25 tháng 2, 2014

Nói thêm về thơ lục bát thất vận

Nhân chuyện bạn ND 14:45 bàn đến thất vận trong bài thơ lục bát HOÀI NIỆM CHA của Mai Huyền, tôi nhớ tới hồi còn tại ngũ ở Binh đoàn Tây Nguyên. Sư đoàn tôi đóng quân ở Gia Lai, doanh trại khá quy củ, bếp ăn đẹp bàn ghế gỗ bóng nhoáng. Anh em sĩ quan chiến sỹ tranh thủ lúc ăn cơm để hàn huyên chuyện trò nên rất ồn. Lãnh đạo đơn vị yêu cầu nhân viên nhà ăn phải nhắc nhở mọi người giữ trật tự trong khi ăn. Cậu quản lý nhắc mãi không được mới kẻ một câu khẩu hiệu lớn dưới dạng thơ lục bát:

ĂN CƠM XIN CHỚ LÀM ỒN
AI MÀ VI PHẠM ĂN...DƯA CHỊ NUÔI!


Một hôm Chủ nhiệm hậu cần sư đoàn xuống kiểm tra nhà ăn. Ông đứng ngắm nghía mãi câu khẩu hiệu  trên tường. Vốn là người rành thơ phú, ông liền gọi nhân viên quản lí đến:
- Cậu cho kẻ khẩu hiệu lên tường nhắc nhở mọi người giữ trật tự khi ăn là rất tốt. Nhưng phàm đã là thơ lục bát thì chữ thứ 6 câu lục phải vần theo chữ thứ 6 câu bát. Cứ theo thi pháp mà suy thì câu này đích thị là lục bát thất vận. Hỏng! Ấy là chưa kể đến nghĩa của từ nữa. Dưa chị nuôi...Dưa cải chị nuôi đơn vị ta muối ngon có tiếng, cậu viết thế khác nào khuyến khích cán bộ chiến sĩ vi phạm để... được ăn dưa?
Chàng quản lí tủm tỉm gãi đầu:
- Dạ, em cũng biết là nó...mất vần. Dưng mà thủ trưởng ôi! Cái vần "ồn" ấy mà. Nó là tử vận. Gặp cái vần này là bó tay luôn. Thế nên em đành chịu "thất vận" nhưng "đắc ý" vậy.
Thủ trưởng nghiêm mặt:
- Cái vốn kiến văn của cậu đúng là không đủ vốc tay! Trong lịch sử văn chương đã từng có nhiều câu thơ gieo trúng tử vận. Cụ thể là bản dịch bài thơ Hoàng Hạc Lâu của Thôi Hiệu. Nguyên tác của nó là:
Nhật mộ hương quan hà xứ thị,
Yên ba giang thượng sử nhân sầu.
Cụ Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu đã dịch là:
Quê hương khuất bóng hoàng hôn...
Có đúng là "tử vận" không? Thế nhưng bậc thi bá Tản Đà đã nắn được câu bát tuyệt đối tài tình:
Trên sông khói sóng cho buồn lòng ai.
"Ôn" với "uồn"...chuẩn quá còn gì! Thế nên cậu phải học tập bậc tiền nhân, sửa lại câu khẩu hiệu này thành:

ĂN CƠM XIN CHỚ LÀM ỒN
ĐỪNG AI VI PHẠM MÀ BUỒN CHỊ NUÔI!

Cậu quản lí giật mình đánh thót:
- Ấy chết! Em nghĩ là, lục bát cứ câu sáu câu tám êm ả vần vè tăm tắp như thế thì thiếu gì người làm được. Làm những câu lục bát mất vần mới khó chứ ạ? Em đã đọc được những câu ca dao cổ như:

CHO DÙ ĐI NGƯỢC VỀ XUÔI
THIẾP LUÔN CHỈ NHỚ CÁI...KHĂN CHÀNG THÔI.

Hoặc em cũng nghe câu này do nhà thơ ở Hội Văn học Nghệ thuật Gia Lai sáng tác:

THU LOAN ĐỌC THƠ THU BỒN
THU BỒN CẢM ĐỘNG SỜ...TAY THU LOAN...

Ông thủ trưởng giận tím mặt mày quát lớn:
- Đó là những câu thơ dân dã, những câu nói xỏ xiên vỉa hè!
Cậu quản lí cố vớt vát:
- Dạ thưa thủ trưởng! Thủ trưởng vẫn luôn nói, làm gì mình cũng phải tính đến hiệu quả. Em quán triệt tinh thần ấy nên mới làm thế. Và quả nhiên là từ ngày em kẻ câu khẩu hiệu kia, tình hình nhà ăn rất trật tự ạ. Không ai dám hó hé tí nào.... Sửa theo ý thủ trưởng em sợ...
 - Sợ là sợ thế nào? Cậu tối tăm quá đấy. Một đằng là dưa chị nuôi, cái nghĩa vật chất cụ thể trần trụi. Một đằng là nỗi buồn, là tâm lí, là tình cảm, nó thuộc về cõi tinh thần thanh cao. Viết như thế là đạt vần đắc ý, câu khẩu hiệu nôm na của cậu đã thăng hoa thành một câu thơ thanh thoát, chắc chắn cán bộ chiến sĩ mỗi khi đọc nó sẽ phải xem lại thái độ của mình. Cậu hãy chấp hành lệnh tôi, miễn bàn!
Một tuần sau, thủ trưởng bí mật ghé nhà ăn kiểm tra hiệu quả câu khẩu hiệu theo ý ông. Trái với nhận định của ông thủ trưởng vốn trọng văn chương thanh tao bác học, nhà ăn ồn ào như chợ vỡ. Ông nhíu mày đăm chiêu: Quái, chả nhẽ mọi người lại sợ... ăn dưa?
(BBT)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bạn có thể nhận xét không cần là thành viên, và nên góp ý lành mạnh, trung thực. Chọn nhập vai trong danh sách phía dưới khung nhận xét.