25 tháng 1, 2013

Alan Phan nói về hứng thú làm ăn

Vì đã kêu gọi viết bài về kinh tế, chính trị nên tôi xin coppy bài viết của tiến sỹ Alan Phan để mọi người xem và thảo luận nhé (QH)
HỨNG THÚ LÀM ĂN
Có lẽ các bạn trẻ Việt không hứng thú nhiều đến chuyện làm ăn như chúng ta đã lầm tưởng?
Cuối tuần qua, tôi được mời đến Đại Học Ngân Hàng ở Thủ Đức để tản mạn cùng các bạn sinh viên trẻ về cơ hội khởi nghiệp trong năm Thìn mà nhiều kinh tế gia thế giới dự đoán là năm của biến động và suy thoái. Nhóm tổ chức hội thảo gồm 6 đại học liên đới có tổng cộng 45 ngàn sinh viên. Chỉ khoảng 100 người hiện diện, dù sáng thứ Bảy 19/11 là một ngày đẹp trời. Tôi nhớ buổi nói chuyện, cũng miễn phí và cùng đề tài, ở đại học Fudan, Thượng Hải 10 năm về trước. Có đến hơn 2,000 sinh viên chen nhau trong mưa, ban tổ chức phải dời địa diểm đến nơi lớn hơn.

Máu kinh doanh?

Có lẽ các bạn trẻ Việt không hứng thú nhiều đến chuyện làm ăn như chúng ta đã lầm tưởng? Hay là vì ngày hôm đó, một bạn trẻ giải thích, các sinh viên đều muốn nghỉ ngơi để lấy sức tối nay đi bão. Trận bóng đá với Indonesia để vào chung kết giải SEA games là một chờ đợi từ hai năm nay và rất quan trọng cho niềm tự hào dân tộc. Nhưng dù thế nào, đơn giản đây chỉ là một buổi nói chuyện không lấy gì làm thú vị cho các sinh viên ngành kinh tế và ngân hàng. Hay tại hai diễn giả, tôi và TS. Nguyễn Mạnh Hùng, không đủ kỹ năng và kinh nghiệm?
Trong cái quan sát phiến diện của tôi qua nhiều quốc gia, những dân tộc thích làm ăn thường có mức sống và thu nhâp khả quan hơn các bạn láng giềng. Phi thương bất phú mà? Dĩ nhiên, còn rất nhiều yếu tố khác liên quan và ảnh hưởng, như môi trường văn hóa, cơ chế chánh phủ, thời cơ thuận lợi hay tài nguyên dồi dào. Tuy nhiên, nếu giữ các mẫu số chung khác đồng đều, thì tựu trung, một người Mỹ vẫn thích kinh doanh hơn một người Mexican, người Tàu thích buôn bán hơn người Mã Lai, người Đức thích làm ăn hơn người Tây Ban Nha?
Máu làm quan?
Riêng về chúng ta, một ông Pháp nào đó có câu phê bình là trong mỗi người Việt Nam đều hiện diện một ông quan nhỏ (un petit mandarin). Qua bao thời đại, mộng ước của phần lớn thanh niên Việt là học giỏi để đỗ cao và làm quan. Bài thơ "Trăng Sáng Vườn Chè" là một thể hiện của giấc mơ Việt. Lấy được công chúa để làm phò mã là trúng số độc đắc.
Gần đây, sau khi một số đại gia mua máy bay riêng, biểu diễn siêu xe và cặp kè chân dài, giới doanh nhân mới được để ý và tạo vài ấn tượng đến các bạn trẻ. Tuy nhiên, lấy tiền của bố mẹ để khoe khoang thì vẫn thỏai mái hơn là đầu tư vài chục năm công sức vào một dự án kinh doanh. Lý tưởng tuyệt vời nhất là dùng thế lực "con cháu" để được bổ nhiệm làm quản lý một tập đoàn quốc doanh. Vừa có tiền vừa có quyền.
Con đường vất vả
Trong buổi hội thảo, tôi nói về 6 yếu tố căn bản của mọi thành công bền vững trên thương trường: động lực, sức khỏe, thời gian, hành động, kiến thức và may mắn. Tôi nói thêm về những thất bại sẽ đến, ý chí để tiếp tục giữ lửa, và những sáng tạo liên tục để duy trì lợi thế cạnh tranh. Sau đó, một bạn trẻ phê bình là sao quy trình thành công của chú mệt mỏi quá vậy? Chú chỉ cho cháu "một con đường tắt để đón đầu" đi. Tôi trả lời là nghe nói ở đây, đường tắt cũng vất vả, sao cháu không thử gõ cửa sau của căn nhà cháu muốn đến?
Tôi cũng nói về mặt trái của kinh doanh: những áp lực hàng ngày từ mọi phía, những trách nhiêm với nhân viên, cộng đồng và những chuẩn mực đạo đức để tạo một thương hiệu lâu dài. Đây là những gánh nặng có thể làm suy sụp sức khỏe cá nhân, hạnh phúc gia đình và mục tiêu đời sống. Do đó, tôi hoàn toàn thông cảm với lựa chọn của bạn trẻ về một con đướng an nhàn hơn khi ra trường; việc tốt nhất là chạy chọt được một chỗ trong các công sở nhiều bổng lộc.
Con đường mơ ước
Sau 5 ngàn năm tiến hóa của nhân loại, định luật Darwin không ứng dụng ờ Viêt Nam. Một anh trưởng thôn hay trưởng xã vẫn oai quyền và sống sung túc như thời phong kiến hơn trăm năm trước. Có lẽ vì văn hóa và truyền thống, người dân vẫn phải co rúm như một con sâu khi đối diện với một ông quan, dù là quan làng. Khác với tư duy cùa các dân tộc Âu Mỹ: lương anh chị lấy từ tiền thuế của tôi thì tôi là người chủ, trả lương cho anh chị để được phuc vụ.
Vào năm 2007, tôi có dịp đến Sở Kế Hoạch Thành Phố để ký vào một văn kiện gì đó trong việc xin giấy phép kinh doanh. Buổi trưa trời nóng như thiêu đốt và tôi muốn đi bộ sau bữa ăn no cho tiêu cơm. Chiếc quần ngắn và cái áo thun là một giải pháp hợp lý. Khi đến cổng, hai ông bảo vệ không cho tôi vào. Tôi hỏi lý do và được biết là lối ăn mặc của tôi "tỏ thái độ vô lễ" với các ông công bộc đang ngồi trong phòng lạnh. Sau một biện luận chừng 5 phút, tôi phải rút lui vì phản hồi của hai ông bảo vệ rất logic và vững vàng. Thuyết phục nhất là lời đe dọa sẽ "nhốt tôi" nếu còn cãi bậy.
Thế giới chúng ta
Cũng trong buổi mạn đàm, tôi nói về một chuyến xe buýt buổi sáng ở Copenhagen năm 1966. Tôi đứng cạnh ông Otto, Thủ Tướng Đan Mạch, vì xe đông người không còn chỗ ngồi. Ông ta đang trên đường đi làm hàng ngày và dù chào hỏi nhau thân mật, không hành khách nào có ý định nhường chỗ cho ông quan lớn. Sau khi nghe chuyện, một cô sinh viên nói là cô nghe như chuyện khoa học giả tưởng. Cô hỏi tôi cái thế giới ngoài kia đã vào thế kỷ 21 rồi phải không thầy?
Vì chúng ta còn sống trong quá khứ, tôi hiểu ra là thế hệ "trí thức" tiếp nối của Việt Nam vẫn coi chuyện làm quan là con đường của lựa chọn. Làm doanh nhân vất vả và mất nhiều thời gian quá. Chỉ có một ít anh chị ngu và liều hay nghèo và cô đơn mới đi vào đường này. Tôi ra về, buổi trưa nắng gắt, nhưng ở chân trời, những đám mây đen đã mù mịt. Trời sẽ mưa to chiều nay. Một bài hát xưa cũ bổng vang vọng...
"Lòng trần còn tơ vương khanh tướng, thì đường trần mưa bay gió cuốn...còn nhiều em ơi..."
TS. Alan Phan là Chủ Tịch Quỹ Đầu Tư Viasa tại Hong Kong và Shanghai. Du học Mỹ từ năm 1963, ông đã làm việc tại nhiều công ty đa quốc gia ở Wall Street và phát triển công ty Hartcourt của mình thành một tập đoàn niêm yết trên sàn Mỹ với thị giá hơn 700 triệu dollars. Ông sống và làm việc tại Trung Quốc từ 1999. T/S Phan đã xuất bản 7 cuốn sách bằng Anh và Việt ngữ về kinh tế tài chánh của các quốc gia mới nổi. Ông tốt nghiệp BS tại Penn State (Mỹ), MBA tại American Intercontinental (Mỹ), Ph.D tại Sussex (Anh) và DBA tại Southern Cross (Úc). Email của ông làgocnhinalan@gmail.com và Web site cá nhân là www.gocnhinalan.com.

Theo TS. Alan Phan
VEF

4 nhận xét:

  1. Nặc danh10:47 25/1/13

    Em cũng là một người còn trẻ nhưng em thấy bài viết này không bao trùm hết được về các bạn trẻ. Qua tiếp xúc trong công việc, trong các khóa học kĩ năng em đã được gặp rất rất nhiều bạn sn từ đầu 8x đến đầu 9x,mọi người đều khá năng động, kĩ năng tốt và đầy nhiệt huyết làm việc. Mỗi người chọn lựa công việc mình yêu thích và đam mê nhưng không phải nhất thiết ai cũng thích kinh doanh mới là tốt.

    Trả lờiXóa
  2. Ngài Alan Phan là người nước ngoài,nhưng ông ta đã hiểu khá tường tận về V.N của chúng ta. Tôi hiểu bài viết này chủ yếu là "phê". Phê nhiều vấn đề, trong đó, tôi thích đoạn phê phán về cái sự "đầu tư để làm quan" ở ta . Từ lâu tôi đã thấy rất lạ và phản đôi cái việc xin việc làm, khá nhiều bạn trẻ đã "cố gắng" đẻ lấy một số bằng cấp, chứng chỉ nào đó, rồi lại "cố gắng" xin gia đình 1 khoản tiền (thậm trí cha mẹ phải bán đất, vay lãi) đẻ có được "một chân" trong cơ quan nhà nước với só tiền lương mà phải 10 năm sau chưa chắc đã thu hồi "vốn"?

    Trả lờiXóa
  3. Tôi hiểu những điều ông Alan Phan nói, và có thể nói là hiểu nguyên nhân sâu sa do đâu. Điều này liên quan đến loạt bài viết về Dòng chảy Nho giáo hiện đã đăng 2 kỳ trên báo Nghệ thuật mới. Đã có khá nhiều người phản đối tôi, là chỉ thấy cái xấu của Nho, mà không thấy Nho đã là truyền thống, làm nên văn hóa Việt Nam. Nhưng tất cả các vị ấy đều không biết, nếu không đả phá Nho giáo truyền thống, thì không thể xây dựng con người mới được. Ví dụ, điều mà ông Alan Phan nói, mỗi người Việt tiềm ẩn một ông quan, chạy chức làm quan, hoặc ưa bằng cấp, ưa hình thức, nó ăn vào máu người dân Việt rồi. Không ai hiểu nổi, nó chính là mặt xấu của Nho giáo truyền thống đấy. Ngay cả khi nói về nội dung "tu thân, tề gia" tức là làm cho mình hạnh phúc, gia đình tốt, thì cũng lại ảnh hưởng ở nội dung truyền thống, là tôn ty trật tự, là phụ quyền, áp đặt ý thích người đàn ông chủ gia đình, chứ không đạt đến cái quyền con người cá nhân, và không biết đó chính là cái xấu của truyền thống cũ. Đến đây, chắc các bạn hiểu nền tảng văn hóa liên quan thế nào đến hiện tại (NXH)

    Trả lờiXóa
  4. Ông Alan hiểu khá rõ hiện trạng văn hóa, xã hội, kinh tế Việt Nam. Hãy vào website riêng của ông ấy, thì thấy ông ta cũng rất bức xúc với tình hình tham nhũng, đạo đức xuống cấp ở VN

    Trả lờiXóa

Bạn có thể nhận xét không cần là thành viên, và nên góp ý lành mạnh, trung thực. Chọn nhập vai trong danh sách phía dưới khung nhận xét.