tùng phu, phu tử tùng tử" 在家從父出嫁從夫夫死從子 - Tại gia tòng phụ (在家從父): người phụ nữ khi còn ở nhà phải theo cha.
- Xuất giá tòng phu (出嫁從夫): lúc lấy chồng phải theo chồng.
- Phu tử tòng tử (夫死從子): nếu chồng qua đời phải theo con trai.
Như vậy Xuất giá có nghĩa là con gái theo chồng. Về từ này, các từ điển hầu như thống nhất với nhau trong cách giải thích. Bửu Kế trong Từ điển Hán Việt từ nguyên (NXB Thuận Hóa – 2009) đã chú: - Xuất 出: ra khỏi nhà - Giá 嫁: gả Con gái ra lấy chồng (tr 2382) Các tác giả trong Từ điển tiếng Việt (Hoàng Phê - chủ biên) viết: Xuất giá: Đi lấy chồng (tr 1136). Tuy nhiên khi tra tự điển của Hán Việt tự điển của Thiều Chủ, chúng ta đã bắt gặp một "mã văn hóa" khá thú vị của người Trung Hoa xưa được đan cài trong chữ giá "Giá: Lấy chồng, Kinh lễ định con gái hai mươi tuổi thì lấy chồng gọi là xuất giá 出嫁"

2.3 Giá thú Trong mùa cưới đôi khi chúng ta hay nghe từ "giá thú". Từ giá thú cũng đã từng xuất hiện trong nhan đề một quyển tiểu thuyết của nhà văn Ma Văn Kháng ([3]), tiểu thuyết " Đám cưới không có giấy giá thú". Tuy nhiên, nhiều bạn trẻ hiện nay khi được hỏi về nghĩa của từ này thì hầu như họ không trả lời được.
Tác giả Trịnh Mạnh trong Tiếng Việt lí thú (tập 2) do NXB Giáo dục ấn hành năm 2004 đã giải thích:
- Giá: là con gái đi lấy chồng
- Thú: là con trai đi lấy vợ ( 105)
Trong Từ điển Hán Việt do NXB Thành phố Hồ Chí Minh xuất bản, Nguyễn Tôn Nhan chú:
- Giá 嫁: con gái đi lấy chồng, con gái đi sang nhà chồng (144)
- Thú 娶: lấy vợ, lấy con gái người khác về làm vợ mình (142)
Qua những cách chú thích trên chúng ta nhận thấy. Ban đầu từ giá thú chỉ được hiểu với một nghĩa hẹp là chỉ việc lấy chồng lấy vợ. Tuy nhiên hiện nay, từ Giá thú cần phải được hiểu rộng hơn, Giá thú: việc lấy vợ lấy chồng được pháp luật thừa nhận([4])(TTT nhấn mạnh). Vậy nên trong tiếng Việt cũng đã xuất hiện hàng loạt những từ, những ngữ liên quan đến từ giá thú như: giấy giá thú (giấy đăng kí kết hôn), hôn nhân ngoài giá thú (hôn nhân không được pháp luật thừa nhận).
Qua tìm hiểu một số từ liên quan đến việc cưới xin chúng tôi nhận thấy một điều thú vị: những chữ như: hôn婚, nhân 姻, giá 嫁, thú娶 đều liên quan đến bộ nữ 女(toàn bộ những chữ ấy đều thuộc bộ nữ女). Mặc dầu những chữ như: nhân姻, thú 娶không có nghĩa nào liên quan đến con gái sắp lấy chồng hoặc họ nhà gái cả. Điều này xuất phát từ một dấu ấn văn hoá cổ xưa của người Trung Hoa. Xã hội Trung hoa cổ đại vốn là một xã hội mẫu hệ. Thế nên việc cưới xin do người phụ nữ làm chủ. Cũng vì lí do này mà nhiều chữ Hán liên quan đến việc cưới xin đều có liên quan đến bộ nữ ([5]).

3. "Lục lễ" có nghĩa là gì?
"Lục lễ" gồm: quan lễ, hôn lễ, tang lễ, tế lễ, hương ẩm lễ, tương kiến lễ. Thế nhưng trong hôn nhân "lục lễ" lại bao gồm sáu lễ như sau: 
- Lễ nạp thái: sau khi nghị hôn, nhà trai mang sang nhà gái một cặp "nhạn" để tỏ ý đã kén chọn ở nơi ấy. 
- Lễ vấn danh: là lễ do nhà trai sai người làm mối đến hỏi tên tuổi và ngày sinh tháng đẻ của người con gái. 
- Lễ nạp cát: lễ báo cho nhà gái biết rằng đã xem bói được quẻ tốt, nam nữ hợp tuổi nhau thì lấy được nhau, nếu tuổi xung khắc thì thôi. 
- Lễ nạp tệ (hay nạp trưng): là lễ nạp đồ sính lễ cho nhà gái, bằng chứng cho sự hứa hôn chắc chắn. 
- Lễ thỉnh kỳ: là lễ xin định ngày giờ làm rước dâu tức lễ cưới. 
- Lễ thân nghinh (tức lễ rước dâu hay lễ cưới): đúng ngày giờ đã định, họ nhà trai mang lễ đến để rước dâu về. Trong Truyện Kiều, ở đoạn trích Mã Giám Sinh mua Kiều. Với danh nghĩa cưới xin tuy nhiên gã họ Mã cũng chỉ thực hiện được hai trong sáu lễ: lễ vấn danh và lễ nạp thái.
Gần miền có một mụ nào
Đưa người viễn khách tìm vào vấn danh
Định ngày nạp thái vu quy
Đám cưới Kiều diễn ra rất sơ sài, chóng vánh. Bên ngoài là đám cưới nhưng bên trong cơ hồ đã là cuộc mua bán rồi. Thế mới thấy Nguyễn Du tài hoa làm sao!

4. Về lai lịch cụm từ "tuần trăng mật"

"Tuần trăng mật" là khoảng thời gian thường là một tháng sau ngày cưới của đôi vợ chồng mới. Sau lễ thành hôn trai gái thường được gia đình cho nghỉ lao động một thời gian để đi đây đi đó. Nguồn gốc chữ này có nhiều cách giải thích. Có người cho rằng tuần trăng mật là dịch cụm từ "lune de miel" của Pháp. "Lune" là mặt trăng, "miel" là mật ong. Ở Anh cũng có tục lệ sau đêm tân hôn, chàng và nàng bị nhốt trong phòng một ngày. Sau đó, bạn bè cõng ra thuyền đi ngao du, uống rượu chế bằng mật ong và hưởng tuần trăng mật([6]). Thi sĩ Xuân Diệu đã sử dụng cụm từ này hết sức sáng tạo trong câu thơ: "Của ong bướm này đây tuần tháng mật" (Vội vàng). Tuần trăng mật đã được ông thay thế bằng cụm : "tuần tháng mật". Sự thay thế này có căn cứ vì trong tiếng Hán: nguyệt ngoài nghĩa là trăng còn có nghĩa là tháng (người Trung Quốc xưa tính thời gian bằng chu kì mặt trăng quay quanh trái đất)

5. Một số câu chúc hay trong ngày cưới

5.1 Sắt cầm hảo hợp 瑟琴好合: Quan hệ vợ chồng hoà hợp, ví như quan hệ chung hợp giữa hai loại đàn (đàn cầm và đàn sắt) trong một thú vui; phân biệt với quan hệ bạn bè được ví bằng quan hệ gần gũi của hai thú vui là cầm kì (đàn và cờ). Trong Kinh thi có câu: "Thê tử hảo hợp như cổ sắt cầm" 妻子好合如鼓瑟琴 (Vợ con hoà hợp như gảy đàn sắt, đàn cầm). Người sau bèn dùng hai chữ cầm sắt để chỉ tình vợ chồng:
Đem tình cầm sắt đổi ra cầm kì (Truyện Kiều)
Chưa cầm sắt cũng tao khang (Truyện Hoa tiên).

5.2 Loan phượng (phụng) hòa minh 鸞鳳和鳴. Loan phượng: là chim phượng (chim trống), chim loan (chim mái). Giống chim này có đặc tính cùng chấp cánh bay đi đôi với nhau. Do đó sau người ta dùng chữ Loan phượng để chỉ việc hôn nhân, tình vợ chồng. Hoà 和: có nghĩa là cùng, minh 鳴: có nghĩa là hót. Câu chúc có nghĩa chung là: Vợ chồng hoà thuận, thương yêu nhau ví như đôi chim phượng cùng hót. 

5.3 Bách niên giai lão 百年偕老: Chung sống hoà hợp trọn đời bên nhau. Bách: trăm, niên: năm, bách niên: trăm năm, giai: đều, lão: già. Nguyên văn: trăm tuổi đều (cùng) già. Trong tiếng Hán giai lão đã xuất hiện rất sớm trong Kinh thi có câu: "Chấp tử chi thủ dữ tử giai lão" 執子之手與子偕老. Nghĩa là: Nắm chặt tay em, cùng em (sống) đến già. Đây là một câu trong bài Kích cổ擊鼓, thiên Bội phong 邶風thể hiện tâm trạng của một người nước Vệ khi đi chinh chiến xuống phía nam đã thề thốt với người yêu. Sau đó giai lão thường được dùng để nói về tình cảm vợ chồng chung thuỷ. Còn bách niên cũng dùng để chỉ về tình nghĩa vợ chồng bền chặt dài lâu: "Chữ đồng lấy đó làm ghi – Mượn điều thất tịch mà thề bách niên" (Truyện Kiều) hay "Trăm năm tính cuộc vuông tròn" (Ca dao) . Vậy nên trong tiệc cưới, người Việt cũng hay chúc: Trăm năm hạnh phúc. Trong văn chương trung đại ở một số văn cảnh "Bách niên giai lão" không chỉ dừng lại ở phạm vi là một lời chúc thuần tuý mà đôi khi nó còn được dùng với nghĩa là nói về cuộc sống gia đình hạnh phúc. Trong Dụ chư tùy tướng hịch văn諭諸裨將檄文Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn viết: "Bất duy dư chi thái ấp vĩnh vi thanh chiên, nhi nhữ đẳng chi bổng lộc diệc chung thân chi thụ tứ; bất duy dư chi gia tiểu đắc an sàng nhục nhi nhữ đẳng chi thê noa diệc bách niên chi giai lão" 惟余之釆邑永為青氈,而汝等之俸祿亦終身之受賜;不惟余之家小得安床蓐,而汝等之妻孥亦百年之偕老 (Dịch: Như vậy, chẳng những thái ấp của ta mãi mãi vững bền, mà bổng lộc các ngươi cũng đời đời hưởng thụ; chẳng những gia quyến của ta được êm ấm gối chăn, mà vợ con các ngươi cũng được bách niên giai lão - Theo Hợp tuyển thơ văn Việt Nam thế kỉ X-thế kỉ XVII, NXB Văn hoá, H., 1962). Trong tiếng Hán cũng có một câu chúc có nghĩa tương đương với câu chúc trên: Bạch đầu giai lão 白頭偕老: chung sống hòa hợp hạnh phúc bên nhau đến khi đầu bạc. (Bạch 白: trắng, đầu頭: đầu, giai 偕: đều, lão老: già).

1 nhận xét:

  1. Nặc danh19:46 17/11/13

    Rất nhiều tri thức bổ ích.
    Cám ơn bác E đã sưu tầm bài!
    (Mưa Ngâu)

    Trả lờiXóa

Bạn có thể nhận xét không cần là thành viên, và nên góp ý lành mạnh, trung thực. Chọn nhập vai trong danh sách phía dưới khung nhận xét.