10 tháng 12, 2012

Chuyện những anh lính kỹ sư ngày ấy

Theo lệnh tổng động viên nhập ngũ, ngày 15 tháng 12 năm 1980 chúng tôi tập trung tại Trường. Chín giờ sáng ngày 16, đoàn xe ca chở hơn 300 kỹ sư Bách khoa khóa 20 vừa tốt nghiệp lăn bánh đi về hướng thị xã Sơn Tây. Chúng tôi được phát mỗi người 2 chiếc bánh bao cho suất ăn trưa. Hai tiếng sau chúng tôi tập kết tại sân chùa Mía , Đường Lâm, Ba Vì. Lúc ấy tôi mới biết đây là  vùng đất hai vua (Phùng Hưng và Ngô Quyền) nổi tiếng. Đại diện nhà trường giao quân cho cán bộ  Trung đoàn 826 quân khu Thủ đô rồi lên xe quay về Hà Nội. Vì số quân đông quá,  đơn vị chưa bố trí đủ doanh trại, những ngày đầu chúng tôi được bố trí vào ở trọ nhà dân. Ngày đó, chưa mấy ai biết đến làng cổ Đường Lâm nên ấn tượng để lại trong tôi chỉ là những  ngôi nhà kín cổng cao tường xây bằng đá ong , với những người dân rất thân thiện, mến khách, nhưng tôi không thể nào hiểu nổi họ nói gì, vì giọng nói của họ nghe gần với giọng chim hót hơn là giọng nói của lũ chúng tôi.


Ít ngày sau, chúng tôi được đưa vào trong khu doanh trại ở vùng đồi trọc thuộc xóm Văn Minh, nhưng thực tế thì mọi thứ đều ngược lại với cái tên nó được đặt. Ở đó, kỹ sư bách khoa được hòa trộn vói kỹ sư nông nghiệp, kỹ sư thủy lợi, kỹ sư giao thông…  rồi tổ chức thành tiểu đội, trung đội, đại đội, tiểu đoàn. Tôi được phân về tiểu đội 1 trung đội 3, đại đội 4, tiểu đoàn 2. Cùng tiểu đoàn với tôi có Xuân Hưng về đại đội 3, Kỳ về đại đội 2, Lê Phúc Thắng đại đội 1. Bách, Kiêm Dũng ở tiểu đoàn 1 (lính nghĩa vụ, chưa qua sỹ quan dự bị).

Tuy là lính, nhưng hầu hết chúng tôi đã qua khóa đào tạo sỹ quan dự bị, có số hiệu sỹ quan hẳn hoi, nên  chỉ huy đơn vị cũng nể,  trừ một số ít tên muốn dương oai với chúng tôi. Buổi tối, một hai người đánh ghi ta, cả đại đội ngồi hát nghêu ngao “Văn Minh chốn nơi đây xa vời, anh lại sống bên tôi, cùng chia nhau điếu thuốc, cùng vui ngắm trăng trên đồi…”. Đến lúc này chúng tôi mới thực sự thấu hiểu sự gian khổ của người lính. Doanh trại ngày ấy chưa khang trang như bây giờ, nhà toàn mái tranh vách đất, giường là một dãy sạp kê sát nhau, bộ đội nằm chen cánh nên cũng cảm thấy đỡ lạnh. Nhưng cái đói mới là nỗi sợ kinh khủng nhất. Bữa ăn thường nhật, mỗi mâm sáu người chỉ có một chậu cơm độn mì sợi, một đĩa su hào luộc, một chậu nhỏ đựng nước su hào luộc pha muối và mỗi người được một miếng thịt mỡ thái mỏng đến mức gắp lên có cảm giác gió thổi bay nếu không kẹp chặt đôi đũa. Nhà ăn chính là khoảng  sân đất trước cửa bếp. Người ta dùng chậu sắt tráng men đựng cơm, nhưng có lẽ chậu đã dùng lâu quá nên thủng be bét, anh nào vô ý kéo mạnh một cái là đất từ dưới lại chui lên lẫn vào cơm. Sau khi ra quân, về công tác ở Hà Nội, mỗi khi đi đổ rác tôi lại nghĩ, giá như cái chậu đựng rác nhà mình được dùng đựng cơm cho bộ đội trung đoàn 826 ngày xưa thì tốt biết bao.

Một lần, Tôi và Chung “Rượu lậu” (không biết vì sao hắn đẹp trai thế lại có biệt danh “Rượu lậu’, bây giờ là Tổng Giám đốc nhà máy Nhôm kính Đông Anh), được phân gác ca 10-12 giờ đêm. Chúng tôi mò được mấy củ sắn, nhóm củi nướng kết hợp sưởi luôn. Tên trung úy Tiểu đoàn phó , mà chúng tôi đặt cho biệt danh là “ác ôn”, đi họp trên Trung đoàn về qua phát hiện được,  bắt cả tiểu đội đang ngủ phải dậy họp kiểm điểm giữa đêm khuya, trời rét căm căm. Chúng tôi thành thật nhận khuyết điểm và xin Tiểu đoàn phó cho khất đến sang mai kiểm điểm để tránh ảnh hưởng đến giấc ngủ của toàn đơn vị. Hắn đi rồi, chúng tôi ung dung ngồi chén hết mấy củ sắn nướng, rồi “tưới nước” cho tắt than củi, vét sạch sẽ đổ tít ra xa phi tang dấu vết. Sáng hôm sau, “ác ôn” xuống tập trung toàn đại đội, nói: ca trực đêm qua hai đồng chí vi phạm quân lệnh, đốt lửa sưởi khi gác lại còn lấy trộm sắn về nướng. Hai thằng tôi chối phăng, không có chuyện đó. Anh em trong đơn vị yêu cầu Tiểu đoàn phó đưa ra bằng chứng, hắn ra chỗ chúng tôi thường đứng gác, không có gì ở đó. Mọi người nhao nhao: “vu khống, vu khống” rồi ào về phòng nghỉ không thèm họp nữa. “Ác ôn” cụt hứng, tức nổ ruột mà không làm gì được.

Hôm khác, tiểu đoàn huy động  anh em đi vớt luồng và nứa từ bè trên sông Lô về làm doanh trại. Trời thì rét, anh em yêu cầu cán bộ chỉ huy gương mẫu xuống nước trước. “Ác ôn” vung tay hò hét, nhưng không xuống, thế là tất cả bỏ về kệ cho hắn đứng đấy hò hét. “Ác ôn” báo cáo lên Trung đoàn. Hôm sau, Quân pháp trung đoàn lại xuống họp toàn đại đội để làm rõ sự việc. Cậu Quang, kỹ sư giao thông tố cáo: đồng chí Tiểu đoàn phó dùng súng lục đe dọa chiến sỹ. Cán bộ quân pháp hỏi: đồng chí thấy Tiểu đoàn phó cầm súng thế nào? Quang trả lời: tôi thấy anh ta cho tay vào túi, tôi đoán là rút súng nên chạy luôn, không kịp nhìn thấy súng. Anh em được phen cười bò.

Chủ Nhật được nghỉ tập luyện, nhưng chỉ huy các đại đội bao giờ cũng báo động điểm danh quân số vào tối Thứ Bảy và tối Chủ Nhật để ngăn chặn tình trạng anh em trốn về Hà Nội. Thế là các đại đội phải liên kết với nhau, người đại đội này sang thế chân cho người vắng ở đại đội kia. Ông Xuân Hưng có vài lần phải thế mạng cho tôi. Thường là các đại đội điểm danh đồng thời, Xuân Hưng sang đứng vào vị trí tiểu đội tôi, khi đại đội trưởng đọc đến tên tôi thì hô “có’ thật dõng dạc. Bên đại đội 3 điểm danh, mọi người bảo Hưng ra ngoài, Một lúc sau Hưng về trình diện đại đội trưởng đại đội mình, thế là xong (xem Chuyện như bịa điểm danh cuối tuần của NXH nhé).

Hồi ấy, cô Tuyết chịu khó lên thăm Xuân Hưng lắm, lần nào cô lên chúng tôi cũng sang chơi, còn chứng kiến cả việc cô đo độ dài ngón tay Hưng để về đan găng tay cho chiến sỹ nữa (chắc là đan áo xong rồi). Tuyết ở nhà khách, Xuân Hưng ra chơi đến khuya thì phải về doanh trại ngủ. Tôi không biết ông ấy có về doanh trại ngủ không nhưng sáng ra đã thấy Hưng có mặt ở đơn vị, dáng vẻ vật vờ như dải khoai vậy (đại đội Xuân Hưng ở sườn đồi ngay phía trước đại đội tôi, chỉ cách một khoảng sân).

Tết Tân Dậu (1981), Quân khu Thủ đô bố trí mấy chục cái xe ca đưa các “chiến sỹ kỹ sư” về nghỉ tết, sau tết sẽ lên nhận nhiệm vụ mới. Theo quy định của Tư lệnh quân khu, mọi  người được nghỉ từ ngày 27 tết, đến mồng 4 phải có mặt. Anh em thống nhất ở nhà thêm một tuần.  Ngày 11 tháng giêng chúng tôi lũ lượt lên đơn vị.  Chỉ huy tiểu đoàn phạt, bắt làm bản kiểm điểm mới cho xuất gạo nấu cơm. Thế là ai cũng phải làm kiểm điểm, vì “có thực mới vực được đạo”, rồi phải xếp hàng dài nộp bản kiểm điểm và xảy ra tình trạng cãi nhau ỏm tỏi vì một số anh chen ngang. Không biết  trong đợt kiểm điểm tự phê bình và phê bình theo tinh thần nghị quyết Trung ương 4 khóa XI đang được tiến hành rầm rộ từ Trung ương đến địa phương, có nơi nào còn hiện tượng người ta chen ngang nộp bản kiểm điểm không?

Sắp đến ngày 22 tháng 12, lại nhớ về bạn bè thời còn trong quân ngũ. Những ngày đầu ngang ngạnh thế, mà sau này đều trở thành sỹ quan ưu tú cả. Những người ở lại phục vụ quân đội lâu dài, có người đã lên tới cấp tướng, tư lệnh một binh chủng, còn lại phần nhiều là đại tá. Hầu hết anh em đều được kết nạp đảng trong quân ngũ. Giờ chuẩn bị nhận huy hiệu 30 năm tuổi đảng, tham gia Ban chấp hành Hội cựu chiến binh cơ quan, mới thấy thời gian trong quân ngũ làm cho mình lớn lên nhiều. Đúng là một thời đáng để nhớ./. 
                                                                                                  (NCT-12/2012)



19 nhận xét:

  1. Hoan hô, tuần này các anh sỹ quan cựu học sinh chuyên toán HH72-75 giao ban rôm rả quá!

    Trả lờiXóa
  2. Blog 8e9e10e đúng là một tờ báo mạng đầy trách nhiệm và có uy tín với đọc giả. Xin chân thành cảm ơn ban Biên tập blog: Tổng biên tập NXH, Phó Tổng Biên Tập NCT và Trưởng Ban phóng viên LPT. Chắc các tờ báo mạng khác thèm có một ban biên tập thế này lắm. Blog 8e9e10e muôn năm!

    Trả lờiXóa
  3. Nặc danh11:26 10/12/12

    Tôi vẫn không hiểu sau khi các ông NCT và "Chung rượu lậu" chén sắn nướng xong thì tìm đâu ra nước trên đỉnh đồi giữa đêm ấy để mà "tưới" cho tắt than đi nhỉ? Hay ông NCT bịa?

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Đỉnh đồi thiếu gì giếng nước. Nếu không có nước, lính ăn ở thế nào được

      Xóa
    2. Nặc danh12:05 10/12/12

      Tác giả viết "tưới nước" trong ngoặc kép nhé. Ông Nặc danh 11:26 chắc cũng hiểu ý tác giả mới dùng chữ "tưới" cũng trong ngoặc kép. Đỉnh đồi thiếu gì nước! Đúng quá. Có thế mà không hiểu.

      Xóa
  4. Tôi thấy trong bài "Nhà văn của nhân dân" NCT đã nói đến cô Tuyết, trong bài "Chuyện những anh lính..." cũng lại cô Tuyết đan găng tay cho XH. Đề nghị XH cho mấy thông tin về cô Tuyết đi để lớp chuyên toán HH72-75 còn cảm ơn cô ấy đã có thời chăm sóc, bảo vệ Nhà văn của nhân dân, để hôm nay chúng tôi có một người BẠN LỚN (LPT).

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Ngày xưa có bài ca trù "hồng hồng tuyết tuyết" rất nổi tiếng, các cụ đi hát cô đầu vẫn say mê (hồng hồng tuyết tuyết, mới ngày nào còn chưa biết cái chi chi, mươi lăm năm thấm thoắt đã xa gì, ngoảnh mặt đã đến kỳ tơ liễu...) nói về mối tình trai gái. Nên các cụ vẫn gọi người yêu là Hồng, là Tuyết. Cũng như ngày nay có thời thanh niên gọi tất cả con gái là Lan, các anh đều xưng là Điệp. Cám ơn ông Thành không gọi tên thật, mà đã dùng điển tích để đặt tên chỉ cô bạn ngày xưa của tôi. Có lẽ ông Thành cũng làm văn ra một chút cho có màu lãng mạn thời đại mới.

      Xóa
    2. Nặc danh13:47 10/12/12

      Tại sao ông NXH không dám nhận cô em tên Tuyết nhỉ, tôi nghe các ông nói rất nhiều về chuyện này rồi, ông NCT nói đúng tên thật không hư cấu đâu ông LPT a.

      Xóa
    3. Nhận xét này đã bị quản trị viên blog xóa.

      Xóa
    4. Ông NXH đã nhờ Nguyễn Bảo Sinh trả lời hộ rồi:
      "Suốt đời chỉ yêu một người
      Bệnh ấy còn nặng gấp mười ung thư"
      Bây giờ người ta quan tâm đến giữ gìn sức khỏe lắm. bác sĩ khuyên 6 tháng phải tầm soát ung thư một lần đấy các ông ạ.

      Xóa
    5. Nặc danh21:06 11/12/12

      Không biết anh NXH bây giờ còn nhớ người con gái đã đan găng tay cho anh những ngày rét buốt thủa ấy không nhỉ (cô Hồng hay cô Tuyết gì đó). Hay đó cũng chỉ là hư cấu văn học?

      Xóa
    6. Trời mưa trời nắng triền miên
      Lòng ai chả nhớ người nguyên yêu mình
      Cũng bằng chén cạn rượu tình
      Cám ơn dụng cụ đồ sành để không

      Xóa
    7. Nặc danh09:37 12/12/12

      Chữ "để không" không ổn lắm

      Xóa
  5. Nặc danh14:37 10/12/12

    Tôi có cảm nhận thời gian của các Anh trong quân ngũ là rất vất vả, trên đe dưới búa nhưng quan trọng thời gian này đã giúp các Anh tôi luyện bản lĩnh, phát huy được trí thông minh của HS lớp chuyên toán và kỹ sư trẻ của ĐHBK, sẵn sàng đối phó với cấp trên để bảo vệ chính mình; các Anh thật GIỎI !

    Trả lờiXóa
  6. Mặc Ngạn Ninh21:41 10/12/12

    Tôi thường vào Blog này và đọc các bài viết mỗi ngày(đôi khi đọc lại những bài cũ).Các anh quả là những ngườì học toán giỏi mà văn thơ cũng hay.Với giọng kể chân thực và hài hước, làm cho người đọc luôn bật ra tiếng cười sảng khoái, khi nhớ về một thời... không của riêng ai.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cảm ơn bác đã có lời khen. Tuy là dân chuyên toán nhưng đã được đào tạo ở Đại học bách khoa, nên chuyện văn chương đối với chúng tôi chỉ là chuyện nhỏ. Nếu bác cần làm phim (truyện nhựa, tài liệu, quảng cáo...) thì cứ tìm đến blog này nhé. Lớp này có cả Giám đốc hãng phim, chuyên được Bộ 4T đặt làm phim lãnh tụ đấy ạ. Còn nếu bác thấy có công ty nào cần quảng cáo thì khuyện họ nên quảng cáo ở blog này còn có nhiều người đọc hơn báo giấy. Đó là hành động thiết thực thể hiện tình cảm đổi với blog 8e9e10e đấy bác ạ.

      Xóa
  7. Nặc danh07:43 11/12/12

    Thằng cha tiểu đoàn phó ngày ấy thật là hữu dũng vô mưu. Sao lúc họp với quân pháp, hắn không biết nói với đồng chí Quang và các "chiến sỹ kỹ sư" rằng: súng lục của tôi không thể rút ra khỏi người được và chỉ bắn ra "đạn nước" thôi mà các đồng chí đã bỏ chạy rồi thì làm sao các đồng chí dám đối mặt với quân thù?

    Trả lờiXóa
  8. Nhân các bạn thắc mắc nên tôi có ý kiến sau:
    Thực ra, khi bạn NTC đăng bài này cũng chỉ muốn kể lại những vui, buồn trong thời gian đầu vào quân ngũ. Đoạn nói về NXH đi gặp bạn ở chiêu đãi sở khi về nhìn như dải khoai cũng hơi hư cấu. Tôi biết chắc rằng NXH chỉ đến chơi với mấy người bạn Việt trì quen khi đi thực tập. Lúc đó chúng tôi gọi là: Theo đóm ăn tàn. Còn NXH do người gầy, cao, lòng khòng lại mặc quần áo bùng nhùng nên dật dờ cũng không có gì là lạ. NXH cũng không cần phải thanh minh cô Hồng, cô Tuyết làm gì.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Mà giả sử có cô Hồng, cô Tuyết thì đã sao. Có ai cấm ta yêu đâu? chỉ có điều cần nhớ là : nếu anh bắn vào quá khứ bằng súng lục thì tương lai sẽ bắn anh bằng đại bác! (NCT)

      Xóa

Bạn có thể nhận xét không cần là thành viên, và nên góp ý lành mạnh, trung thực. Chọn nhập vai trong danh sách phía dưới khung nhận xét.