Một tháng Ba nữa lại về! Tháng Ba với gió xuân dạt dào như
tiếng nói tình yêu, với nắng xuân ấm nồng như ánh mắt người yêu, với mưa bụi êm
êm như tóc người yêu …
Còn nhớ, dịp 8/3 năm trước, Mai Hương đã gửi bài tản văn đầu
tiên đăng trên blog E của các anh Chuyên Toán. Bài văn về MẸ thân yêu của mình,
để cầu chúc những điều tốt lành cho tất cả các MẸ của chúng ta.
Từ ấy đến nay, MH đã gửi thêm một số bài tản văn nữa. Sức viết
của MH hạn chế, không dồi dào như Hải Yến bạn mình. Lâu lâu, em mới có bài, hi
vọng vẫn được mọi người đón đọc.
Ngày 8/3 của phụ nữ thế giới lại tới gần, MH cũng có những
tâm tư muốn trải lòng cùng bạn đọc. Dù không viết cho ngày 8/3, nhưng MH muốn
chia sẻ với độc giả blog E nhân dịp 8/3.
Qua những lời văn này, MH muốn chúc cho tất cả những người vợ
luôn ngập tràn hạnh phúc bên chồng yêu. Chúc cho một nửa của các chị em luôn mạnh
mẽ, luôn ga lăng, nhưng cũng luôn biết cách làm cho người phụ nữ của mình ngày
càng thấy ấm áp và dịu êm trong cuộc đời.
TÓC ÊM
Tôi có một sở thích rất vớ vẩn trong mấy sở thích vớ vẩn. Đó
là thích nghịch tóc. Thích nghịch tóc mình. Thích nghịch tóc người khác. Thích
cả người khác nghịch tóc mình. Lúc nhỏ, tôi hay vuốt mái tóc hoe hoe vì đi chăn
trâu phơi nắng của mình, thầm ước ao nó dài đen như tóc cô bạn thân nhà bên cạnh.
Nhiều khi, tôi vắt mái tóc dài đến kheo chân của bạn lên vai mình để “mượn
duyên”. Nếu ngày ấy mà như bây giờ, chắc tôi sẽ rất hay thay đổi kiểu tóc.
Nhưng ở cái thời xa xưa ấy, tôi chỉ hay thay đổi cách tết tóc mà thôi. Khi thì
một đuôi sam, khi thì hai đuôi sam. Có lúc lại buộc cao vống phía sau để nó lắc
lư mỗi khi bước vội … Vậy mà lớn lên, tôi đã cắt mái tóc mình thật ngắn. Ai cũng
bảo kiểu tóc đó rất hợp với khuôn mặt và tính cách của tôi nên tôi để tóc ngắn
mấy chục năm rồi. Từ khi tôi không còn phải chăn trâu nữa, thì tóc tôi đen mượt
và mềm mại, hơi bông lên. Cắt ngắn, tôi thường phải tỉa cho tóc mỏng bớt.
Khi tóc đã ngắn rồi, sở thích nghịch tóc của tôi chỉ còn chốt
lại thường xuyên ở hai việc: Thích được người khác nhổ tóc sâu cho mình. Lấy chồng
rồi thì thích nhổ tóc bạc, tóc sâu cho chồng.
Cảm giác được người khác bới và nhổ tóc cho mình thật tuyệt.
Nó êm êm, dìu dịu. Thỉnh thoảng, một sợi tóc mảnh mai được nhổ lên, không đau
mà buồn mê man, muốn ngủ thiếp đi. Thường là con gái nhổ cho. Con gái lớn lên,
đi học vắng nhà, thì đã có mấy em gái trong cơ quan nhổ tóc cho tôi giữa hai tiết
học. Rất ít tóc phải nhổ bỏ, thì tôi bảo chúng cứ nhổ cả tóc đen cũng được, tóc
chị nhiều lắm, phải tỉa bớt đi nên nhổ bớt cũng không sao. Có em gái tóc rụng
nhiều nên quí từng sợi, cứ kêu ầm lên rằng sao lại nhổ cả tóc đen?
Chồng tôi không biết nhổ tóc cho vợ. Chẳng hiểu sao lại thế.
Đôi tay đàn ông to lớn của chồng tôi rất khéo léo khi tỉ mẩn sửa chữa đồ điện tử
với những linh kiện bé tí tẹo. Thế mà không nhổ được tóc cho vợ. Chỉ biết đan
những ngón tay vào mái tóc ngắn của tôi với một nỗi đam mê vô tận. Và chồng tôi
còn thích được nhổ tóc hơn cả tôi. Vài hôm lại bảo rằng nhiều tóc bạc lắm rồi vợ
ơi. Để rồi, tôi lại ấn đầu, kéo tai, vặn bên phải, xoay bên trái, bới mãi mới
được mấy sợi tóc trắng, tóc sâu. Tóc chồng còn đen hơn cả tóc tôi. Dày và cứng
như rễ tre. Vậy mà vẫn thật êm. Chồng cứ thích tôi bới mãi, tìm mãi, nhổ mãi mấy
sợi tóc bạc hiếm hoi ở tuổi ngoài bốn mươi.
Tôi rất thích cảm
giác lùa tay vào mái tóc của chồng mình. Và bới. Rồi tách sợi tóc bạc ấy ra khỏi
đám tóc đen mướt, đưa mũi nhíp vào, bứt nó ra khỏi đầu chồng. Tôi gom chúng lại
và trêu rằng phải tính tiền để đi mua váy đẹp. Chồng tôi lườm nói, cái thân
mình đây chẳng đáng giá hơn mấy cái váy ấy ư? Chiều xuân mưa bụi. Chiều hè lộng
gió. Chiều thu nắng vàng. Chiều đông lạnh cóng… Mùa nào cũng nhổ tóc sâu. Và
mùa nào cũng ấm nồng, dịu êm trong những điều bình dị.
Cái sở thích vớ vẩn
ấy làm tôi không có cảm tình với những mái đầu hói nhẵn. Có thể những cái đầu
hói ấy không nói nên điều gì về tính cách người sở hữu nó. Chỉ là do cảm tính của
tôi mà thôi. Vậy mà hôm ấy, tôi đã đối diện với một mái đầu hói nhẵn thín. Một
mái đầu từng không hói như thế, mấy mươi năm trước …
Tôi nhìn thẳng vào
gương mặt ấy. Ánh mắt người ấy lảng đi chỗ khác và cố không biểu lộ cảm xúc gì.
Nhưng dù người ấy cố không biểu lộ cảm xúc, thì tôi vẫn nhận thấy một thoáng bối
rối trên gương mặt quá từng trải, già rất nhiều so với tuổi ngoài bốn mươi của
một người đàn ông có địa vị, có tiền tài. Tôi nhìn thẳng vào mái tóc ấy. Chỉ có
một ít tóc bạc ở xung quanh, còn là cả một khoảng giữa đầu nhẵn bóng. Có lẽ tại
mái tóc này làm cho người ấy già trước tuổi chăng? Và có lẽ cái bệnh hói đầu
này rất khó chữa nên một người nhiều tiền như người ấy cũng đành bó tay? Nhiều
người khác mà tôi biết, cũng đành phải để mái đầu nhẵn bóng như thế. Tôi chưa
bao giờ tìm hiểu về loại bệnh này. Chỉ thỉnh thoảng thoáng qua, tôi lại tự thắc
mắc thế thôi.
Tôi hầu như chưa đối
diện với người ấy một mình bao giờ, kể từ đêm trăng mấy mươi năm trước. Những lần
khác đều có ai đó cùng ngồi trò chuyện nên người ấy không phải lảng tránh và bối
rối. Lần đó, người ấy đến một mình. Tôi cũng ở nhà một mình. Vì thế mà người ấy
lúng túng lắm! Mà làm sao không ngại ngùng lúng túng được kia chứ? Khi mà đã có
lúc, mái tóc tôi và mái tóc người ấy kề sát bên nhau. Khi mà giờ đây, người ấy
lại là em chồng tôi.
Tôi và người ấy từng
ngồi cạnh nhau. Hai mái đầu gần lắm. Cũng đã cách đây hai mươi mấy năm rồi. Tất
nhiên, khi đó, tôi chưa là chị dâu con bác ruột của người ấy như bây giờ. Chúng
tôi là đồng hương. Biết nhau từ thuở phổ thông, người ấy học trên tôi một lớp.
Khi tôi học Đại học, trường Sư phạm của tôi gần trường Sĩ quan của người ấy. Một
buổi chiều, tôi đang đọc sách ở thư viện thì bạn cùng phòng lên gọi tôi về có
khách. Đến cầu thang tầng bốn, nhìn thoáng thấy bóng áo xanh cao cao, tôi giật
mình tưởng là mắt mình nhòe lệ thành thơ nên quá khứ trở về. Khi người ấy quay
lại và cười, tôi nhận ra anh đồng hương cấp xã. Ấn tượng đầu tiên là mái tóc
xanh mướt cắt gọn ghẽ nổi bật trên bộ quân phục màu lá cây. Nụ cười tươi tắn,
trẻ trung. Rồi từ đó đến hai năm sau, phòng của tôi vẫn thường thấp thoáng bóng
xanh áo lính. Có lẽ vì áo lính cứ hiển hiện trong tôi, quanh tôi ngay từ những
ngày đầu vào Đại học, nên bạn bè trong lớp phong tôi là “Hội trưởng” của cái bọn
yêu các anh có áo màu xanh.
Sẵn cảm tình với dáng hình mang áo màu xanh, lẽ ra tôi sẽ rất
vui trước một tình bạn ngày càng thân thiết. Vậy mà tôi chỉ thấy nao nao buồn.
Có lẽ vết thương lòng của tuổi mười chín quá sâu chăng? Bao đêm tôi đã nhủ thầm
với mình rằng hãy quên đi mối tình ngây thơ của cái thời trẻ dại. Tình yêu sâu
sắc nhường kia, có lẽ cũng do tôi quá say mê truyện cổ tích mà tưởng tượng ra
thôi. Còn với “người xưa” … chắc tình yêu cho tuổi mười tám của tôi chỉ là những
phút say nắng khi trở trời! Nếu không, tại sao tôi chỉ là quá khứ? Là quá khứ với
một vết thương lòng và một nỗi buồn không biết bao giờ mới có thể nguôi ngoai.
Thế mà, đã có lúc, tôi ngỡ rằng, mái tóc mây thiếu nữ đã làm ai đó say nồng bởi
hương tóc mạ non …
Có lẽ vì nỗi buồn
rớt ấy mà suốt mấy năm là bạn, tôi chưa đi chơi riêng lần nào với người mang áo
lính cùng quê. Mái tóc rất đẹp, gọn ghẽ mà mướt xanh ấy luôn cách tôi một khoảng
khá xa, đủ để tôi nhìn thẳng vào đó mỗi lúc chuyện trò.
Cho đến một đêm
trăng mùa hạ. Trăng như dát bạc đổ xuống con đường, xuống cánh đồng. Phố xưa
thoáng đãng. Tối muộn. Đường từ Sư phạm lên cầu Thăng Long vắng teo. Gió lồng lộng
từ sông Hồng thổi lên. Mấy cây số đi bộ mà loáng cái đã đến cầu. Tôi không biết
người ấy định nói với tôi những gì mà muốn tôi đến tận đây? Chúng tôi ngồi bên
lề đường dẫn lên cầu. Và tôi đã nghe người ấy nói. Dài lắm. Từ hoàn cảnh gia
đình chỉ còn mẹ già ốm yếu, đến việc người ấy đã tốt nghiệp và từ mai sẽ rời xa
Sư phạm. Cuối cùng là một lời đề nghị rằng muốn tôi sẽ làm dâu của mẹ người ấy.
Ôi, giá người ấy chỉ nói một câu ngắn thôi. Hoặc người ấy đừng nói gì cả mà hãy
vuốt tóc tôi. Mái tóc, lúc này hẳn đã đẫm màu trăng … Thì rất có thể, tôi đã
say gió, say trăng, say cả cảm giác của những ngón tay lùa vào mái tóc. Và rất
có thể, tôi cũng sẽ lùa những ngón tay mình vào mái tóc mướt xanh kia thay cho
câu trả lời … Nhưng rồi, tôi chỉ có thể nhìn thẳng vào mái tóc lấp lóa ánh
trăng, hẹn rằng hãy cho tôi suy nghĩ một thời gian. Chúng tôi trở về dưới
trăng. Thật lạ, trong tôi lại cứ hiển hiện một đêm trăng khác.
Rồi tôi chẳng phải
suy nghĩ và trả lời người ấy nữa. Trong một lần trò chuyện với cô bạn thuở phổ
thông, tôi được biết cô ấy cũng đã nghe những lời như thế, từ người ấy. Có lẽ
cũng vào một đêm trăng?
Khi sắp cưới, tôi
mới biết chồng tôi và người ấy là anh em họ. Vợ người ấy không phải là cô bạn
thời phổ thông của tôi. Tôi đã kể cho chồng nghe chuyện đêm trăng lộng gió sông
Hồng. Chồng tôi không nói gì, chỉ lùa tay vào tóc tôi, kêu rằng tóc ơi, sao mà ấm
êm đến thế!
Tôi vẫn nhìn thẳng
vào gương mặt và mái tóc người ấy. Có lẽ tôi cố tìm một cái đã không còn. Hay
tôi đang thầm trách người ấy: Giá đừng đổ quá nhiều công cho con đường quan lộ.
Giá đừng quá mải miết kiếm thật nhiều tiền. Giá đừng quá khát khao một cậu con
trai nối dõi khi đã có hai cô con gái như mơ. Hãy tin rằng, trời chẳng cho ai tất
cả bao giờ … Thì có lẽ mái tóc ấy vẫn giữ được vẻ dày dặn, xanh mướt, và gương
mặt kia sẽ vẫn rất trẻ trung.
Có thể, những mong
ước của tôi quá đỗi bình thường nên cả cuộc đời tôi sẽ không làm được điều gì lớn
lao, vĩ đại. Nhưng cũng có thể, nhiều khi, những con người “vĩ đại” lại chỉ
khát khao được lùa những ngón tay mình vào mái tóc êm của chồng, để tìm sợi bạc,
trong nắng chiều thu …
(Mai Hương)
Hu hu, tóc mình ít quá ...
Trả lờiXóaMình thích đọc những bài văn của MH. Thích hơn những bài ký của HY. Vì nó thật êm dịu và sâu lắng.
Trả lờiXóaKý và tản văn tất nhiên có những hiệu quả khác nhau, do đặc trưng thể loại khác nhau.
XóaNhưng ký của HY cũng êm dịu và sâu lắng lắm chứ, bên cạnh việc ghi chép sự việc.
Ví dụ chùm 3 bài ký "Trích nhật ký để ngỏ nơi sóng trào" ấy ...
"Giá đừng đổ quá nhiều công cho con đường quan lộ. Giá đừng quá mải miết kiếm thật nhiều tiền. Giá đừng quá khát khao một cậu con trai nối dõi khi đã có hai cô con gái như mơ. Hãy tin rằng, trời chẳng cho ai tất cả bao giờ … Thì có lẽ mái tóc ấy vẫn giữ được vẻ dày dặn, xanh mướt, và gương mặt kia sẽ vẫn rất trẻ trung". Lớp E mình có ai giống người này không nhỉ?
Trả lờiXóaMình nói thật, bài tản văn này thất bại về tinh thần nhân văn. Kỷ niệm thiếu thời đẹp bởi vì nó nguyên sơ và vô tư. Sau đó lại liên hệ kỷ niệm với hình hài tuổi già thì khập khiễng. Chả lẽ vợ những người hói bất hạnh hơn vợ người tóc dầy? Chả lẽ người hói có lỗi hết. Tôi thì lại thích cái vụng dại của người đàn ông trẻ ngày xưa, không biết diễn đạt khi tỏ tình với người con gái. Sự thay đổi, nếu có, sau này do tham vọng mọi bề, Không có gì liên quan đến những kỷ niệm xưa, bạn không nên lấy thực tại để oán trách quá khứ mới phải. Nxh
Trả lờiXóaAnh NXH ơi, MH nghĩ có lẽ tinh thần nhân văn của bài văn không đến mức "thất bại" thế chứ ạ? Em đã nói trong bài rồi mà: "Có thể những cái đầu hói ấy không nói nên điều gì về tính cách người sở hữu nó. Chỉ là do cảm tính của tôi mà thôi".
Trả lờiXóa"Cảm tính" cũng là một thuộc tính của con người, và là một thuộc tính của loại văn biểu cảm mà. Em chỉ nói em không thích những mái đầu hói và em thích những mái tóc êm, em thích cảm giác lùa tay vào mái tóc êm của chồng. "Và em gọi đó là hạnh phúc". Người khác có thể không gọi đó là hạnh phúc đâu ạ. Có khi vợ những người hói lại thấy thích cảm giác mát mẻ của đôi tay trên những mái đầu hói thì sao! Đã là cảm nhận thì không ai giống ai cả. Nhất là trường hợp cụ thể em nói đến (người khác thì em không biết): Những tham vọng đúng là liên quan đến chuyện rụng tóc đấy ạ!
Cảm ơn chia sẻ của anh!
(Mai Hương)
"Có thể, những mong ước của tôi quá đỗi bình thường nên cả cuộc đời tôi sẽ không làm được điều gì lớn lao, vĩ đại. Nhưng cũng có thể, nhiều khi, những con người “vĩ đại” lại chỉ khát khao được lùa những ngón tay mình vào mái tóc êm của chồng, để tìm sợi bạc, trong nắng chiều thu …"
Trả lờiXóaTôi hiểu thông điệp từ bài viết của MH, rằng: Hạnh phúc nhiều khi ở chính trong những điều giản đơn bình dị, chứ không ở những tham vọng không bao giờ thỏa mãn.
Hình ảnh mái tóc êm hay mái đầu hói, chỉ là ước lệ để biểu đạt tinh thần đó mà thôi!
Chuyện tóc bạc hay tóc rụng đến hói đầu, theo khoa học, có thể do rất nhiều nguyên nhân (Như gien di truyền, những thứ ăn uống, chế độ làm việc, môi trường làm việc, tinh thần, cảm xúc ...). Không phải bỗng dưng người ta vẫn cho rằng: Người làm việc trí óc thường chóng bạc tóc hơn những người lao động chân tay. Vậy nên, sự liên hệ của người phụ nữ trong bài của MH, rằng, tham vọng quá nhiều nên rụng tóc nhiều, không phải là không có lý.
Trả lờiXóa"Người ấy" trong bài văn của MH, tôi cho rằng, đó là một người ít tình yêu và nhiều tham vọng ngay từ khi còn trẻ, khi mái tóc còn mướt xanh. Chẳng phải thế sao? Anh ta đi tìm vợ đấy chứ đâu phải tìm người yêu! Ngay khi còn là một chàng trai trẻ, nói cùng những lời gì đó với nhiều người phụ nữ trong những đêm trăng, thì đó là những lời tìm vợ cho mình, tìm dâu cho mẹ mình, chứ không phải là những lời tỏ tình với người mình yêu. Đến cả người phụ nữ anh ta ưng nhất để làm vợ, người đã cho anh ta hai đứa con gái "như mơ", không khéo cũng sẽ sắp bất hạnh đến nơi, bởi tham vọng về "cậu con trai nối dõi" của anh ta còn lớn lắm.
Có tới ba người đàn ông thấp thoáng trong đời người phụ nữ ở tản văn của MH. Tôi cảm nhận rằng, người phụ nữ trong MH tiếc nuối nhất "người xưa" của cái thuở mười tám tuổi với tình yêu "say nắng" buổi ban đầu, nay đã thành quá khứ. Người phụ nữ trong MH lại hoài niệm nhất về tình bạn đã không còn với "người ấy", bởi giờ đây đã được thay thế bằng mối quan hệ chị dâu - em chồng. Nhưng cũng chính người phụ nữ trong MH lại thấy hạnh phúc nhất với mái tóc êm bên người bạn đời hiện tại. Bới người đó mang lại cho người phụ nữ cảm giác êm dịu, bình yên.
Có thể người ta không có được thứ mình quý nhất, nhưng người ta biết quý những thứ mình đang có. Và điều giản đơn này, không phải ai cũng cảm nhận được.
Tôi trân trọng những gì mà MH gửi gắm trong những dòng văn.
(Hải Yến)
Được người yêu nhổ tóc sâu cho, thật thích!
Trả lờiXóaNhững người phụ nữ bao giờ cũng khao khát những phút bình yên. Bao giờ cũng muốn ở bên người mang đến cho mình những phút bình yên.
Trả lờiXóaTớ còn nhớ những ngày này năm ngoái vào đọc blog E thấy rôm rả lắm. Có anh nhà thơ (Ngô ... gì ấy nhể?) phát động cái phong trào tặng Ê ... A ... cho vợ nhân dịp mồng tám tháng ba, thay vì tặng lá, tặng hoa. Các anh thì hường ứng nhiệt tình. Các chị thì hào hứng đòi nhận, nhận thêm, thêm nữa, thêm mãi ...
Trả lờiXóaVậy mà năm nay im ắng lạ. Chả có phong trào tặng gì. Ê ... A ... chả có, ư ... ư ... cũng không. Mới có một năm mà phong độ các anh chủ blog này xuống dốc tệ. Đúng là: Bóng chiều thục mạng đường cao tốc.
May mà có lời chúc giới nữ, chúc cả các anh nữa, của bạn MH đây!
Tớ chúc thêm này: Các anh lớp E cố lên nhé. Nếu chẳng còn cái Ê ... A ... hay ư ...ư ... nào mà tặng các bà xã, cũng cố lấy cái "phờ ... phình ... phường ... phì ... phò" mà tặng vậy. Kẻo U60 các chị dễ tủi thân lắm đấy ạ.
Nhận xét này đã bị quản trị viên blog xóa.
Trả lờiXóaNhận xét này đã được chuyển thành bài đăng (BBT)
XóaTản mạn về cuộc sống quanh ta (2)
Trả lờiXóaCHUYỆN KHÔNG BUỒN CƯỜI CHIỀU MỒNG TÁM THÁNG BA
Chiều mồng Tám tháng Ba, nhiều giáo viên trường tôi vẫn phải lên lớp theo lịch. Các đội tuyển học sinh giỏi sắp thi cấp Tỉnh nên không thể mất buổi học. Chưa đến giờ lên lớp. Như thường lệ, chúng tôi nhâm nhi những chén trà …
Tôi nghe hai thầy giáo chuyện trò. Thầy dạy Lịch sử có dáng rất “chuẩn men”, hỏi thầy dạy Vật lý:
- Thế nào, mồng Tám tháng Ba chú ra sao? Anh thì mồng Tám tháng Ba cũng giống như mồng Ba tháng Tám.
Thầy giáo dạy Vật lý thấp nhỏ hơn, vừa rót trà vừa đáp:
- Anh nhìn em giống cái gì? Em thấy em như quả pin hết điện. Thế anh tặng gì cho chị?
Thầy dạy Lịch sử ngậm ngùi:
- Còn gì nữa mà tặng? Anh bảo vợ anh rằng: Anh đã tặng em cả cuộc đời anh, anh lại tặng em thẻ ATM tháng tháng của anh. Hôm nay anh chẳng còn gì!
“Quả pin hết điện” gật gù:
- Ừ, nhiều lần em bảo vợ em rằng: Có lúc anh buồn muốn chết mà chẳng chết được, vì không còn lấy một đồng để mua một chai thuốc chuột …
Thấy tôi tủm tỉm, chàng “chuẩn men” hỏi, giọng “đau đớn” vẫn giấu nét cười:
- Chị không thấy chúng em rất đáng thương sao?
Tôi phì cười thành tiếng:
- Ừ, đáng thương lắm. Tham thì chết chứ bệnh tật gì? Vì tham nên phải nịnh …
Tôi nhớ đến vẻ mặt hơn hớn mà vẫn ra vẻ bí ẩn của chồng mình trưa qua, khi tôi vừa xách cặp về đến nhà. Chàng hiện ra từ sau cánh cửa với một bông hoa Phăng trên tay và một nụ cười nịnh nọt. Tôi hỏi rằng mai đi đâu mà tặng hoa sớm thế. Chàng đáp rằng mai tặng hoa khác đẹp hơn.
Sếp trưởng bước vào. Sếp trưởng sang tuổi ngũ tuần, nguyên là một giáo viên dạy Toán nhưng rất thích thơ phú. Loáng thoáng nghe chuyện chúng tôi vừa nói, sếp cất giọng than:
- Ôi, cả cái thân mình còn chẳng tiếc, tiếc gì mấy nụ hôn? Cứ cộng thêm cho ngày hôm nay đi thì đã sao?
Tôi kết luận, sau khi đã uống chén trà thứ hai:
- Dù các A Đam chỉ đáng tin hai mươi phần trăm thôi, thì các A Đam cũng đáng yêu vô cùng. Ê Va chúng tớ làm sao sống nổi khi thiếu các đằng ấy cơ chứ. Và chúng tớ cám ơn trời đất đã cho một ngày mồng Tám tháng Ba để cho các đằng ấy bày tỏ nỗi lòng. Nhưng này, tham ở nhà, tham ở chùa … cũng vừa vừa thôi, kẻo tổn thọ …
(Hải Yến)